Bệnh Buerger là một trong những căn bệnh hiếm gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm, đặc biệt đối với những người có thói quen hút thuốc lá. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến mạch máu, làm tắc nghẽn lưu thông máu có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Vậy bệnh Buerger là gì, và tại sao những người hút thuốc lại dễ mắc phải hơn? Câu trả lời sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết này.
Bệnh Buerger là gì?
Bệnh Buerger được gọi là viêm tắc mạch do huyết khối (Thromboangiitis obliterans) - một bệnh lý viêm mạch không xơ vữa, xảy ra theo từng đoạn, có ảnh hưởng đến các động mạch và tĩnh mạch với kích thước từ nhỏ đến trung bình của tứ chi.
Bệnh Buerger là một bệnh lý thường gặp ở các mạch máu nhỏ và vừa ở cả tay lẫn chân
Theo thời gian, nếu tình trạng thiếu máu kéo dài, không đủ để nuôi tứ chi có thể dẫn đến nhiễm trùng và chết mô cơ thể, hiểu đơn giản là bị hoại tử. Bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở ngón tay và ngón chân, sau đó bắt đầu lan rộng tới các vùng khác của chi. Các cục máu đông có thể hình thành trong các tĩnh mạch nhỏ ở chân và tay.
Bệnh lý Buerger thường phổ biến ở những nước tiêu thụ thuốc lá với tỷ lệ cao, chẳng hạn như vùng Địa Trung Hải, châu Á hay Trung Đông, nhất là Bangladesh. Tại các nước Tây Âu, tỷ lệ mắc bệnh là 0,5- 5,6%, ở Hàn Quốc là 15- 66%, Ấn Độ 15- 66%.
Đối tượng dễ mắc bệnh Buerger là ai?
Bệnh lý Buerger hầu như chỉ xảy ra ở những người hút thuốc lá (chủ động và thụ động). Nam giới sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới (cụ thể 70- 91% là nam giới, 11- 30% là nữ giới). Phần lớn bệnh nhân xuất hiện biểu hiện ở trước 45 tuổi.
Theo nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng các hoá chất có trong khói thuốc lá gây kích thích yếu tố miễn dịch tế bào, dẫn đến tình trạng viêm và tổn thương thành mạch.
Đối tượng mắc bệnh thường là nam giới do thói quen hút thuốc lá
Nguyên nhân mắc bệnh Buerger là gì?
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác của bệnh Buerger vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu từ các số liệu ca mắc bệnh lâm sàng thực tế, người ta xác định hút thuốc là một yếu tố nguy cơ chính. Cơ chế này có thể liên quan đến sự quá mẫn cảm hoặc viêm mạch do độc tố trong thuốc lá là chất nicotin.
Khi cơ thể bị tấn công bởi các tác nhân gây hại bên ngoài, cơ thể sẽ tiết ra các kháng thể để tiêu diệt các tác nhân này. Tuy nhiên, do bệnh lý Buerger lại là một bệnh rối loạn tự miễn dịch nên khi cơ thể sản xuất ra kháng thể để tự vệ lại vô tình tấn công chính các tế bào của mình. Do đó, ở những người mắc bệnh Buerger, càng hút thuốc bệnh sẽ có diễn biến ngày càng xấu đi.
Triệu chứng bệnh Buerger tiến triển như thế nào?
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể cảm nhận được những cơn đau cách hồi ở chân mỗi khi vận động hay di chuyển và hết sau khi được nghỉ ngơi do lưu lượng máu lưu thông đến các chi giảm, đặc biệt là chi dưới.
Khi triệu chứng bệnh buerger tiến triển nặng hơn, các cơn đau sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, ngay cả khi nghỉ ngơi đặc biệt là vào ban đêm. Bởi chúng có các biểu hiện đau nhức nên đa phần người bệnh sẽ bị nhầm lẫn với các bệnh xương khớp. Ngoài ra, người bệnh cũng xuất hiện cảm giác lạnh và tê ở ngón tay và chân. Đồng thời, các đầu ngón tay và ngón chân cũng dẫn trở nên nhợt màu, tím tái do lượng máu lưu thông nuôi dưỡng chi giảm dần.
Giai đoạn biến chứng, các ngón tay và chân chuyển màu tím đen, đau như bị kim châm, dần dần bị loạn dưỡng dẫn đến teo cơ, rối loạn cảm giác rồi bắt đầu xuất hiện các vết loét, nhiễm trùng dẫn tới hoại tử mô bắt buộc phải cắt chi. Trong một số trường hợp, việc cắt chi có thể xảy ra tình trạng nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Người bệnh có khả năng phải cắt cụt chi khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng
Hiện chưa có liệu pháp chữa trị triệt để. Việc ngừng hoàn toàn sử dụng thuốc lá là biện pháp duy nhất để ngăn chặn tiến triển của triệu chứng bệnh buerger. Tuy nhiên, nếu bệnh đã gây tổn thương nghiêm trọng, tổn thương đó thường không thể phục hồi.
Xem thêm:
Chẩn đoán bệnh Buerger bằng cách nào?
Bước đầu, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng thông qua việc trao đổi về các triệu chứng, dấu hiệu và tình trạng tay chân để chỉ định một số xét nghiệm hướng đến chẩn đoán, giúp phân biệt rõ ràng bệnh Buerger với các bệnh lý khác. Cụ thể:
- Xét nghiệm máu: Loại trừ khả năng bệnh xơ cứng bì, lupus, đái tháo đường, các rối loạn đông máu,...
- Dấu hiệu Allen: Bác sĩ sẽ yêu cầu nắm chặt bàn tay. Sau đó dùng bàn tay của mình để siết chặt cổ tay người bệnh. Xong, bệnh nhân mở lòng bàn tay và bác sĩ buông tay mình khỏi cổ tay bệnh nhân. Dựa vào thời gian phục hồi màu sắc ở bàn tay bệnh nhân, có thể đánh giá sơ bộ được lưu lượng các mạch máu. Máu đến bàn tay chậm chạp là dấu hiệu của bệnh lý buerger.
- Siêu âm Doppler mạch máu: Đánh giá tình trạng ban đầu về mạch máu tay chân của người bệnh.
- Chụp động mạch: Giúp bác sĩ hiểu rõ được tình trạng động mạch của bệnh nhân. Bằng cách tiêm cản quang vào động mạch, sau đó chụp X-quang hoặc dùng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác (như MSCT, DSA) để phát hiện các bất thường.
*Ghi chú:
- MSCT (Multislice Computed Tomography): Chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt
- DSA ( Digital Subtraction Angiography): Chụp động mạch xóa nền kỹ thuật số
Điều trị bệnh Buerger hiệu quả
Tuỳ vào tình trạng sức khỏe thực tế của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phác đồ điều trị phù hợp. Với những trường hợp đã bị loét nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tập trung giải quyết những vết thương này trước.
Thay đổi thói quen hút thuốc lá
Ngừng thuốc là cách điều trị tốt nhất dành cho bệnh nhân bị Buerger. Bởi nếu còn tiếp tục sử dụng thuốc lá chắc chắn sẽ khiến cho tình trạng của bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn. Người bệnh bị phụ thuộc vào nicotin có thể điều trị thay thế bằng bupropion và varenicline, tư vấn chuyên gia tâm lý để bỏ thuốc để không tái nghiện.
Từ bỏ thói quen hút thuốc sớm có thể ngăn chặn được các biến chứng nghiêm trọng
Điều trị bệnh buerger bằng thuốc
Một số loại thuốc được chỉ định cho người mắc bệnh Buerger:
- Thuốc giãn mạch: Sử dụng đối với bệnh nhân bị viêm tắc mạch máu, giảm thiểu sự phát triển của các triệu chứng.
- Prostaglandin đường tĩnh mạch: ILoprost truyền tĩnh mạch có tác dụng kháng kết tập tiểu cầu và giãn mạch. Mặc dù chưa được khuyến cáo trong các thử nghiệm lâm sàng, nhưng lại được xác định hiệu quả với bệnh nhân bị Buerger thiếu máu chi trầm trọng.
- Chất ức chế Phosphodiesterase: Cilostazol có tác dụng giãn mạch, giảm các chất tiết trung gian, cải thiện loét phục hồi với người bệnh.
- Thuốc chẹn kênh canxi: Nhóm dihydropyridine giúp làm giảm triệu chứng của Ryanaud thứ phát do co thắt mạch máu.
- Thuốc kháng tập kết hợp tiểu cầu: Mặc dù không có khuyến cáo về lợi ích lâm sàng của loại thuốc này, song aspirin được chấp nhận sử dụng rộng rãi do giá thành thấp và ít tác dụng phụ.
- Thuốc giảm đau: Các triệu chứng của bệnh sẽ khiến người bệnh phải trải qua những cơn đau dữ dội đòi hỏi phải sử dụng thuốc giảm đau.
Điều trị bằng cách phẫu thuật
- Phẫu thuật tái tưới máu: Hình thức phẫu thuật này dường như không khả thi, thường rất khó thực hiện do đặc điểm tổn thương là tắc mạch đầu chi, lan toả, từng đoạn.
- Cắt hạch giao cảm: Phương pháp này mặc dù có lợi cho bệnh nhân trong việc cải thiện triệu chứng và kiểm soát cơn đau nhưng cũng không có hướng dẫn cụ thể về chỉ định.
- Cắt chi: Nếu tình hình bệnh của bệnh nhân được phát hiện sớm và bỏ thuốc kịp thời thì nguy cơ phải cắt cụt chi rất thấp. Tuy nhiên, nếu người bệnh cố chấp không bỏ thuốc, tỷ lệ phải cắt chi sẽ tăng dần theo từng năm, cụ thể là 25% sau 5 năm và 38% sau 10 năm.
Một số phương pháp điều trị bệnh buerger khác
- Liệu pháp gen và tế bào gốc: Hiện phương pháp này đang trong quá trình được nghiên cứu ở một số thử nghiệm lâm sàng. Được thực hiện khi cấy ghép tế bào đơn thân nguồn gốc tủy xương, tái tạo mạch bằng cách sử dụng yếu tố tăng trưởng và kích thích tủy xương tự thân.
- Bơm hơi áp lực ngắt quãng: Phương pháp này thực hiện nhằm tăng dòng máu trong động mạch khoeo thông qua giảm sức cản của động mạch ngoại biên, dành cho những bệnh nhân đau do loét khi không thể tái thông mạch. Mặc dù mang lại hiệu quả nhưng thời gian triển khai phải mất hàng tháng để đạt tới sự hồi phục của vết loét, đồng thời bệnh nhân cũng phải sử dụng dụng cụ bơm hơi áp lực ngắt quãng.
- Can thiệp tái thông mạch máu: Phương pháp này thường không được khuyến khích chỉ định vì tổn thương ở những mạch máu quá xa, phía ngoại vi ở ngón tay và ngón chân.
Cách phòng tránh bệnh Buerger
Xây dựng một lối sống lành mạnh giúp phòng tránh bệnh Buerger
Để phòng ngừa bệnh Buerger có rất nhiều biện pháp khác nhau, dưới đây là các cách cụ thể:
- Ngừng sử dụng tất cả các sản phẩm chứa nicotine là biện pháp quan trọng nhất. Thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử hoặc sản phẩm nicotine thay thế, có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến mạch máu và thúc đẩy bệnh lý Buerger phát triển.
- Cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt trong mùa lạnh, để giảm nguy cơ co thắt mạch máu gây hại.
- Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục thường xuyên, kiểm soát các bệnh lý đi kèm như tiểu đường hoặc huyết áp cao giúp cải thiện sức khỏe mạch máu và giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Chủ động thực hiện các bài tập buerger trong vật lý trị liệu như Bài tập Buerger Allen, bài tập nhón gót chân, nâng cao chân ra phía sau, nâng chân phía ngang hông, side lunge;
- Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu trong một vị trí ở thời gian dài
- Không nên mặc quần áo quá bó sát khiến quá trình lưu thông máu bị cản trở.
- Ngoài các biện pháp trên, việc khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ lời khuyên của bác sĩ có thể giúp phát hiện và ngăn chặn các biến chứng sớm.
Mọi thắc mắc về bệnh Buerger cần hỗ trợ chi tiết, quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được đội ngũ chăm sóc giải đáp nhanh chóng nhất.
Kết luận
Bệnh Buerger là lời cảnh báo mạnh mẽ về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe mạch máu và cơ thể. Để ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này, việc từ bỏ thuốc lá là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Hãy quan tâm đến sức khỏe của mình ngay từ hôm nay bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, kết hợp khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời.