Dậy thì sớm ở bé trai: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Doan Nguyen

01-07-2024

goole news
16

Dậy thì sớm đang là vấn đề được rất nhiều cha mẹ quan tâm, cũng đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp tránh khỏi những tác động không mong muốn về thể chất cũng như tinh thần. Bài viết sau sẽ cung cấp toàn bộ thông tin liên quan tới dậy thì sớm ở nam để cha mẹ có thêm những thông tin cần thiết.

Tổng quan về bệnh dậy thì sớm ở bé trai

Theo bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, dậy thì sớm là tình trạng phát triển một số đặc tính sinh dục sớm hơn so với lứa tuổi. Trong đó có thường bao gồm: Sự phát triển ngực, xuất hiện lông mu hoặc kinh nguyệt ở bé gái trước 9,5 tuổi, sự phát triển tinh hoàn, lông mu ở bé trai trước 9 tuổi. 

Dậy thì sớm đang là vấn đề được rất nhiều cha mẹ quan tâmDậy thì sớm đang là vấn đề được rất nhiều cha mẹ quan tâm

Dậy thì sớm thường có 3 mức độ, được phân loại như sau:

  • Dậy thì sớm trung ương: Xảy ra do bệnh lý hoặc tình trạng tổn thương trong não, tủy sống bao gồm viêm màng não, viêm não hoặc các khối u ở cột sống, ở não.
  • Dậy thì sớm ngoại vi: Thường ít phổ biến hơn nhưng cũng là một loại dậy thì sớm cần được lưu ý. 
  • Dậy thì sớm không hoàn toàn: Trường hợp chỉ có một đặc tính sinh dục nào đó phát triển và thường rất chậm. Trong đó có thể là tuyến vú phát triển sớm, lông nách phát triển nhanh hơn, kinh nguyệt xuất hiện sớm đơn độc. 

Thực tế đã có rất nhiều nghiên cứu về dậy thì sớm, nhất là dậy thì sớm ở bé trai. Tại nước ta, tình trạng này mới được quan tâm và nghiên cứu trong vài năm trở lại đây. Khi nghi ngờ trẻ em có dấu hiệu dậy thì sớm cần đưa tới cơ sở y tế để được khám và có biện pháp điều trị kịp thời. 

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng dậy thì sớm ở bé trai?

Các bé trai thường bắt đầu dậy thì từ 10 tới 12 tuổi. Sự thay đổi sẽ bắt đầu từ việc tinh hoàn, dương vật phát triển. Nguyên nhân gây ra sự thay đổi này có thể bắt nguồn từ: 

  • Nồng độ GnRH tăng cao do sự hoạt động sớm trục dưới đồi - tuyến sinh dục - tuyến yên. 
  • Xuất hiện khối u ở não, ở dây cột sống gây ra tình trạng tổn thương cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng dậy thì sớm ở bé trai. 
  • Nhiễm trùng não, viêm màng não hoặc sự khiếm khuyết bộ não từ khi trẻ sinh. 
  • Trẻ mắc hội chứng  McCune-Albright cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng dậy thì sớm. Đây là căn bệnh di truyền có thể gây ảnh hưởng tới màu da, xương và một số vấn đề về nội tiết.
  • Trẻ mắc bệnh lý suy giáp, biểu hiện tình trạng tuyến giáp đang không sản xuất đủ lượng hormone. 

Ngoài ra một số nguyên nhân gây dậy thì sớm ngoại vi được kể đến bao gồm: 

  • Trẻ có gen đột biến, các rối loạn hiếm gặp thường được gọi là Gonadotropin, dẫn đến việc sản xuất ban đầu testosterone ở các bé trai.
  • Do ảnh hưởng từ chế độ chăm sóc trẻ, yếu tố môi trường sống và xã hội. Chế độ ăn sử dụng quá nhiều chất dinh dưỡng, chất bảo quản, chất tạo màu có thể là nguyên nhân khiến lượng hormone tăng lên gây ra tình trạng dậy thì sớm ở bé trai.
  • Bên cạnh đó việc bổ sung nhiều thuốc bổ, sản phẩm kích thích ăn nhanh, kích thích tăng chiều cao, thực phẩm chức năng, các loại sữa có thành phần kích thích tăng trưởng sẽ dẫn tới mất cân bằng nội tiết trong cơ thể, làm trẻ dậy thì sớm. 
  • Cho trẻ ăn nhiều các loại thực phẩm có chứa hormone tăng trưởng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng dậy thì sớm ở bé trai.
  • Cho trẻ sử dụng quá nhiều đồ uống có ga khiến tăng nồng độ hormone tình dục làm dậy thì sớm. 
  • Trẻ không kiểm soát tốt cân nặng dẫn tới tình trạng béo phì. Lượng mỡ dư thừa làm thay đổi hàm lượng insulin, estrogen và leptin. Điều này làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở bé trai. 

Chế độ ăn uống có thể là một trong những nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻChế độ ăn uống có thể là một trong những nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ

Dấu hiệu nhận biết dậy thì sớm ở bé trai

Bác sĩ chuyên khoa cho biết các triệu chứng để nhận biết tình trạng dậy thì sớm ở bé trai bao gồm:

  • Tinh hoàn, dương vật phát triển. 
  • Lông vùng kín, lông nách, tóc bắt đầu xuất hiện. 
  • Chiều cao tăng trưởng rất nhanh và nhận thấy rõ. 
  • Giọng nói thay đổi, ngày càng trở nên ồm, vang. 
  • Mụn trứng cá xuất hiện nhiều hơn trên khuôn mặt, má và trán. 
  • Cơ thể trẻ có mùi. 

Dậy thì sớm ở bé trai gây ra biến chứng gì?

Việc dậy thì sớm ở bé trai có thể gây ra nhiều biến chứng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần của trẻ. Một số biến chứng mà trẻ có thể gặp phải khi dậy thì sớm:

  • Chiều cao hạn chế: Việc phát triển chiều cao sớm đồng nghĩa sẽ ngừng phát triển sớm, khiến trẻ không đạt mức chiều cao lý tưởng. Hơn nữa, việc phát triển chiều cao sớm còn tác động tới hormone tăng trưởng, khả năng hấp thụ canxi,... 
  • Các vấn đề về tâm lý: Trẻ dậy thì sớm thường có cảm giác mặc cảm, tự ti khi trên cơ thể có nhiều sự thay đổi khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa. Trẻ có thể bị trêu chọc, khó hòa nhập với mọi người. Từ đó, hình thành nhiều suy nghĩ tiêu cực, thậm chí trẻ có thể bị trầm cảm. 
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản: Khi trẻ chưa được hướng dẫn chăm sóc cơ thể đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nam khoa khiến ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Hơn nữa, trẻ có thể gặp các vấn đề tình dục như: Xâm hại, lạm dụng tình dục,...
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác: Dậy thì sớm ở bé trai có thể khiến trẻ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến huyết áp, tim mạch, đột quỵ,...

Trẻ có thể gặp nhiều các vấn đề khi dậy thì sớmTrẻ có thể gặp nhiều các vấn đề khi dậy thì sớm

Đối tượng nào có nguy cơ dậy thì sớm?

Dậy thì sớm là tình trạng có thể xảy ra ở cả trẻ nữ và nam. Đặc biệt những đối tượng sau đây có nguy cơ dậy thì sớm cao hơn. 

  • Trẻ em mắc bệnh béo phì. 
  • Những trẻ nhỏ thường xuyên tiếp xúc với hormone giới tính, sử dụng loại thuốc bôi có chứa testosteron.
  • Trẻ mắc hội chứng McCune-Albrigh hoặc trẻ bị suy giáp.

Một trong những biến chứng có thể xảy ra đối với những trẻ bị dậy thì sớm đó là hạn chế phát triển về chiều cao sau này. Mặc dù ban đầu trẻ phát triển chiều cao nhanh chóng nhưng sẽ bị đóng xương sớm hơn so với các bạn bè cùng trang lứa. 

Biện pháp chẩn đoán

Hiện nay các biện pháp để chẩn đoán dậy thì sớm ở bé trai thường bao gồm:

  • Chẩn đoán ban đầu bằng việc khai thác tiền sử bệnh của gia đình. 
  • Thực hiện bài kiểm tra thể chất dành cho trẻ. 
  • Thử máu và đo nồng độ testosterone cho trẻ. 
  • Chụp X quang bàn tay, cổ tay để bác sĩ xác định tuổi xương của trẻ.
  • Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa cũng có thể chỉ định thực hiện chẩn đoán xác định chính xác loại dậy thì sớm ở trẻ. Bác sĩ sẽ tiến hành thử nghiệm tiêm St-RH hormone, sau đó lấy mẫu máu của người bệnh.
  • Thực hiện việc kiểm tra tuyến giáp của trẻ khi xuất hiện triệu chứng trì trệ, mệt mỏi, khô da nhợt nhạt. 

Chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây dậy thì sớm giúp điều trị bệnh hiệu quảChẩn đoán chính xác nguyên nhân gây dậy thì sớm giúp điều trị bệnh hiệu quả

Phương pháp điều trị dậy thì sớm ở bé trai

Bé trai bị dậy thì sớm nên điều trị từ nguyên nhân để đạt hiệu quả cao nhất. Nếu dậy thì sớm do nguyên nhân trung ương có thể sử dụng thuốc aGn-RH. Những trường hợp này cần được sử dụng thuốc hằng ngày tới khi trưởng thành. Khi dừng thuốc đột ngột thì có thể quá trình dậy thì sớm sẽ bắt đầu lại. 

Nếu điều trị khối u, bệnh nhân cần được phẫu thuật, kết hợp hóa trị, xạ trị nếu là u ác tính. Trường hợp điều trị cường testosterone, nên sử dụng thuốc kháng nấm Ketoconazol ở liều cao hơn so với liều trong điều trị thông thường. 

Ngoài ra, cha mẹ cần quan tâm hơn tới quá trình sinh hoạt của bé, chỉ cho trẻ xem các bộ phim phù hợp với độ tuổi, không cho trẻ xem hoặc đọc các truyện có từ nóng về tình dục. 

Trong chế độ ăn uống cần bổ sung đủ dưỡng chất, kết hợp thêm việc luyện tập thể dục, thể thao hàng ngày. Cha mẹ cũng cần khuyến khích trẻ tham gia hoạt động thiếu nhi, các buổi tư vấn sức khỏe sinh sản khi trẻ ở độ tuổi dậy thì.

Phòng ngừa dậy thì sớm ở bé trai

Để ngăn ngừa nguy cơ bé trai dậy thì sớm, cha mẹ cần quan tâm, chú ý đến trẻ, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa dậy thì sớm như:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất và phù hợp với độ tuổi. 
  • Hạn chế cho trẻ sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa chất bảo quản, thực phẩm nhiều đường, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ,... 
  • Bổ sung nhiều loại rau xanh, trái cây,... tuy nhiên tránh sử ăn trái cây, rau củ trái màu và biến đổi gen. 
  • Không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, tăng chiều cao, thực phẩm chức năng,... khi chưa qua tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. 
  • Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động để tăng sự tự tin, kết nối. 
  • Rèn luyện thói quen tập thể dục thể thao hàng ngày giúp nâng cao sức khoẻ và sức đề kháng. 
  • Kiểm soát và duy trì cân nặng, tránh tình trạng thừa cân, béo phì. 
  • Không cho trẻ xem phim, ảnh, ấn phẩm không phù hợp với lứa tuổi. 
  • Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp điều trị. 

Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động 

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan tới tình trạng dậy thì sớm ở bé trai. Hy vọng thông qua bài viết các bậc cha mẹ sẽ có được các kiến thức đầy đủ, toàn diện để trẻ có được sức khỏe, tâm sinh lý tốt nhất. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,367

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám