Triệu chứng viêm màng não ở trẻ em - Nguyên nhân và cách điều trị

Nhật Mai

28-01-2023

goole news
16

Trên thực tế, các dấu hiệu của viêm màng não ở trẻ em rất khó để nhận biết nhưng nếu chậm trễ trong việc chữa trị sẽ dẫn đến nhiều di chứng nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong. Trong bài viết này, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ chia sẻ đến các bậc phụ huynh những thông tin hữu ích về bệnh viêm màng não ở trẻ ngay sau đây.

Bệnh viêm màng não ở trẻ em là gì?

Bệnh viêm màng não ở trẻ em là một dạng nhiễm trùng ở lớp màng não bao quanh não bộ và tuỷ sống trong cơ thể chúng ta. Căn bệnh này gây ra tỷ lệ tử vong rất cao nếu như chúng ta không phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời. Có một số trường hợp may mắn phát hiện điều trị và cứu sống vẫn gặp phải các di chứng về thần kinh và thẩm mỹ về sau này.

Màng não có vai trò bảo vệ hệ thần kinh trung ương với cấu tạo gồm 3 lớp:

  • Màng cứng
  • Màng nhện
  • Màng mềm

Cơ chế gây bệnh là vi khuẩn, virus tấn công vào khoang dịch não tủy, gây nên tổn thương hệ thần kinh, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 600 ca mắc viêm màng não, thời gian phát triển bệnh và nguy cơ lây nhiễm cao nhất từ tháng 5-10. Đây là căn bệnh có khả năng lây nhiễm cao với tỷ lệ tử vong lên đến 8-15%.

Viêm màng não ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng tại các lớp màng bao bọc não và tủy sống

Viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng tại các lớp màng bao bọc não và tủy sống

Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não trẻ em

Theo thống kê, nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm màng não là do virus, ngoài ra vi khuẩn, nấm và các bệnh lý khác cũng là tác nhân khác gây ra bệnh.

Viêm màng não do nhiễm virus

Nhóm virus gây bệnh viêm màng não ở trẻ em thường là nhóm enterovirus, có thể kể đến coxsackie - là loại virus đường ruột gây bệnh tay chân miệng, thường lây qua đường miệng, phân. Ngoài ra các chủng virus khác như herpes simplex virus, virus quai bị, virus cúm,... cũng được cho là có liên quan đến căn bệnh này. Viêm màng não gây nên bởi virus được đánh giá là nhẹ hơn và ít để lại biến chứng như bệnh do vi khuẩn.

Viêm màng não do HIB (Haemophilus influenzae tuýp B)

Viêm màng não gây nên bởi vi khuẩn HIB thường xảy ra ở những trẻ không được tiêm vắc xin phòng bệnh. Loại vi khuẩn này được xem là nguyên nhân chính gây bệnh ở những trẻ trong độ tuổi từ 1-3. Viêm màng não trẻ dưới 3 tuổi lây truyền qua đường hô hấp (ho, hắt hơi). Thời gian ủ bệnh dưới 10 ngày và có nguy cơ gây tử vong cao trong những ngày đầu mắc bệnh.

HIB là nguyên nhân gây viêm màng não phổ biến ở trẻ 1-3 tuổi

HIB là nguyên nhân gây viêm màng não phổ biến ở trẻ 1-3 tuổi

Viêm màng não do não mô cầu (Neisseria meningitidis)

Viêm màng não mô cầu thường xảy ra vào mùa đông và mùa xuân, dễ bùng phát thành dịch và có thể gây nên nhiều bệnh ở các cơ quan khác như hô hấp, mắt, hệ thần kinh, màng tim, khớp, máu, tiết niệu, sinh dục,... đặc biệt là viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh là nhiễm trùng huyết. Trong đó, biến chứng nhiễm trùng huyết tối cấp của bệnh viêm màng não trẻ em sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong cao kể cả khi trẻ được điều trị tích cực.

Viêm màng não do phế cầu (Streptococcus pneumoniae)

Viêm màng não vi khuẩn ở trẻ em gây nên bởi vi khuẩn phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xoang, vết thương sọ não,...

Hiện nay phương pháp cách điều trị viêm màng não ở trẻ em bằng kháng sinh không còn đem lại hiệu quả nên nếu trẻ bị nhiễm khuẩn phế cầu gây viêm màng não sẽ rất nguy hiểm. Biểu hiện viêm màng não ở trẻ em đó bé có thể sốt lên đến 40 độ C, kèm đau mỏi cơ khớp, nhức đầu… Nếu bị nhiễm khuẩn máu thì sẽ bị tụt huyết áp, truỵ tim mạch, sốt cao, tiểu ít, sốc…

Viêm màng não do vi khuẩn Listeria monocytogenes

Đây cũng là một tác nhân có thể gây nên bệnh viêm màng não ở trẻ em, kể cả thai nhi. Listeria monocytogenes được tìm thấy trong các loại thực phẩm được chế biến sẵn như xúc xích, phô mai không được vệ sinh và tiệt trùng. Loại vi khuẩn này có thể gây nên tử vong thai nhi trong giai đoạn cuối của thai kỳ nhờ khả năng có thể vượt qua nhau thai khi mẹ bị nhiễm khuẩn.

Listeria monocytogenes có khả năng gây viêm màng não cho thai nhi

Listeria monocytogenes có khả năng gây viêm màng não cho thai nhi

Nấm

Nấm là tác nhân gây viêm màng não với các triệu chứng kéo dài và không có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Loại nấm gây bệnh thường gặp nhất là Cryptococcus được tìm thấy ở những trẻ có hệ miễn dịch bị suy yếu, đặc biệt là những người bị HIV/AIDS.

Do nguyên nhân khác

Viêm màng não ở trẻ em còn có thể gây nên bởi các nguyên nhân như nhiễm ký sinh trùng, di ứng thuốc, mắc bệnh lý như ung thư, u hạt,...

Triệu chứng viêm màng nào ở trẻ

Viêm màng não phát triển theo mức độ và biểu hiện của viêm màng não ở trẻ theo từng độ tuổi cụ thể như sau:

Dấu hiệu viêm màng não ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi

Viêm màng não ở trẻ sơ sinh thường có các dấu hiệu ban đầu không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý nhiễm trùng khác. Một số trường hợp trẻ còn không có biểu hiện sốt nên thường dễ bị bỏ qua.

  • Trẻ bị sốt viêm màng não ở trẻ sơ sinh lên tới 39-40 độ.
  • Trẻ khóc liên tục không rõ nguyên do.
  • Cáu gắt, khó chịu.
  • Uể oải, lờ đờ, buồn ngủ và ngủ nhiều hơn.
  • Phản ứng chậm chạp, không muốn cử động, chơi đùa.
  • Bỏ bú, không muốn ăn.
  • Vùng thóp trên đầu phình to.

Trẻ sơ sinh bị viêm màng não rất khó phát hiện thông qua triệu chứng

Trẻ sơ sinh bị viêm màng não rất khó phát hiện thông qua triệu chứng

Biểu hiện bệnh ở trẻ lớn

  • Sốt cao đột ngột.
  • Đầu đau dữ dội.
  • Lơ mơ, li bì.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Không tập trung.
  • Phát ban dạng giống các nốt phỏng, lan rộng chủ yếu ở các vùng hông, nách, hay quanh các gối, khớp khuỷu, cổ chân (khi nhiễm vi khuẩn mô cầu)
  • Co giật.
  • Cứng cổ: Đây là dấu hiệu muộn thể hiện tình trạng màng não đang bị tác động nghiêm trọng. Biểu hiện co cứng cơ này nhằm mục đích ngăn cản việc gập cổ chủ động hoặc thụ động ở trẻ.

Một số dấu hiệu trẻ bị viêm màng não có thể gặp đó là:

  • Xuất hiện dấu hiệu Kernig: Còn được gọi là “dấu hiệu màng não” được ứng dụng trong huyết thanh thần kinh nhằm phát hiện bệnh lý tại màng não. Bệnh nhân không thể mở rộng hoàn toàn hai chân của mình trong tư thế ngồi hoặc không thể gập hai chân qua xương chậu trong tư thế nằm.
  • Xuất hiện dấu hiệu Brudzinski: Bệnh nhân không thể mở rộng hai đầu gối khi gập đùi ở vị trí ngang hông góc 90 độ.
  • Khó khăn khi chạm vùng trán/cằm vào đầu gối.
  • Khó khăn khi chạm cằm (miệng khép) vào ngực.

Cha mẹ nên lưu ý rằng các triệu chứng viêm màng não ở trẻ em này có thể không xảy ra đồng thời. Bên cạnh đó cũng không phải mọi trẻ khi bị bệnh đều sẽ gặp các biểu hiện này. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và thời gian phát hiện, điều trị mà trẻ có thể sẽ gặp phải các biến chứng nặng hơn, kéo dài các tổn thương ảnh hưởng đến tương lai của trẻ hoặc dẫn tới tử vong trong thời gian ngắn.

Đối tượng nào dễ bị mắc viêm màng não?

Trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh trong thời điểm vi khuẩn gây viêm màng não lây lan theo từng chủng như đã nói. Ngoài ra trẻ không được tiêm phòng hoặc có miễn dịch yếu cũng dễ bị nhiễm bệnh từ các trẻ khác.

Biến chứng của viêm màng não

Khả năng xảy ra biến chứng của bệnh viêm màng não là rất cao với những ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ, hệ thần kinh và các cơ quan khác trong cơ thể. Nếu phát hiện muộn, trẻ sẽ phải đối mặt với các nguy cơ như:

Các biến chứng sớm

  • Tăng áp lực nội sọ.
  • Sốc do nhiễm khuẩn.
  • Rối loạn hô hấp, tuần hoàn dẫn đến hôn mê sâu.
  • Liệt tạm thời hoặc có thể vĩnh viễn.
  • Áp xe não.
  • Tràn dịch dưới màng cứng.
  • Dày dính màng não.
  • Tắc mạch não.

Hậu quả của bệnh viêm màng não ở trẻ em lâu dài

  • Tổn thương não vĩnh viễn.
  • Suy giảm trí nhớ, tư duy kém, chậm phát triển trí tuệ.
  • Điếc (nguy cơ điếc 10-15%).
  • Suy thận.
  • Gặp khó khăn khi vận động.
  • Não úng thuỷ (khớp sọ giãn, vòng đầu to).
  • Động kinh.
  • Tử vong.

Trẻ bị viêm màng não có thể gặp phải rất nhiều biến chứng về lâu dài nếu không được điều trị kịp thời

Trẻ bị viêm màng não có thể gặp phải rất nhiều biến chứng về lâu dài nếu không được điều trị kịp thời

Biện pháp chẩn đoán bệnh viêm màng não ở trẻ nhỏ

Bước đầu tiên bác sĩ sẽ khám thông qua các triệu chứng lâm sàng và sau đó sẽ chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra kết luận trẻ có bị mắc viêm màng não hay không và nguyên nhân là gì. Các xét nghiệm bệnh viêm màng não ở trẻ đó là:

  • Chọc dịch não tủy: Đây được xem là một tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm màng não. Bác sĩ sẽ thực hiện lấy dịch não trong ống tủy sống để xét nghiệm giúp đánh giá tình trạng viêm, loại viêm, tác nhân gây bệnh và sự nhạy cảm của tác nhân là vi khuẩn với kháng sinh điều trị.
  • Xét nghiệm máu: Có vai trò xác định trong máu có sự tồn tại của vi sinh vật gây bệnh hay không, đồng thời đánh giá mức độ nhiễm trùng của bệnh nhân. Nếu có nghi ngờ bị nhiễm khuẩn huyết sẽ thực hiện cấy máu.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)/ Cộng hưởng từ sọ não (MRI)/ Chụp X-quang: Giúp chẩn đoán phân biệt nếu bệnh gây nên bởi các nguyên nhân khác nhau hoặc nghi ngờ biến chứng đã xảy ra như tăng áp lực nội sọ, co giật, mất ý thức, thần kinh khu trú, phù gai thị, suy giảm hệ miễn dịch, nhiễm HIV.
  • Siêu âm xuyên thóp: Thực hiện ở những trẻ còn thóp chưa liền sọ. Phương pháp này giúp loại trừ tác nhân khác như u não, xuất huyết màng não và theo dõi biến chứng của bệnh như giãn não thất, áp xe, tràn dịch dưới màng cứng…

Chẩn đoán viêm màng não giúp tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh

Chẩn đoán viêm màng não giúp tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh

Phương pháp điều trị viêm màng não ở trẻ em

Viêm màng não ở trẻ em có chữa được không là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Hiện nay y tế phát triển cùng với nhiều trang thiết bị tiên tiến, hiện đại nên bệnh viêm màng não ở trẻ em có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp chuẩn bộ y tế với tình trạng bệnh của trẻ. Tuy nhiên vẫn có nguy cơ tử vong ở ngưỡng vẫn cao. Con số lên tới gần 10% trong 24 – 48 giờ kể từ khi bệnh nhân đặc biệt là ở trẻ em khi bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của bệnh.

Trước khi chỉ định phương pháp điều trị, bác sĩ sẽ xem xét kỹ nguyên nhân gây bệnh, mức độ bệnh hiện tại và các yếu tố khác như bệnh nền, đã xảy ra biến chứng hay chưa. Việc điều trị viêm màng não ở trẻ em sẽ dựa trên những nguyên tắc sau đây:

  • Tập trung điều trị nguyên nhân: Thông qua xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus hay nấm. Với tác nhân là vi khuẩn thì sử dụng thuốc kháng sinh là bắt buộc, tuy nhiên với bệnh viêm màng não nguyên nhân gây ra bởi virus thì kháng sinh sẽ không có tác dụng. Trong những ngày đầu điều trị đang chờ đợi kết quả xét nghiệm, trẻ sẽ được dùng kháng sinh phổ rộng, sau đó sẽ điều chỉnh loại kháng sinh đặc hiệu sau khi đã xác định được chủng vi khuẩn gây bệnh.
  • Điều trị viêm màng não sẽ tập trung điều trị triệu chứng và hỗ trợ đề kháng để cơ thể tự sinh kháng thể chống lại virus. Trường hợp viêm màng não gây nên bởi virus herpes thì thuốc kháng virus sẽ được chỉ định để điều trị bệnh.
    Viêm màng não ở trẻ em gây ra bởi nấm sẽ được điều trị bằng thuốc kháng nấm, một số trường hợp khác sẽ được kết hợp thuốc kháng nấm với kháng sinh để ngăn ngừa lao màng não, tuy nhiên loại thuốc này gây nhiều tác dụng phụ nên sẽ được bác sĩ cân nhắc khi kê đơn.
  • Viêm màng não do các nguyên nhân khác: Đa phần trẻ bị bệnh trong trường hợp này sẽ tự khỏi mà không cần điều trị, thế nhưng phụ huynh không nên chủ quan bởi bác sĩ có thể sẽ kê các loại thuốc có chứa corticosteroid để kiểm soát khả năng nhiễm trùng. Bệnh nếu gây ra bởi các bệnh lý thì việc điều trị sẽ được tập trung vào việc xử lý bệnh lý này trước.
  • Dùng thuốc chống phù não để giảm phù nề mô, giảm áp lực nội sọ và áp lực trong hệ thống dịch não tủy.
  • Điều trị viêm màng não mủ ở trẻ em dùng thuốc corticosteroid (Dexamethasone) sớm, dùng trong 3-4 ngày để chống viêm và phòng ngừa biến chứng, đặc biệt là mất thính giác (điếc).
  • Điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ sốt, chống nôn bằng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Cân bằng nước và điện giải, bổ sung đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước.
  • Có thể dùng thêm thuốc để giảm sưng viêm trong não, chống co giật khi xuất hiện các cơn động kinh.

Điều trị viêm màng não trẻ tập trung xử lý nguyên nhân trước

Điều trị viêm màng não trẻ tập trung xử lý nguyên nhân trước

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm màng não ở trẻ em

Để phòng ngừa căn bệnh viêm màng não nguy hiểm ở trẻ, cha mẹ và người chăm sóc trẻ nên thực hiện các biện pháp sau:

  • Thường xuyên cho trẻ rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi từ nhà trẻ, bên ngoài về nhà.
  • Dùng giấy che miệng cho trẻ khi trẻ hoặc người chăm sóc trẻ bị ho, hắt hơi.
  • Cho trẻ ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ để giữ sức khỏe tốt nhất.
  • Cho trẻ vận động và rèn luyện thể dục thường xuyên.
  • Thai phụ nên tránh ăn các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, pate, lạp xưởng không đảm bảo và chưa qua tiệt trùng.
  • Cho trẻ tiêm đủ các mũi vắc xin. Hiện nay viêm màng não mủ do vi khuẩn các chủng đều đã có vắc xin ngừa bệnh gồm vacxin viêm màng não mủ do Hib (Haemophilus influenzae loại B – Hib), vacxin viêm màng não mô cầu, vacxin phế cầu khuẩn (PCV13), Pneumococcal polysaccharide (PPSV23), …

Tiêm vắc xin ngừa bệnh là biện pháp phòng bệnh viêm màng não hiệu quả nhất

Tiêm vắc xin ngừa bệnh là biện pháp phòng bệnh viêm màng não hiệu quả nhất

Tiêm chủng ngừa viêm màng não ở đâu?

Bệnh viêm màng não trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xảy ra ở trẻ có diễn tiến nhanh và xu hướng nặng nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Viêm màng não là một căn bệnh nguy hiểm với những biến chứng vô cùng nghiêm trọng. Bạn sẽ không biết liệu con mình có bị lây nhiễm bệnh từ nguồn nào hay không, do đó việc phòng ngừa bằng tiêm chủng và các biện pháp nâng cao sức khỏe cần được thực hiện đầy đủ.

Để được tư vấn tiêm chủng chi tiết các loại bệnh thường gặp, trong đó có cả viêm màng não, phụ huynh hãy cho trẻ đến phòng tư vấn và tiêm chủng vắc xin tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông. Bạn sẽ hoàn toàn yên tâm về chi phí điều trị viêm màng não trẻ sơ sinh hợp lý và tiêm vaccin phòng ngừa để mang lại hiệu quả phòng bệnh tối ưu.

Viêm màng não ở trẻ em là một tình trạng nhiễm trùng tổ chức thần kinh trung ương nguy hiểm với các biến chứng nặng nề và kéo dài, ảnh hưởng tới tương lai của trẻ. Do đó cha mẹ hãy dự phòng sớm cho con, đồng thời có những biểu hiện bất thường của sức khỏe và trong sinh hoạt, cần cho trẻ đi khám để kiểm tra để thực hiện chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Liên hệ đến hotline 1900 1806 để đặt lịch tiêm chủng cho trẻ ngay bây giờ nhé!

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
2,530

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám