Bàn chân phẳng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Doan Nguyen

27-07-2023

goole news
16

Hội chứng bàn chân phẳng là một dị tật đặc trưng bởi triệu chứng vòm bàn chân tiếp xúc hoàn toàn với mắt đất khi đứng thẳng. Bệnh lý này nếu không được can thiệp điều trị kịp thời có thể làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề tại mắt cá chân, đầu gối hoặc gót chân.

Tổng quan về hội chứng bàn chân phẳng

Trong điều kiện bình thường, vòm bàn chân của con người luôn có một khoảng trống nhỏ khi đứng thẳng, cũng vì lý do này mà bàn chân thường được nâng cao hơn một chút. Vòm bàn chân hoạt động giống như một lò xo để phân bố trọng lượng cơ thể và hỗ trợ bước đo. Đặc biệt, cấu trúc vòm chân còn quyết định bước chân và tư thế bước đi của một người.

Hội chứng bàn chân phẳng hay bàn chân bẹt là tình trạng không có vòm bàn chân hoặc vòm bàn chân rất thấp. Bệnh lý này có thể khiến gan bàn chân lõm vào trong khi đi và đứng, từ đó làm mũi bàn chân hướng ra bên ngoài khi di chuyển.

Người mắc hội chứng bàn chân phẳng không có vòm bàn chân
Người mắc hội chứng bàn chân phẳng không có vòm bàn chân

Bàn chân phẳng là một tình trạng phổ biến, không gây đau đớn và thường do bẩm sinh. Ngoài ra, một số tác động khác cũng có thể gây ra hội chứng này, chẳng hạn như chấn thương. Một số trường hợp bàn chân bẹt gây rối loạn liên kết ở chân, dẫn đến gây đau mắt cá chân và đầu gối. Tuy nhiên, tình trạng này có thể được cải thiện bằng một số bài tập chuyên sâu hoặc sử dụng các thiết bị đơn giản để giảm đau. 

Các dạng bàn chân phẳng:

  • Bàn chân phẳng linh hoạt: Là dạng phổ biến nhất, xảy ra từ khi còn nhỏ tuổi và thường không gây triệu chứng đau. Vòm bàn chân sẽ xuất hiện khi người bệnh nhấc chân lên khỏi mặt đất tuy nhiên lại biến mất khi họ đứng hoặc khi chân chạm đất hoàn toàn
  • Bàn chân phẳng cứng: Dạng bàn chân phẳng này xảy ra khi gân gót chân kết nối với xương gót chân và cơ bắp chân lại với nhau. Nếu sự kết nối này quá chặt, người bệnh có thể bị đau đớn khi đi bộ hoặc chạy nhảy. Ngoài ra, bệnh cũng khiến gót chân nâng lên cao hơn khi đi bộ hoặc chạy.
  • Bàn chân phẳng gây rối loạn chức năng gân chày sau: Loại bàn chân phẳng này phát triển ở người trưởng thành, xảy ra khi gân kết nối cơ bắp chân và mặt trong của mắt cá chân bị thương, sưng hoặc rách. Điều này khiến vòm bàn chân không thể nhận được sự hỗ trợ cần thiết, gây mất vòm bàn chân. Rối loạn chức năng gân chày sau gây cho người bệnh cảm giác đau đớn ở bên trong bàn chân và mắt cá chân. Tùy thuộc vào nguyên nhân, dạng bệnh này có thể gây ảnh hưởng xấu đến một hoặc cả hai chân

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng bàn chân phẳng phụ thuộc vào độ tuổi và các vấn đề sức khỏe liên quan. Cụ thể:

Nguyên nhân gây hội chứng bàn chân phẳng ở trẻ em

Bàn chân bẹt ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi là hiện tượng bình thường. Nguyên nhân là do lúc này vòm bàn chân của trẻ vẫn chưa phát triển. Hầu hết trẻ em đều bắt đầu phát triển vòm bàn chân khi được khoảng 3 tuổi. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp trẻ bị chậm phát triển hoặc bị dị dạng cấu trúc gây ảnh hưởng đến sự liên kết bình thường của xương bàn chân.

Ở trẻ em, hội chứng bàn chân bẹt thường có liên quan mật thiết đến các rối loạn di truyền, chẳng hạn như:

  • Rối loạn phối hợp phát triển (Dyspraxia).
  • Hội chứng Ehlers-Danlos - một bệnh lý bẩm sinh làm tăng độ đàn hồi của da, khớp và các mạch máu.
  • Hội chứng người dẻo (Hypermobility).
  • Các dây chằng mất độ đàn hồi.
  • Ngón chân hướng vào trong (Metatarsus adductus ).
  •  Xương cổ chân hợp bẩm sinh.
  • Các bệnh về hệ thần kinh hoặc cơ: Bại não, loạn dưỡng cơ hoặc tật nứt đốt sống.

Các triệu chứng của hội chứng bàn chân phẳng có thể biến mất khi trẻ phát triển. Trong quá trình tăng trưởng, các thay đổi về độ căng cơ bắp thường là yếu tố dẫn đến bàn chân bẹt tạm thời. Tình trạng này thường gặp ở trẻ từ 2 – 5 tuổi và được điều chỉnh ở độ tuổi vị thành niên.

Tuy nhiên ở một số trẻ, hội chứng bàn chân phẳng sẽ không tự khỏi. Mặc dù nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, tình trạng béo phì có thể gây căng thẳng cho bàn chân đang phát triển.

Trẻ mắc hội chứng bàn chân phẳng có một số bất thường về dáng đi và giọng nói. Nếu không được điều trị, tình trạng này sẽ tiến triển và trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến một số ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây hội chứng bàn chân phẳng ở người lớn

Bàn chân phẳng ở người lớn là hiện tượng sụp đổ các xương và mô liên kết ở giữa bàn chân. Bệnh lý này thường là do thoái hóa gân xương chày, chạy dọc theo mắt cá chân khi cơ thể con người lão hóa. Ngoài ra, sự thay đổi cấu trúc cơ học của bàn chân theo thời gian cũng có thể là yếu tố gây ảnh hưởng đến cấu trúc của vòm bàn chân, từ đó khiến các dây chằng hỗ trợ xương bàn chân bị mất độ căng. Hậu quả cuối cùng của tình trạng trên là mất vòm bàn chân.

Bàn chân phẳng ở người lớn là hiện tượng sụp đổ các xương và mô liên kết ở giữa bàn chân
Bàn chân phẳng ở người lớn là hiện tượng sụp đổ các xương và mô liên kết ở giữa bàn chân

Hội chứng bàn chân phẳng ở người trưởng thành phổ biến ở những đối tượng sau:

  • Phụ nữ trên 40 tuổi.
  • Người béo phì.
  • Người bệnh tăng huyết áp, bệnh tiểu đường (do bệnh có thể làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu ở các cơ và mô liên kết của bàn chân).
  • Chấn thương trong quá khứ, chẳng hạn như gãy xương.

Bàn chân phẳng ở người lớn thường liên quan mật thiết đến sự lão hóa thời gian. Trong một số trường hợp, bệnh lý này cũng khởi phát do một số yếu tố rủi ro, chẳng hạn như:

  • Chiều dài chân không bằng nhau: Điều này khiến chi dài hơn buộc phải bù đắp chiều cao bằng cách làm phẳng bàn chân.
  • Mang thai: Việc mang thai có thể dẫn đến tình trạng bàn chân phẳng tạm thời hoặc vĩnh viễn do sự tăng sản xuất elastin. Đây là một loại protein làm tăng độ đàn hồi của da và các mô liên kết trong suốt thai kỳ.
  • Hội chứng Marfan: Đây là một dạng rối loạn di truyền, gây ảnh hưởng đến các mô liên kết. Bệnh làm tăng nguy cơ hình thành bàn chân bẹt do ngón chân phát triển dài hơn so với mức bình thường.
  • Viêm khớp dạng thấp: Đây là một dạng viêm khớp tự miễn, bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của chúng ta tự tấn công các khớp và mô liên kết của cơ thể.
  • Vẹo cột sống: Là hiện tượng cột sống cong bất thường, dẫn đến dáng đi không đều đều, không ổn định, lâu dần làm bàn chân bị bẹt ra một bên. 
  • Đi giày không phù hợp: Việc đi giày quá chật khiến các ngón chân bị nén; đi giày cao gót chân làm tăng áp lực lên cơ vòm, suy giảm sự đàn hồi ở mắt cá chân dẫn đến hội chứng bàn chân phẳng tạm thời.

