Sự vất vả của các chị em không chấm dứt ngay cả khi hành trình sinh nở kết thúc. Điển hình có thể kể đến những cơn đau xương cụt sau sinh kéo dài khiến chị em đau đớn khi đi đứng, khó chịu khi đi vệ sinh hay sinh hoạt vợ chồng. Theo dõi bài viết dưới đây của đội ngũ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được giải đáp chi tiết về vấn đề sức khoẻ này nhé!
Đau xương cụt sau sinh là gì? Các dấu hiệu nhận biết
Đau xương cụt sau sinh là cảm giác đau nhói hoặc đau âm ỉ ở phần cuối của cột sống, xuất hiện khi người phụ nữ trải qua sinh nở, đặc biệt là sau khi sinh thường. Đây là một trong số những bất thường hết sức phổ biến, thường xảy ra với phụ nữ sau sinh thường hơn sinh mổ, nguyên nhân đến từ sự thay đổi của cơ thể sau khi sinh con.

Không ít người phụ nữ gặp tình trạng đau xương cụt sau khi sinh nở
Một số người phụ nữ sau sinh bị đau xương cụt còn bị đau lan xuống hông khiến việc đi lại khó khăn. Hoặc cảm thấy đau đớn khi đi vệ sinh hoặc sinh hoạt vợ chồng. Tuy nhiên, đa số họ sẽ có các triệu chứng điển hình như:
- Đau âm ỉ hoặc nhói ở vùng lưng dưới, ngay trên mông
- Đau tăng khi ngồi lâu, đứng lên, cúi người, hoặc đi vệ sinh (đặc biệt khi táo bón).
- Cảm giác căng cứng ở vùng mông hoặc hông.
Nguyên nhân khiến phụ nữ sau sinh bị đau xương cụt
Như đã nhắc đến ở trên, cơn đau xương cụt sau sinh thường xuất phát từ các thay đổi trong cơ thể khi mang thai và quá trình sinh nở cụ thể như sau:
- Thiếu canxi va vitamin D kéo dài sau khi mang thai và sinh con, một số người còn gặp biến chứng loãng xương cột sống sau sinh
- Chế độ ăn uống không khoa học, phụ nữ sau sinh bị thiếu chất
- Làm việc và nghỉ ngơi thiếu khoa học, làm việc quá nhiều hoặc ngồi quá nhiều khiến các dây chằng cột sống, vùng xương chậu không được phục hồi toàn diện
- Trọng lượng thai nhi gây sức ép lên khung chậu khiến sau sinh các mẹ có nguy cơ cao bị chấn thương, thoát vị đĩa đệm, viêm cột sống, gai cột sống,....
- Ảnh hưởng xấu từ các bệnh lý viêm phụ khoa, viêm cơ quan sinh dục dẫn đến đau xương cụt
- Đau xương cụt sau khi sinh thường do đầu em bé đi qua khung chậu, dễ gây rạn, gãy hoặc trật khớp xương cụt
- Ảnh hưởng từ thói quen sai tư thế như ngồi lâu, ngồi sai tư thế hoặc cho con bú, bế con không đúng cách làm tăng áp lực lên xương cụt.

Vào các tháng cuối của thai kỳ, trọng lượng của thai nhi tăng sẽ chèn ép lên thân dưới của người mẹ có thể dẫn đến chấn thương
Đau xương cụt sau sinh có sao không?
Đây là bất thường không đe doạ đến tính mạng nhưng có thể khiến người phụ nữ gặp nhiều bất tiện, khó khăn trong cuộc sống như sau:
- Hình thành các cơn đau kéo dài, khiến quá trình điều trị tốn kém và mất nhiều thời gian hơn
- Thường xuyên bị đau lưng, hông hoặc chân, không làm việc nhà và sinh hoạt được bình thường
Do đó, nếu đau kéo dài hoặc kèm triệu chứng bất thường (đau dữ dội, sưng, sốt), bệnh nhân cần thăm khám thăm khám càng sớm càng tốt. Việc điều trị trong giai đoạn sớm khá đơn giản và có thể chấm dứt triệt để.
Đau xương cụt sau sinh bao lâu thì hết?
Không có thời gian cụ thể để chấm dứt các cơn đau xương cụt sau sinh. Việc phục hồi sau sinh còn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân, mức độ đau và cách chăm sóc. Ước tính nếu cơn đau nhẹ có thể tự khỏi trong vòng 1-3 tháng nếu nghỉ ngơi và áp dụng biện pháp giảm đau tại nhà.
Nếu nguyên nhân cơn đau đến từ chấn thương xương cụt, các cơn đau có thể theo bạn trong suốt 3 - 6 tháng, thậm chí kéo dài đến 1 năm.

Các cơn đau có thể thuyên giảm sau khi bạn vượt cạn hoặc không
Các biện pháp khắc phục tình trạng sau sinh bị đau xương cụt
Để hỗ trợ giảm đau và rút ngắn thời gian phục hồi, hoàn toàn thoát khỏi các cơn đau xương cụt sau sinh, bạn có thể áp dụng cách chăm sóc tại nhà như sau:
- Chườm nóng/lạnh: Bạn nên chườm lạnh trong 48 giờ đầu (15-20 phút/lần, 2-3 lần/ngày) để giảm sưng viêm; sau đó chườm nóng để thư giãn cơ và tăng lưu thông máu.
- Điều chỉnh tư thế: Hãy tập ngồi và ngủ đúng tư thế, ví dụ ngồi thẳng lưng, nghiêng người về phía trước khi ngồi, nằm nghiêng với gối kê giữa hai chân để giảm áp lực cột sống.
- Tắm nước ấm: Đây là biện pháp rất tốt giúp giãn cơ, thả lỏng tinh thần và đẩy lùi các cơn đau đớn ở vùng chậu.
- Massage vùng bị đau: Bạn hãy dùng tay xoa bóp nhẹ vùng xương cụt để giảm cảm giác căng cơ và hỗ trợ lưu thông máu.
- Thực hiện các bài tập: Luyện tập cho xương cụt thường xuyên, có thể kết hợp với chuyên gia vật lý trị liệu nếu có điều kiện
- Bổ sung dinh dưỡng: Tăng cường thực phẩm giàu canxi (sữa, cá, rau xanh), vitamin D, và omega-3 vào bữa ăn hàng ngày để hỗ trợ xương khớp.
Ngoài ra, điều quan trọng nhất là người phụ nữ sau sinh cần dành thời gian và chú tâm theo dõi sức khoẻ của mình và chủ động đi thăm khám ngay khi những cơn đau xương cụt không thuyên giảm.
Một số bài tập giảm đau xương cụt sau sinh
Có thể bạn chưa biết xương cụt và cơ sàn chậu có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Vì thế, bạn có thể tập các bài tập sàn chậu để giúp giảm đau xương cụt sau khi sinh theo các gợi ý dưới đây:
Co thắt cơ sàn chậu
Bài tập luyện này tập trung vào nâng cao sức mạnh của cơ sàn chậu và giảm áp lực lên xương cụt. Cách thực hiện rất đơn giản như sau:
- Nằm ngửa, co đầu gối, đặt bàn chân trên sàn.
- Siết chặt cơ hậu môn và cơ thắt tiểu (như khi nhịn đi vệ sinh). Lưu ý: Không dùng cơ bụng hoặc đùi trong động tác này
- Giữ 1 giây, thư giãn 1 giây trong 10s đầu tiên. Sau đó, bạn hãy giữ 3-5 giây và tăng dần lên 10 giây (nếu có thể)
- Lặp lại 10-15 lần/ngày.
Lưu ý: Cố gắng giữ nhịp thở đều, không nín thở!

Hãy dành thời gian tập các bài rèn luyện cơ khi phục hồi sau sinh
Duỗi lưng bằng một chân
Sau khi cải thiện sức mạnh của các cơ sàn chậu, bạn cần tăng cường sức mạnh của cơ lưng dưới và hông để giảm áp lực lên xương cụt. Hãy thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:
- Nằm ngửa, co một đầu gối, kéo sát ngực bằng hai tay. Chân còn lại giữ thẳng hoặc co nhẹ.
- Giữ tư thế trong 30 giây, hít thở đều.
- Đổi bên, lặp lại 3-5 lần mỗi bên.
Lưu ý: Thực hiện nhẹ nhàng, tránh kéo quá mạnh gây đau.
Động tác ép xương cụt
Bên cạnh các bài tập trên, bạn có thể hạn chế sức ép lên xương cụt bằng cách thực hành bài tập dưới đây:
- Nằm ngửa, co đầu gối, đặt bàn chân trên sàn.
- Hít vào và thở ra, hóp bụng dưới về phía cột sống. Đồng thời, bạn hãy ấn xương cụt xuống sàn để làm phẳng lưng dưới.
- Giữ nguyên trong vòng 2-3 phút, thở đều, sau đó thư giãn.
- Lặp lại 5-10 lần/ngày.
Trị liệu thần kinh cột sống kết hợp vật lý trị liệu - phục hồi chức năng
Đối với các trường hợp chấn thương nặng hoặc đau xương cụt, bạn có thể được cần tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của các chuyên gia phục hồi chức năng.
Có thể nói, đau xương cụt sau sinh là biểu hiện khá phổ biến nhưng có thể điều trị dứt điểm. Để sớm hồi phục sau và trở lại cuộc sống bình thường sau sinh nở, các mẹ nên chú ý quan tâm đến các vấn đề sức khỏe và chủ động thăm khám khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường.