Đau vùng bụng dưới ở nữ là bị sao? Làm gì khi gặp cơn đau này?

Nguyễn Thị Điệp

29-11-2023

goole news
16

Thi thoảng chị em xuất hiện những cơn đau vùng bụng dưới, có thể trong hoặc không trong chu kỳ kinh nguyệt. Đây có phải là triệu chứng của bệnh lý nào không? Cần làm gì trong trường hợp này? Cùng tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

Đau vùng bụng dưới ở nữ là gì?

Đau vùng bụng dưới ở nữ là khi các cơn đau xuất hiện ở khu vực dưới rốn theo dạng âm ỉ hoặc đau quặn theo từng cơn. Các cơn đau có thể xuất hiện thưa thớt hoặc dồn dập.

Vùng bụng dưới là vùng dưới rốn, nơi có niệu quản, ruột thừa (ruột tịt), đại tràng (ruột già), buồng trứng… Bởi vậy các cơn đau ở khu vực này cũng có thể liên quan đến các bộ phận kể trên. 

Phân biệt đau vùng bụng dưới ở nữ và đau bụng bình thường

Không phải lúc nào đau vùng bụng dưới ở nữ cũng là đau bụng bệnh lý. Vậy phân biệt thế nào? Dưới đây là một số mẹo cho các chị em tham khảo:

Thứ nhất là dựa vào thời điểm đau bụng:

  • Nếu đau bụng trong thời gian đầu “đèn đỏ”, khả năng cao bạn bị đau bụng sinh lý do kinh nguyệt, sẽ tự khỏi sau khoảng 1- 2 ngày.
  • Đau bụng trong giai đoạn giữa của chu kỳ kinh nguyệt, rất có thể chị em đau bụng do ảnh hưởng của việc rụng trứng. Qua giai đoạn này, cơn đau vùng bụng dưới ở nữ cũng biến mất nên chị em không cần lo lắng.

Thứ hai, chị em cũng có thể dựa vào mức độ đau:

  • Đau bụng âm ỉ, theo từng cơn. Triệu chứng thuyên giảm, dễ chịu hơn khi nằm nghỉ ngơi, uống nước ấm. Lúc này chị em cần theo dõi, nếu theo thời gian cơn đau giảm, biến mất thì không cần lo lắng. Ngược lại nếu tình trạng càng ngày càng tệ hoặc tăng mức độ đau, kéo dài thì cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
  • Đau quặn từng cơn, kèm theo chóng mặt, buồn nôn, âm đạo tiết dịch bất thường, ra máu âm đạo… thì cần đến cơ sở y tế sớm nhất để khắc phục.

Dựa vào thời điểm đau bụng có thể nhận biết đau bụng do “đèn đỏ” hay không.

Dựa vào thời điểm đau bụng có thể nhận biết đau bụng do “đèn đỏ” hay không.

Đau bụng dưới có thể là biểu hiện của bệnh gì

Như đã giới thiệu ở trên, đau vùng bụng dưới ở nữ có thể là biểu hiện của quá trình rụng trứng hay do ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt.

Do quá trình rụng trứng

Trong giai đoạn rụng trứng, trứng được giải phóng khỏi buồng trứng kèm theo máu, dịch. Trong quá trình đó niêm mạc thành bụng bị kích thích, xuất hiện các cơn cơn đau (thường âm ỉ). Đó là lý do đau vùng bụng dưới rốn ở nữ trong quá trình rụng trứng.

Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt viết tắt là PMS bao gồm một loạt các triệu chứng liên quan thể chất và tâm lý ở nữ giới. Đó là khó chịu, dễ cáu giận hoặc buồn phiền, nổi mụn, ngực sưng to hơn, chướng bụng hoặc đau vùng bụng dưới…

Ở mỗi người, tình trạng PMS nặng hoặc nhẹ khác nhau. Có người không có triệu chứng rõ ràng. Sự thay đổi, dao động hormone, đặc biệt là estrogen và progesterone được cho là nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng trên.

Ngoài các vấn đề liên quan kinh nguyệt, đau vùng bụng dưới ở nữ còn có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến:

Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa (ruột tịt) bị viêm do bị tắc chất thải, tắc do khối u hoặc sự xâm nhập của vi sinh vật… Đi kèm với bệnh lý này là các cơn đau vùng bụng dưới bên phải ở nữ, từ âm ỉ đến đau quặn, kèm theo sốt, buồn nôn… Khi thấy các triệu chứng này cần nhanh chóng đến bệnh viện để cắt ruột thừa, tránh biến chứng hại sức khỏe.

Viêm ruột thừa có thể gây đau vùng bụng dưới dữ dội.Viêm ruột thừa có thể gây đau vùng bụng dưới dữ dội.

Có thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là tình trạng bất thường khi mang thai do vị trí làm tổ của thai không trong buồng tử cung, mà ở vòi tử cung, buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng…  Giống như thai kỳ bình thường, phụ nữ mang thai ngoài tử cung cũng sẽ chậm kinh, có cảm giác nghén, buồn nôn hoặc đau vùng bụng dưới. Cùng với đau bụng, có thai ngoài tử cung có thể ra máu nâu đen, đau vùng chậu…

Do các vị trí làm tổ của thai không thể đáp ứng được khi thai lớn nên có thể vỡ bất cứ lúc nào nếu không được xử lý kịp thời. Bởi vậy tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, quan hệ tình dục không an toàn, hoặc sau quan hệ bị chậm kinh/rong kinh, đau bụng, ra huyết bất thường… cần biết cách thử thai, đến cơ sở y tế thăm khám xác định có thai hay không và thai nằm trong hay ngoài tử cung.

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là nang bất thường, chứa dịch hoặc chất rắn như bã đậu, phát triển trên/trong buồng trứng. Các khối u này có thể gây ra cảm giác đau vùng bụng dưới ở nữ. Các cơn đau khá giống với đau bụng giai đoạn “đèn đỏ” nên khiến nhiều người hiểu nhầm. Bởi vậy việc thăm khám phụ khoa, sức khỏe sinh sản định kỳ là cần thiết để phát hiện sớm bệnh lý và điều trị hiệu quả.

U xơ tử cung

U xơ tử cung thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh nở. Mặc dù dạng u xơ này lành tính nhưng nếu u to có thể chèn ép thành tử cung gây đau vùng bụng dưới ở nữ kèm theo đau lưng hoặc rối loạn kinh nguyệt.

Khi thăm khám tại các cơ sở y tế, tùy vào mức độ, tình trạng của u xơ mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Trong trường hợp cần thiết có thể sẽ phẫu thuật cắt bỏ u xơ.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Thường xuyên mót tiểu, tiểu buốt, đau vùng bụng dưới là những dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiều trường hợp chủ quan, tự ý điều trị bằng các bài thuốc nam, mẹo dân gian nhưng không khỏi. Nếu để bệnh lý kéo dài dễ dẫn đến biến chứng không mong muốn. Khi nghi ngờ viêm nhiễm đường tiết niệu cần theo dõi sức khỏe cẩn thận, thăm khám kịp thời.

Không chủ quan nếu đau vùng bụng dưới kèm tiểu buốt, tiểu dắt.

Không chủ quan nếu đau vùng bụng dưới kèm tiểu buốt, tiểu dắt.

Đau vùng chậu hoặc đau vùng chậu mãn tính

Đau vùng chậu gây cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới, có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Trường hợp đau vùng chậu kéo dài từ 3 đến 6 tháng gọi là đau vùng chậu mãn tính.

Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng rối loạn tiêu hóa với các cơn đau vùng bụng dưới rốn, chướng bụng… Người bệnh còn có thể đối mặt với việc tiêu chảy (khi thức ăn qua ruột nhanh, mạnh) hoặc táo bón (thức ăn qua ruột chậm, rất chậm).

Viêm vùng chậu

Đau bụng vùng dưới ở nữ, sốt, tiết dịch âm đạo bất thường, đau trong lúc quan hệ tình dục… là triệu chứng của viêm vùng chậu. Bệnh lý này có thể gây biến chứng vô cùng nguy hiểm đó là vô sinh.

Lạc nội mạc tử cung

Ước tính cứ 100 phụ nữ thì 10 người bị lạc nội mạc tử cung. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nhưng lại là top nguyên nhân gây đau vùng bụng dưới ở nữ trong kỳ kinh nguyệt. Nếu không chữa trị kịp thời, lạc nội mạc tử cung có thể dẫn tới vô sinh.

Lạc nội mạc tử cung gây đau vùng bụng dưới ở nữ giới.

Lạc nội mạc tử cung gây đau vùng bụng dưới ở nữ giới.

Sỏi thận

Sỏi thận thường gây đau từ một bên vùng thắt lưng, hai bên vùng hạ sườn hoặc đôi khi lan dần xuống phía dưới bụng. Bởi vậy gây ra đau vùng bụng dưới ở nữ. Khi bị sỏi thận, nước tiểu người bệnh có thể chuyển sang màu hồng hoặc màu đỏ.

Các bệnh lây qua đường tình dục

Quan hệ tình dục không an toàn, có nhiều đối tác quan hệ… rất dễ lây nhiễm bệnh qua đường tình dục. Phổ biến nhất là nhiễm Chlamydia và lậu. Khi nhiễm loại khuẩn này có thể gây đau vùng chậu (vùng bụng dưới), tiểu đau, chảy máu/tiết dịch âm đạo bất thường.

Viêm bàng quang kẽ

IC - tên viết tắt của bệnh lý viêm bàng quang kẽ, chỉ tình trạng viêm, đau mãn tính liên quan đến bàng quang. Người bệnh thường mót tiểu nhiều lần/giờ. Ngoài ra kèm theo các triệu chứng như tiểu đau, đau vùng bụng dưới (cụ thể là đau vùng mu), quan hệ tình dục đau.

Đau do sa tạng

POP - viết tắt là bệnh sa tạng, chỉ tình trạng các cơ quan trong vùng chậu tụt khỏi vị trí ban đầu. Vấn đề này thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi, khi cơ sàn chậu khi suy yếu.

Bệnh sa tạng cũng gây ra triệu chứng đau vùng bụng dưới ở nữ. Bệnh chủ yếu gây khó chịu cho người bệnh, không nguy hiểm hoặc quá đáng ngại.

Làm gì khi bị đau bụng dưới?

Trước hết, nếu xác định đó là các cơn đau vùng bụng dưới ở nữ bình thường thì không cần lo lắng. Chỉ cần nghỉ ngơi, uống nước ấm, trà gừng nóng… đợi cơn đau giảm dần rồi biến mất. Trong trường hợp đau bụng kinh dữ dội, kéo dài chị em nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để uống thuốc giảm đau hoặc có phương hướng khắc phục.

Các trường hợp đau bụng dưới do một trong các bệnh lý nêu trên, cách tốt nhất là đi khám sớm nhất có thể để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Không nên chủ quan trước tình trạng đau vùng bụng dưới ở nữ kéo dài, cần thăm khám kịp thời.

Không nên chủ quan trước tình trạng đau vùng bụng dưới ở nữ kéo dài, cần thăm khám kịp thời.

Để được tư vấn về tình trạng bệnh lý của mình ở Phương Đông, quý khách hàng vui lòng liên hệ đặt lịch tại Đặt lịch khám hoặc gọi hotline 19001806.

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,738

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám