Bệnh quai bị: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và cách phòng ngừa

Trần Hồng Nụ

07-07-2021

goole news
16

Bệnh quai bị là bệnh lý truyền nhiễm cực kỳ phổ biến, thường xảy ra ở đối tượng trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra hàng loạt các biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm tụy, nhồi máu phổi.

Quai bị là bệnh gì?

Quai bị còn có tên gọi khác là má chàm bàm. Đây là một bệnh lý do virus gây ra và có khả năng truyền nhiễm từ người sang người. Virus gây bệnh này tác động trực tiếp ảnh đến tuyến nước bọt nằm ở gần tai và gây sưng.

Quai bị thường xảy ra ở đối tượng trẻ nhỏ từ 5 đến 9 tuổi. Nhìn chung, đây không là một bệnh nguy hiểm và có thể dễ dàng điều trị. Tuy nhiên, virus gây bệnh vẫn có khả năng gây ra một biến chứng nghiêm trọn, dù chỉ là trường hợp ít gặp.

Bệnh quai bị còn có tên gọi khác là má chàm bàm
Bệnh quai bị còn có tên gọi khác là má chàm bàm

Theo thống kê, bệnh quai bị có tỷ lệ mắc rất cao ở những vùng dân cư đông đúc, đời sống nghèo nàn, khí hậu lạnh hoặc mát mẻ. Tại Việt Nam, bệnh này thường xuất hiện thành đợt dịch với quy mô nhỏ đến vừa hoặc có đôi lúc phân tán khắp cả nước, chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên.

Nguyên nhân gây bệnh quai bị

Virus quai bị thuộc là loài thuộc họ Paramyxoviridae. Nó có thể tồn rất lâu ở môi trường, thậm chí lên tới 30 - 60 ngày với điều kiện nhiệt độ dao động từ 15 - 20 độ C.

Tuy nhiên, virus quai bị lại có thể bị diệt nhanh chóng ở môi trường có nhiệt độ trên 56 độ C, dưới ánh sáng mặt trời hay khi chúng tiếp xúc với những hóa chất khử khuẩn có chứa Clo hoặc chất khử khuẩn bệnh viện thường dùng.

Như vậy có thể thấy nguyên nhân sâu xa dẫn đến bệnh quai bị đó chính là thói quen vệ sinh cơ thể, nhà cửa không sạch sẽ, thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ẩm thấp, bụi bẩn kết hợp với hệ miễn dịch kém.

Đường lây truyền và thời gian ủ bệnh quai bị

Con người được xem là ổ chứa và nguồn lây nhiễm duy nhất của bệnh quai bị. Bệnh này có thể lây lan trực tiếp qua đường hô hấp khi người lành không may hít phải bụi nước chứa virus của người bệnh. Sau khi xâm nhập thành công vào cơ thể, virus sẽ cố gắng bám vào niêm mạc mũi, miệng để di chuyển tới tận nội tạng thông qua đường máu rồi gây ra các triệu chứng bệnh.

Người bị quai bị trong giai đoạn khởi phát có khả năng lây lan bệnh cho nhiều người khác. Trong một số trường hợp, người mang virus quai bị lại hoàn toàn không có triệu chứng rõ ràng (tức bị thể tiềm ẩn) thì vẫn có khả năng truyền bệnh cho những người xung quanh.

Bệnh quai bị có thể lây qua đường hô hấp
Bệnh quai bị có thể lây qua đường hô hấp

Các con đường lây truyền quai bị gồm:

  • Đường hô hấp: Thông qua hành động ho, hắt hơi, nói chuyện làm văng nước bọt, hôn hít.
  • Vật dụng lây truyền: Dùng chung vật dụng cá nhân như thìa dĩa, kem đánh răng, khăn mặt với người bệnh.
  • Đường ăn uống: Dùng chung thức ăn, đồ uống với người bệnh.
  • Tiếp xúc gần: Hôn nhau.

Những hạt nước bọt chứa có chứa virus quai bị có kích thước từ 5 - 100 mm nhưng lại có thể phát tán mạnh và nhanh trong phạm vi 1,5m. Đáng chú ý, nững hạt cực dạng khí dung nhỏ dưới 5mm còn có khả năng bay lơ lửng nhiều giờ trong không khí tại những không gian kín. Khi gặp gió các hạt khí dung chứa vi rút quai bị có thể phát tán xa hơn bởi vậy mà khả năng lây lan bệnh của chúng càng cao hơn.

Bệnh quai bị tiến triển qua 2 giai đoạn là:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Ở giai đoạn này, bệnh thường kéo dài từ 2 đến 3 tuần ( tức khoảng 18 ngày) và không gây ra bất cứ triệu chứng lâm sàng nào.
  • Giai đoạn lây truyền: Virus quai bị tồn tại sẵn trong nước bọt của người bệnh trước khi bệnh khởi phát từ 3 đến 5 ngày và sau giai đoạn khởi phát từ 7 đến 10 ngày. Đây chính là giai đoạn lây truyền của bệnh. Trong đó, một tuần xung quanh ngày khởi phát bệnh chính là thời gian virus quai bị có khả năng lây lan mạnh mẽ nhất, Ngoài cư trú trong nước bọt, chúng còn có trong nước tiểu liên tục trong 2 tuần.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh quai bị

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh quai bị bao gồm:

  • Độ tuổi: Độ tuổi dễ mắc quai bị nhất là từ 2-12 tuổi, đặc biệt là những trẻ chưa được bố mẹ cho tiêm vắc-xin phòng bệnh. Bởi vậy, bệnh thường bùng thành dịch tại trường mẫu giáo, tiểu học. Tuy quai bị cũng có khi xảy ra ở trẻ lớn. thanh thiếu niên và người cao tuổi nhưng trên thực tế đối tượng này có tỷ lệ rất thấp. Đáng chú ý, các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra rằng, khả năng mắc bệnh này ở nam cao hơn so với nữ.

Trẻ từ 2 đến 12 tuổi có nguy cơ cao bị quai bị nếu chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh
Trẻ từ 2 đến 12 tuổi có nguy cơ cao bị quai bị nếu chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh

  • Người đã tiếp xúc gần hoặc sử dụng chung đồ vật với bệnh: Đây cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc quai bị. Do virus gây bệnh này chứa trong nước bọt của người bệnh khi được giải phóng có thể tồn tại trong không khí hoặc bám vào vật dụng rất lâu.
  • Đối tượng có hệ thống miễn dịch yếu: Những người có hệ miễn dịch yếu thường xuyên ốm vặt cũng dễ bị mắc bệnh quai bị. Do bệnh này lây lan qua đường hô hấp thông qua nước bọt học dịch tiết ra từ mũi họng có chứa virus. Khi người bệnh hắt hơi, ho, nói chuyện hay khạc nhổ thì virus có thể bám vào vật chủ khác một cách thuận lợi.
  • Thời tiết lạnh: Bệnh quai bị thường bùng phát mạnh mẽ vào mùa đông, tức lúc thời tiết bắt đầu chuyển lạnh. Như vật khí hậu mát, lạnh và khô hanh là chính là điều kiện thuận lợi virus lây bệnh lan truyền nhanh hơn.

Triệu chứng bệnh quai bị

Các dấu hiệu quai bị thường gặp bao gồm:

  • Tuyến nước bọt ở mang tai hoặc dưới hàm một hoặc hai bên bị to ra, làm mặt phình ra, cổ bạnh, cằm xệ.
  • Da vùng tuyến mang tai bị sưng nên rất căng, bóng khi sờ vào có cảm giác nóng đau. Chỗ sưng không đỏ và không lõm xuống đối với trường hợp viêm tuyến nước bọt do virus. Còn với viêm tuyến nước bọt do tác nhân vi khuẩn thì bị đỏ, ấn vào bị lõm.
  • Nước bọt ít nhưng đặc biệt quánh.
  • Lỗ ống Stenon xuất hiện triệu chứng viêm đỏ hoặc có mủ chảy ra khi vuốt dọc theo ống tuyến. Tuy nhiên triệu chứng này chỉ xuất hiện trong trường hợp tác nhân gây bệnh là vi khuẩn.
  • Sưng hạch tại vị trí góc hàm.
  • Các triệu chứng khác bao gồm: Đau họng, đau hàm khi ăn uống, nói chuyện, cơn đau dần lan ra tai, sốt đột ngột, đau đầu, người mệt mỏi.

Viêm sưng tuyến nước bọt ở mang tai là dấu hiệu quai bị điển hình
Viêm sưng tuyến nước bọt ở mang tai là dấu hiệu quai bị điển hình

Thời gian biểu hiện các triệu chứng quai bị trên kéo dài khoảng 10 ngày. Tuy nhiên trên thực tế lại có tới khoảng 25% người bị nhiễm virus gây bệnh này mà không có dấu hiệu lâm sàng rõ rệt. Đây cũng chính là những đối tượng có khả năng lây truyền bệnh cực cao ra cộng đồng. Bệnh quai bị gây miễn dịch bền vững khi đã mắc nên rất ít trường hợp bị tái phát bệnh.

Biến chứng của bệnh quai bị

Bệnh quai bị ở người lớn tuy ít gặp, nhưng nếu đã mắc thì đối tượng này thường bị nặng. Bên cạnh đó, trẻ bị bệnh này cũng có nguy cơ cao gặp nhiều biến chứng. Cụ thể:

  • Viêm tinh hoàn: Biến chứng này chiếm tỉ lệ tới 20-35% ở những người mắc bệnh quai bị sau tuổi dậy. Tình trạng này thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai kéo dài khoảng 7-10 ngày. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nó cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời với triệu chứng viêm, sưng tuyến nước bọt. Lúc này, tinh hoàn sưng to gây đau và mào tinh cũng căng phù. Tình trạng viêm và sốt kéo dài trung bình 3-7 ngày. Trong thời gian sau đó, khoảng 50% số trường hợp viêm tinh hoàn bị teo dần tinh hoàn và có thể làm tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới.
  • Viêm buồng trứng: Biến chứng viêm buồng trứng ở nữ giới bị quai bị chiếm tỉ lệ khoảng 7%. Lúc này hàng loạt triệu chứng lâm sàng sẽ xuất hiện như sốt, đau bụng âm ỉ hoặc từng cơn ở một bên hố chậu, khí hư ra nhiều kèm mùi hôi, thay đổi màu sắc. Nếu viêm buồng trứng không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể tiến triển thành bệnh mãn tính, dính buồng trứng, u nang buồng trứng hoặc ống dẫn trứng, tắc vòi trứng. Hệ quả của các tình trạng trên là khiến chất lượng trứng suy giảm đáng kể và gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nữ giới.
  • Nhồi máu phổi: Là tình trạng một vùng phổi bị thiếu máu làm tăng nguy cơ hoại tử mô phổi. Nhồi máu phổi là biến chứng có thể khởi phát sau khi nam giới bị viêm tinh hoàn do mắc quai bị lâu ngày.
  • Viêm tụy: Biến chứng này chiếm tỉ lệ 3% - 7% và là một biểu hiện rất nặng của quai bị. Bệnh nhân lúc này sẽ bị đau bụng nhiều, buồn nôn thường xuyên, có khi tụt huyết áp.
  • Viêm não: Sau khi xâm nhập được vào cơ thể con người, virus quai bị có thể tấn công hệ thần kinh trung ương (tức não và tủy sống) làm tăng nguy cơ viêm màng não, viêm não.
  • Biến chứng tại thần kinh: Các biến chứng có liên quan đến hệ thần kinh do bệnh quai bị gây ra thường gặp ở người lớn đó là thay đổi tính tình, khó chịu, bứt cơ thể, nhức đầu, co giật hay rối loạn tri giác, thị giác.

Viêm não là một trong những biến chứng quai bị cực kỳ nguy hiểm
Viêm não là một trong những biến chứng quai bị cực kỳ nguy hiểm

  • Điếc tai vĩnh viễn: Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ thì điếc tai do quai bị được xem là một biến chứng rất hiếm gặp, với tỷ lệ mắc chỉ khoảng 2/10.000 trong tổng số trường hợp bệnh. Điếc tai thường xảy ra vào thời điểm khởi phát của bệnh, do virus quai bị đã xâm nhập và làm tổn thương ốc tai. Tình trạng này thường không thể hồi phục và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống sau này của người bệnh. Hiện nay, Y học hiện đại cũng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa và điều trị biến chứng điếc tai do quai bị. Cách tốt nhất là các bác sĩ chỉ có thể cấy ghép ốc tai để nhằm mục đích cải thiện thính lực cho người bệnh. Tuy nhiên, kỹ thuật này trên thực tế rất khó khăn và tốn kém.
  • Biến chứng quai bị ở phụ nữ có thai: Những phụ nữ nếu như không may mắc bệnh quai bị trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể có nguy cơ sẩy thai hoặc sinh con dị dạng. Nếu bệnh này xuất hiện trong 3 tháng cuối của thai kỳ thì cũng tăng khả năng sinh non hoặc thai chết lưu.

Chú ý: Bệnh quai bị vẫn có thể gây ra một số biến chứng hiếm gặp khác chưa được đề cập trong bài viết này.

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm

Theo các bác sĩ chuyên khoa, kết quả xét nghiệm gần như đóng vai trò không lớn trong chẩn đoán bệnh quai bị. Bởi bệnh có triệu chứng lâm sàng khá điển hình nên đây chính là dấu hiệu giúp nhận biết bệnh cực kỳ chính xác.

Thông thường, người bệnh quai bị chỉ được chỉ định làm xét nghiệm khi thật sự cần thiết hoặc nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Cụ thể, để phân lập virus, các bác sĩ cần thực hiện lấy các mẫu bệnh phẩm như máu, nước bọt, dịch não tủy. Trong đó, máu và dịch não tủy chỉ có thể được thu thập ở giai đoạn sớm trong khoảng từ 0 đến 7 ngày khởi phát bệnh, hoặc muộn hơn từ 14 đến 21 ngày. Mục đích của việc này là để làm xét nghiệm tìm ra kháng thể IgM hoặc biến động hiệu giá của kháng thể IgG.

Người có dấu hiệu nghi ngờ bị quai bị cần tới bệnh viện để bác sĩ thăm khám và hướng dẫn điều trị
Người có dấu hiệu nghi ngờ bị quai bị cần tới bệnh viện để bác sĩ thăm khám và hướng dẫn điều trị

Các phương pháp xét nghiệm bệnh quai bị thường được các bác sĩ áp dụng gồm:

  • Xét nghiệm CI – cố định bổ thể kết hợp xét nghiệm NT – trung hòa đám hoại tử.
  • Xét nghiệm ELISA – miễn dịch gắn men, giúp phát hiện kháng thể quai bị tồn tại trong máu hoặc dịch não tủy,
  • Xét nghiệm IFA – miễn dịch huỳnh quang gián tiếp, giúp phát hiện kháng nguyên và kháng thể đặc hiệu.

Phương pháp điều trị bệnh quai bị

Nguyên tắc điều trị: Quai bị là bệnh nhiễm trùng khởi phát do sự xâm nhập và tác động của siêu vi nên chủ yếu tập chung vào điều trị triệu chứng, theo dõi để phát hiện sớm và điều trị các biến chứng nếu có.

Nếu nhận thấy có dấu hiệu mắc bệnh quai bị, bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, nhất là khi cơ thể có những biểu hiện nặng sau:

  • Sốt cao trên 39ºC.
  • Khó khăn khi ăn uống, nói chuyện.
  • Mất phương hướng, giảm trí nhớ.
  • Đau bụng.
  • Đau và sưng tinh hoàn ở nam giới.

Bệnh quai bị hiện nay vẫn không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tác nhân gây ra bệnh là do virus nên việc sử dụng thuốc kháng sinh hoàn toàn không mang lại tác dụng. Tuy vậy, trong hầu hết trường hợp bệnh kể cả trẻ em hay người lớn đều có thể khỏi bệnh sau vài tuần nếu không gặp biến chứng gì.

Nguyên tắc để người bệnh quai bị phục hồi sức khỏe nhanh nhất là:

  • Hạn chế vận động.
  • Trong thời gian toàn phát bệnh cần chú ý đến vấn đề dinh dưỡng, vệ sinh cơ thể.
  • Áp dụng phương pháp điều trị chống viêm tinh hoàn ở nam hoặc viêm buồng trứng ở nữ, viêm tụy, viêm màng não. Tuy nhiên, bạn chỉ được phép dùng kháng sinh khi xảy ra bội nhiễm vi khuẩn theo đúng như chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Các trường hợp bệnh tiến triển nặng có thể cần sử dụng thêm globulin miễn dịch.
  • Giảm đau tại chỗ bằng cách chườm ấm vùng sưng.
  • Giảm đau toàn thân và hạ sốt (nếu có) bằng paracetamol.
  • Trường hợp người bệnh có biến chứng viêm tinh hoàn thì cần mặc quần lót nâng tinh hoàn nhằm mục đích giảm đau, sử dụng corticoid đúng liều. Ngoài ra, phẫu thuật giải áp cũng có thể được áp dụng khi tinh hoàn bị chèn ép nhiều. Chú ý, chỉ định dùng thuốc và phẫu thuật viêm tinh hoàn do quai bị cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định tùy từng bệnh nhân, tùy giai đoạn bệnh.

Người bị qaui bị có thể dùng paracetamol để giảm triệu chứng sốt
Người bị qaui bị có thể dùng paracetamol để giảm triệu chứng sốt

Chú ý: Tác nhân gây bệnh quai bị rất dễ lây lan trong khoảng 9 ngày từ khi các triệu chứng khởi phát. Do đó, khi tới bệnh viện thăm khám, người bệnh nên thông báo trước với nhân viên y tế để được hướng dẫn cách ly hoặc có biện pháp hữu hiệu làm giảm thiểu nguy cơ gây lây nhiễm cho những người xung quanh.

Bị quai bị nên ăn gì, kiêng gì?

Khi mắc quai bị ngoài việc thực hiện các biện pháp điều trị phù hợp, bạn cũng phải áp dụng chế độ ăn uống khoa học, phù hợp với tình hình sức khỏe.

Thực phẩm người bệnh quai bị cần bổ sung

Khi bị quai bị, các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ đều khuyên bạn tăng cường bổ sung những thực phẩm sau:

  • Thức ăn lỏng, dễ nuốt: Khi mắc bệnh quai bị bạn sẽ bị sốt cao, cơ thể, mệt mỏi chán ăn. Bởi vậy tốt nhất hãy chuẩn bị cho mình những món ăn dạng lỏng dễ nuốt, dễ tiêu hóa nhưng vẫn chứa đủ chất dinh dưỡng. Một số gợi ý hữu ích dành cho bạn là gạo tẻ, ngó sen, canh trứng...
  • Món ăn chế biến từ đậu: Những món ăn chế biến từ các loại đậu có hàm lượng dinh dưỡng khá cao. Bởi vậy, nó cũng được xem như một bài thuốc giúp cơ thể con người chống lại nhiều bệnh tật. Đặc biệt, đậu sở hữu khả năng nâng cao sức đề kháng, phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân quai bị. Bởi vậy, bạn nên sử dụng đậu để chế biến thành cháo hay các món hầm trong thực đơn hàng ngày.
  • Rau xanh: Trong rau xanh có chứa hàm lượng vitamin A cực kỳ dồi dào nên rất tốt cho hệ tiêu hóa. Với những người mắc bệnh quai bị thì hệ tiêu hóa đóng vai trò rất quan trọng, nên việc tăng cường bổ sung thêm rau xanh là một trong những điều rất cần thiết. Bạn có thể dùng khổ qua để chế biến thành món canh hầm vừa dễ nuốt, dễ tiêu hóa mà còn chứa nhiều dưỡng chất tốt giúp tăng sức đề kháng.
  • Hoa quả: Người bệnh quai bị luôn các bác sĩ chuyên khoa khuyến nghị ăn hoa quả hoặc uống thêm nước ép trái cây có lợi cho sức khỏe để thanh nhiệt, giải động, giảm triệu chứng sưng viêm hiệu quả.

Rau xanh rất tốt cho những người bị quai bị
Rau xanh rất tốt cho những người bị quai bị

Thực phẩm người bệnh quai bị cần kiêng

Trong thời gian mắc bệnh người bệnh cần tránh xa các loại thực phẩm có khả năng khiến tuyến nước bọt hai bên hàm sưng to đồng thời làm bệnh trở nặng hơn như:

  • Đồ chua: Các thực phẩm có vị chua chắc chắn sẽ kích thích tuyến nước bọt tiết ra nhiều. Điều này có thể khiến tình trạng sưng đau và viêm trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Thịt gà: Thịt gà là tuy là món ăn ưa thích của nhiều người nhưng hoàn toàn không phù hợp với người bị quai bị. Bởi đây là món ăn cứng, dai khiến hàm phải hoạt động nhiều và mạnh để nghiền nát thức ăn. Trong khi đó, tuyến nước bọt ở dưới hàm lại đang bị sưng viêm nên chắc chắn việc ăn gà sẽ gây đau đớn. Ngoài ra, đây cũng là thực phẩm khó tiêu không tốt cho người đang có sức khỏe yếu.
  • Đồ nếp: Các món ăn làm từ gạo nếp cũng là thực phẩm mà người mắc quai bị nên kiêng. Bởi chúng có thể làm quai hàm sưng to hơn và gây nhiều đau đớn.
  • Đồ ăn cay nóng, đồ tanh: Các thực phẩm như cay nóng như ớt, tiêu hay hải sản tanh thường khiến bụng khó tiêu, nóng trong và tăng nguy cơ viêm nhiễm, kích ứng.

Ngoài những thực phẩm nên ăn và cần kiêng khi bị quai bị, người bệnh cũng cần lưu ý một số nguyên tắc quan trọng trong ăn uống như sau:

  • Cố gắng ăn nhiều hơn để tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên hãy chia số lượng thức ăn cần dung nạp trong một ngày thành nhiều bữa nhỏ. Như vậy bạn vẫn có thể hấp thu được nhiều dưỡng chất mà còn không gây áp lực lên hệ tiêu hóa.
  • Chú ý ăn các thực phẩm mềm cho tới khi các triệu chứng quai bị thuyên giảm hoàn toàn
  • Không nằm nghỉ hoặc vận động mạnh ngay sau khi ăn để tránh gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa.

Người bị quai bị nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu nhưng cũng cần đủ dưỡng chất
Người bị quai bị nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu nhưng cũng cần đủ dưỡng chất

Một số lưu ý quan trọng khi bị quai bị

Một số lưu ý quan trọng giúp người bệnh quai bị nhanh hồi phục sức khỏe bao gồm:

  • Quai bị là bệnh lý rất dễ lây lan trong cộng đồng. Vì thế để tránh bùng phát thành đại dịch, bạn cần cách ly ngay với những người xung quanh khi phát hiện mình bị bệnh này. Đặc biệt không nên tới những khu vực tập trung nhiều người, chẳng hạn như trường học, nhà trẻ, bệnh viện. Trong trường hợp có người trong gia đình mắc quai bị thì bạn cũng nên cách ly họ bằng cách sử dụng riêng các vật dụng cá nhân, không ăn chung đồng thời nên đeo khẩu trang khi chăm sóc họ.
  • Người mắc quai bị cần kiêng gió và nước lạnh. Bởi đây chính là những yếu tố nguy cơ khiến tuyến nước bọt dưới hàm bị sưng to và đau hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn cần tắm rửa và vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng nước ấm để tiêu diệt vi khuẩn gây. Bên cạnh đó, bạn hãy chú ý, thời gian tắm nên nhanh gọn, tránh để cơ thể nhiễm lạnh.
  • Trong thời gian mắc quai bị bạn nên kiêng vận động mạnh, dừng toàn bộ các hoạt động thể thao tới khi bệnh khỏi hẳn. Bên cạnh đó cũng cần nghỉ ngơi nhiều hơn để giảm đau, bồi bổ sức khỏe. Đặc biệt, khi thấy tinh hoàn có hiện tượng sưng đau thì nam giới cần nhờ tới sự trợ giúp của bác sĩ để tránh dẫn tới biến viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn gây vô sinh.
  • Cũng như các bệnh lý khác, người bệnh quai bị tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc, kể cả thuốc dạng uống hay thuốc đắp lên vùng bị sưng đau khi chưa nhận được sự chỉ định của bác sĩ.

Phòng ngừa bệnh quai bị bằng cách nào?

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh quai bị chính là tiêm vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ y tế. Vắc-xin MMR II ngừa bệnh quai bị hiện nay có tác dụng 3 trong một, tức có thể phòng thêm cả sởi và rubella. Điều này giúp giảm đáng kể số lần tiêm, chi phí và đơn giản hóa quy trình tiêm phòng.

Mỗi người cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh thủy dậu đủ liều theo khuyến cáo của Bộ y tế
Mỗi người cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh thủy dậu đủ liều theo khuyến cáo của Bộ y tế

Trẻ em và phụ nữ chuẩn bị mang thai là đối tượng cần phải tiêm đầy đủ liệu trình tiêm vắc-xin phòng bệnh quai bị, sởi và rubella với lịch trình cụ thể như sau:

Lịch trình tiêm vắc xin phòng quai bị cho trẻ em:

  • Mũi 1: Tiêm trước khi trẻ được 12-18 tháng tuổi.
  • Mũi 2: Tiêm từ khi trẻ được 3-5 tuổi hoặc trước khi đi học.

Chú ý: Có thể tiêm vắc-xin cho trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào nếu như bạn đã bỏ lỡ các cột mốc trên.

Lịch trình tiêm vắc xin phòng quai bị cho người lớn: Chỉ cần tiêm một liều duy nhất với dung tích 0.5ml trên bắp tay. Đặc biệt, với phụ nữ chuẩn bị mang thai, thì cần phải thực hiện xét nghiệm trước khi tiêm phòng vắc-xin quai bị. Bên cạnh đó, trong vòng 3 tháng sau khi tiêm, chị em cần tránh mang thai.

Chú ý: Tất cả trẻ em và người lớn đều cần tiêm vắc xin MMR II để chủ động phòng ngừa 3 bệnh sởi, quai bị, rubella. Tuy nhiên, loại vắc xin này không được chỉ định tiêm cho phụ nữ có thai. Trong trường hợp đã lỡ tiêm rồi mới biết mình mang thai thì chị em cần thông báo với bác sĩ sản khoa ngay để để được tư vấn biện pháp chăm sóc và theo dõi thai kỳ hiệu quả. Điều này có nghĩa việc tiêm vắc xin MMR II không phải là yếu tố quyết định để chỉ định chấm dứt thai kỳ.

Ngoài tiêm vắc xin, để phòng tránh bệnh quai bị hiệu quả, bạn cần kết hợp thêm các biện pháp sau đây:

  • Tránh tiếp xúc với bệnh nhân quai bị.
  • Không ăn uống, sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bị quai bị.
  • Khi đã phát hiện bản thân mắc bệnh quai bị, bạn cần phải cách ly ngay với những người xung quanh để tránh lây lan bệnh cho họ.
  • Đeo khẩu trang, rửa sạch tay trước và sau khi chăm sóc người bị quai bị.

Bệnh quai bị mặc dù không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi nhưng lại gây nhiều khó chịu và đau đơn cho người bệnh. Để chủ động phòng tránh bệnh này, điều quan trọng nhất là chúng ta cần tới cơ sở y tế uy tín để thực hiện tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ y tế.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

3,149

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

Tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella cho trẻ nhỏ - những điều cha mẹ cần lưu ý

Trước tình hình dịch bệnh đang bùng phát mạnh và có nguy cơ lan rộng như hiện nay thì việc tiêm vắc xin sởi, quai bị, rubella cho trẻ là vô cùng cần thiết.

17-08-2020
19001806 Đặt lịch khám