Viêm phổi thuỳ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh

Thu Hiền

24-01-2024

goole news
16

Viêm phổi gồm viêm phổi thùy và phế quản phế viêm. Nếu so sánh viêm phổi thùy và phế quản phế viêm thì viêm phổi thuỳ thường triệu chứng và diễn biến nhẹ hơn so với bệnh phế quản phế viêm. Vậy hãy cùng tìm hiểu kĩ về bệnh này trong bài viết sau nhé.

Viêm phổi thùy là gì?

Viêm phổi thuỳ là tình trạng tổn thương nhu mô phổi do viêm nhiễm gây nên, bao gồm phế nang, ống phế nang, túi phế nang, tổ chức mô liên kết và tiểu phế quản tận cùng. 

Viêm phổi thùy khi chụp x-quangViêm phổi thùy khi chụp x-quang

Phân biệt viêm phổi thùy và viêm phổi do vi khuẩn khác gì nhau?

Để phân biệt được giữa viêm phổi thùy và viêm phổi do vi khuẩn khác gây nên thì cần biết:

  • Bệnh viêm phổi thùy, vi khuẩn đã ảnh hưởng đến các thùy. 
  • Với bệnh viêm phổi phổi sẽ bị ảnh hưởng trong các mảng xung quanh phế quản hoặc tiểu phế quản, không chỉ ở các thùy cụ thể mà ảnh hưởng đến toàn bộ phổi.

Các triệu chứng viêm phổi thùy

Bệnh xuất hiện đột ngột với các triệu chứng như:

  • Sốt cao 39- 40 độ C, rét run, mạch đập nhanh, mặt đỏ. Sau vài giờ, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, vã mồ hôi, thở nhanh, môi tím, có thể rơi vào trạng thái hôn mê, bất tỉnh. 
  • Người bệnh sẽ cảm thấy đau ngực. Đây là triệu chứng điển hình, đau phần bị tổn thương, cơn đau tăng lên khi bệnh nhân nằm nghiêng về bên phía vùng tổn thương.
  • Lúc đầu, bệnh nhân sẽ ho khan, sau đó là ho nhẹ, ho có đờm đặc màu gỉ sắt và ho nhiều thành từng cơn
  • Đường tiêu hoá cũng sẽ gặp vấn đề, gây buồn nôn, chướng bụng, đau bụng
  • Chụp x quang viêm phổi thùy sẽ cho thấy ở một thùy hay một phân thùy phổi có một đám mờ hình tam giác, đỉnh quay vào trong phía rốn phổi, đáy quay ra ngoài.
  • Kết quả xét nghiệm máu sẽ cho thấy số lượng bạch cầu và bạch cầu trung tính tăng.
  • Cấy đờm xác định vi khuẩn thường là phế cầu khuẩn gây ra.

Khi có những biểu hiện rõ ràng như trên người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.

Tiến triển của bệnh viêm phổi thùy như thế nào?

Bệnh viêm phổi thuỳ có diễn biến bệnh nhẹ hơn và nhanh phục hồi hơn so với bệnh viêm phổi. Tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị, sau một tuần phát bệnh, các triệu chứng như sốt, ho, đau ngực sẽ có hiện tượng thuyên giảm, khiến người bệnh tưởng rằng mình đã ổn. Nhưng khi đi khám phổi thì các triệu chứng thực thể vẫn còn và tổn thương phổi trên phim X- quang cũng còn tồn tại sau vài tuần. 

Ai dễ mắc viêm phổi thuỳ?

Đối tượng dễ mắc bệnh viêm phổi thuỳ là trẻ em, người già, những người bị các bệnh mạn tính, hệ miễn dịch bị giảm, người nghiện rượu, suy dinh dưỡng hoặc những người có tiền sử bị bệnh phổi như giãn phế quản, viêm phế quản mạn tính, hen phế quản,… 

Trong đó viêm phổi thuỳ ở trẻ em là chiếm phần lớn. Viêm phổi thùy có lây không? Câu trả lời là bệnh này rất dễ lây lan. Những nơi có thể trở thành ổ dịch là nhà trẻ, trường học,..

Nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây bệnh 

Nguyên nhân gây viêm phổi thuỳ

  • Vi khuẩn: vi khuẩn phế cầu khuẩn hoặc một số loại vi khuẩn khác có thể gây bệnh như liên cầu, hemophilus influenzae, tụ cầu
  • Virus: Cúm, ho gà, sởi,...
  • Các loại ký sinh trùng gây bệnh

Yếu tố thuận lợi gây viêm phổi thuỳ

  • Giao mùa, thời tiết thay đổi, bệnh xảy ra nhiều nhất là vào mùa đông
  • Người cơ thể yếu, hệ miễn dịch suy giảm, trẻ em, người già
  • Người nghiện rượu, thuốc lá vì ảnh hưởng đến phổi
  • Người bị biến dạng lồng ngực như vẹo cột sống, gù
  • Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, hen phế quản.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm mũi họng, viêm amidan
  • Người bệnh phải nằm lâu, điều trị bệnh dài ngày.

Những nguyên nhân gây bệnh Những nguyên nhân gây bệnh 

Chẩn đoán viêm phổi thùy

Bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm phổi thùy bằng cách xem xét các biểu hiện bệnh và tiền sử sức khỏe của bệnh nhân, thông qua các xét nghiệm, chụp X-quang, CT phổi,.. Đây là những phương pháp phổ biến, dễ dàng thực hiện với chi phí thấp cho nhiều đối tượng bệnh nhân.

Biến chứng viêm phổi thùy

Khi bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi thuỳ mà không điều trị sớm thì có thể bệnh sẽ phát triển lan rộng. Khi một hoặc nhiều thuỳ trong số năm thùy phổi bị tắc nghẽn do nhiễm trùng, thì mô phổi sẽ không thể vận chuyển oxy và các loại khí khác vào và ra khỏi máu. Các biến chứng viêm phổi thuỳ nghiêm trọng có thể xuất hiện như: xơ phổi, áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, phá hủy nhu mô phổi, viêm màng não…

Viêm phổi thùy khi nào cần đi khám bác sĩ?

Không có quá nhiều sự khác biệt giữa cảm lạnh thông thường và các bệnh về đường hô hấp hoăc viêm phổi thuỳ giai đoạn đầu. Triệu chứng chung sẽ là gây ho cho người bệnh, tuy nhiên nếu cơn ho của bạn kéo dài và trầm trọng hơn kể cả khi đã dùng thuốc thì bạn nên đi khám bác sĩ.  Viêm phổi thùy điều trị bao lâu? Nếu phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh sẽ thuyên giảm và khỏi sau 7-10 ngày.

Trường hợp nếu người bệnh lớn tuổi, hệ thống miễn dịch kém hoặc vừa trải qua phẫu thuật hay có tiền sử bệnh phổi thì cần đến bác sĩ ngay lập tức khi vừa xuất hiện các triệu chứng của viêm phổi thuỳ. 

Viêm phổi thùy khi nào cần đi khám bác sĩViêm phổi thùy khi nào cần đi khám bác sĩ

Điều trị viêm phổi thùy ra sao 

Với bệnh viêm phổi thuỳ, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị cụ thể:

  • Điều trị bằng thuốc kháng sinh theo phác đồ kháng sinh. Các loại kháng sinh thường dùng để điều trị bệnh như: clavulanic( augmentin), amoxicillin, amoxicillin + acid, kháng sinh cephalosporin thế hệ 2, 3, penicillin, kháng sinh nhóm quinolon…
  • Bổ sung nước và điện giải bằng đường uống oresol hay bằng dung dịch nacl 0.9% qua đường tĩnh mạch.
  • Điều trị các biểu hiện bệnh kèm theo. Ví dụ như đau ngực và sốt cao thì sẽ dùng paracetamol 10-15mg/kg cân nặng. Nếu đau ngực nhiều thì dùng thuốc chống viêm giảm đau nhóm Nsaid. Nếu bệnh nhân sốt dưới 38,5 độ thì chườm ấm vùng bẹn, nách.
  • Nếu bệnh nhân bị nặng, môi tím tái, hay khó thở, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ... thì bác sĩ sẽ cho thở oxy, sử dụng kháng sinh liều cao và dùng thuốc vận mạch như dobutamin, dopamin khi cần thiết.

Hiện nay, điều trị viêm phổi thùy bằng kháng sinh tương đối hiệu quả, tuy nhiên, bệnh nhân cần được phát hiện và nhận biết các dấu hiệu của bệnh sớm để có thể điều trị được tốt nhất.

Cách phòng tránh viêm phổi thùy

Nguyên nhân chính gây bệnh viêm phổi thuỳ là do vi khuẩn. Vì vậy để phòng tránh bệnh, đầu tiên cần lưu ý những điều sau:

  • Loại bỏ các ổ nhiễm khuẩn ở vùng tai mũi họng
  • Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống để hạn chế vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
  • Tập thể dục để nâng cao thể trạng, tránh nhiễm bệnh.
  • Nói không với rượu bia, các chất có hại như thuốc lá, thuốc lào, các chất kích thích…
  • Giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng cổ, ngực trong thời điểm giao mùa, nhất là mùa đông
  • Tiêm vacxin đầy đủ để phòng ngừa các loại virus, phế cầu khuẩn…

Kết luận

Bệnh viêm phổi thùy đã có phương pháp điều trị bằng kháng sinh rất hiệu quả, tuy nhiên nếu để bệnh ủ lâu mà không chữa trị thì sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Cần chủ động theo dõi sức khoẻ để nhận biết các dấu hiệu, phát hiện sớm bệnh và kịp thời điều trị.

Mọi ý kiến thắc mắc, quý khách hàng vui lòng thông tin tại phần Đặt lịch khám hoặc bấm máy gọi tới Hotline 1900 1806 để Bệnh viện Phương Đông kịp thời giải đáp, hỗ trợ.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,262

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám