Bệnh tim mạch là gì? Nguyên nhân gây tử vong cao ở mọi lứa tuổi

Đào Thị Huyền

05-08-2021

goole news
16

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam. Vì vậy, việc hiểu rõ các nguyên nhân gây bệnh sẽ là cơ sở giúp mỗi người nhận biết bệnh sớm hơn. Từ đó giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bệnh tim mạch là gì?

Bệnh tim mạch là các tình trạng liên quan tới sức khỏe của trái tim, bao gồm các bệnh:

  • Các bệnh mạch máu, ( bệnh động mạch vành)
  • Vấn đề về nhịp tim, ( loạn nhịp tim)
  • Khuyết tật tim bẩm sinh

Bệnh tim mạch có nguy hiểm không?

Bệnh tim mạch là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện và được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim,  suy tim và đột tử. 

Nguyên nhân khiến người trẻ mắc bệnh tim mạch

Nguyên nhân thường gặp của bệnh lý tim mạch ở trung niên và tuổi trưởng thành bao gồm:

Ít vận động, hút thuốc, béo phì, (stress) căng thẳng, chế độ ăn nhiều chất béo, muối, rượu bia, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, đái tháo đường…

Bên cạnh đó, cứ 10 trẻ lại có một trẻ bị béo phì. Béo phì lại dẫn đến những yếu tố nguy cơ tim mạch khác như đái tháo đường, tăng cholesterol, hội chứng chuyển hoá và  tăng huyết áp. Nếu không kiểm soát các nguy cơ này thì các bệnh lý tim mạch sẽ xảy ra sớm ở người trẻ. Ngoài ra nhóm bệnh tim bẩm sinh không được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách cũng chiếm tỉ lệ bệnh lý tim mạch không nhỏ ở người trẻ.

Nguyên nhân khiến người trẻ mắc bệnh tim mạch

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch ở tuổi trung niên và người trưởng thành

6 dấu hiệu thường gặp của bệnh tim mạch

Đau ngực nghĩ do tim

Đau ngực cũng là dấu hiệu của bệnh lý tim mạch, tuy nhiên một số trường hợp người bệnh tim mạch chỉ có cảm giác mơ hồ. Cơn đau ngực do bệnh tim mạch thường có một số dấu hiệu sau:

  • Cảm giác nóng, căng, bóp chặt hay ép chặt lồng ngực
  • Đau lan sau lưng, hàm, vai, vùng cổ và 1 hoặc cả 2 cánh tay
  • Cơn đau kéo dài hơn vài phút, khi gắng sức hay vận động cảm giác nặng hơn , cơn đau hết sau đó quay trở lại tần suất và cường độ có thể thay đổi
  • Khó thở
  • Đổ mồ hôi
  • Cảm giác yếu ớt hẳn hoặc chóng mặt
  • Ói hoặc nôn ói 

Ngoài ra, đau tức ngực còn là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác, tuy nhiên bệnh tim mạch là phổ biến và cũng là nguy hiểm nhất, cần phải phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy khi gặp phải những triệu chứng trên nhất là đau tức vùng ngực cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất đề được khám và chẩn đoán chính xác.

Đánh trống ngực

Tình trạng đập bất thường của tim được gọi là  đánh trống ngực và cũng là triệu chứng khá phổ biến báo hiệu bệnh tim mạch. Hầu hết bệnh nhân mô tả về tình trạng đánh trống ngực giống như tim tạm dừng hoạt động, thường theo sau một nhịp đập đặc biệt mạnh ( sự lệch nhịp của tim) hoặc nhịp tim nhanh, chậm bất thường.

Như vậy, nhịp tim bất thường, rối loạn nhịp tim chính là nguyên nhân gây ra tình trạng đánh trống ngực của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể nhận ra tình trạng này với những cái tên như: ngoại tâm thu thất, ngoại tâm thu nhĩ , rung nhĩ và nhịp tim nhanh trên thất. Một số trường hợp đánh trống ngực khi tim bất chợt đập rất nhanh và cần phải đến bệnh viện ngay lập tức.

Cảm thấy hoa mắt chóng mặt

Chóng mặt, choáng váng chiếm khoảng 30% trường hợp, thường gặp ở bệnh nhân trên 65 tuổi

Chóng mặt có thể do não không nhận đủ máu và nguyên nhân chủ yếu bao gồm:

  • Xơ vữa động mạch
  • Thiếu máu
  • Mất nước/thiếu nước
  • Tăng đường huyết
  • Rối loạn nhịp tim
  • Tụt huyết áp tư thế
  • Đột quỵ
  • Cơn thoáng thiếu máu não

Xem thêm: Mỡ máu thấp: Nguyên nhân - Dấu hiệu nhận biết - Phương pháp điều trị

6 dấu hiệu thường gặp của bệnh tim mạch

Chóng mặt, hoa mắt là dấu hiệu của bệnh tim mạch

Ngất xỉu và mất ý thức

Ngất xỉu được lý giải là sự mất đột ngột hay tạm thời của ý thức. Đây cũng là một trong những triệu chứng khá phổ biến đối với hầu hết mọi người. 

Nhiều người lý giải rằng, ngất xỉu là do tình trạng hốt hoảng hoặc lo sợ, căng thẳng, chỉ cần bình tĩnh, nghỉ ngơi là hết. Tuy nhiên, đôi khi ngất xỉu lại là triệu chứng của một bệnh tim mạch nguy hiểm. Đó là khi lượng oxy trong máu hoặc máu đến não bị giảm đột ngột, cơ thể phải phản ứng lại bằng cách “tắt bớt” hoạt động của các cơ quan. Vì vậy, khi thấy đột ngột ngất đi, thì cần tìm ngay nguyên nhân càng sớm càng tốt. Một số bệnh lý tim mạch khiến cho bệnh nhân có thể ngất xỉu, bao gồm: hội chứng nhịp nhanh - nhịp chậm, ngất do nhịp tim chậm, hạ huyết áp tư thế,, hẹp động mạch phổi, hẹp van động mạch chủ...

Ngoài ra, còn có các nhóm khác cũng là những nguyên nhân gây ra ngất như: nhóm chuyển hóa, nhóm thần kinh, nhóm vận mạch.

Mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày

Hay ngủ vào ban ngày, mệt mỏi là một trong những triệu chứng của bệnh tim mạch. Mệt mỏi khiến cơ thể không thể tiếp tục hoạt động bình thường như ở người khỏe mạnh. Suy tim là một trong những nguyên nhân tim mạch gây ra hiện tượng.

Người bệnh bị rối loạn giấc ngủ vào ban đêm khiến bạn buồn ngủ vào ban ngày. Tuy nhiên, tất cả các loại rối loạn giấc ngủ đều thường gặp hơn ở các bệnh nhân tim mạch.

Triệu chứng khó thở

Bệnh mạch vành và suy tim là một trong những nguyên nhân nghiêm trọng gây ra dấu hiệu khó thở. Khi gắng sức bệnh nhân suy tim thường khó thở, nặng hơn có thể khó thở cả khi nằm nghỉ. Vào ban đêm, khi bệnh nhân đang ngủ đột nhiên có thể thức dậy thở hổn hển. Một số bệnh lý tim mạch khác, như các bệnh liên quan đến van tim, bệnh lý hô hấp, rối loạn nhịp tim đều có thể gây ra khó thở.

Những bệnh tim thường gặp

Bệnh mạch vành

Tình trạng xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị cản trở hay bị hẹp do sự hình thành những mảng bám tích tụ bên trong được gọi là bệnh mạch vành.  Các động mạch trong cơ thể vốn dĩ đàn hồi và mềm mại, nay trở nên cứng, hẹp hơn do sự xuất hiện có các mảng bám qua thời gian, như các chất khác bám trên thành mạch máu và cholesterol gọi là chứng xơ vữa động mạch.

Sự lưu thông máu qua động mạch trở nên khó khăn hơn khi bệnh mạch vành tiến triển. Hậu quả là cơ tim không thể nhận đủ lượng máu và oxy cần thiết, dẫn đến tình trạng  nhồi máu cơ tim hoặc đau thắt ngực

Do sự tích tụ mảng bám trong lòng động mạch nên dẫn đến bệnh mạch vành. Bên cạnh đó, bệnh mạch vành khiến cho cơ tim hoạt động nhiều hơn và trở nên suy yếu dần, dẫn đến tình trạng loạn nhịp tim và suy tim. 

Bệnh mạch vành thường có biểu hiện như: nặng nề vùng ngực, cảm giác nén ép tim, đau ran vùng ngực, đầy bụng, đau ngực âm ỉ, nóng rát, tê vùng ngực...

Triệu chứng của bệnh mạch vành ở nam giới thường nặng hơn ở phụ nữ. Trong cơn đau ngực điển hình có thể kèm theo đổ mồ hôi,  buồn nôn, khó thở và mệt mỏi. Các dấu hiệu khác có thể xảy ra với bệnh động mạch vành, bao gồm: khó thở, đánh trống ngực,  nhịp tim nhanh; mệt mỏi, nôn và buồn nôn, chóng mặt, đổ nhiều mồ hôi,...

Tai biến mạch máu não

Có hai loại tai biến mạch máu não là : Nhồi máu não và xuất huyết não

Nhồi máu não: nguyên nhân gây nhồi máu não là do lưu lượng tuần hoàn máu lên não bị hẹp hoặc tắc. Lúc này một phần não sẽ bị ngừng cung cấp máu, thời gian càng kéo dài sẽ khiến khu vực đó bị hoại tử. Khi bệnh nhân bị tai biến do nhồi máu não, cần đưa bệnh nhân đến viện càng sớm càng tốt để hạn chế tổn thương não, giúp giảm đi biến chứng cũng như nguy cơ tử vong cao.

Xuất huyết não: nguyên nhân gây xuất huyết não là do máu tràn vào mô và làm tổn thương đến não. Lúc này áp lực các mô xung quanh tăng lên, hậu quả sẽ vỡ mạch não và  giết chết các tế bào não. Thời gian dùng để cấp cứu bệnh nhân tai biến do xuất huyết não chỉ vài phút, nếu không có biện pháp sơ cứu và cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong.

Các dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não bao gồm: Cơ mặt tê cứng, cười méo miệng, nói lắp và đau đầu, nấc cụt hoặc khó thở. Khi bản thân xuất hiện 2-3 biểu hiện trên rất có thể có nguy cơ cao bị đột quỵ. Vì vậy, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp và cứu chữa kịp thời nếu có bất cứ triệu chứng nào kể trên.

Tai biến mạch máu não là bệnh lý tim mạch thường gặp

Tai biến mạch máu não là bệnh lý tim mạch thường gặp

Bệnh động mạch ngoại biên

Do mảng bám tích tụ trong các động mạch mang máu đến não, tứ chi và các cơ quan là nguyên nhân gây bệnh động mạch ngoại biên. Theo thời gian, mang bám cứng lại, thu hẹp các động mạch và hạn chế dòng chảy của máu đến các cơ quan của cơ thể. 

Bệnh gồm có 2 thể: Bệnh Buerger – viêm thuyên tắc mạch máu và viêm/tắc động mạch do xơ vữa động mạch.

Triệu chứng điển hình của bệnh gồm: cảm giác đau mỏi, đau cách hồi, yếu ở chân và xuất hiện những vết loét, hoại tử ở tứ chi.

Bệnh van tim hậu thấp

Bệnh van tim hậu thấp là bệnh lý viêm tự miễn, thường gặp ở những vùng nhiệt đới gió mùa như Việt Nam. Nguyên nhân chính gây ra bệnh là do nhiễm vi trùng Streptococus beta Hemolytique. Van tim hậu thấp nếu không được phát hiện và điều trị sớm, có thể dẫn đến hẹp hở van tim, tổn thương mô khớp. 

Bệnh van tim hậu thấp gồm 2 triệu chứng điển hình là khó thở và mệt.

Bệnh tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em à những dị tật của buồng tim, cơ tim và van tim xảy ra ngay từ khi còn trong bào thai và vẫn còn tồn tại sau sinh. Do cấu trúc tim bị khiếm khuyết khiến hoạt động và chức năng của tim bị ảnh hưởng, tuần hoàn máu trong cơ thể hoạt động bất thường.

Bệnh tim bẩm sinh là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của các ca dị tật bẩm sinh ở trẻ em.

Nguyên nhân gây tim bẩm sinh gồm: Yếu tố gia đình và di truyền, béo phì, bệnh tiểu đường, tiếp xúc với tia X-quang trong 3 tháng đầu thai kỳ và môi trường sống.

Phình động mạch chủ bóc tách (động mạch chủ ngực)

Phình động mạch chủ bóc tách (động mạch chủ ngực) là bệnh lý giãn động mạch chủ vĩnh viễn và không phục hồi, bệnh chiếm khoảng 2-5% của tất cả phình mạch máu.

Phình động mạch chủ ngực thông thường được chia thành các dạng sau:

Phình động mạch chủ ngực đoạn động mạch chủ ngực và phân chia thành hai loại theo hình dạng của nó: 

+ Dạng túi: mặt bên của động mạch chủ không đối xứng và phồng lên. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do chấn thương hay do loét xuyên thấu động mạch chủ

+ Dạng hình thoi: đây là tình trạng giãn to bất thường một đoạn dài và liên quan đến toàn bộ chu vi của thành động mạch chủ.

Phình động mạch chủ ngực - bụng liên quan cả hai động mạch chủ bụng và động mạch chủ ngực xuống.

Tiến triển của bệnh liên quan đến một số yếu tố nguy cơ thường gặp bao gồm: hút thuốc lá, xơ vữa động mạch, nam giới và tăng huyết áp. 

Phình động mạch chủ bóc tách (động mạch chủ ngực) bao gồm các dấu hiệu sau:

Đau: Thường đau mơ hồ, có thể đau ở hàm dưới hoặc đau giữa hai xương bả vai, đau vai trái và đau lưng. 

Dấu hiệu chèn ép: Khi phình lớn có thể gây chèn ép các cấu trúc xung quanh hoặc gây khó thở, khó nuốt do chèn vào thực quản, khí quản hoặc phù do chèn ép vào tĩnh mạch.

Vỡ phình động mạch chủ: Đây là biến chứng nặng và nguy hiểm, với trường hợp này, cần khẩn trương tiến hành phẫu thuật, tuy nhiên, tiên lượng cũng rất khó khăn.

Bệnh cơ tim

Nguyên nhân gây nên bệnh cơ tim bao gồm:

  • Di truyền
  • Tăng huyết áp kéo dài
  • Tổn thương cơ tim sau nhồi máu cơ tim
  • Mắc các bệnh tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành, bệnh van tim…
  • Mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như  cường giáp, tiểu đường, hoặc béo phì
  • Biến chứng trong thai kỳ
  • Thiếu hụt một số loại khoáng chất, vitamin thiết yếu 
  • Sử dụng thuốc xạ trị, hóa trị để điều trị ung thư
  • Nghiện rượu
  • Sử dụng ma túy
  • Mắc bệnh gây tổn thương cơ tim như sự tích tụ quá nhiều sắt trong cơ thể, sự phát triển của các ổ viêm bất thường tại nhiều cơ quan trong cơ thể, sự tích tụ bất thường của một loại protein có tên là Amyloid...

 Bệnh cơ tim

Bệnh cơ tim cũng rất nguy hiểm đến tính mạng mỗi người

Các loại bệnh cơ tim thường gặp bao gồm: bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim giãn nở và bệnh cơ tim hạn chế.

- Bệnh giãn cơ tim: là dạng bệnh cơ tim phổ biến nhất ở nam giới tuổi trung niên. Bệnh xảy ra khi  buồng tim chính, tâm thất trái chịu trách nhiệm bơm máu đi nuôi cơ thể, bị giãn to, khiến tim không thể bơm máu hiệu quả. Bệnh cơ tim giãn thường là hậu quả của bệnh mạch vành tim,  bệnh tăng huyết áp lâu dài, nghiện ma túy hoặc rượu, hóa trị liệu.

- Bệnh phì đại cơ tim: xảy ra chủ yếu ở thành tâm thất trái và là sự dày lên bất thường của thành cơ tim.  Bệnh thường liên quan đến yếu tố gia đình, có thể gặp ở mọi lứa tuổi,  do có chứa gen đột biến gây cơ tim phì đại. 

- Bệnh cơ tim hạn chế: là tình trạng buồng tâm thất không có đủ khả năng giãn ra để được đổ đầy máu. Đây là dạng bệnh do bệnh xơ hóa nội mạc cơ tim gây nên.

Triệu chứng bệnh cơ tim bao gồm: Khó thở khi gắng sức, khi nằm xuống gây ho, phù chân, mắt cá chân và bàn chân

- Mệt mỏi

- Rối loạn nhịp tim

- Đau tức ngực

- Chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu

Biến chứng bệnh cơ tim

- Suy tim: Khi thành cơ tim trở nên cứng, dày, tim sẽ không thể bơm máu một cách hiệu quả và cuối cùng dẫn đến suy tim.

- Huyết khối: Việc bơm máu không hiệu quả có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim. Nếu những cục máu đông này theo dòng máu ra khỏi tim, nó có thể làm động mạch não gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

- Ngoài ra, Bệnh van tim và rối loạn nhịp tim, ngừng tim và đột tử cũng là biến chứng nguy hiểm của bệnh cơ tim

Phương pháp chẩn đoán bệnh tim mạch

Để chẩn đoán bệnh tim mạch, bác sĩ dựa trên các yếu tố nguy cơ, bệnh sử gia đình, xét nghiệm..

Bên cạnh chụp X-quang và làm các xét nghiệm máu, dưới đây là một số chẩn đoán khác giúp phát hiện bệnh gồm:

  • Điện tâm đồ 
  • Máy theo dõi Holter
  • Siêu âm tim
  • Đặt ống thông tim
  • Chụp cắt lớp vi tính tim 
  • Chụp cộng hưởng từ tim 

Điều trị bệnh lý tim mạch

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị bệnh tim mạch khác nhau. Những cách chữa bệnh tim mạch thường bao gồm:

Thay đổi lối sống: thực hiện chế độ ăn uống ít natri và chất béo và natri, tập thể dục vừa phải, bỏ hút thuốc và hạn chế uống rượu.

Sử dụng thuốc: bác sĩ có thể kê toa thuốc để kiểm soát bệnh tim mạch. Các loại thuốc này sẽ phụ thuộc vào loại bệnh tim bạn đang mắc phải.

Các kỹ thuật y tế hoặc phẫu thuật: Nếu thuốc không điều trị bệnh tim hiệu quả, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên phẫu thuật tim. Loại phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh tim của bạn.

Các cách phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả

Để cải thiện tình trạng bệnh cũng như ngăn ngừa bệnh, mỗi người cần thực hiện các điều sau:

  • Bỏ hút thuốc
  • Kiểm soát các tình trạng sức khỏe như huyết áp cao, bệnh tiểu đường, cholesterol cao
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày
  • Ăn một khẩu phần ăn ít muối và chất béo bão hòa
  • Duy trì trọng lượng khỏe mạnh
  • Giảm căng thẳng
  • Giữ vệ sinh tốt
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ

 Hy vọng qua bài viết trên, Bệnh viện Phương Đông đã cung cấp thêm cho Qúy khách hàng một số thông tin về chủ đề bệnh tim mạch là gì? Nguyên nhân gây tử vong cao ở mọi lứa tuổi. Mọi thắc mắc cần giải đáp cũng như đăng ký khám bệnh, tầm soát bệnh tim mạch vui lòng gọi 1900 1806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
2,782

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám