Bệnh viêm màng não mủ là gì?
Viêm màng não mủ còn gọi là viêm màng não vi trùng. Đây là tình trạng màng não (màng bọc quanh hệ thần kinh trung ương) bị nhiễm khuẩn gây viêm và sinh mủ. Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn xuất hiện trong khoang dịch não tủy gây nên những tổn thương cho hệ thần kinh. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, người trưởng thành trong độ tuổi từ 16-21 cũng là đối tượng có nguy cơ mắc cao.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây viêm màng não mủ chủ yếu là do vi khuẩn, các tác nhân chủ yếu là chủng Haemophilus influenzae tuýp b, phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) và não mô cầu (Neisseria meningitidis). Ở trẻ sơ sinh, một số loại vi khuẩn khác gây bệnh đó là Escherichia coli, Listeria monocytogenes và B.streptococcus. Các nguyên nhân khác như vi khuẩn và nấm khác thường ít gặp hơn và thường gây bệnh ở những người gặp tình trạng nhiễm khuẩn huyết, suy giảm miễn dịch,...
Viêm màng não mủ do Haemophilus influenzae tuýp b (Hib)
Vi khuẩn Hib có 2 dạng là có vỏ và không vỏ. Đa số các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn này gây nên đều do loại có vỏ chủng huyết thanh B có độc lực cao nhất (H. influenzae B) và có thể tránh sự tiêu diệt của bạch huyết cầu và hệ thống complement ở người chưa có miễn dịch.
Haemophilus influenzae tuýp b thường gây viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh từ 1 tháng đến 36 tháng tuổi chưa được tiêm phòng chủng vi khuẩn này. Vi khuẩn này thường trú ngụ ở mũi họng và thường lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua các giọt bắn và lây lan thành ổ dịch. Não bộ của trẻ sơ sinh giai đoạn này đang còn rất non nớt và chưa hoàn thiện nên khi mắc bệnh viêm màng não mủ sơ sinh thường sẽ dẫn tới những biến chứng rất nặng và tử vong ngay trong những ngày đầu mắc bệnh.
Di chứng viêm màng não mủ ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của bệnh nhân.
Do phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae)
Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn) là nguyên nhân nhân gây viêm màng não mủ rất phổ biến. Tại các nước đã chủng ngừa Haemophilus influenzae tuýp b, tỷ lệ mắc bệnh do phế cầu khuẩn có tỷ lệ khoảng 1-3/1000 người.
Phế cầu khuẩn khu trú trong niêm mạc họng, thường gây bệnh viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi… và có thể tấn công não tủy dẫn tới viêm màng não. Trẻ nhỏ có khả năng bị lây nhiễm từ người thân trong gia đình. Ngoài ra, những người có nguy cơ cao bị viêm màng não mủ đó là bệnh nhân cắt lách, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm xoang, rò rỉ dịch não tủy qua tai hoặc qua mũi, bệnh ghép chống chủ sau ghép tủy xương, người nhiễm HIV.
Viêm màng não mủ do não mô cầu (Neisseria meningitidis)
Não mô cầu Neisseria meningitidis - vi khuẩn gây viêm màng não mủ đa phần gây bệnh ở trẻ 6 - 12 tháng tuổi và thường xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử hình sao. Bệnh có khả năng gây tử vong nhanh trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện nếu trong thể tiến triển tối cấp. Vi khuẩn não mô cầu lây qua đường hô hấp thông qua giọt bắn từ chất tiết của đường hô hấp.
Hình ảnh vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis
Do vi khuẩn E.Coli
E.coli được tìm thấy trong các thực phẩm sống, sữa và thịt, cư trú trong hệ tiêu hoá, thường gây bệnh viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. E.coli gây bệnh có mức độ nặng bởi có khả năng gây nhiễm trùng huyết dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Ngoài trẻ nhỏ, những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, có sức đề kháng yếu hay bị suy giảm miễn dịch cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc bệnh.
Viêm màng não do Listeria monocytogenes
Vi khuẩn Listeria monocytogenes có thể tìm thấy trong các thực phẩm sống, thịt, sữa tương tự như E.coli. Đây là loại vi khuẩn hiếu khí, kháng acid, không có vỏ bọc và không hình thành bào tử. Listeria monocytogenes cư trú trong ruột, lây nhiễm trong quá trình chế biến và sản xuất thực phẩm. Vi khuẩn này gây bệnh viêm màng não ở trẻ (chiếm tới 20% trường hợp) và ở người suy giảm miễn dịch như người cao tuổi trên 60 tuổi, người điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, người bị AIDS.
Vi khuẩn Listeria monocytogenes gây bệnh viêm màng não
Triệu chứng bệnh viêm màng não mủ
Triệu chứng sớm của viêm màng não mủ ở trẻ
Triệu chứng sớm của viêm màng não mủ ở trẻ thường khó nhận biết do dễ bị nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp và ốm thông thường ở trẻ. Tuy nhiên với từng độ tuổi của trẻ, cha mẹ nên nắm được các biểu hiện bệnh để sớm nghi ngờ và kịp thời đưa trẻ đến viện để khám chữa:
Dấu hiệu bệnh ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng tuổi:
Triệu chứng bệnh ở trẻ dưới 3 tháng tuổi không rõ rệt, cụ thể:
- Hội chứng nhiễm khuẩn: Có những trẻ bị sốt, có trẻ không sốt, thậm chí còn bị hạ thân nhiệt.
- Hội chứng màng não: Trẻ khi này bị mệt mỏi, bỏ bú, nôn trớ, thở không đều, có cơn ngưng thở, thóp phồng căng nhẹ tiêu chảy, bụng chướng, co giật, giảm trương lực cơ.
Dấu hiệu bệnh ở trẻ em:
Triệu chứng viêm màng não ở trẻ lớn thường rõ ràng hơn, cụ thể:
- Hội chứng nhiễm khuẩn: Trẻ sốt cao, viêm long đường hô hấp trên, li bì hoặc quấy khóc, bỏ ăn, da tái xanh.
- Hội chứng màng não: Buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hoá, đau đầu, sợ ánh sáng
- Các dấu hiệu thực thể khác: Vạch màng não, gáy cứng, xuất hiện dấu hiệu Kernig, liệt khu trú, co giật, hôn mê, rối loạn tri giác, ban xuất huyết hoại tử hình sao.
Trẻ lớn có biểu hiện bệnh rõ hơn so với trẻ sơ sinh.
Những triệu chứng viêm màng não mủ ở người lớn
Triệu chứng viêm màng não ở người lớn có thể khác nhau tùy theo nguyên nhân, nhưng thường bao gồm các dấu hiệu sau:
- Toàn thân đau nhức, mất cảm giác thèm ăn, sốt cao: Người bệnh có thể cảm thấy đau nhức toàn thân, mất khẩu vị và sốt cao đột ngột trên 38°C do cơ thể phản ứng với nhiễm trùng.
- Đau đầu và đau họng: Cơn đau đầu xuất hiện đột ngột và lan ra toàn bộ đầu, thay vì chỉ tập trung tại một điểm.
- Có dấu hiệu buồn nôn và nôn: Cơn đau đầu nghiêm trọng gây ra cảm giác buồn nôn và nôn, phản ứng tự nhiên của cơ thể trước bệnh tật, đặc biệt phổ biến ở trẻ em.
- Đau chân, khó chịu, buồn ngủ, khó thở: Nhiễm trùng có thể lan đến đường hô hấp và khu vực não chịu trách nhiệm cho sự tỉnh táo, gây ra các triệu chứng này.
- Hiện tượng cứng cổ: Đây là dấu hiệu đặc trưng của viêm màng não, gây ra cơn đau nhói lan từ gốc sọ xuống phần lưng trên khi cổ bị xoay hoặc cúi.
- Sợ ánh sáng: Nhạy cảm với ánh sáng là dấu hiệu phổ biến ở người lớn, do viêm màng não ảnh hưởng đến các quá trình thần kinh.
- Phát ban: Vi khuẩn phát triển trong máu và giải phóng độc tố, làm tổn thương các mạch máu, gây ra các nốt phát ban đỏ, thường bắt đầu như những chấm nhỏ và lan rộng thành các vết đốm.
- Lú lẫn và mê sảng: Viêm màng não mủ gây sưng, tạo áp lực lên não và tủy sống, dẫn đến các vấn đề thần kinh như lú lẫn, mê sảng và có thể gây ra các biến chứng dài hạn như mất thính lực, co giật, suy giảm nhận thức và tràn dịch dưới màng cứng.
Viêm màng não mủ có nguy hiểm không?
Xem thêm:
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh
Những đối tượng có khả năng bị viêm màng não mủ cao đó là:
- Mẹ bị nhiễm trùng ối hoặc sốt trong thời gian mang thai thì thai nhi có khả năng bị bệnh.
- Trẻ sinh non, trẻ bị ngạt sau sinh.
- Trẻ em hoặc người có các tổn thương về não, bị viêm xoang, bệnh về tai.
- Ngoài trẻ em, các đối tượng như người bị nghiện rượu, người già, người bị viêm xoang, viêm tai, viêm phổi chấn thương sọ não, người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, người bị tiểu đường, người già, người nhiễm HIV/AIDS… cũng có nguy cơ cao bị bệnh.
Viêm màng não mủ lây qua đường nào?
Viêm màng não mủ lây qua đường gì? Viêm màng não mủ có thời gian phát triển mạnh nhất và vào mùa hè. Vi khuẩn gây bệnh thường cư trú trong đường hô hấp nên rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch viêm màng não mủ. Con đường lây nhiễm sẽ được phân tích như sau:
Viêm màng não mủ thứ phát
Người bệnh sau khi nhiễm vi khuẩn chúng sẽ khu trú tại niêm mạc vùng hầu họng gây nhiễm trùng đường hô hấp, sau đó xâm nhập vào máu và tấn công vào màng não (đây là con đường phổ biến nhất). Ngoài ra vi khuẩn cũng có thể di chuyển theo các đường kế cận, cạnh màng não từ các ổ nhiễm khuẩn như viêm xoang, viêm xương chũm, viêm xương - tủy xương, viêm mô tế bào hốc mắt hoặc đi trực tiếp vào não thông qua các chấn thương sọ não hoặc nứt sọ não. Ngoài ra một số vị trí xa, hiếm gặp đó là viêm tắc tĩnh mạch, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, đặt catheter lâu ngày…
Viêm màng não mủ nguyên phát
Vi khuẩn gây bệnh thông qua con đường là các vết thương hở như chấn thương, phẫu thuật cột sống, vùng sọ não hay chọc dò dịch não tủy xâm nhập và đi theo dịch não tủy đến tủy sống và màng não. Vi khuẩn khi này nhân lên rất nhanh gây nên các phản ứng viêm rất mạch. Hậu quả chính bạch cầu đa nhân trung tính xâm nhập vào khoang dịch não tủy gây nên hiện tượng sinh mủ.
Biến chứng của bệnh
Hậu quả viêm màng não mủ nghiêm trọng đến mức nào? Viêm màng não mủ là một trong những căn bệnh rất nguy hiểm ở trẻ, kể cả người lớn bởi vị trí xảy ra bệnh và bị tác động nhiều nhất đó chính là hệ thần kinh trung ương. Kể cả điều trị tích cực thì trẻ vẫn có thể gặp phải các biến chứng và di chứng nặng nề như:
- Tổn thương não và các dây thần kinh sọ não.
- Viêm quanh mạch máu não.Viêm tắc tĩnh mạch.
- Áp xe dưới màng cứng.
- Áp xe não.
- Tắc nghẽn dịch não tủy gây não úng thuỷ.
- Bại não.
- Viêm phổi, viêm thận, viêm khớp, xuất huyết phủ tạng.
Các di chứng nghiêm trọng đó là:
- Di chứng về thần kinh vĩnh viễn: Liệt tay chân, câm, điếc, lác mắt, động kinh, sa sút trí tuệ.
- Viêm màng não mủ do Hib ở trẻ có khoảng 45% hồi phục không để lại di chứng, 15-25% suy yếu thần kinh thể nhẹ, 20-40% bị suy yếu thần kinh thể nặng, 10% bị di chứng thần kinh và tàn phế nặng, tỷ lệ tử vong lên đến 15-20%.
Trẻ có thể gặp phải những di chứng theo suốt cuộc đời sau khi mắc bệnh
Biện pháp chẩn đoán
Phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời viêm màng não mủ giúp giảm khả năng bị di chứng và nguy cơ tử vong. Bác sĩ sẽ thăm khám dựa vào các triệu chứng lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và xác định mức độ bệnh.
Chọc dò dịch não tủy
Đây là tiêu chuẩn vàng để xác định và chẩn đoán nguyên nhân. Bác sĩ sẽ tiến hành chọc dịch não khi có nghi ngờ tình trạng nhiễm trùng. Thủ thuật này xâm lấn vô trùng, chọc dịch tại vùng cột sống thắt lưng ngang mức L4- L5 bằng kim chuyên biệt.
Dịch não tủy được đưa đi xét nghiệm sinh hoá và vi sinh, đồng thời khi quan sát bằng mắt thường sẽ thấy dịch có màu đục như nước vo gạo. Khi soi hoặc cấy dịch sẽ kết luận được chủng vi khuẩn gây bệnh.
Các phương pháp chẩn đoán khác
- Công thức máu: Phương pháp xét nghiệm này sẽ giúp đo lường tình trạng bạch cầu tăng cao. Khi bị viêm màng não mủ, tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính có thể tăng trên 80% và ở trẻ nhỏ, trẻ nhũ nhi thì còn xuất hiện tình trạng giảm nồng độ huyết sắc tố.
- Cấy máu và dịch tại các ổ nhiễm trùng như mủ tai, nhọt ngoài da, vết tử ban giúp xác định được chủng vi khuẩn gây bệnh.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan), điện giải đồ, cộng hưởng từ sọ não (MRI), siêu âm qua thóp, xét nghiệm DNT…
Phương pháp điều trị viêm màng não mủ
Nguyên tắc chung trong các tình huống bệnh nhiễm trùng đó chính là càng sớm càng tốt và theo dõi sát tình trạng tiến triển của bệnh để xử lý biến chứng kịp thời. Khi điều trị viêm màng não mủ sẽ tuân thủ theo hai phần chính đó là:
Phác đồ điều trị viêm màng não mủ đặc hiệu
Liệu pháp kháng sinh sẽ được chỉ định gần như ngay lập tức khi xác định nguyên nhân gây bệnh bằng phương pháp chọc dịch não tủy. Trường hợp bệnh nhân chưa thể chọc dịch não tủy thì kháng sinh vẫn sẽ được sử dụng và kê đơn dựa vào tần suất gây bệnh của vi khuẩn. Sau khi đã có kết quả thì kháng sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp theo kháng sinh đồ.
Thời gian điều trị thường kéo dài từ 10 ngày - 3 tuần. Trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm khuẩn nặng, bị hôn mê và có khả năng bị sốc nhiễm khuẩn thì sẽ được đưa vào phòng điều trị tích cực hoặc phòng cấp cứu. Nếu xuất hiện triệu chứng suy hô hấp, bệnh nhân sẽ được hỗ trợ hô hấp bằng máy.
Thời gian điều trị kháng sinh có thể kéo dài từ 10 ngày - 3 tuần và phòng ngừa biến chứng
Điều trị nâng đỡ
Điều trị viêm màng não mủ Bộ y tế bao gồm:
- Đảm bảo thông khí, chống ứ đọng đờm dãi.
- Nếu không ăn được, thức ăn sẽ được truyền qua sonde hoặc dinh dưỡng truyền qua đường tĩnh mạch.
- Hạ sốt bằng thuốc paracetamol, cởi bớt quần áo, lau mát, dùng thuốc an thần nếu có nguy cơ sốt cao gây co giật.
- Cân bằng nước - điện giải.
- Chống phù não.
- Chống loét tì đè do tư thế nằm lâu.
- Tập vật lý trị liệu.
Lưu ý: Với những trường hợp viêm màng não mủ gây biến chứng nặng, đặc biệt là tình trạng áp xe não, các bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phương án phẫu thuật để kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Biện pháp phòng ngừa bệnh
Hiện nay phương pháp phòng bệnh viêm màng não mủ hiệu quả nhất đó chính là tiêm vắc xin viêm màng não mủ. Tại Việt Nam hiện đang lưu hành các loại vắc xin gây bệnh do Haemophilus influenzae, não mô cầu và phế cầu khuẩn. Bạn hãy đến phòng tư vấn tiêm chủng tại bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được các chuyên viên y tế cung cấp thông tin về các loại vắc xin cũng như lịch tiêm phòng sớm nhất cho trẻ từ 2 tháng tuổi.
Tiêm chủng là cách phòng ngừa bệnh viêm màng não do vi khuẩn hiệu quả nhất
Ngoài ra, để giảm thiểu nguy cơ bị bệnh viêm màng não mủ Bộ Y tế khuyến cáo cha mẹ và người chăm sóc trẻ hãy thực hiện các khuyến nghị sau đây:
- Điều trị sớm và dứt điểm các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai - mũi - họng ở trẻ.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, cho trẻ rửa tay với xà phòng diệt khuẩn.
- Dọn dẹp nơi ở thoáng mát, sạch sẽ.
- Vệ sinh tai mũi họng hàng ngày.
- Không cho trẻ ăn thức ăn sống hay các đồ ăn đóng hộp, không rõ nguồn gốc.
- Thời gian ủ bệnh có thể lên tới 10 ngày, do đó những người phơi nhiễm có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ và dự phòng với Rifampicin theo liều chỉ định, thực hiện cách ly và theo dõi tình trạng sức khỏe.
Viêm màng não mủ có mức độ nguy hiểm với khả năng biến chứng và để lại di chứng rất cao. Do đó cha mẹ hãy thực hiện tiêm chủng cho trẻ đúng thời gian khuyến cáo, đồng thời nếu trẻ có những biểu hiện sớm của bệnh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt.
Bấm số hotline 1900 1806 của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để đặt lịch tiêm viêm màng não cho trẻ nhà bạn ngay nhé!