Viêm gan A - Căn bệnh truyền nhiễm cấp tính tại gan cần dự phòng

Nhật Mai

27-12-2022

goole news
16

Gan là cơ quan đảm nhiệm hơn 500 chức năng sống của cơ thể. Chính vì những nhiệm vụ có liên quan tới độc tố nên gan rất dễ bị ảnh hưởng, trong đó nhiễm virus viêm gan A cũng là một nguy cơ cần được đánh giá cao về mức độ nghiêm trọng. Bệnh viện đa khoa Phương Đông sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức để phòng bệnh hiệu quả.

Bệnh viêm gan A là gì?

Viêm gan A hay còn gọi là viêm gan siêu vi A là căn bệnh nhiễm trùng gan cấp tính gây ra bởi virus viêm gan A (HAV). Loại virus này xâm nhập và khiến tế bào mô gan bị tổn thương, suy giảm hoạt động và chức năng gan.

HAV - virus viêm gan A là nguyên nhân chính gây bệnh

HAV - virus viêm gan A là nguyên nhân chính gây bệnh

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 1,4 triệu người bị mắc viêm gan A.

Bệnh rất dễ lây từ người sang người nhưng tin vui là bệnh không gây ra bệnh cảnh mạn tính - không kéo dài quá 6 tháng, người bệnh có thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau khi điều trị 2-4 tuần và thường có ít các biến chứng nào nghiêm trọng.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm gan A

Bệnh viêm gan A lây qua đường nào? Viêm gan A rất dễ lây nhiễm thông qua việc sử dụng thức ăn, nguồn nước bị nhiễm virus, tiếp xúc thân mật với người bệnh,... Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 5-14 tuổi, có tỷ lệ mắc cao tại các nước có thu nhập thấp bởi không đảm bảo được điều kiện vệ sinh với tỷ lệ nhiễm trùng cao.

Bên cạnh đó, virus viêm gan A được tìm thấy nhiều nhất trong phân, nước tiểu và nước bọt, khi người bệnh phát thải ra bên ngoài rất dễ lây lan sang người khác, đặc biệt là các thành viên trong gia đình khi sử dụng chung nhà tắm, nhà vệ sinh và đồ dùng trong nhà. Vậy viêm gan A có lây không?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh đó là:

  • Ăn chung hoặc ăn món ăn mà người bệnh chế biến nhưng không rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh.
  • Uống nguồn nước chứa virus, ăn hải sản sinh sống tại vùng nước bị ô nhiễm.
  • Nói chuyện và tiếp xúc gần thường xuyên với người bệnh.
  • Quan hệ tình dục với người nhiễm virus.
  • Dùng chung khăn mặt, cốc uống nước, bàn chải đánh răng,... với người bệnh.

Lưu ý: Virus viêm gan A được tìm thấy rất ít trong máu, do đó bệnh không lây truyền qua con đường này.

Ăn hải sản sống đánh bắt tại vùng nước ô nhiễm làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh

Ăn hải sản sống đánh bắt tại vùng nước ô nhiễm làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh

Triệu chứng và biến chứng của bệnh viêm gan A

Thông thường, các bệnh nhân mắc viêm gan A có thể tự phục hồi sau 1-2 tháng và không có các tổn thương về sau, virus cũng không còn tồn lưu trong cơ thể của người bệnh. Tuy nhiên cũng có trường hợp triệu chứng bệnh kéo dài hoặc tái phát nhiều lần lên tới 6 tháng, bị ứ mật đặc biệt ở người già, người bị tiểu đường, suy tim, thiếu máu,...Một số ca bệnh viêm gan bùng phát (ở người ghép gan, bị gan mãn tính) có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Triệu chứng bệnh

Trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm virus viêm gan A có tới 70% trường hợp không có biểu hiện, với những trẻ có triệu chứng thì vàng da là cách để nhận biết. Bệnh ở trẻ lớn và người trưởng thành sẽ có các triệu chứng đặc trưng của các bệnh về viêm gan virus như khó chịu, chán ăn, buồn nôn, nôn và có khoảng 70% xuất hiện vàng da.

Một số triệu chứng khác của bệnh có thể kể đến là:

  • Cơ thể mệt mỏi: Do chức năng của gan bị ảnh hưởng, dẫn tới cơ thể không đào thải hết các độc tố gây uể oải, khó chịu.
  • Rói loại tiêu hoá: Do gan không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, không tạo đủ dịch mật khiến hệ tiêu hoá bị ảnh hưởng, ăn kém ngon miệng, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng,...
  • Sốt: Cơ thể người bệnh sốt nhẹ, kéo dài, dùng thuốc hạ sốt không giảm.
  • Hệ bài tiết: Nước tiểu vàng đậm, phân màu xám xỉn do nồng độ bilirubin trong máu bị thay đổi.
  • Đau cơ, đau khớp: Chỉ có khoảng 10% bệnh nhân gặp tình trạng này nhưng đây cũng là biểu hiện của bệnh đã nặng.

Trẻ bị bệnh thường mệt mỏi, chán ăn, có thể sốt nhẹ

Trẻ bị viêm gan A mệt mỏi, chán ăn, có thể sốt nhẹ

Các biến chứng của viêm gan A

Viêm gan A có nguy hiểm không? Như đã nói, đa số các trường hợp bệnh đều có thể tự khỏi, tuy nhiên vẫn có khoảng 10% ca bệnh virus tấn công tế bào Kupffer - nằm trong xoang gan, có nhiệm vụ “ăn” các loại vi khuẩn, virus, hồng cầu già, ký sinh trùng,... để tạo phản ứng miễn dịch. Thế nhưng khi giải phóng quá mức sẽ gây nên tình trạng viêm, gây hôn mê gan, suy gan dẫn tới tử vong.

Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan A

Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ sẽ thăm hỏi về các triệu chứng người bệnh đang gặp phải, xem tiền sử bệnh và tiến hành xét nghiệm máu để phát hiện kháng thể đặc hiệu trong máu, bởi khi bị nhiễm virus, cơ thể sẽ tự sản sinh ra kháng thể anti-HAV (gồm 2 loại là IgM và IgG) để chống lại virus.

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh

Để xác định tình trạng bệnh viêm gan A, các bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm sau:

Kiểm tra kháng thể IgM (Anti HAV-IgM)

Thực hiện xét nghiệm cho kết quả dương tính thì chứng tỏ người bệnh đang hoặc mới bị nhiễm virus trong thời gian gần. Kháng thể IgM thường sẽ sản sinh từ khi cơ thể biểu hiện bệnh và đạt đỉnh sau khi nhiễm virus sau 60-90 ngày. Sau đó khoảng 3-12 tháng thì kháng thể IgM sẽ biến mất.

Kháng thể IgG (Anti HAV-IgG)

IgG tồn tại trong máu chứng tỏ người bệnh mới hoặc đã từng mắc bệnh nhiều năm trước. Anti HAV-IgG xuất hiện sau khi kháng thể IgM biến mất và chúng sẽ tồn tại vĩnh viễn trong máu.

Các xét nghiệm này cho biết người bệnh đã tiêm phòng vắc xin hay chưa, nếu dương tính với kháng thể anti-HAV cho thấy vắc xin đã có hiệu quả. Đồng thời, xét nghiệm này cũng cho biết nồng độ men gan và bilirubin máu để xác định mức độ tổn thương gan, từ đó có phương án điều trị thích hợp.

Xét nghiệm máu tìm kháng thể để kết luận tình trạng bị viêm gan A

Xét nghiệm máu tìm kháng thể để kết luận tình trạng bị viêm gan A

Điều trị viêm gan A

Viêm gan A có chữa được không? Viêm gan A đa số gây nên những triệu chứng nhẹ, cơ thể tự phục hồi và thường không có biến chứng về sau. Bên cạnh đó, bệnh lý này cũng chưa có điều trị đặc hiệu, người bệnh có thể nâng cao sức khỏe và thực hiện theo hướng dẫn để điều trị bệnh, bằng cách:

  • Ăn uống nghỉ ngơi khoa học cung cấp cho cơ thể đầy đủ dưỡng chất, nghỉ ngơi đúng giờ giấc để nâng cao sức khỏe.
  • Không uống bia rượu và các sản phẩm có hại cho gan. Nhất là các loại thuốc chuyển hoá qua gan có thể tăng gánh nặng và giảm chức năng của gan.
  • Hạn chế vận động ở những người mắc bệnh nặng.
  • Điều trị tại bệnh viện trong những trường hợp buồn nôn, nôn, mất nước.
  • Sử dụng nước điện giải có kiềm toan.
  • Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc Cycloferon hoặc Ribavirine liều 15mg/kg cơ thể.

Ăn chín uống sôi giúp hạn chế khả năng lây nhiễm viêm gan virus

Ăn chín uống sôi giúp hạn chế khả năng lây nhiễm viêm gan virus

Phòng bệnh viêm gan A

Phương pháp phòng ngừa viêm gan A tốt nhất chính là tiêm vắc xin. Loại vắc xin này thường được chia làm 2 mũi tiêm với mũi thứ hai cách mũi đầu tiên 6-18 tháng với trẻ 1-15 tuổi và 6-12 tháng với người lớn. Những đối tượng sau đây được khuyến nghị tiêm phòng bệnh:

  • Trẻ em từ 1 tuổi trở lên
  • Người sống trong gia đình có bệnh nhân.
  • Người thường xuyên đi du lịch - làm việc tại những nơi có tỷ lệ mắc bệnh cao.
  • Kỹ thuật viên làm việc tại phòng thí nghiệm có nguy cơ tiếp xúc virus HVA.
  • Người có nguy cơ phơi nhiễm cao như nhân viên xử lý nước thải, giáo viên mầm non, y tá,...
  • Người đang mắc bệnh gan mãn tính, rối loạn đông máu, viêm gan B, C,...
  • Dự phòng bằng cách tiêm Globulin miễn dịch dự phòng viêm gan A có hiệu quả kéo dài trong khoảng 6 tháng.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên thực hiện các biện pháp sau:

  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Nên ăn đồ chín, hạn chế ăn đồ sống.
  • Ăn trái cây gọt vỏ.
  • Khám sức khỏe định kỳ.

Tiêm phòng vắc xin là biện pháp phòng ngừa viêm gan A hiệu quả nhất thời điểm hiện tại

Tiêm phòng vắc xin là biện pháp phòng ngừa viêm gan A hiệu quả nhất thời điểm hiện tại

Lịch tiêm viêm gan A cho trẻ em và người lớn

Dưới đây là lịch tiêm phòng mà bạn nên nắm được:

Loại vắc xin Vắc xin AVAXIM Vắc xin HAVAX Vắc xin TWINRIX
Nguồn gốc Pháp Việt Nam Bỉ
Phòng bệnh Viêm gan A Viêm gan A Viêm gan A, B
Đối tượng và Lịch tiêm -Trẻ từ 1 -15 tuổi.
-Tiêm mũi 1 trong độ tuổi, mũi 2 cách 6-18 tháng, tốt nhất là 6 tháng.
-Người lớn trên 16 tuổi: Tương tự như trẻ nhỏ.

-Trẻ 2 tuổi - 18 tuổi.
-Tiêm mũi 1 trong độ tuổi, mũi 2 cách 6-18 tháng, tốt nhất là 6 tháng.
Người lớn trên 18 tuổi: Tương tự như trẻ nhỏ nhưng liều lượng lớn hơn.

-Trẻ từ 1 tuổi – 16 tuổi.
-Mũi 1 trong độ tuổi, mũi 2 cách mũi 1 6-18 tháng.
-Người lớn trên 16 tuổi.
-Tiêm 3 liều cơ bản, mũi 2 cách mũi một 1 tháng, mũi 3 cách mũi một 6 tháng.

 

Các câu hỏi thường gặp về bệnh viêm gan A

Để bạn đọc có thêm những hiểu biết sâu hơn về bệnh, dưới đây là những câu hỏi thường gặp và giải đáp của bác sĩ.

Câu hỏi: Bệnh viêm gan A có thời gian ủ bệnh là bao lâu?

Theo thông tin của WHO, bệnh viêm gan A có thời gian ủ bệnh là 14-28 ngày. Bệnh biểu hiện thành triệu chứng thường sau 2-6 tuần từ thời điểm bị phơi nhiễm. Đa số triệu chứng biến mất sau 2 tháng, tuy nhiên có một số trường hợp triệu chứng kéo dài lên tới 6 tháng.

Câu hỏi: Virus viêm gan A tồn tại bên ngoài môi trường bao lâu?

Trong điều kiện thích hợp, virus viêm gan A có thể tồn tại nhiều tháng liền bên ngoài môi trường. Chúng không bị ảnh hưởng của nhiệt độ lạnh nhưng ở nhiệt độ cao có thể bị tiêu diệt, chẳng hạn với nhiệt độ đun nấu thông thường (85 độ C) HAV chỉ tồn tại được khoảng 1 phút. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phòng bệnh bằng cách ăn chín uống sôi.

Virus viêm gan A có thể tồn tại ngoài môi trường hàng tháng

Virus viêm gan A có thể tồn tại ngoài môi trường hàng tháng

Câu hỏi: Người từng bị bệnh có khả năng tái nhiễm không?

Tỷ lệ tái nhiễm của viêm gan A là 3-20% và thường bị lại sau khoảng 1-3 tuần sau khi bị bệnh với triệu chứng nhẹ hơn.

Viêm gan A tuy không có triệu chứng quá nặng nề với sức khỏe nhưng không phải tuyệt đối là không có biến chứng. Tiêm vắc xin để phòng ngừa là biện pháp tốt nhất để cơ thể tự sản sinh ra kháng thể chống chọi với sự xâm nhập và tấn công của HAV.

Hãy liên hệ đến hotline 1900 1806 của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được tư vấn về loại vắc xin viêm gan A phù hợp, lịch tiêm chủng và chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình bạn nhé.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,550

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám