Bệnh trĩ: Những thông tin quan trọng không nên bỏ qua

Trần Hồng Nụ

30-06-2021

goole news
16

Trĩ là bệnh lý thường gặp mà rất nhiều người đã mắc phải ít nhất 1 lần. Đáng chú ý, căn bệnh này không chỉ gây rắc rối cho cho người bệnh mà còn có thể để lại biến chứng nguy hiểm. Bởi vậy việc nắm rõ những thông tin quan trọng về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh bệnh trĩ sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe của mình một cách chủ động.

Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ là bệnh thường gặp nhất trong nhóm các bệnh lý tại hậu môn trực tràng. Tỷ lệ bệnh nhân đang mắc bệnh này ước khoảng 25 – 40% dân số bao gồm cả nam và nữ.

Bệnh trĩ hình thành khi có sự co giãn quá mức của các đám rối tĩnh mạch trĩ. Đây là bệnh rất khó xác định thời điểm khởi phát. Bởi vì trĩ trên thực tế là một trạng thái sinh lý bình thường và chỉ khi nào có các yếu tố làm rối loạn chúng mới gây ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của con người.

Bệnh trĩ hình thành khi có sự co giãn quá mức của các đám rối tĩnh mạch trĩ
Bệnh trĩ hình thành khi có sự co giãn quá mức của các đám rối tĩnh mạch trĩ

Phân loại bệnh trĩ

Dựa trên vị trí phát sinh, bệnh trĩ được chia thành hai nhóm chính gồm trĩ nội và trĩ ngoại.

Bệnh trĩ nội

Gọi là trĩ nội vì người mắc bệnh này có chân búi trĩ nằm ở trên đường lược. Trĩ nội chính là những búi trĩ được hình thành bên trong ống hậu môn.

Các mức độ phát triển của trĩ nội là:

  • Trĩ nội cấp độ 1: Các tĩnh mạch trĩ chỉ bị giãn nhẹ, đội niêm mạc lên, lồi vào bên trong thành trực tràng. Trĩ nội cấp độ 1 chưa hình thành sa búi trĩ ra ngoài hậu môn.
  • Trĩ nội cấp độ 2: Các tĩnh mạch trĩ đã bị giãn nhiều hơn và gây ra các búi trĩ to. Mỗi khi đi đại tiện, búi trĩ sẽ bị sa ra ngoài cơ thắt hậu môn, tuy nhiên sau đó nó vẫn tự co lại được.
  • Trĩ nội cấp độ 3: Búi trĩ nội đã to và sa ra ngoài nhiều hơn. Đặc biệt, chúng không tự co lên được mà phải cần có sự tác động để đẩy vào bên trong.
  • Trĩ nội cấp độ 4: Búi trĩ đã rất to, sa ra ngoài thường trực. Lúc này tác động đẩy búi trĩ cũng không thể chúng co vào được và thậm chí người bệnh có thể bị thắt nghẹt dẫn đến hoại tử búi trĩ.

Bệnh trĩ ngoại

Gọi là trĩ ngoại vì búi trĩ của người bệnh xuất phát từ khoang cạnh hậu môn dưới da. Bên cạnh đó, chân búi trĩ nằm ở dưới đường lược.

Trĩ ngoại có những búi trĩ bị phồng to, sẫm màu, xơ cứng và thường thò ra ngoài hậu môn. Nguyên nhân là do các đám rối tĩnh mạch căng giãn, gấp khúc.

Trĩ ngoại chắc chắn sẽ gây khó chịu cho người bệnh khi đi lại. Đặc biệt, nó có kèm theo tình trạng xuất tiết, ẩm ướt, bởi vậy mà hậu môn dễ bị viêm nhiễm, phù nề gây đau đớn, ra máu khi đại tiện. Trĩ ngoại để càng lâu mà không điều trị thì càng dễ gây viêm nhiễm, trong đó có cả nhiễm trùng huyết.

Trĩ hỗn hợp

Trĩ hỗn hợp có sự kết hợp của trĩ nội và trĩ ngoại. Khi bị loại trĩ này, người bệnh sẽ có cả đám trĩ ở trong ống hậu môn và ngoài rìa hậu môn.

Trĩ hỗn hợp có sự kết hợp của trĩ nội lẫn trĩ ngoại
Trĩ hỗn hợp có sự kết hợp của trĩ nội lẫn trĩ ngoại

Khi các búi trĩ trong ống hậu môn bị sa nặng, liên kết với búi trĩ ngoài rìa hậu môn chắc chắn sẽ tạo thành một khối trĩ lớn dài suốt từ trong ra ngoài hậu môn. Do sự kết hợp cả hai loại trĩ nội và ngoại nên trĩ hỗn hợp có tính chất phức tạp cao và độ nguy hiểm lớn. Bởi vậy việc điều trị bệnh này cũng gặp khá nhiều khó khăn.

Nguyên nhân gây nên bệnh trĩ

Nguyên nhân gây bệnh trĩ tới nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện ra có một số yếu tố là điều kiện thuận lợi cho cho bệnh này khởi phát, cụ thể:

  • Ngồi nhiều: Bệnh trĩ thường gặp nhiều ở nhân viên văn phòng hay các đối tượng khác có tính chất công việc phải ngồi nhiều, không có thời gian để đi lại, vận động. Việc ngồi quá lâu chắc chắn sẽ khiến áp lực dồn hết lên các dây thần kinh hậu môn, từ đó khiến cho các tĩnh mạch ở khu vực này khó lưu thông máu. Lâu dần, các tĩnh mạch sẽ sưng phồng và hình thành các búi trĩ.
  • Ăn uống không khoa học: Việc ăn uống thiếu chất, ít rau xanh nhưng lại dung nạp nhiều đồ cay, dầu mỡ cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Điều này khiến cho phân bị khô, việc đại tiện cũng khó khăn hơn. Đó cũng là lý do vì sao bạn phải thường xuyên rặn mỗi lần đi cầu, làm cho tĩnh mạch ở vùng hậu môn chịu áp lực, co bóp mạnh và lâu dần dẫn tới hình thành bệnh trĩ.
  • Uống ít nước: Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, các cơ quan tiêu quá cung bị ảnh hưởng, gây ra tình trạng phân to, cứng và khô. Tình trạng này làm cho việc đại tiện khó khăn hơn.
  • Béo phì: Người bị béo phì thường có hệ tiêu hóa kém. Nguyên nhân là do lượng mỡ thừa tích tụ quá nhiều gây cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, đây cũng là đối tượng thường lười vận động, thân thể phù nề khó khăn cho việc di chuyển và họ chỉ muốn ngồi im một chỗ. Điều này có thể gây áp lực lên hậu môn, gián tiếp hình thành bệnh trĩ.
  • Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài: Tình trạng này khiến cho thành ruột bị co thắt nhiều hơn, từ đó gây nên những áp lực đáng kể ở các tĩnh mạch hậu môn và trực tràng. Ngoài ra, khi bị táo bón, phân của người bệnh rất khô cứng và khó đào thải ra ngoài khi đi đại tiện. Điều này khiến chúng ta phải rặn mạnh khi đi vệ sinh, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến các tĩnh mạnh ở hậu môn gây ra búi trĩ.

Táo bón kéo dài có thể là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ
Táo bón kéo dài có thể là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ

  • Căng thẳng, mệt mỏi lâu ngày: Yếu tố tâm lý cũng có thể là yếu tố gây nên bệnh trĩ. Khi cơ thể có nhiều sự căng thẳng, mệt mỏi hệ tiêu hóa cũng bị áp lực và suy giảm chức năng hoạt động, lâu dần các búi trĩ sẽ hình thành thông qua việc đại tiện khó.
  • Lười vận động, lười tập thể dục, thể thao: Thói quen đứng, ngồi quá lâu, lười vận động thể dục, thể thao cũng sẽ làm cho quá trình lưu thông, máu bị kém đi. Cũng bởi vậy mà cơ quan tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng và tạo áp lực lên tĩnh mạch ở hậu môn, gián tiếp gây ra bệnh trĩ.
  • Phụ nữ mang thai hoặc trải qua quá trình sinh nở: Khi mang thai, việc thai nhi phát triển sẽ khiến cho tử cung của chị em lớn dần lên và gây áp lực đến vùng xương chậu, nhất là các tĩnh mạch gần hậu môn và trực tràng. Theo thời gian, chúng sẽ bị sưng lên và hình thành dần búi trĩ. Ngoài ra đối với các bà mẹ sinh thường, việc rặn đẻ cũng tác động đến các tĩnh mạch ở vùng hậu môn.
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn: Lỗ hậu môn thường bé hơn lỗ âm đạo. Bên cạnh đó, bộ phận này cũng không có khả năng tiết dịch như âm đạo để tạo nên chất bôi trơn khi quan hệ tình dục. Bởi vậy khi giao hợp bằng đường hậu môn sẽ bị đau rát, xước niêm mạc dẫn đến chảy máu. Khi hậu môn bị tổn thương cũng là lúc mà các vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và tác động, tạo tiền đề hình thành các búi trĩ hình thành.
  • Tuổi tác cao: Tuổi càng cao thì hệ tiêu hóa càng kém và các cơ dọc theo đường hậu môn cũng bị suy giảm chức năng. Khi độ đàn hồi của các cơ vòng hậu môn yếu đi sẽ khiến cho các tĩnh mạch trượt xuống và gây nên các búi trĩ.

Dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ

Cả 3 loại trĩ đều có 2 triệu chứng điển hình là chảy máu hậu môn và sa búi trĩ. Cụ thể:

  • Chảy máu hậu môn: Chảy máu hậu môn là dấu hiệu bị trĩ điển hình. Các búi trĩ xuất hiện bị sưng to và xung huyết, khi cọ xát với phân khi đại tiện, chúng sẽ bị chảy máu. phân cọ vào sẽ chảy máu. Người bệnh thường tình cờ phát hiện triệu chứng này trên giấy vệ sinh. Về sau, khi bệnh trĩ đã tiến triển nặng, máu tại hậu môn sẽ chảy nhỏ giọt hay bắn thành tia. Thậm chí, việc người bệnh đi lại, ngồi sớm và vận động mạnh cũng máy chảy ra. Có một số trường hợp máu chảy ra và đọng lại trong lòng trực tràng, sau mỗi lần đại tiện, chúng sẽ ra từng cục cùng với phân.
  • Sa búi trĩ: Hiện tượng sa búi trĩ xảy ra sau hiện tượng máu khi đi đại tiện khoảng một thời gian nhất định. Ban đầu, khi búi trĩ bị sa ra ngoài hậu môn, chúng vẫn có thể tự co lên. Tuy nhiên, nếu không điều trị chúng, sau một thời gian chúng sẽ không thể tự co lên được và người bệnh phải dùng tay đẩy lên. Nếu không vệ sinh sạch sẽ, vùng hậu môn sẽ bị nhiễm trùng dẫn đến hoại tử búi trĩ gây đau đớn.

Đi đại tiện ra máu là dấu hiệu bệnh trĩ điển hình
Đi đại tiện ra máu là dấu hiệu bệnh trĩ điển hình

Ngoài 2 dấu hiệu bệnh trĩ điển hình trên, người bệnh còn có thể xuất hiện thêm một số triệu chứng khác như sau:

  • Đau rát hậu môn: Khi đi ngoài ra máu, người bệnh sẽ có cảm giác đau rát vùng hậu môn. Nguyên nhân là do hệ thống thần kinh quanh khu vực hậu môn khá nhạy cảm, khi bị kích thích chúng sẽ dẫn đến cảm giác đau. Bên cạnh đó, khi phân khô và cứng cọ vào búi trĩ bị xung huyết cũng khiến người bệnh cảm thấy nóng rát ở vùng hậu môn.
  • Chảy dịch hậu môn: Hậu môn có tiết ra một chất dịch đặc biệt để phân có thể ra ngoài dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tình trạng sa búi trĩ lại khiến cơ vòng hậu môn bị hở do vậy mà chất dịch từ trong hậu môn ra rất nhiều kèm theo phân, khiến khu vực này lúc nào cũng ẩm ướt khó chịu.
  • Ngứa hậu môn: Việc vùng hậu môn ẩm ướt thường xuyên sẽ tạo ra ngứa ngáy, khó chịu. Ngoài ra, các búi trĩ hình thành bên ngoài hậu môn cũng gây cảm giác cộm và ngứa cho người bệnh.

Bệnh trĩ có thực sự nguy hiểm không? Các biến chứng thường gặp

Bệnh trĩ không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng đáng kể tới công việc, đời sống sinh hoạt vợ chồng. Ngoài ra, bệnh này cũng có thể gây ra khá nhiều biến chứng gây hại cho sức khỏe, cụ thể:

  • Tắc mạch: Tắc mạch là biến chứng thường gặp nhiều ở bệnh trĩ nội. Khi bệnh này trở nặng, kích thước của búi trĩ lớn và xuất huyết dẫn tới hình cục máu đông từ đó gây tắc mạch khiến cho người bệnh vô cùng đau rát.
  • Sa nghẹt búi trĩ nội: Búi trĩ nội phát triển lớn và bị sa ra ngoài hậu môn sẽ làm cho bộ phận này bị nghẹt một phần hoặc toàn bộ. Tình trạng này sẽ gây nên cảm giác đau đớn và khó khăn khi đi đại tiện. Hậu quả của việc sa nghẹt búi trĩ lâu ngày là lở loét, viêm nhiễm, thậm chí là hoại tử búi trĩ.
  • Sa nghẹt búi trĩ ngoại: Các búi trĩ ngoại được hình thành bên ngoài hậu môn thường không thể co lại được. Lâu dần chúng có thể bị sa xuống và nhiễm khuẩn, tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ viêm nhiễm bên trong ống hậu môn. Người bị sa nghẹt búi trĩ ngoại sẽ thấy ngứa ngáy, nóng rát, sưng phù hậu môn, thậm chí khu vực này còn có khả năng viêm loét trên diện rộng dẫn đến hoại tử.
  • Đại tiện không tự chủ: Sa búi trĩ chắc chắn sẽ làm rối loạn các chức năng của hậu môn, từ đó gây ra những cơn co hậu môn ngẫu nhiên. Hiện tượng này có thể gây khó khăn cho cho người bệnh khi đi ngoài, thậm chí dẫn đến triệu chứng đi đại tiện không tự chủ.
  • Ung thư trực tràng: Ung thư là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh trĩ. Một số ít trường hợp, khi bệnh chuyển nặng nặng búi trĩ có thể sẽ phát triển thành khối u ác tính.

Hình ảnh minh họa tình trạng sa nghẹt búi trĩ
Hình ảnh minh họa tình trạng sa nghẹt búi trĩ

Điều trị bệnh trĩ

Tùy vào loại trĩ và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp điều trị sau:

Điều trị nội khoa

Phương pháp điều trị nội khoa cho người bệnh trĩ bao gồm việc điều chỉnh thói quen ăn uống, tăng cường vận động và sử dụng thuốc.

  • Điều chỉnh thói quen ăn uống: Người bị bệnh trĩ được chỉ định tăng cường bổ sung rau xanh, hoa quả, uống đủ nước đồng thời tránh các chất kích thích, thực phẩm cay nóng, khó tiêu.
  • Vận động thể lực: Để tốt cho hệ tiêu hóa, giảm thiểu triệu chứng và ngăn chặn biến chứng của bệnh trĩ, người bệnh nên xây dựng và duy trì thói quen vận động thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Điều trị bệnh lý nền: Những người mắc các bệnh mạn tính hiện có như viêm phế quản, giãn phế quản cần phải điều trị ngay để tránh làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh trĩ.
  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ: Bên cạnh việc tắm, người bệnh trĩ cần vệ sinh hậu môn bằng phương pháp ngâm nước ấm hòa với muối trắng 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút.
  • Uống thuốc: Người bị trĩ có thể được bác sĩ chỉ định các thuốc có tác nhân trợ tĩnh mạch, giảm phù nề. Bởi chúng có tác dụng kháng viêm tại chỗ, chống nhiễm trùng và ngăn ngừa tắc mạch vô cùng hiệu quả.
  • Cách trị bệnh trĩ bằng bôi thuốc tại hậu môn: Các loại thuốc bôi tại hậu môn để điều trị trĩ chủ yếu là loại thuốc mỡ và đạn bao có chứa các tác nhân kháng viêm, giảm đau tại chỗ.

Điều trị ngoại khoa

Các biện pháp điều trị ngoại khoa thường được áp dụng khi bệnh trĩ đã ở cấp độ nặng, không thể khắc phục được bằng các biện pháp thông thường như dùng thuốc hoặc thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt.

Trị bệnh trĩ bằng cách dùng vòng cao su thắt búi trĩ

Phương pháp thắt trĩ bằng vòng cao su có hiệu quả cao đối với búi trĩ nội nhỏ và sa ra ngoài khi đại tiện ( tức trĩ cấp độ I, II). Với cách điều trị này, một chiếc vòng cao su nhỏ sẽ được đặt vào gốc búi trĩ nhằm ngăn cản máu vào búi trĩ và cắt đứt nó.

Thắt búi trĩ bằng vòng cao su là cách điều trị bệnh trĩ khá đơn giản và cũng mang lại hiệu quả cao
Thắt búi trĩ bằng vòng cao su là cách điều trị bệnh trĩ khá đơn giản và cũng mang lại hiệu quả cao

Búi trĩ và vòng cao su sau vài ngày sẽ rụng và rơi ra ngoài. Vết thương do thắt trĩ thường lành lại sau 1–2 tuần. Thủ thuật thắt trĩ bằng vòng cao su thỉnh thoảng sẽ khiến người bệnh có cảm giác khó chịu, hoặc chảy máu. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn phải thực hiện nhiều lần để đạt được kết quả điều trị tốt.

Cách chữa bệnh trĩ bằng phương pháp tiêm xơ búi trĩ

Tiêm xơ búi trĩ có thể được áp dụng cho những người bệnh có những búi trĩ bị chảy máu và không bị thò ra ngoài khi đại tiện ( hay còn gọi là trĩ nội cấp độ I). Phương pháp này không gây đau và có thể làm cho búi trĩ xơ cứng lại.

Mổ trĩ bằng máy cắt nối

Mổ trĩ bằng máy cắt nối còn được gọi là phương pháp Longo. Đây là kỹ thuật sử dụng một loại máy đặc biệt có tác dụng cắt và nối niêm mạc ở vùng hậu môn trực tràng, từ đó giúp búi trĩ được kéo vào trong hậu môn và teo dần đi.

Tuy nhiên, dụng cụ này lại không thể cắt bỏ những búi trĩ ngoại. Bên cạnh đó, phương pháp Longo thường gây đau nhiều hơn so với thắt vòng cao su hay tiêm xơ. Còn nếu so với phương pháp cắt trĩ cổ điển, kỹ thuật này lại ít đau hơn.

Phẫu thuật cắt trĩ

Phẫu thuật cắt trĩ là phương pháp tối ưu nhất có thể cắt bỏ triệt để cả trĩ nội và trĩ ngoại. Kỹ thuật này sẽ được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Các cục máu đông hình thành liên tục do tắc mạch ở người bị trĩ ngoại.
  • Thất bại trong cách điều trị bằng phương pháp thắt vòng cao su.
  • Trĩ sa ra ngoài nhiều không đẩy lại vào trong được và gây cản trở nghiêm trọng đến sinh hoạt (tức trĩ cấp độ III, IV)
  • Búi trĩ bị chảy máu nhiều mà việc điều trị nội khoa bị thất bại.

Phẫu thuật cắt trĩ Logo giúp loại bỏ triệt để bệnh trĩ nội và trĩ ngoại
Phẫu thuật cắt trĩ Logo giúp loại bỏ triệt để bệnh trĩ nội và trĩ ngoại

Phẫu thuật cắt trĩ chính là cắt bỏ những phần mô, búi trĩ bị thò ra ngoài và gây chảy máu. Tùy vào từng cơ sở y tế mà bác sĩ có thể sử dụng các loại dụng cụ khác nhau để thực hiện kỹ thuật này. Cắt trĩ gây đau đớn nhiều nên người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ, gây tê tuỷ sống hoặc gây mê.

Người bị trĩ nên ăn gì, kiêng gì?

Việc có một chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp hỗ trợ điều trị bệnh trĩ hiệu quả.

Thực phẩm người bị trĩ nên ăn

Bên cạnh việc uống nhiều nước mỗi ngày, bệnh nhân trĩ cần tăng cường bổ sung các thực phẩm sau đây:

  • Thực phẩm giàu chất xơ: Người bị trĩ nên tăng cường bổ sung chất xơ bằng rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc,...trong chế độ ăn. Nguyên nhân là do chất xơ khi đưa vào cơ thể sẽ tham gia vào quá trình trữ nước trong ruột giúp phân mềm hơn và dễ dàng được đào thải ra ngoài.
  • Thực phẩm nhuận tràng: Các thực phẩm nhuận tràng luôn tốt cho người bệnh trĩ là khoai lang, rau lang, rau mồng tơi, rau diếp cá, rau dền, rau đay,..và một số loại hoa quả tưởi chuối, dưa hấu, táo,...
  • Gừng, tỏi, hành củ: Các loại gia vị này giúp phân hủy fibrin trong cơ thể người, hạn chế thương tổn ở mô, nội tạng và cả động mạch, qua đó ngăn chặn bệnh trĩ tiến triển nặng hơn.
  • Thực phẩm giàu magie: Cá bơn, quả hạnh sấy khô, hạt điều, đậu nành, rau chân vịt, bơ lạc, bột yến mạch, quả bơ, nho khô không hạt là những thực phẩm giàu magie - chất có tác dụng nhuận tràng.
  • Thực phẩm giàu sắt: Người bệnh trĩ rất dễ bị thiếu máu do đi ngoài ra máu, vì vậy việc bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất sắt là cần thiết. Cụ thể là gan gà, cua, cá ngừ, mơ khô, nho khô, hạt hướng dương, hạt điều, hạnh nhân, mè,...

Người bị bệnh trĩ nội, trĩ ngoại hay trĩ hôn hợp đều nên ăn thực phẩm giàu sắt
Người bị bệnh trĩ nội, trĩ ngoại hay trĩ hôn hợp đều nên ăn thực phẩm giàu sắt

Ngoài những thực phẩm trên, các bác sĩ chuyên khoa cũng khuyến khích người bệnh trĩ thay thế dầu ăn thông thường bằng dầu ô liu, dầu lanh. Bởi chúng rất tốt cho tim mạch và cả hệ tiêu hóa.

Bị bệnh trĩ nên kiêng gì?

Những thực phẩm mà người bệnh trĩ cần kiêng bao gồm:

  • Muối và đồ ăn mặn: Muối có tính háo nước nên khi vào cơ thể người sẽ làm giảm lượng nước tích trữ trong ruột khiến phân bị cứng vón cục, khó tiêu hóa hơn. Về lâu dài, tình trạng này sẽ khiến cho các mạch máu căng lên và triệu chứng trĩ trầm trọng hơn. Chính vì vậy, người bị trĩ cần giảm lượng muối trong các bữa ăn hàng ngày đồng thời cũng nên hạn chế ăn mặn.
  • Đồ ăn cay, nóng: Các loại đồ ăn cay nóng, tẩm ướp nhiều gia vị như ớt, tiêu, gừng, riềng, quế,... người bị trĩ không nên dùng. Bởi chúng có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, ruột. Cũng bởi vậy mà tình trạng nóng trong, táo bón cũng diễn ra thường xuyên hơn, lúc này, chắc chắn người bệnh sẽ bị đau rát, chảy máu hậu môn và khó đi đại tiện hơn.
  • Chất kích thích: Các loại đồ uống chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê hay nước ngọt có ga,.... khiến tăng áp lực lên thành ruột, ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Do đó người bị trĩ cần tránh xa chúng trong thời gian dài.
  • Đường và tinh bột: Việc dung nạp quá nhiều đường và tinh bột dễ khiến thành ruột, lâu dần dẫn đến táo bón, ngứa hậu môn và khiến bệnh trĩ càng nặng hơn.
  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo xấu: Đồ ăn nhanh, nhất là đồ chiên, rán, xào thường chứa nhiều dầu mỡ, chất béo có hại, ảnh hưởng không tốt cho người bị trĩ. Do chúng là một trong những tác nhân khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn, cơ thể dễ bị nóng trong, táo bón,...

Người bệnh trĩ nên kiêng thực phẩm nhiều dầu mỡ như đồ chiên, xào,...
Người bệnh trĩ nên kiêng thực phẩm nhiều dầu mỡ như đồ chiên, xào,...

Cách phòng ngừa bệnh trĩ

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh trĩ chính là giữ cho phân mềm và dễ dàng di chuyển qua lỗ hậu môn để đào thải ra bên ngoài. Để làm được điều này, bạn cần áp dụng đồng thời các biện pháp sau:

  • Ăn thực phẩm nhiều chất xơ mỗi ngày: Trái cây, rau củ quả và ngũ cốc nguyên cám là những thực phẩm có chứa nhiều chất xơ. Việc bổ sung chúng vào thực đơn hàng ngày là cách tốt nhất giúp làm mềm phân và tăng khối lượng phân.
  • Bổ sung chất xơ bằng thực phẩm chức năng nếu cần thiết: Những người không thể ăn đủ chất xơ thông qua thực phẩm luôn được chuyên gia khuyến cáo bổ sung chất này bằng thực phẩm chức năng. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng Metamucil và Citrucel là nguồn bổ sung chất xơ cực tốt giúp cải thiện các triệu chứng và giảm chảy máu do bệnh trĩ gây ra. Bên cạnh đó, chúng cũng giúp giữ phân mềm và dễ dàng di chuyển ra ngoài hậu môn hơn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, khi sử dụng chất chất xơ từ thực phẩm chức năng, hãy chắc chắn uống ít nhất tám ly nước mỗi ngày nếu không sẽ bị táo bón.
  • Uống nhiều nước: Việc uống đủ 2 lít nước hoặc nước ép hoa quả mỗi ngày cũng là cách tốt để nhuận tràng, làm mềm phân.
  • Không rặn mạnh khi đi cầu vì khi cố gắng rặn sẽ tạo ra áp lực lớn hơn lên các tĩnh mạch ở trực tràng dưới làm búi trĩ phình to và dễ chảy máu.
  • Đi đại tiện ngay khi có nhu cầu: Khi bỏ lỡ cảm giác mắc đi cầu, niêm mạc trực tràng lúc đó sẽ hấp thu nước trong phân bị ứ đọng, qua đó khiến phân sẽ trở nên khô, cứng hơn. Việc đi đại tiện sau đó cũng trở nên khó khăn và khiến bạn phải mất sức đẻ rặn.
  • Tập thể dục mỗi ngày: Việc duy trì vận động thể dục, thể thao mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón, giảm áp lực lên tĩnh mạch và kiểm soát cân nặng hiệu quả. Bởi vậy mà biện pháp này cũng là cách tốt để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trĩ.
  • Tránh ngồi lâu: Việc ngồi quá lâu quá mức, nhất là khi đi vệ sinh có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch ở hậu môn và gây ra bệnh trĩ. Bởi vậy những ai đang có thói quen này cần từ bỏ ngay.
  • Thăm khám sức khỏe toàn diện định kỳ 6 tháng một lần: Để biết được bản thân có đang bị bệnh trĩ hay không ngay từ giai đoạn sớm, bạn cần thăm khám sức khỏe toàn diện định kỳ 6 tháng 1 lần.

Bệnh trĩ không chỉ ảnh hưởng nhiều tới việc sinh hoạt mà còn có nguy cơ gây ra một số biến chứng nguy hiểm. Bởi vậy, mỗi người cần áp dụng các biện pháp phòng tránh bệnh lý này sớm nhất, nhất là nhân viên văn phòng hay những người đang làm các công việc phải ngồi nhiều như thợ may, lái xe,...

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,022

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám