Bạn có biết rằng mình sẽ có khả năng cao bị nhiễm bệnh Lyme nếu sống ở những khu vực có nhiều cây cối nơi mà bọ ve mang bệnh phát triển. Trong trường hợp mắc bệnh, nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm như ảnh hưởng đến nhịp tim, méo miệng, đau đầu… Bài viết dưới đây của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh Lyme là gì.
Bệnh Lyme là gì?
Bệnh Lyme là một bệnh có khả năng lây truyền từ động vật sang người (do ve đốt), bệnh được gây ra bởi xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi (B.b). Bệnh gây nên thương tổn chủ yếu ở da, tim, khớp và hệ thần kinh. Bệnh Lyme trước đây hay gặp ở vùng trung Âu và Alsace (Pháp), gần đây hay gặp ở bang Connecticut (Mỹ).
Căn nguyên bệnh sinh:
Sơ đồ của bệnh Lyme
Mọi lứa tuổi từ trẻ đến già đều có thể mắc bệnh lyme. Thời điểm mắc bệnh cao nhất thường là từ tháng 6 đến tháng 10, nhưng cũng có thể bị mắc bệnh quanh năm.
Tác nhân gây bệnh lyme là xoắn khuẩn borrelia burgdorferi có chiều dài từ 10- 30 mm và rộng từ 0,2- 0,25 mm. B.burgdorferi có thể được nuôi cấy trong môi trường nhân tạo, chu kỳ sinh sản là 7 - 20 giờ (khi nhiệt độ khoảng 30 - 34°C). Mầm bệnh có thể tìm thấy ở da, mắt, máu, cơ tim và dịch não tủy của bệnh nhân Lyme.
Triệu chứng của bệnh lyme
Bệnh Lyme có thể chia thành 3 thời kỳ, mỗi thời kỳ sẽ có những triệu chứng khác nhau. Nhưng đôi khi các thời không tách biệt rõ ràng mà có thể chồng lên nhau.
Triệu chứng giai đoạn khu trú
Người bệnh xuất hiện ban đỏ di chuyển (erythema migrans) là một loại ban phát triển ly tâm, có thể di chuyển vị trí sau khi nhiễm B.b từ vài tuần đến vài tháng. Có thể là một ban đồng đều hoặc hình vành và có thể tự mất sau vài tuần hoặc vài tháng. Có thể là ban xuất huyết hoặc không di chuyển và đi kèm triệu chứng thân kiểu tương tự như bệnh cúm. Dịch tủy não thường không có dấu hiệu của viêm.
Triệu chứng ở giai đoạn khu trú của bệnh lyme là xuất hiện phát ban đỏ di chuyển
Triệu chứng ở giai đoạn lan rộng
Triệu chứng của bệnh Lyme ở giai đoạn lan rộng có thể gặp phải như:
- Biểu hiện thần kinh: viêm màng não - rễ thần kinh, viêm đám rối thần kinh, viêm nhiều dây thần kinh đơn độc, viêm dây thần kinh sọ (chủ yếu là dây thần kinh mặt) và hiếm gặp hơn là viêm mạch máu não và viêm não tủy. Hội chứng Banwarth là biểu hiện thần kinh thường gặp nhất (ở châu Âu) đặc trưng bởi tăng lympho bào ở trong dịch não tuỷ cùng đau rễ dây thần kinh. Viêm màng não thường gặp và rõ nhất là đối tượng trẻ em.
- Tổn thương tim: rối loạn nhịp tim, bloc nhĩ thất nhất thời ở các mức độ khác nhau viêm cơ- màng tim và suy tim. U lympho biểu hiện bằng thâm nhiễm da giống như u, cục màu xanh - đỏ hay thấy ở núm vú hoặc dái tai.
- Tổn thương cơ xương khớp: đau khớp và đau cơ.
- Tổn thương ở mắt: viêm mống mắt ở mi, viêm màng tiếp hợp, viêm toàn mắt, viêm màng mạch, viêm thị giác thần kinh với phù nề gai thị,
- Một số dấu hiệu khác như gan to, viêm gan và hiếm hơn là sưng tinh hoàn, ho khan.
Triệu chứng của giai đoạn muộn
Tổn thương xuất hiện muộn sau hàng tháng hoặc hàng năm sau khi nhiễm B.b. Tại Mỹ, khoảng 60% người bệnh không được điều trị bị viêm một hoặc nhiều lớn và thường gặp ở các khớp lớn như khớp gối.
Tại Châu Âu, thể thường gặp là ACA (acrodematite chronique atrophiante, viêm da viễn đoạn mạn tính teo còn được gọi là bệnh Pick- Herxheimer). ACA gây nên tổn thương chủ yếu tại mặt duỗi của các đầu chi với tổn thương nề, màu đỏ - xanh, sau đó sẽ tiến dần thành teo - nhăn da. Có thể xuất hiện nút dạng xơ ở cạnh khớp, cũng như xuất hiện quá trình xơ.
Viêm não - tủy và viêm não mạn tính của Lyme có thể có nhưng rất hiếm.
Bệnh Lyme có nguy hiểm không?
Trong trường hợp không may mắc phải bệnh này, người bệnh thường phải đối mặt với những vấn đề như:
- Khó tập trung để làm việc và gặp phải các vấn đề về nhận thức.
- Hay quên hoặc có thể mất trí nhớ trong 1 khoảng thời gian ngắn.
- Thường cảm thấy mệt mỏi và thậm chí là có cảm giác như kiệt sức, do bệnh có liên quan đến tình trạng suy tim sung huyết.
- Đau rát cổ họng.
- Thính lực hoạt động kém, ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp.
- Bàn chân có dấu hiệu bị tổn thương kèm tình trạng đau nhức kéo dài cả ngày.
- Vấn đề về tim mạch, phổ biến nhất là tình trạng nhịp tim chậm, nếu kéo dài có thể dẫn đến tử vong.
- Ảnh hưởng đến vị giác, khiến người bệnh ăn uống không cảm thấy ngon.
- Ảnh hưởng đến thị lực: mắt cảm thấy nhạy cảm hơn với ánh sáng.
- Rối loạn lo âu do bệnh thực tổn: cho rằng bản thân sẽ chết, làm cho người bệnh trải qua những cảm giác vô cùng sợ hãi.
- Rối loạn kinh nguyệt: Bệnh Lyme ảnh hưởng đến lượng nội tiết với một số trường hợp người bệnh nữ giới.
Thận trọng với những biến chứng nguy hiểm do bệnh Lyme gây ra
Cách điều trị bệnh Lyme
Khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào của bệnh Lyme, bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ căn cứ cứ vào hình ảnh lâm sàng và kết quả xét nghiệm huyết thanh để chẩn đoán bệnh Lyme. Bên cạnh đó, cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh như bệnh ban đỏ đa dạng và các bệnh lý nội khoa khác như tĩnh mạch, khớp, thần kinh…
Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh Lyme, người bệnh có thể được điều trị theo phác đồ (1989):
Thời kỳ sớm (thời kỳ 1, 2 và không có tổn thương nặng)
Đối với người lớn:
- Amoxilline 500mg x 4 viên/ngày(chia làm 4 lần trong ngày) x 10 - 30 ngày.
- Tetracyclin 250mg x 4 viên/ngày (chia làm 4 lần trong ngày) x 10 - 30 ngày.
- Doxycyclin 100mg x 2 viên/ngày (chia làm 2 lần trong ngày)x 10 - 30 ngày.
Đối với trẻ em (< 8 tuổi):
- Penicilline hoặc Amoxilline 250mg x 3 lần trong ngày hoặc 20 mg/kg/ngày (chia nhiều lần) x 10 - 30 ngày.
Khi người bệnh có biểu hiện ở hệ thống tim, khớp, thần kinh…
- Ceftriaxone truyền tĩnh mạch x 2 gam x 1 lần/ngày x 14 ngày.
- Penicilline G truyền tĩnh mạch 3 triệu đơn vị x 6 lần/ngày x 14 ngày.
- Penicilin G truyền tĩnh mạch 3 triệu đơn vị x 6 lần/ngày x 14 ngày.
- ACA điều trị như thời kỳ sớm trong 1 tháng.
Dự phòng
Đối với những công nhân lâm nghiệp hay chăn nuôi gia súc trên đồng cỏ thì cần phải lưu ý phòng tránh ve đốt lây nhiễm bệnh.
Cách phòng ngừa bệnh Lyme
Nếu không chủ động phòng ngừa thì bệnh Lyme có thể lây lan nhanh chóng thành ổ dịch với nguy cơ rủi ro rất cao. Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn phòng bệnh hiệu quả:
- Nên mặc quần áo dài tay khi ở ngoài trời để bọ ve ít có cơ hội tấn công vào cơ thể.
- Vệ sinh không gian sống, môi trường làm việc sạch sẽ và dọn sạch các khe góc để ve không có cơ hội sinh sôi, phát triển, nhất là ở các cây gỗ.
- Định kỳ nên phun thuốc diệt côn trùng.
- Hạn chế nuôi động vật có lông trong nhà, như chó, mèo… Trong trường hợp nuôi thì cần thường xuyên vệ sinh tắm rửa cho chúng.
Dọn dẹp vườn tược, không gian sống để bọ ve ít có cơ hội sinh sôi và phát triển để phòng bệnh Lyme
Một người có thể bị bệnh Lyme nhiều lần, do đó nếu đã từng bị bệnh bạn vẫn nên chủ động phòng ngừa bệnh này để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, nếu không chủ động phòng ngừa, bệnh có nhanh chóng lây lan và trở thành ổ dịch với nguy cơ rủi ro tất cao. Do đó, khi có dấu hiệu bất thường, bạn nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán, chữa trị kịp thời.
Qua những chia sẻ nêu trên, hy vọng rằng bạn đã có cho bản thân những thông tin hữu ích về bệnh Lyme. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào khác về bệnh hoặc có nhu cầu đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa giỏi, hãy liên hệ ngay đến tổng đài 1900 1806 của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được hỗ trợ.