Thông thường, bàn chân bẹt ở người lớn thường là tình trạng vĩnh viễn. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp sở hữu bàn chân phẳng linh hoạt. Điều này có nghĩa là vòm chân có thể được quan sát thấy khi nhấc chân lên và biến mất khi chân đứng trên mặt đất.

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết

Đau bàn chân chính là dấu hiệu nhận biết hội chứng bàn chân bẹt phổ biến nhất. Triệu chứng này có thể là do các cơ và dây chằng kết nối bị căng quá mức. Ngoài ra, bàn chân bẹt cũng có thể gây căng thẳng bất thường lên đầu gối và hông, dẫn đến đau khớp. Bên cạnh đó, áp lực tác động lâu dài lên đầu gối cũng khiến cổ chân xoay vào bên trong cơ thể.

Ngoài ra, cơn đau liên quan đến bàn chân phẳng còn có thể ảnh hưởng đến một số bộ phận khác trong cơ thể, chẳng hạn như mắt cá chân, vòm bàn chân, bắp chân, hông, cẳng chân. Ngoài ra, bệnh lý này cũng gây ra tình trạng phân bổ trọng lượng cơ thể không đồng đều dẫn đến giày mòn không đều hai bên chân hoặc mòn nhanh hơn bình thường.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, dị tật bàn chân phẳng có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh cột sống và sự phát triển của trẻ. Do đó, khi nhận thấy trẻ gặp tình trạng này, phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Theo các chuyên gia, bác sĩ, các đối tượng có nguy cơ cao mắc dị tật bàn chân phẳng thường bao gồm: 

  • Béo phì.
  • Người bị tổn thương bàn chân hoặc mắt cá chân.
  • Bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp.
  • Người bị lão hóa hoặc bị bệnh tiểu đường.

Biến chứng của bệnh

Bàn chân phẳng là một dạng dị tật phổ biến ở trẻ nhỏ. Nếu được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh có thể khỏi hoàn toàn và sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Ngược lại, nếu chậm trả áp dụng các biện pháp khắc phục, dị tật này có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng đến thần kinh cột sống và ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ sau này. Do vậy, các bác sĩ luôn khuyến khích phụ huynh khám bệnh sớm cho trẻ, giúp cho việc phục hồi chức năng của bàn chân bé trở nên đơn giản hơn.

Ở người trưởng thành, nếu không được điều trị dị tật bàn chân thẳng phù hợp, người bệnh có thể gặp một số vấn đề về bàn chân, mắt cá chân và các vấn đề ở lưng, trong đó, phổ biến nhất là tình trạng đau lưng dưới. Ngoài ra, đôi khi dị tật này còn dẫn đến một số biến chứng liên quan, chẳng hạn như:

  • Tạo áp lực lên các khớp và cơ ở khu vực bàn chân, gây đau đớn và khó chịu.
  • Đau xương cẳng chân - Vị trí dọc theo cạnh bên trong của xương chày (xương ống chân).
  • Vận động viên hoặc những người chơi thể thao có bàn chân phẳng thường dễ bị chấn thương gây gãy xương chày.
  • Biến dạng ngón chân cái (bunions) - biến chứng phổ biến xuất hiện ở người có bàn chân phẳng.
  • Tăng nguy cơ viêm gân, phổ biến nhất là viêm gân gót chân (gân Achilles) do căng thẳng ở mắt cá chân và gót chân.
  • Hội chứng vẹo ngón chân cái xảy ra do sự mất cân bằng cách dây chằng giữa ngón chân cái.

Biện pháp chẩn đoán

Hội chứng bàn chân bẹt có thể được chẩn đoán tương đối chính xác thông qua các dấu hiệu và đặc trưng cơ bản. Tuy nhiên nguyên nhân và các yếu tố rủi ro của bệnh cần được xác định bởi bác sĩ có chuyên môn. Do đó, khi nghi ngờ hoặc nhận thấy dấu hiệu bàn chân phẳng, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.

Các biện pháp chẩn đoán bàn chân phẳng bao gồm:

1. Kiểm tra dấu hiệu

Bác sĩ chuyên khoa có thể chẩn đoán hội chứng bàn chân bẹt thông qua việc nhìn vào chân khi người bệnh đang đứng. Bên cạnh đó, một số thử nghiệm trực quan khác cũng được chỉ định chẳng hạn như:

  • Kiểm tra dấu chân ướt: Thử nghiệm này được thực hiện bằng cách làm ướt bàn chân sau đó người bệnh đứng trên mặt phẳng, nhẵn. Hình in giữa gót chân và gan bàn chân nếu càng dày thì bàn chân càng phẳng. Ngược lại, vòm chân cao sẽ chỉ để lại một vết hẹp ở mặt phẳng.
  • Thử nghiệm kiểm tra giày: Thử nghiệm này giúp bác sĩ chẩn đoán các nguyên nhân cơ học gây tật bàn chân bẹt. Thông thường, những người có bàn chân bẹt, mặt trong của đế giày sẽ bị bào mòn nhiều hơn, đặc biệt là ở phần gót chân. Ngoài ra, phần trên của giày còn có xu hướng nghiêng vào phía trong nhiều hơn.
  • Thử nghiệm ngón chân: Bác sĩ đứng phía sau người bệnh và đếm số ngón chân có thể nhìn thấy được. Ở những người có bàn chân bình thường, chỉ duy nhất ngón út được nhìn thấy, trong khi người có bàn chân bẹt lại có thể nhìn thấy được 3 hoặc 4 ngón chân.
  • Kiểm tra kiễng chân: Thử nghiệm này giúp kiểm tra sự linh hoạt của bàn chân. Trong trường hợp vòm bàn chân nhìn thấy được khi người bệnh đứng trên ngón chân, bác sĩ có thể biết được đó là tình trạng bàn chân bẹt linh hoạt. Ngược lại, nếu vòm bàn chân không thấy nhìn thấy được, bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh điều trị hội chứng bàn chân bẹt cứng.

 2. Xét nghiệm hình ảnh

Nếu các triệu chứng bàn chân bẹt trở nên nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh kiểm tra hình ảnh để xác định các nguyên nhân cơ bản. Các xét nghiệm phổ biến thường được áp dụng bao gồm:

  • Chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính (CT): Đây là hai kỹ thuật được sử dụng để chẩn đoán viêm khớp đồng thời đánh giá các bất thường về góc hoặc sự thẳng hàng của bàn chân.
  • Siêu âm: Thông qua siêu âm, bác sĩ sẽ có các hình ảnh chi tiết về các tổn thương ở mô mềm, chẳng hạn như đứt gân.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Biện pháp chẩn đoán này giúp cung cấp hình ảnh chi tiết về các tổn thương xương và mô mềm, thường được áp dụng để chẩn đoán tình trạng viêm khớp dạng thấp, viêm gân hoặc chấn thương gân gót chân.

Phương pháp điều trị

Điều trị bàn chân phẳng phụ thuộc vào từng độ tuổi của người bệnh. Phương pháp chữa trị được ưu tiên hàng đầu luôn là bảo tồn, không xâm lấn. Tuy nhiên, trong các trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật nên được chỉ định để ngăn ngừa các biến chứng liên quan.

Điều trị bàn chân bẹt ở trẻ em

Bàn chân bẹt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mới biết đi thường không cần điều trị. Ở đa số các trường hợp, bệnh sẽ được cải thiện hoàn toàn khi trẻ đến tuổi vị thành niên hoặc thiếu niên.

Ngoài ra, để khắc phục các triệu chứng bệnh, trẻ em đi chân trần trên nhiều địa hình khác nhau, chẳng hạn như sàn nhà hoặc sân vườn. Đây là biện pháp giúp trẻ có nhiều khả năng phát triển vòm bàn chân bình thường. Ngược lại trẻ đi giày bít mũi, nhất là trẻ có ngón chân hẹp thường có nguy cơ phát triển bàn chân bẹt cao.

Chú ý, nẹp định hình chân thường không được chỉ định ở trẻ em, ngoại trừ những trẻ dị tật bàn chân bẩm sinh. Khi trẻ đến tuổi thiếu niên, nếu các triệu chứng của bệnh không được cải thiện, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật bằng cách đặt dụng cụ chỉnh hình bàn chân để cấu trúc xương có thể phát triển đúng vị trí.

Điều trị bàn chân bẹt ở người lớn

Bàn chân bẹt ở người lớn thường là tình trạng vĩnh viễn do vậy việc điều trị chỉ nhằm mục đích cải thiện triệu chứng. Những người bị đau đớn dữ dội, dai dẳng, có thể sử dụng thuốc giảm đau, tập thể dục chân, thậm chí sử dụng dụng cụ chỉnh hình chân.

Sử dụng giày chuyên dụng hoặc dụng cụ chỉnh hình giúp cải thiện tình trạng bàn chân bẹt ở người lớn. Do đó, người bệnh có thể được bác sĩ yêu cầu mang dụng cụ chỉnh hình hoặc thay đổi cấu trúc bàn chân tạm thời trong thời gian vài tuần hoặc vài tháng. Điều này cũng khiến bàn chân thích nghi dần với các thay đổi đồng thời hạn chế cảm giác khó chịu.

Sau khi xác định được dụng cụ chỉnh hình phù hợp nhất, người bệnh có thể cần phải mang chúng suốt đời. Ngoài ra, một số bài tập bàn chân còn có khả năng làm tăng tính linh hoạt và sức mạnh ở vòm bàn chân. Tuy nhiên, các kỹ thuật này cần được hướng dẫn bởi chuyên gia vật lý trị liệu.

Các biện pháp vật lý trị liệu giúp khắc phục triệu chứng bàn chân phẳng ở người lớn bao gồm:

  • Thể dục dụng cụ chân: Nhặt viên bi bằng ngón chân, xếp đồ vật bằng ngón chân, viết số lên cát bằng ngón chân cái.
  • Động tác kéo căng người giúp kéo dài cơ bắp ở chân và gân gót chân, từ đó giảm khả năng căng cứng gân khi người bệnh di chuyển.
  • Tư thế yoga chó hướng xuống giúp kéo dài, tăng cường cơ bắp chân và gân gót chân.
  • Massage trị liệu, ví dụ như đặt một quả bóng ở dưới bàn chân giúp cải thiện độ linh hoạt ở chân và hỗ trợ giảm đau nhức.

Phẫu thuật điều trị

Trong trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật cũng có thể được bác sĩ đề nghị để hỗ trợ giảm đau do hội chứng bàn chân phẳng, thậm chí là tạo ra một vòm bàn chân mới.

Bởi vị trí của các cơn đau do bàn chân phẳng thường khác nhau, nên sẽ không có phẫu thuật thống nhất cho tất cả trường hợp. Ngoài ra, biện pháp điều trị này còn thực hiện dựa trên độ tuổi, các triệu chứng và mức độ dị dạng cấu trúc ở bàn chân.

Có hai loại phẫu thuật chính được áp dụng đề điều trị hội chứng bàn chân bẹt là:

  • Phẫu thuật tái tạo: Giúp đặt lại các gân và hợp nhất các khớp, từ đó xếp bàn chân lại đúng cách.
  • Phẫu thuật cấy ghép xương: Giúp ghép lại xương hỗ trợ vòm bàn chân và điều chỉnh tình trạng bàn chân bẹt. Bộ phận cấy ghép bằng kim loại sẽ được bác sĩ đưa vào bàn chân để tạo vòm và hỗ trợ chân

Chú ý, phẫu thuật có thể giúp bệnh nhân bàn chân phẳng cải thiện các triệu chứng hiệu quả tuy nhiên cần nhiều thời gian để hồi phục. Bên cạnh đó, cách điều trị này cũng có thể dẫn đến một số biến chứng, mặc dù hiếm, chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng.
  • Cử động mắt cá chân kém.
  • Chữa lành tổn thương không đúng cách gây đau đớn dai dẳng.

Biện pháp phòng ngừa bệnh

Chúng ta có thể phòng ngừa hiệu quả hội chứng bàn chân phẳng bằng cách áp dụng đồng thời các biện pháp sau:

  • Tránh các hoạt động nặng, dễ gây chấn thương. Thay vào đó, hãy chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, đi xe đạp hoặc bơi lội.
  • Đi giày thoải mái, không gây chèn ép lên bàn chân, ngón chân.
  • Thăm khám bác sĩ ngay khi nhận thấy những dấu hiệu nghi ngờ bàn chân phẳng.

Dị tật bàn chân phẳng có thể được điều trị khỏi và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng vận động nếu được phát hiện sớm. Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý này, tốt nhất bạn nên thăm khám bác sĩ ngay để tìm hướng khắc phục phù hợp.

6,103

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám