Những điều cần biết về bệnh phong (bệnh hủi)

Trần Hồng Nụ

09-04-2022

goole news
16

Bệnh phong còn có tên gọi khác là bệnh hủi hay bệnh cùi. Đây là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm có thể dẫn mù lòa, biến dạng các chi gây mất khả năng vận động,...Bởi vậy mỗi người cần nắm rõ những thông tin liên quan đến bệnh này để chủ động phòng tránh và điều trị kịp thời.

Tìm hiểu về bệnh phong

Bệnh phong là gì?

Theo dân gian, bệnh phong còn có tên gọi khác là bệnh hủi, bệnh cùi, bệnh phong hủi, bệnh phong cùi. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Mycobacterium leprae gây ra.

Vi khuẩn Mycobacterium leprae do nhà bác học Na Uy - Ông Hansen phát hiện ra từ năm 1873. Bởi vậy, giới chuyên gia cũng thường gọi nó là trực khuẩn Hansen.

Bệnh phong là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do trực khuẩn Hansen gây ra
Bệnh phong là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do trực khuẩn Hansen gây ra

Bệnh phong hủi chủ yếu gây các tổn thương trên da, dây thần kinh ngoại biên và bề mặt niêm mạc của đường hô hấp hoặc mắt. Khi không can thiệp điều trị sớm bệnh có thể để lại những tàn tật vĩnh viễn ở cơ thể

Bệnh phong có lây không? Con đường lây nhiễm bệnh phong

Bệnh phong có thể lây từ người sang người thông qua đường hô hấp và đường tiếp xúc trực tiếp. Cụ thể:

  • Đường hô hấp: Các nghiên cứu khoa học đã đã phát hiện ra rằng, một người mắc bệnh phong có thể giải phóng hơn 100 triệu trực khuẩn Hansen qua đường hô hấp và cả dịch tiết ra từ mũi họng mỗi ngày. Nguy hiểm hơn, loại trực khuẩn này còn có thể sống ở môi trường bên ngoài từ 1 tới 2 tuần, chúng hoạt động mạnh mẽ ở những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng. Chính vì vậy khi chúng ta tiếp xúc cùng môi trường thở với người bị phong thì sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh này.
  • Đường tiếp xúc: Một người tiếp xúc trực tiếp với người bị phong hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân như quần áo, chén đũa… với họ sẽ sẽ có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh này.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh phong hủi có tỷ lệ lây nhiễm thấp hay cao tùy đối tượng. Cụ thể:

  • Đối với người có sức đề kháng tốt, cơ thể họ đã sở hữu khả năng tiêu diệt mầm bệnh nên rất khó lây nhiễm bệnh nếu như chỉ thông qua các tiếp xúc thông thường.
  • Đối với người có sức đề kháng kém, điều kiện sống thiếu thốn, môi trường ở chật chội, ẩm ướt, thiếu ánh sáng, không vệ sinh... thì rất dễ nhiễm bệnh phong.
  • Đối với bệnh nhân phong, bác sĩ thường chỉ định họ sử dụng thuốc điều trị cắt đứt nguồn lây ngay ở lần uống đầu tiên. Do đó trong điều trị này, họ không cần phải thực hiện cách ly.

Thời gian ủ bệnh phong kéo dài bao nhiêu lâu?

So với những bệnh lý truyền nhiễm khác thì bệnh phong phát triển khá chậm. Nguyên nhân là vi khuẩn Mycobacterium leprae gây bệnh này tăng sinh rất chậm trong cơ thể, cụ thể, nó chỉ sinh sản khoảng 2 tuần/ lần. Do đó bệnh phong có thời gian ủ bệnh tương đối lâu và các triệu chứng cũng xuất hiện hiện rất chậm.

Bệnh phong có thời gian ủ bệnh tương đối dài, trung bình khoảng 3 đến 6 năm
Bệnh phong có thời gian ủ bệnh tương đối dài, trung bình khoảng 3 đến 6 năm

Thời gian ủ bệnh phong có sự khác nhau theo từng thể. Cụ thể:

  • Bệnh phong thể củ: Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 3 – 6 năm.
  • Thể phong u: Thời gian ủ bệnh kéo dài từ từ 3 – 10 năm.

Chú ý: Cũng có một số trường hợp bệnh phong chỉ ủ bệnh khoảng từ 2 – 3 năm sau đó gây ra các triệu chứng lâm sàng.

Mặc dù thời gian ủ bệnh phong khá lâu nhưng khi bệnh khởi phát cũng là lúc cơ thể bệnh nhân đã ẩn chứa lượng vi khuẩn cực lớn. Lúc này chúng sẽ cùng lúc đục khoét và gây ra các tác động xấu tới sức khỏe. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị rụng tay chân dẫn mất khả năng hoặc thậm chí là tử vong chỉ trong thời gian ngắn.

Bệnh phong có di truyền không?

Phong là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm nên hầu hết những gia đình có người mắc bệnh này đều rất lo lắng về vấn đề bệnh có thể di truyền không? Theo các bác sĩ chuyên khoa thì phong là bệnh do vi khuẩn gây ra nên chỉ có tính lây truyền chứ hoàn toàn không có khả năng di truyền từ đời này sang đời khác. Các yếu tố tham gia vào quá trình lây bệnh từ người sang người là: vi khuẩn hansen, đường lây nhiễm và sức đề kháng của bạn.

Các dạng bệnh phong hiện nay

Hiện nay, đang tồn tại 3 hệ thống phân loại bệnh phong. Hệ thống đầu tiên công nhận bệnh phong có hai loại chính là phong củ và phong u:

  • Phong củ: Là thể bệnh đáp ứng miễn dịch tốt, người bệnh chỉ xuất hiện một vài tổn thương trên da. Phong củ được đánh giá là bệnh lý nhẹ và mức độ truyền nhiễm thấp.
  • Phong u: Là thể bệnh đáp ứng miễn dịch kém, người bệnh xuất hiện các tổn thương trên da, dây thần kinh và các cơ quan khác. Vết thương có thể lan rộng và hình thành các cục u lớn. Đáng chú ý, bệnh phong u rất dễ lây lan qua đường hô hấp và tiếp xúc gần.

Hình ảnh bệnh phong thể u
Hình ảnh bệnh phong thể u

Dựa vào thể loại và số lượng khu vực bị tác động, Tổ chức Y tế Thế giới phân loại bệnh phong thành 2 dạng sau:

  • Dạng ít vi trùng: Là dạng phong có ít hơn năm tổn thương hoặc không chứa vi khuẩn trong mẫu da. Thường là thể phong bất định, phong củ hoặc phong trung gian gần củ.
  • Dạng nhiều vi trùng: Là dạng phong có nhiều hơn năm tổn thương hoặc chứa vi khuẩn trong mẫu da. Thường dạng là phong trung gian, phong trung gian gần u hoặc phong u.

Dựa trên các triệu chứng lâm sàng, hệ thống Ridley-Jopling đã phân bệnh phong làm 6 loại như sau:

  • Nhóm bất định: Cơ thể người bệnh chỉ xuất hiện một vài tổn thương phẳng trên da, đôi khi có thể tự lành hoặc tiến triển thành loại nặng hơn
  • Thể củ: Người bệnh xuất hiện một vài tổn thương phẳng nhưng rộng kèm theo triệu chứng mất cảm giác, tổn thương một số dây thần kinh. Phong thể củ có thể tự lành, kéo dài dai dẳng hoặc tiến triển nặng hơn.
  • Nhóm trung gian gần củ: Là dạng phong gây ra các tổn thương tương tự như phong củ nhưng nhỏ hơn và xuất hiện nhiều hơn. Bệnh ít gây ảnh hưởng đến dây thần kinh, có thể kéo dài dai dẳng, giảm nhẹ triệu chứng về nhóm phong củ hoặc tiến triển nặng hơn thành dạng phong u.
  • Nhóm trung gian: Bệnh gây ra hàng loạt các triệu chứng lâm sàng như hình thành mảng đỏ trên da có cảm giác tê vừa phải, nổi hạch. Phong trung gian có thể thoái lui, dai dẳng hoặc tiến triển thành dạng nặng hơn.
  • Nhóm trung gian gần u: Bệnh gây ra nhiều tổn thương bao gồm các vết loét dạng phẳng, u, nổi nốt, đôi khi khiến người bệnh mất cảm giác. Nhóm phong trung gian thể thoái lui, kéo dài dai dẳng hoặc tiến triển nặng.
  • Thể u: Nhóm bệnh này gây ra nhiều tổn thương trên da và cả dây thần kinh kèm triệu chứng rụng tóc, chân tay yếu, biến dạng chi. Đáng chú ý, phong thể u hoàn toàn không thể thoái lui.

Nguyên nhân gây bệnh phong

Như đã đề cập ở trên, bệnh hủi do một loại vi khuẩn phát triển chậm có tên là Mycobacterium leprae (M. leprae) gây ra. Nó còn có tên gọi khác là trực khuẩn Hansen do được nhà khoa học cùng tên người Nauy phát hiện ra vào năm 1973.

Những người thường xuyên tiếp xúc với người bị phong hủi sẽ có nguy cơ mắc bệnh này
Những người thường xuyên tiếp xúc với người bị phong hủi sẽ có nguy cơ mắc bệnh này

Những người có nguy cơ cao nhiễm loại trực khuẩn này thường sống ở khu vực có nhiều người mắc bệnh phong. Cụ thể là một số địa phận thuộc Ấn Độ, Trung Quốc, Nepal, Nhật Bản, Ai Cập và đặc biệt là những người có xảy ra tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân phong hủi.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khoa học cũng cho thấy các khuyết tật di truyền trong hệ miễn dịch của con người cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh hủi, cụ thể là vùng Q25 trên nhiễm sắc thể 6. Ngoài ra, những người tiếp xúc với động vật có chứa vi khuẩn phong như tinh tinh châu Phi, armadillos, khỉ mặt xanh cổ trắng và khỉ đuôi dài cũng có nguy cơ lây bệnh, nhất là khi không sử dụng găng tay bảo vệ.

Dấu hiệu, triệu chứng bệnh phong cùi

Vi khuẩn gây bệnh phong chủ yếu chỉ tác động đến da và các dây thần kinh ngoài khu vực não bộ và tủy sống, tức là các dây thần kinh ngoại vi. Trong một số trường hợp nó cũng có thể tấn công vào khu vực mắt và niêm mạc mũi nếu có điều kiện thuận lợi.

Các dấu hiệu của bệnh phong sau khi kết thúc thời gian ủ bệnh bao gồm:

  • Các vết tổn thương có màu lạ trên da là biểu hiện của bệnh phong dễ nhận biết.
  • Các vết loét trên da thông thường chỉ xuất hiện vài chỗ, không chứa nhiều vi khuẩn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tổn thương này lan rất rộng ra toàn bộ vùng da của cơ thể đồng thời chứa rất nhiều vi khuẩn.
  • Mất cảm giác thông thường như nóng, lạnh và đau.
  • Mặt nổi các cục nhỏ sần sùi.
  • Mũi xẹp xuống khiến gây mất thẩm mỹ, thậm chí khiến bệnh nhân có gương mặt của một con sư tử.
  • Xuất hiện nhiều u cục ở các dây thần kinh ngoại vi hoặc gần vị trí khớp xương như cổ tay, khuỷu tay hay đầu gối. Các cục u này thường gây đau và hoàn toàn có thể sờ thấy qua da.

Các triệu chứng của bệnh phong cùi
Các triệu chứng của bệnh phong cùi

Chú ý:

  • Bạn vẫn có thể gặp các biểu hiện bệnh phong khác chưa được đề cập trong bài viết này.
  • Khi thấy bản thân có một trong những biểu hiện bệnh phong đã nêu trên, bạn hãy đến bệnh viện ngay để thăm khám và nhận sự tư vấn của bác sĩ.

Những biến chứng của bệnh phong

Khi bệnh không được điều trị kịp thời, ngoài các triệu chứng khó chịu trên da và các dây thần kinh ngoại vi, bệnh phong còn có thể dẫn tới rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Hệ quả là dẫn tới tàn tật, biến dạng khuôn mặt, các chi và dẫn tới mù lòa.

Các biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh hủi thường là do bệnh lý thần kinh ngoại vi gây ra. Biểu hiện điển hình của người bệnh lúc này là mất cảm giác đau và không cảm nhận được nhiệt độ. Ngoài ra, các khu vực khác cũng có thể bị ảnh hưởng là:

  • Biến chứng tại chân: Loét bàn chân do nhiễm trùng thứ phát dẫn đến cảm giác đau đớn khi đi bộ. Lâu dần chân sẽ bị hoại tử, dẫn đến mất khả năng vận động.
  • Biến chứng tại mũi: Vi khuẩn gây bệnh hủi khi phát triển mạnh sẽ phá hủy niêm mạc mũi, gây ra tình trạng xung huyết và chảy máu mũi mạn tính. Trong trường hợp không được can thiệp điều trị kịp thời, mũi có thể bị ăn mòn và sụp đổ vách ngăn, cấu trúc.
  • Biến chứng tại mắt: Bệnh hủi có thể dẫn đến biến chứng viêm mống mắt, làm tăng nguy cơ tăng nhãn áp và mất cảm giác giác mạc, để lại sẹo và gây mù lòa.
  • Ảnh hưởng đến chức năng tình dục: Những người bị bệnh phong hủi có nguy cơ cao bị rối loạn cương dương và vô sinh. Bởi vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng đã khiến hormone testosterone suy giảm đáng kể, bên cạnh đó khả năng sản xuất tinh trùng của tinh hoàn cũng bị ảnh hưởng.
  • Biến chứng tại thận: Bệnh hủi có thể gây thoái hóa thận dạng bột. Hậu quả của tình trạng này là chứng suy thận.

Bàn chân bị loét sâu do bệnh hủi chuyển biến nặng gây nhiễm trùng
Bàn chân bị loét sâu do bệnh hủi chuyển biến nặng gây nhiễm trùng

Chẩn đoán và điều trị bệnh phong

Nếu phát hiện thấy các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phong, bạn cần tới ngay cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và áp dụng phác đồ điều trị phù hợp (trong trường hợp cần thiết).

Cách chẩn đoán bệnh phong

Để chẩn đoán bệnh phong hủi, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe cho người bệnh để tìm kiếm các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng. Bên cạnh đó, một số xét nghiệm khác cũng cần được thực hiện đồng thời như:

Sinh thiết mẫu da hoặc dây thần kinh: Một mẫu da hoặc dây thần kinh nhỏ sẽ được bác sĩ lấy từ người bệnh và gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh phong hủi.

Xét nghiệm lepromin trên da. Phương pháp này được thực hiện nhằm mục đích các định dạng bệnh phong. Bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ vi khuẩn gây bệnh (loại đã bị bất hoạt) vào da trên cẳng tay của người bệnh. Những người bị phong lao hoặc lao trung gian thông thường sẽ có kết quả dương tính ngay tại vị trí tiêm.

Phương pháp điều trị bệnh phong

Bệnh phong hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm và áp dụng đúng phương pháp điều trị. Tổ chức Y tế Thế giới đã và đang cung cấp các thuốc điều trị miễn phí cho tất cả những người mắc căn bệnh nguy hiểm này. Trong hai thập kỷ qua, có khoảng 16 triệu bệnh nhân hủi đã được chữa khỏi dứt điểm.

Phương pháp điều trị bệnh phong sẽ căn cứ vào từng dạng bệnh và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, trong đó chủ yếu là sử dụng thuốc. Cụ thể:

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh giúp ngăn chặn và tiêu diệt trực khuẩn Hansen. Trong trường hợp cần điều trị dài hạn, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh kết hợp hai hoặc nhiều loại kháng sinh khác nhau để tăng hiệu quả. Tuy nhiên, nhóm thuốc này không thể chữa lành được các dây thần kinh đã tổn thương. Thông thường, lộ trình chữa khỏi bệnh hủi bằng kháng sinh sẽ kéo dài từ 6 tháng - 1 năm.

Dapsone là thuốc kháng sinh thường dùng để điều trị bệnh phong
Dapsone là thuốc kháng sinh thường dùng để điều trị bệnh phong

Các loại thuốc kháng sinh thường được áp dụng để điều trị bệnh phong là:

  • Dapsone.
  • Clofazimine.
  • Rifampin.
  • Ofloxacin.
  • Minocycline.

Thuốc chống viêm: Những thuốc chống viêm thuộc nhóm steroid như prednisone giúp người bệnh kiểm soát các cơn đau dây thần kinh và những tổn thương do bệnh hủi gây ra.

Thuốc ức chế hệ miễn dịch: Thuốc ức chế miễn dịch Thalidomide được áp dụng để điều trị các nốt u trên da do bệnh phong gây ra. Tuy nhiên, nó chống chỉ định tuyệt đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đã có thai vì có thể gây ra các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho em bé.

Cách chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh phong

Việc chăm sóc người bị bệnh phong cần đặc biệt chú ý những vấn đề sau:

  • Chú ý đeo đồ bảo hộ và không trực tiếp với các vết viêm loét trên da người bệnh để tránh nguy cơ lây bệnh.
  • Thường xuyên kiểm tra các thương tổn trên da, các chi để khắc phục.
  • Trước khi đi ngủ người bệnh đi ngủ, cần ngâm bàn tay, bàn chân vào nước ấm khoảng 15 phút để giúp làm mềm da và tránh tình trạng khô da. Tiếp đó dùng đá mài để mài ở các vị trí da dày rồi thoa thuốc khắp lòng bàn tay, bàn chân và vùng da bị khô.
  • Khi trên da người bệnh xuất hiện các vết trầy xước, nốt phồng, nứt nẻ… cần rửa sạch vết thương sau đó ngâm nước khoảng 15 phút rồi băng lại bằng vải sạch. Nếu vết thương không lành lại mà có hiện tượng loét, chảy mủ, sốt, chi sưng nóng… thì người chăm sóc cần phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên ngay.
  • Khi người bệnh phong bị mất cảm giác rất dễ làm tổn thương bản thân mà không hay biết. Bởi vậy, người chăm sóc không nên để các đồ vật sắc nhọn, lửa hay các vật dụng nguy hiểm khác gần họ.
  • Để tránh các tổn thương trên chân, người bệnh nên mang giày bảo vệ phù hợp đã được gia cố đế đồng thời mang bao tay vải để cầm nắm vật dụng.

Người mắc bệnh phong là đối tượng đặc biệt cần quan tâm, chăm sóc
Người mắc bệnh phong là đối tượng đặc biệt cần quan tâm, chăm sóc

Ngoài những lưu ý trên, người bị phong cũng cần chú ý hơn tới chế độ ăn uống, những thực phẩm nên ăn và cần kiêng để kiểm soát hiệu quả triệu chứng bệnh.

Thực phẩm người bị phong hủi nên ăn:

  • Rau cải cay: Là loại rau có chứa rất nhiều vitamin như A, C, E cực kỳ tốt cho người bệnh phong. Bởi các loại vitamin này sở hữu khả năng ngăn chặn các nhân tố gây viêm nhiễm.
  • Nước trà: Nước trà là đồ uống có thể ngăn chặn tình trạng lão hóa, giúp loại bỏ đáng kể những tác nhân gây dị ứng, viêm nhiễm. Bởi vậy mà người bị bệnh hủi nên uống trà vào mỗi buổi sáng để giảm thiểu triệu chứng bệnh.
  • Tỏi tươi: Tỏi là loại gia vị có tính ấm và sở hữu khả năng chống viêm rất tốt. Bên cạnh đó, một lượng lớn vitamin C có trong tỏi cũng giúp kiểm soát bệnh phong hiệu quả.
  • Nghệ vàng: Cũng giống như tỏi, nghệ vàng sở hữu các thành phần có tác dụng chống viêm, giúp hỗ trợ điều trị bệnh phong hiệu quả.

Thực phẩm người bị phong hủi cần kiêng:

  • Đồ uống có chứa chất kích thích: Rượu, bia, các loại nước uống chứa cồn và gas khác; cà phê và chất gây nghiện.
  • Thực phẩm giàu protein (đạm): Đạm là dưỡng chất rất cần thiết cho sức khỏe con người, tuy nhiên với người bệnh phong thì khác. Các bác sĩ luôn khuyên họ hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất này để hạn chế hiện tượng dị ứng, tăng phản ứng viêm.
  • Đường và muối: Đây là hai loại gia vị mà người bị phong hủi cần tránh. Bởi khi dung nạp nhiều đường và muối, các dây thần kinh ngoại biên sẽ bị kích thức nhiều hơn, làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh, từ đó khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
  • Đồ ăn chế biến sẵn, thức uống đóng chai: Các chất hóa học hoặc chất bảo quản có trong những loại đồ ăn này gây ảnh hưởng đáng kể đối với sức khỏe con người, nhất là những ai đang mắc bệnh phong hủi.

Người mắc bệnh hủi nên kiêng ăn thực phẩm giàu đạm

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh phong?

Cho tới nay, tất cả các nước trên thế giới đều chưa nghiên cứu ra vaccine phòng ngừa bệnh phong. Bởi vậy mục tiêu của việc ngăn ngừa bệnh này đó là:

  • Phát hiện sớm và điều trị kịp thời, dứt điểm cho người mắc bệnh phong nhằm mục đích cắt đứt nhanh chóng nguồn lây trong cộng đồng.
  • Giảm số người bệnh phát hiện muộn, qua đó giảm tỷ lệ biến chứng, tàn tật cho những đối tượng này.

Các chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa hiệu quả bệnh phong, bạn cần thực hiện đồng thời các biện pháp sau đây:

  • Tăng cường giáo dục sức khỏe toàn dân về những thông tin cần biết về bệnh phong để những ai không may mắc bệnh này có thể phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Ngoài ra, khi hiểu hết về bệnh phong, xã hội cũng không còn những định kiến sai lầm về bệnh lý này.
  • Một số nghiên cứu đã cho rằng, những người đã từng được tiêm vắc xin phòng bệnh lao có khả năng miễn dịch với virus gây ra bệnh phong hủi. Bởi vậy để hạn chế nguy cơ mắc bệnh phong, bạn cũng nên đi vắc xin này đầy đủ.
  • Chú ý vệ sinh nơi ở và môi trường xung quanh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên để hạn chế nguồn lây nhiễm bệnh.
  • Ăn uống lành mạnh và đầy đủ dưỡng chất thiết yếu, tăng cường bổ sung lợi khuẩn, các loại vitamin C và kẽm... để nâng cao sức đề kháng.
  • Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh phong, bạn cần tới cơ sở y tế ngay để được bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị.

Vừa rồi là những thông tin hữu ích liên quan tới bệnh phong. Mặc dù đây là bệnh lý nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm và áp dụng đúng phác đồ điều trị. Bởi vậy khi không may mắc phải căn bệnh này, bạn cần phải đối mặt và nhờ tới sự can thiệp y hoa để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và tránh lây lan bệnh ra cộng đồng.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

6,619

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

TTUT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

TTUT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
19001806 Đặt lịch khám