Bệnh cơ tim chu sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bích Ngọc

10-01-2025

goole news
16

Bệnh cơ tim chu sinh là một bệnh lý khá hiếm gặp ở sản phụ, phần lớn người mắc bệnh sẽ phát hiện trong vòng 3 tháng sau sinh. Có khoảng 45% ca bệnh được phát hiện ở tuần đầu tiên, 75% ở tháng đầu sau sinh và khoảng 7% phát hiện vào cuối tháng cuối thai kỳ. Vậy bệnh cơ tim chu sinh có nguy hiểm không? Nguyên nhân và triệu chứng như thế nào? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu qua bài viết sau.

Bệnh cơ tim chu sinh là gì?

Bệnh cơ tim chu sinh hay bệnh cơ tim chu sản là bệnh cơ tim liên quan đến thai nghén. Bệnh cơ tim chu sinh khiến chức năng co bóp của tim bị giảm, đồng thời giảm khả năng bơm máu từ tim đến các bộ phận khác trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. 

Để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, thường sử dụng chỉ số phân suất tống máu thất trái (LVEF), có thể hiểu là tỷ lệ phần trăm máu tâm thất trái bơm ra khỏi tim. 

Là một bệnh lý khá hiếm gặp ở cơ tim liên quan đến thai nghénLà một bệnh lý khá hiếm gặp ở cơ tim liên quan đến thai nghén

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao

Bệnh cơ tim chu sinh có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào trong giai đoạn mang thai, tuy nhiên có một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, cụ thể như: 

  • Tuổi tác: Phụ nữ mang thai khi lớn tuổi (trên 35 tuổi) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường. 
  • Huyết áp cao: Mẹ bầu bị huyết áp cao, gồm tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ có nguy cơ cao mắc bệnh. 
  • Đa thai: Mang thai đa thai cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh do căng thẳng từ việc nuôi dưỡng quá nhiều thai nhi, làm ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của mẹ. Đối tượng này có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 5-7 lần nhóm sản phụ bình thường. 
  • Chủng tộc: Theo thống kê, bệnh thường phổ biến hơn với người thuộc chủng tộc da đen, tuy nhiên yếu tố này chưa được xác định rõ ràng. 

Một số nguyên nhân gây ra bệnh cơ tim chu sản

Nguyên nhân gây ra bệnh cơ tim chu sinh vẫn chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên một số nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh có thể được kích hoạt bởi một số yếu tố. Bao gồm: 

  • Viêm cơ tim do virus
  • Tăng tiết prolactin
  • Mẹ bầu bị thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ. 
  • Căng thẳng, stress trong thời gian mang thai
  • Hệ thống miễn dịch có những phản ứng bất thường. 

Theo một số nghiên cứu gần đây cho thế bệnh có thể liên quan để sự hoạt động quá mức của một số loại hormone trong cơ thể của phụ nữ khi mang thai, từ đó gây tổn thương hệ thống mạch máu. Đặc biệt, mức độ hormone này thường cao hơn khi mẹ bầu mắc tiền sản giật. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân mà thai phụ cần chú ý. 

Mẹ bầu thiếu dinh dưỡng trong quá trình mang thai cũng là nguyên nhân gây bệnhMẹ bầu thiếu dinh dưỡng trong quá trình mang thai cũng là nguyên nhân gây bệnh

Những triệu chứng của bệnh cơ tim chu sinh

Người mắc bệnh cơ tim chu sinh sẽ xuất hiện một số triệu chứng khá rõ ràng, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như: 

  • Hoạt động thể lực bị hạn chế: Người bệnh hay cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, ngay cả khi hoạt động nhẹ nhàng.
  • Khó thở và hụt hơi: Cảm giác khó thở và hụt hơi sẽ xuất hiện nhiều khi hoạt động gắng sức hoặc khi nằm. Lúc này, người bệnh nên hít thở sâu để cảm giác dễ chịu hơn. 
  • Phù: Ứ dịch trong cơ thể do sự suy giảm của chức năng tim gây phù mắt cá chân, ban chân, thậm chí cả bàn tay. Tình trạng này khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu và nặng nề. 
  • Tim đập nhanh và hồi hộp: Nhịp tim nhanh, không đều kèm cảm giác hồi hộp là những triệu chứng của bệnh cơ tim chu sản. 

Các triệu chứng này có thể xuất hiện ở những tháng cuối thai kỳ hoặc vài tháng sau khi sinh. Chính vì vậy, mẹ bầu cần theo dõi thường xuyên và can thiệp điều trị kịp thời để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé. 

Xem thêm:

Phương pháp chẩn đoán bệnh cơ tim chu sinh

Chẩn đoán sớm bệnh cơ tim chu sinh không chỉ ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng mà còn giúp mẹ bầu có cơ hội phục hồi tốt hơn. Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào một số yếu tố sau: 

  • Người bệnh xuất hiện triệu chứng suy tim trong giai đoạn cuối thai kỳ hoặc trong 5 tháng sau sinh. 
  • Bác sĩ loại trừ các nguyên nhân gây suy tim để đảm bảo rằng không có yếu tố nào khác gây ra triệu chứng của bệnh. 
  • Phân suất tống máu thất trái (LVEF) dưới 45% là tiêu chẩn đoán trên siêu âm tim. 

Với những yếu tố trên, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh chính xác hơn khi kết hợp sử dụng một số phương pháp và kỹ thuật. Cụ thể như: 

  • Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ khám tổng quát để phát hiện những dấu hiệu của sự tích tụ dịch trong cơ thể như phù nề và các biểu hiện khác của suy tim. 
  • Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện dấu hiệu viêm nhiễm, rối loạn chức năng tim hoặc các vấn đề về thận. Đặc biệt xét nghiệm NT proBNP có vai trò trong chẩn đoán và tiên lượng tình trạng suy tim của bệnh. 
  • Điện tâm đồ (ECG/EKG): Điện tâm đồ giúp ghi lại hoạt động của tim, giúp phát hiện các rối loạn nhịp tim hoặc các bất thường khác trong hệ thống điện tim. 
  • Chụp X-quang ngực: Chụp X-quang ngực sẽ quan sát được kích thước và hình dạng tim, đồng thời kiểm tra sự tích tụ dịch trong phổi, là một dấu hiệu quan trọng của suy tim. 
  • Siêu âm tim: Là phương pháp được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán bệnh cơ tim chu sinh, hình ảnh siêu âm chi tiết về cấu trúc và chức năng tim. Đồng thời, giúp đo lường phần trăm suất tống máu thất trái (LVEF). 
  • Chụp MRI tim: Cung cấp hình ảnh chi tiết và chính xác về cấu trúc và chức năng của tim, đặc biệt giúp phát hiện những tổn thương mà các phương pháp chẩn đoán khác có thể bỏ sót. 
  • Thông tim: Đây là phương pháp xâm lấn, đo lường áp lực trong buồng tim và thu thập dữ liệu chi tiết về chức năng tim. 
  • Sinh thiết cơ tim: Thường phương pháp này hiếm khi cần thực hiện tuy nhiên chúng giúp xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. 

Thực hiện siêu âm tim là phương pháp phổ biến trong chẩn đoán bệnhThực hiện siêu âm tim là phương pháp phổ biến trong chẩn đoán bệnh

Xét nghiệm này không chỉ giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề về tim mạch của người bệnh đã mắc trước khi mang thai mà còn giúp đánh giá mức độ tổn thương tim. Việc chẩn đoán sớm giúp cải thiện hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ gây ra biến chứng nghiêm trọng. 

Phương pháp điều trị bệnh cơ tim chu sinh

Điều trị bệnh cơ tim chu sinh thường tập trung điều trị triệu chứng suy tim và giúp tim hồi phục. Các phương pháp điều trị bệnh cơ tim chu sinh được áp dụng phổ biến. 

Điều trị nội khoa bệnh cơ tim chu sinh bằng một số loại thuốc như: 

  • Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin (ACE), giúp giảm huyết áp và áp lực cho tim. 
  • Thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II, giúp giảm huyết áp và bảo vệ tim. 
  • Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin/Neprilysin (ARNIs). 
  • Thuốc chẹn Beta giúp làm chậm nhịp tim và giảm áp lực cho tim. 
  • Thuốc lợi tiểu giúp giảm phù nề và loại bỏ dịch dư thừa. 
  • Thuốc Hydralazine/Nitrates giúp giãn mạch và giảm áp lực cho tim. 
  • Thuốc đối kháng thụ thể Mineralocorticoid (MRAs) có khả năng giữ nước và muối cho cơ thể. 
  • Thuốc ức chế vận chuyển Natri Glucose – 2 (SGLT2) trong điều trị suy tim. 

Sử dụng thuốc giúp cải thiện tình trạng bệnh đáng kểSử dụng thuốc giúp cải thiện tình trạng bệnh đáng kể

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và mức độ hoạt động của tim, người bệnh có thể điều trị bổ sung như: 

  • Sử dụng thiết bị trợ tim như máy khử rung, có thể đeo ngoài hoặc cấy ghép vào ngực để điều chỉnh nhịp tim. 
  • Sử dụng thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD) giúp hỗ trợ tim bơm máu cho cơ thể. 
  • Ghép tim thường được chỉ định đối với người bệnh nặng, với phân suất tống máu thất trái thấp và không đáp ứng các phương pháp điều trị khác. 

Những biến chứng của bệnh cơ tim chu sinh

Tâm thất trái khi bị suy yếu và mệt mỏi khiến chúng không thể bơm máu hiệu quả đến các cơ quan khác trong cơ thể. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và có thể đe dọa tính mạng người bệnh. 

  • Rối loạn nhịp tim
  • Sốc tim
  • Suy tim nặng
  • Hình thành các cục máu đông
  • Não thiếu oxy khiến não bộ bị tổn thương

Cách phòng ngừa bệnh cơ tim chu sinh

Cách phòng ngừa bệnh cơ tim chu sinh hiệu quả nhất là bảo vệ tim khỏi những tác nhân gây hại. Một số phương pháp giúp duy trì sức khỏe tim mạch và nâng cao chất lượng sống như: 

  • Khám sức khỏe định kỳ: Đây là phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả, bác sĩ có thể phát hiện ra bệnh giúp điều trị từ sớm, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. 
  • Tập thể dục thường xuyên: Giúp tuần hoàn máu cải thiện và kiểm soát cân nặng ổn định giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch. 
  • Không sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác: Đây là một trong những yếu tố gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch. 
  • Kiểm tra huyết áp định kỳ: Đo huyết áp định kỳ và can thiệp điều trị nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường vì đây là yếu tố có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho tim mạch. 
  • Phối hợp chặt chẽ với bác sĩ Sản khoa và bác sĩ Tim mạch trong giai đoạn trước sinh và giai đoạn chuyển dạ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.

Khám sức khỏe định kỳ là giúp phát hiện bệnh từ sớm và can thiệp điều trị phù hợpKhám sức khỏe định kỳ là giúp phát hiện bệnh từ sớm và can thiệp điều trị phù hợp

Bệnh cơ tim chu sinh là một vấn đề nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc bệnh hoàn toàn có thể chữa trị và cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ duy trì lối sống khỏe mạnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ.

Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh cơ tim chu sinh. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình mang thai cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám và can thiệp điều trị, giúp hạn chế biến chứng nguy hiểm. 

Nếu Quý khách có nhu cầu thăm khám các bệnh lý liên quan đến Tim mạch có thể liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được nhân viên hỗ trợ và tư vấn nhanh chóng.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

129

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám