Bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là tình trạng xảy ra khi các dây gân ở khuỷu tay bị tổn thương, thường bị khi lặp đi lặp lại động tác ở tay quá nhiều lần. Để có thể hiểu hơn về bệnh lý và nắm được những cách điều trị cũng như biện pháp phòng ngừa hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là gì?
Bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay còn có tên gọi khác là bệnh khuỷu tay quần vợt. Đây là hội chứng xảy ra vì hoạt động quá sức ở khuỷu tay. Dẫn đến chấn thương tại gân và liên quan đến cơ duỗi của cẳng tay được bám trên lồi cầu ngoài xương cánh tay.
Bệnh còn có tên khác là khuỷu tay quần vợt là vì hầu như người chơi môn thể thao này đều phải dùng nhóm cơ ở cẳng tay. Tuy nhiên thực tế chỉ có 5% người bị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay khi chơi quần vợt. Sự thật là vì tình trạng quá sức do các hoạt động lặp đi lặp lại của tay như là sử dụng máy tính, duỗi thẳng cẳng tay, nâng vật nặng, đều có thể gây ra bệnh.
Do đó, mặc dù vẫn có tên gọi đặc trưng nhưng bệnh cũng có thể gặp trong những môn thể thao khác. Như là bóng chuyền, bóng chày, cầu lông, bơi lội. Hoặc là một số nghề nghiệp có tính chuyển động một bên và lặp lại nhiều lần trong công việc. Như là đánh máy tính, nghề thợ điện, nghề thợ mộc, thợ làm vườn và cũng có thể là người bán thịt.
Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến bệnh này chủ yếu là do chấn thương vì sử dụng hoạt động tay quá tải và căng cơ. Ngoài ra còn do sự co duỗi lặp đi lặp lại nhiều lần của nhóm cơ tay dùng để duỗi thẳng và nâng bàn tay, cổ tay lên cao. Các chuyển động lặp đi lặp lại này và căng cơ đối với mô có thể dẫn đến một loạt các vết rách nhỏ ở gân bám ở lồi cầu phía ngoài xương cánh tay và lâu dần sẽ gây viêm dẫn đến thoái hóa.
Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác cũng có thể làm tăng khả năng mắc bệnh khuỷu tay quần vợt như:
Tuổi: Mặc dù bệnh này có thể mắc phải ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay có khuynh hướng phổ biến là ở người lớn trong độ khoảng từ 30 đến 50.
Nghề nghiệp: Người có nghề nghiệp liên quan đến công việc mà ở đó có hoạt động chuyển động lặp nhiều lần của cổ tay và cánh tay sẽ có nhiều khả năng bị bệnh khuỷu tay hơn. Ví dụ như là thợ sửa ống nước, nghề họa sĩ hay là thợ mộc, người bán thịt và đầu bếp.
Chơi thể thao không đúng cách: Tham gia các loại hình thể thao sử dụng vợt đều có thể làm tăng nguy cơ mắc phải khuỷu tay quần vợt. Đặc biệt là những người chơi có kỹ năng đánh vợt không đúng cách.
Hoạt động của cánh tay lặp đi lặp lại nhiều lần
Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh
Triệu chứng và dấu hiệu nổi bật nhất của bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là đau cánh tay. Cơn đau này có thể cảm nhận được khi sờ vào cơ duỗi có điểm bám là lồi cầu ngoài xương cánh tay. Tiếp đó, cơn đau này có thể lan lên dọc theo cánh tay và lan dọc xuống theo mặt ngoài của cẳng tay. Một số trường hợp hiếm gặp, thậm chí cơn đau còn có thể lan đến các ngón tay thứ ba và thứ tư. Hơn thế nữa, bản thân người bệnh cũng sẽ thấy rằng sức mạnh và sự linh hoạt của cơ duỗi cổ tay cũng như cơ vai sau bị yếu một cách đáng kể.
Có bốn giai đoạn phát triển tổn thương do bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay gây ra và liên quan đến cường độ của triệu chứng:
- Đau cơ sau khi thực hiện những hoạt động kích thích.
- Đau sau vài giờ khi thực hiện những hoạt động kích thích.
- Đau lúc đang thực hiện những hoạt động kích thích và tăng lên sau khi ngừng những hoạt động đó.
- Đau liên tục, hạn chế mọi hoạt động.
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán lâm sàng
- Bị đau ở vùng lồi cầu bám ngoài xương cánh tay, có thể lan rộng xuống cẳng tay và cổ tay. Đau sẽ xuất hiện tự nhiên hoặc là khi hoạt động với một số động tác như duỗi thẳng cổ tay, nâng một vật, mở cửa,...
- Nhấn tại lồi cầu hoặc bên cạnh lồi cầu bám ngoài xương cánh tay sẽ có điểm đau nhói. Đôi khi sẽ thấy sưng nhẹ tại chỗ.
- Cơn đau sẽ xuất hiện hoặc là tăng lên khi cố thực hiện các động tác đối kháng với tư thể duỗi thẳng cổ tay và ngửa bàn tay hoặc nâng vật nặng.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Các xét nghiệm X quang khớp khuỷu tay bình thường.
Siêu âm gân cơ tay bằng đầu dò tần số cao, từ hình ảnh tổn thương ta có thể thấy được kích thước gân tương đối to hơn và giảm đậm độ siêu âm. Ngoài ra sẽ còn phát hiện hiện trạng đứt gân từng phần hoặc là đứt hoàn toàn, lắng đọng các calci trong gân.
Chẩn đoán bệnh bằng hình ảnh mô phỏng
Điều trị bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay
Điều trị bằng thuốc
Bệnh sẽ thường tự giảm khi người bệnh ngừng các hoạt động kích kích. Chính vì thế, chỉ khi người bệnh cảm thấy những cơn đau có cường độ cao thì có thể xem xét sử dụng các loại thuốc giảm đau hay bôi thuốc, miếng dán giảm đau ngay tại chỗ. Và tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định các loại như paracetamol, thuốc aspirin hoặc là các loại thuốc kháng viêm thông thường. Tuy nhiên, người bệnh phải cần cẩn thận, không được tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ định từ các bác sĩ chuyên khoa. Việc lạm dụng thuốc giảm đau có thể dẫn đến những biến chứng như đau là dạ dày, suy gan, suy thận hoặc có thể tăng nguy cơ mắc bệnh bệnh tim mạch,…
Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật
Nếu các triệu chứng đau cơ không được cải thiện thì sau sáu tháng đến 12 tháng phải điều trị phối hợp nhiều phương thức. Nếu còn không khỏi thì cần có chỉ định xem xét phẫu thuật lồi cầu xương cánh tay nhằm loại bỏ các mô bị tổn thương vĩnh viễn. Ca phẫu thuật này sẽ được thực hiện thông qua một vết rạch lớn hoặc nhỏ tùy theo tình trạng. Tuy nhiên, những bài tập phục hồi sau đó là rất quan trọng để người bệnh có thể mau chóng phục hồi.
Điều trị tại nhà
Để giảm các cơn đau, người bệnh phải cần dành thời nghỉ ngơi, hạn chế và tránh những động tác tăng áp lực lên cánh tay như là duỗi mạnh và ngửa cổ tay. Điều này có thể gây đau đớn hoặc làm hiện trạng viêm lồi cầu khuỷu tay trở nặng hơn. Bên cạnh đó, kết hợp việc thực hiện chườm đá lạnh lên vùng tổn thương cũng là một cách giúp giảm cơn đau. Lưu ý, cần hạn chế dùng các loại dầu nóng hoặc thuốc để tự xoa bóp vì nó có nguy cơ gây kéo dài bệnh.
Sử dụng thuốc tiêm corticosteroid
Khi xảy ra tình trạng đau nặng hoặc đau dai dẳng không ngừng, không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau. Người bệnh có thể dùng methylprednisolone acetate hoặc betamethasone 1/2ml để tiêm tại chỗ. Thuốc này chỉ nên tiêm một lần và nếu cần phải tiêm lại thì phải cách ít nhất là 3 tháng. Phương pháp này tuy có hiệu quả tốt nhưng lại không bền vững. Tiêm quá nhiều lần ngược lại có thể gây tổn thương đến chỗ bám của gân và cũng có thể gây ra các biến chứng như: teo da tại vùng tiêm, bị nhiễm trùng, bạch biến,…
Cách điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay
Biện pháp phòng ngừa bệnh
Một số các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh viêm lồi cầu xương cánh tay như:
- Không thực hiện những chuyển động quá sức với tay hoặc vận động các cơ duỗi thẳng quá đột ngột.
- Khi chơi tennis, nên lựa chọn vợt phù hợp với kích thước cũng như sức nắm của tay. Điều chỉnh lực căng của vợt sao cho thích hợp.
- Trước khi chơi thể thao cần phải khởi động kỹ, đặc biệt là không được quên đi nhóm động tác giúp ta giãn cơ vùng khuỷu.
- Tập chơi theo một cách chuyên nghiệp, tuân thủ mọi nguyên tắc cơ bản của mỗi môn thể thao.
- Cần thực hiện đúng những động tác khi tập luyện.
- Cần mang băng bảo vệ tay khi chơi.
- Cần có khoảng thời gian nghỉ giữa giờ nhằm giúp các cơ được nghỉ ngơi, tránh phải hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần.
- Tập luyện động tác các bài tập rèn luyện sức cơ của các nhóm cơ vùng khuỷu tay.
Tập luyện thể thao vốn là điều rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên bạn cần tập đúng cách và có thời gian tập hợp lý để tránh xảy ra tình trạng dẫn đến bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay và những bệnh liên quan khác.
Nếu bạn cảm thấy bản thân đang xảy ra những triệu chứng giống như bài viết trên, trước hết hãy theo dõi tại nhà. Sau đó nếu tình trạng không tiến triển hãy đến trung tâm y tế để các bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị hợp lý cho bạn. Trong số những lựa chọn về cơ sở y tế, bạn có thể chọn bệnh viện Phương Đông. Nơi đây có thể giúp bạn điều trị bệnh hợp lý và thoải mái nhất trong quá trình này. Chúc bạn luôn luôn có một sức khỏe tốt!