Đốt điện tim: Phân loại, quy trình thực hiện, các rủi ro cần lưu ý

Nguyễn Phương Thảo

07-01-2025

goole news
16

Đốt điện tim là một phương pháp can thiệp y học hiện đại, được ứng dụng rộng rãi trong điều trị các rối loạn nhịp tim. Tùy thuộc vào loại rối loạn nhịp, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp đốt phù hợp nhằm loại bỏ ổ phát nhịp bất thường và khôi phục nhịp tim ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả điều trị, quy trình này cũng tiềm ẩn một số rủi ro mà người bệnh cần nhận thức rõ trước khi thực hiện. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn toàn diện về phân loại, quy trình và các lưu ý quan trọng liên quan đến đốt điện tim.

Đốt điện tim là gì?

Đốt điện tim (hay còn gọi là cắt đốt điện sinh lý) - là một phương pháp điều trị tình trạng rối loạn nhịp tim có xâm lấn, được thực hiện bằng cách sử dụng năng lượng nhiệt hoặc lạnh để tạo ra các vết sẹo trên mô tim - nơi xảy ra loạn nhịp. Sẹo hình thành ở những khu vực này có tác dụng ngăn chặn tim tạo ra các nhịp đập không đều hoặc bất thường. 

Mặc dù được đánh giá là phương pháp mang lại hiệu quả cao và an toàn trong điều trị, song vẫn có những trường hợp xảy ra rủi ro và tác dụng phụ không mong muốn. Điều này có thể phụ thuộc vào tình trạng của từng người bệnh và nguyên nhân cơ bản gây ra chứng rối loạn nhịp tim. 

Đốt điện tim là phương pháp điều trị cho bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim 

Đốt điện tim là phương pháp điều trị cho bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim 

Phân loại các dạng đốt điện tim 

Đốt điện tim được chia thành hai loại, thường được các bác sĩ áp dụng, cụ thể như: 

  • Đốt điện tim bằng sóng cao tần: Phương pháp này được thực hiện được thực hiện bằng cách sử dụng ống thông để truyền năng lượng có tần số radio kết hợp với công nghệ lập bản đồ điện học 3D có khả năng can thiệp nhanh chóng, giảm thời gian với tia X xuống chỉ còn 1- 2 phút hoặc thậm chí là không sử dụng tới tia X để tạo ra các vết sẹo. Có thể nói đây là phương pháp tiên tiến với nhiều ưu điểm vượt trội giúp xác định vị trí ổ gây rối loạn nhịp tim chính xác hơn so với các phương pháp triệt đốt thông thường, mang lại tỉ lệ thành công cao hơn. 
  • Đốt điện tim bằng phương pháp đông lạnh: Với nguyên lý làm đông lạnh mô tới -70 độ để phá huỷ khu vực gây ra nhịp tim bất thường, phương pháp này có tác dụng chấm dứt các xung điện bất thường ở tim một cách hiệu quả. 

Đốt điện tim được ứng dụng trong trường hợp nào?

Đốt điện tim thường được chỉ định cho người mắc các rối loạn nhịp tim (khi tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều). 

Tùy thuộc vào loại nhịp tim bất thường, cắt đốt có thể là phương pháp được bác sĩ chỉ định điều trị đầu tiên. Ngoài ra, thủ thuật này cũng có thể dành cho những trường hợp điều trị bằng thuốc hoặc cách khác không hiệu quả. Cụ thể:

  • Rung nhĩ kháng trị với thuốc: Trong trường hợp bệnh nhân bị rung nhĩ không đáp ứng hoặc không dung nạp được khi điều trị bằng thuốc. Bác sĩ có thể chỉ định cắt đốt để kiểm soát nhịp tim hiệu quả cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
  • Rung nhĩ kịch phát hoặc dai dẳng: Đốt điện tim có thể là một lựa chọn phù hợp cho những bệnh nhân bị rung nhĩ kịch phát (tự khỏi trong vòng 7 ngày) hoặc dai dẳng (kéo dài > 7 ngày), khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả. 
  • Hội chứng WPW: Là một rối loạn nhịp tim do sự tồn tại của đường dẫn truyền phụ bất thường trong tim, có khả năng gây ra các cơn nhịp tim nhanh nguy hiểm. Để điều trị hiệu quả và ngăn ngừa tái phát, phương pháp cắt đốt qua đường ống thông được coi là ưu tiên hàng đầu. Phương pháp này loại bỏ hoàn toàn đường dẫn truyền phụ, giúp khôi phục nhịp tim bình thường và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng trong tương lai.
  • Nhịp nhanh trên thất: Đây là một dạng rối loạn thường gặp, đặc trưng bởi các cơn nhịp nhanh bắt nguồn từ tâm nhĩ hoặc nút nhĩ thất. Cắt đốt có thể được chỉ định ở người bệnh có các cơn nhịp nhanh trên thất tái phát thường xuyên hoặc không đáp ứng khi điều trị bằng thuốc. 
  • Nhịp nhanh thất: Là một loại rối loạn nhịp tim nghiêm trọng bắt nguồn từ tâm thất. Đốt điện tim có thể được cân nhắc ứng dụng trong trường hợp nhanh thất kháng trị với thuốc hoặc tái phát thường xuyên, đặc biệt khi có nguy cơ cao dẫn đến rung thất hoặc đột tử. 
  • Ngoại tâm thu thất hoặc nhĩ thường xuyên: Bác sĩ có thể chỉ định đốt cho người bệnh có ngoại tâm thu thường xuyên để tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. 
  • Người bệnh có nguy cơ cao bị đột tử do tim: Trong một số trường hợp đặc biệt, đốt điện tim có thể được sử dụng như một biện pháp phòng ngừa dành cho những người bệnh có nguy cơ cao bị đột tử do tim như người mắc bệnh cơ tim thất phải sinh loạn nhịp, người bị hội chứng Brugada.                          

Quy trình thực hiện cắt đốt điện sinh lý tim diễn ra như thế nào?

Trước khi thực hiện thủ thuật 

Trước khi tiến hành thủ thuật cắt đốt điện sinh lý tim, bác sĩ sẽ đánh giá cẩn thận tình trạng sức khoẻ tổng thể của bệnh nhân và hiệu quả của phương pháp của điều trị xem có đưa ra quyết định cắt đối hay không. Khi đã trao đổi rõ ràng, người bệnh cần ký giấy đồng ý thực hiện thủ thuật và ngưng sử dụng các loại thuốc làm loãng máu như Aspirin hoặc Warfarin theo chỉ định của bác sĩ. 

Nên nhịn ăn uống trước khi thực hiện thủ thuật vài tiếng. Mặc quần áo thoải mái, không mang trang sức và đồ vật có giá trị. Sau đó, người bệnh sẽ được đưa vào phòng can thiệp và gắn các điện cực theo dõi để kiểm soát nhịp tim cũng như dấu hiệu sinh tồn. 

Trong khi thực hiện thủ thuật

Bệnh nhân được đặt một đường dẫn truyền tĩnh mạch (IV) vào cánh tay để cung cấp thuốc (bao gồm thuốc gây mê). Nhờ vậy, người bệnh có thể tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật. Nhưng đối với trường hợp phức tạp, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. 

Bác sĩ sẽ đưa ống thông vào mạch máu lớn theo hình ảnh trên X-quang

Bác sĩ sẽ đưa ống thông vào mạch máu lớn theo hình ảnh trên X-quang

  • Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ (gọi là sheath) qua da vào tĩnh mạch để tạo một lỗ nhỏ, vị trí thường có thể là ở vùng bẹn hoặc đôi khi qua tĩnh mạch dưới đòn. 
  • Sau đó, các ống thông điện cực được đưa vào sheath và luồn qua tĩnh mạch hoặc động mạch đến tim của người bệnh, bác sĩ thực hiện theo sự chỉ dẫn của tia X. 
  • Tiếp, bác sĩ sử dụng ống thông để truyền năng lượng nóng hoặc lạnh đến các vùng tim gây rối loạn nhịp. Ống thông phá huỷ mô tim bất thường để ngăn chặn nhịp tim không đều.
  • Bác sĩ rút ống thông và sheath ra khỏi tĩnh mạch hoặc động mạch.  

Sau khi thực hiện thủ thuật

Thời gian thực hiện thủ thuật cắt đốt điện sinh lý tim có thể kéo dài từ 2- 4 giờ. Bệnh nhân sẽ được đưa về phòng bệnh để theo dõi sức khoẻ. Sau khi thực hiện thủ thuật bệnh nhân có thể về nhà hoặc nếu cần có thể ở lại để theo dõi thêm. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc và kê thuốc uống tại nhà. Nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường, người bệnh cần quay lại bệnh viện để được thăm khám chi tiết.

Xem thêm: 

Ưu điểm và hạn chế của phương pháp đốt điện tim

Ưu điểm 

Đốt điện tim là một trong những phương pháp điều trị có tỷ lệ công cao, khoảng 90% với những ưu điểm nổi bật sau: 

  • Tình trạng bệnh có thể khỏi hoàn toàn mà không cần dùng thuốc lâu dài với tỷ lệ rủi ro thấp;
  • Đốt điện tim là một phương pháp ít xâm lấn vì nó gần như chỉ ảnh hưởng tới một phần rất nhỏ đến các vị trí trên cơ thể của người bệnh; 
  • Thời gian hồi phục chỉ sau 1 ngày vô cùng nhanh chóng. Tình trạng sức khoẻ sẽ ổn định hơn và quay trở lại sinh hoạt bình thường sau 3-5 ngày;
  • Không gây cảm giác đau đớn, không làm nhịp tim tăng cao;
  • Đốt điện tim 3d có thể điều trị được những rối loạn nhịp tim như nhịp tim đập chậm, nhịp tim đập nhanh hoặc những rối loạn nhịp tim khác;

Hạn chế 

  • Đốt điện tim có thể gây ra các tác dụng phụ như đau ngực, nhịp tim đập nhanh/chậm, chóng mặt, khó thở,...;
  • Phương pháp này không phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là những trường hợp nhịp tim bất thường do cơ địa hoặc dùng thuốc;
  • Quá trình phẫu thuật đốt điện tim có thể sẽ phải yêu cầu nhiều lần thực hiện. Bệnh nhân cần phải thực hiện thủ thuật để đặt các thiết bị như Pacemaker;
  • Không phải trường hợp nào đốt điện sinh lý tim cũng đảm bảo sẽ khỏi bệnh. Đối với những bệnh nhân có sức khoẻ kém đi kèm nhiều bệnh lý khác nhau có khả năng khỏi bệnh thấp hơn;
  • Chi phí đốt điện tim 3d hiện nay là khá đắt đỏ từ 50-100 triệu đồng, đây có thể là một trong những lý do khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định điều trị hay lựa chọn sống chung với bệnh. 

Một số rủi ro có thể gặp phải khi phẫu thuật đốt điện tim

Mặc dù được đánh giá là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhưng trong một số ít trường hợp chúng vẫn có thể gây ra rủi ro không mong muốn. Cụ thể: 

  • Hình thành cục máu đông: Khi cục máu đông hình thành, chúng có thể di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể như não gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng con người. 
  • Tĩnh mạch bị tổn thương: Trong quá trình đưa ống thông qua mạch máu, tĩnh mạch có thể bị tổn thương, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu gây viêm, chảy máu hoặc hẹp tĩnh mạch.
  • Tổn thương van tim hoặc mô tim: Nguy cơ bị tổn thương các vùng lân cận hoặc van tim bởi nhiệt hoặc lạnh khi đốt mô tim khiến cho chức năng tim bị suy yếu hoặc gây ra các vấn đề về van tim.
  • Chảy máu hoặc nhiễm trùng ở vị trí đặt ống thông: Mặc dù đã có những biện pháp vô trùng song nguy cơ bị nhiễm trùng vẫn có thể xảy ra tại vị trí đặt ống thông, đòi hỏi phải điều trị bằng kháng sinh hoặc các can thiệp y tế khác. 
  • Nhồi máu cơ tim: Mặc dù là một biến chứng hiếm gặp nhưng vẫn gây nguy hiểm cho người bệnh. Quá trình đốt điện tim có thể làm tổn thương các động mạch vành, gây nhồi máu cơ tim nếu tim không được cung cấp đầy đủ máu. 
  • Đột quỵ: Sau khi cắt đốt đốt điện sinh lý tim, nếu xuất hiện cục máu đông hoặc mảnh vụn từ thủ thuật di chuyển lên não gây tắc nghẽn mạch máu có thể gây ra đột quỵ. Để ngăn ngừa biến chứng này, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc chống đông và theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe người bệnh sau khi thực hiện thủ thuật. 
  • Tử vong: Tỷ lệ tử vong sau khi đốt điện tim là rất thấp. Người bệnh có thể tử vong nếu gặp các biến chứng đặc biệt nghiêm trọng như đột quỵ lớn thủng tim dẫn đến chèn ép tim cấp tính, nhồi máu cơ tim.  
  • Phải sử dụng máy tạo nhịp tim vĩnh viễn: Một số trường hợp do đốt điện tim có thể gây ra rối loạn nhịp tim nghiêm trọng tới mức phải đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn để điều chỉnh nhịp tim và đảm bảo chức năng tim hoạt động bình thường. 

 

Mọi thắc mắc cần giải đáp chi tiết, quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám tại website để được hỗ trợ thăm khám sớm nhất.

Chăm sóc bệnh nhân sau khi đốt điện tim như thế nào? 

Sau khi đốt điện tim, bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt để đảm bảo quá trình hồi phục nhanh chóng. Một số lời khuyên về cách chăm sóc người bệnh cụ thể như: 

Bệnh nhân cần tuân thủ ăn uống và nghỉ ngơi phù hợp 

Bệnh nhân cần tuân thủ ăn uống và nghỉ ngơi phù hợp 

  • Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị. Thông thường, trong khoảng thời gian từ 2-4 tuần, người bệnh cần phải sử dụng thuốc Aspirin tại nhà để hạn chế tình trạng xuất hiện cục máu đông; 
  • Không nên điều khiển phương tiện giao thông sau khi xuất viện 1 ngày; 
  • Không sử dụng đồ uống có cồn. Tuân thủ chế độ ăn uống và vận động được chỉ định của bác sĩ hỗ trợ; 
  • Người bệnh cần được nghỉ ngơi đầy đủ. Đồng thời cần theo dõi các triệu chứng như khó thở, đau ngực, ho hoặc phù phổi,...cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. 

Câu hỏi liên quan

Câu 1: Chi phí đốt điện tim là bao nhiêu?

Chi phí đốt điện tim 3d tại Việt Nam dao động tùy thuộc vào loại bệnh lý, mức độ phức tạp của ca bệnh, cơ sở y tế thực hiện và các dịch vụ đi kèm. Theo nguồn tin từ một số bệnh viện, chi phí cho thủ thuật này thường nằm trong khoảng từ 30 đến 100 triệu đồng, một số nguồn khác  cho biết mức chi phí trung bình có thể từ 30 đến 50 triệu đồng, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân và bệnh viện áp dụng. Để biết chính xác đốt điện tim giá bao nhiêu, bệnh nhân nên liên hệ trực tiếp với cơ sở y tế dự định thực hiện thủ thuật.

Câu 2: Đốt điện tim có đau không?

Đốt điện tim có thể sẽ mang lại sự khó chịu thoáng qua cho người bệnh. Với vị trí đặt ống thông tĩnh mạch dễ bị bầm tím và đau nhẹ nhưng vì vết thương rất nhỏ nên sẽ hồi phục nhanh chóng. Khi mô tim đã hồi phục trở lại, bệnh nhân vẫn có thể thấy nhịp tim không đều trong vài tuần, nhưng điều này là hoàn toàn bình thường. Nếu gặp tình trạng bất thường, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ để được giải đáp thắc mắc sau khi đốt điện tim. 

Kết luận  

Đốt điện tim không chỉ giúp cải thiện đáng kể chất lượng sống mà còn giảm thiểu nguy cơ biến chứng do rối loạn nhịp tim gây ra. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối ưu và giảm thiểu rủi ro, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tìm hiểu kỹ về quy trình và lựa chọn cơ sở y tế uy tín. Hãy hành động ngay hôm nay để bảo vệ trái tim khỏe mạnh, đảm bảo cuộc sống an yên và lâu dài.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

35

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám