Rung nhĩ rối loạn nhịp tim nguy hiểm thế nào?

Phạm Thị Lương

18-08-2023

goole news
16

Rung nhĩ khiến tâm nhĩ (2 ngăn trên cùng của tim) co bóp rất nhanh và hỗn loạn, tạo điều kiện hình thành những cục máu đông trong tim. Vì vậy, nguy cơ đột quỵ ở những bệnh nhân này cao gấp 5-7 lần so với thông thường. Cùng bệnh viện Phương Đông tìm hiểu dấu hiệu và biến chứng của bệnh ngay sau đây.

Rung nhĩ là gì? 

Rung nhĩ có thể gặp ở người có lối sống lành mạnh và không mắc bệnh lý gì, bệnh nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu cụ thể rung nhĩ là gì và phân loại bệnh.

Rung nhĩ là gì?

Rung nhĩ hoặc rung tâm nhĩ là một trong những bệnh lý rối loạn nhịp tim hay gặp với đặc trưng nhịp tim của bệnh nhân đập không đều thậm chí hỗn loạn ngay cả khi nghỉ ngơi. Bệnh rung nhĩ tăng nguy cơ khi tuổi tăng lên, ở các bệnh nhân triệu chứng sẽ khác nhau từ không triệu chứng đến mệt mỏi, khó thở, ngất và suy tim.

Hình ảnh mô phỏng nhịp tim bình thường và khi bị rung nhĩ.Hình ảnh mô phỏng nhịp tim bình thường và khi bị rung nhĩ.

Phân loại rung nhĩ

  • Rung tâm nhĩ bất chợt: Đây là cơn rung tâm nhĩ diễn ra đột ngột với tần suất các đợt đến và đi khá nhanh, thường chỉ kéo dài vài phút đến vài giờ hoặc triệu chứng xảy ra trong một tuần. Các triệu chứng có thể tự hết mà không cần điều trị hoặc cũng có thể cần được điều trị.
  • Rung tâm nhĩ dai dẳng: Dạng này cơn rung nhĩ tim có thể kéo dài hơn 1 tuần và nhịp tim sau khi bị rung sẽ không thể tự trở lại bình thường. Người bệnh cần dùng thuốc đặc trị hoặc sốc điện để khôi phục nhịp tim.
  • Rung tâm nhĩ kéo dài: Được gọi là kéo dài khi tình trạng diễn ra liên tục trong hơn 12 tháng.
  • Rung tâm nhĩ vĩnh viễn: Loại rung tâm nhĩ này là tình trạng nhịp tim bất thường không thể phục hồi. Bệnh nhân sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc dùng thuốc để kiểm soát nhịp tim và ngăn ngừa cục máu đông.

Những dấu hiệu của bệnh rung nhĩ 

Nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh rung tâm nhĩ nhưng không có biểu hiện gì hoặc các triệu chứng rất mơ hồ. Nhiều người có thể thấy các triệu chứng như:

  • Đánh trống ngực, hồi hộp
  • Khó chịu trong ngực
  • Có triệu chứng của suy tim như hụt hơi, khó thở, nhức đầu
  • Bị lệch nhịp hoặc nhịp tim không đều
  • Mệt mỏi, chóng mặt, luôn có cảm giác lâng lâng hoặc thậm chí muốn ngất xỉu
  • Giảm khả năng gắng sức, dễ đuối sức nhất là khi vận động
  • Nặng ngực, đau tức ngực
  • Có dấu hiệu của đột quỵ cấp tính như nhìn mờ, khó nói, đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân,...

Khi khám mạch thấy mạch không đều và không theo quy luật, không thấy sóng a tại tĩnh mạch cổ. Đặc biệt, có thể xuất hiện tình trạng thiếu mạch (nhịp thất ở đỉnh tim nhanh hơn nhịp sờ ở cổ tay).

Khi rung nhĩ đáp ứng thất nhanh rất nguy hiểm (thường 140 - 160 lần/phút) lúc này bệnh nhân cần chuyển cấp cứu kịp thời, bởi nếu không bệnh nhân có thể tử vong do chuyển từ rung nhĩ dẫn truyền đáp ứng thất rất nhanh thành rung thất.

Bạn có thể xuất hiện triệu chứng bệnh hoặc còn mơ hồ có thể liên hệ tới bệnh viện Phương Đông để kiểm tra sức khoẻ, thực hiện điện tim rung nhĩ để phát hiện sớm bệnh. Đăng ký tại trang web ở phần Đặt lịch khám hoặc gọi số hotline 19001806 để được tư vấn chi tiết.

Tim đập không đều, hỗn loạn là dấu hiệu của rung nhĩ.Tim đập không đều, hỗn loạn là dấu hiệu của rung nhĩ.

Những nguyên nhân gây ra bệnh rung nhĩ

Có trường hợp (khoảng 10%) không tìm ra nguyên nhân chính xác bị rung nhĩ. Thông thường nguyên nhân có thể do nhiều yếu tố kết hợp với nhau, ít khi nào bệnh xảy ra chỉ vì một nguyên nhân duy nhất. Cụ thể:

  • Người bị động mạch vành, cao huyết áp hay bị bệnh rung nhĩ hơn người bình thường.
  • Bệnh nhân bị mắc bệnh viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim hoặc từng phẫu thuật tim cũng là đối tượng của bệnh rung nhĩ. 
  • Đôi khi bệnh cũng có thể xảy ra với người bị cường giáp, mắc bệnh phổi hoặc tim bẩm sinh. 
  • Đặc biệt nguy cơ rung nhĩ tăng theo tuổi, tức là người cao tuổi có nguy cơ bị rung nhĩ cao hơn người trẻ. 
  • Những người mắc bệnh tiểu đường, uống quá nhiều rượu, hút thuốc lá, rối loạn điện giải hoặc đang bị nhiễm trùng nặng cũng có thể xuất hiện tình trạng rung tâm nhĩ. 

Rung nhĩ có nguy hiểm không 

Là rối loạn nhịp tim phổ biến nhất, rung nhĩ tiềm ẩn nguy hiểm với người mắc đặc biệt là nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 2 biến chứng của rung tâm nhĩ bao gồm:

Biến chứng đột quỵ

Khi bị rung tâm nhĩ, nhịp tim đập hỗn loạn, rất nhanh khiến máu dồn thành cục máu đông vào các buồng trên của tim. Khi xuất hiện cục máu đông nó có thể gây tắc nghẽn quá trình lưu thông máu gây ra đột quỵ. Nguy cơ đột quỵ còn phụ thuộc vào việc người bệnh có bị huyết áp cao, tiểu đường hay tiền sử suy tim, đột quỵ trước đó hay không. Tuy nhiên ở người bị rung nhĩ nguy cơ đột quỵ cao gấp 5-7 lần so với bình thường.

Biến chứng suy tim

Vi nhịp tim đập không đều, thường nhanh liên tục khiến cho tim co bóp kém, yếu đi và giảm bơm máu đi nuôi cơ thể. Đây chính là biến chứng suy tim rất nguy hiểm ở bệnh rung tâm nhĩ.

Người bệnh có thể xuất hiện biến chứng suy tim do rung tâm nhĩ.Người bệnh có thể xuất hiện biến chứng suy tim do rung tâm nhĩ.

Phương pháp điều trị bệnh rung nhĩ

Trước khi tìm hiểu việc điều trị, bạn cũng cần biết về việc chẩn đoán bệnh được thực hiện bằng biện pháp cơ bản nhất là ecg rung nhĩ tức là điện tâm đồ thường quy ghi lại nhịp tim thông qua các điện cực được dán lên người bệnh nhân trong một thời gian ngắn. Sau chỉ định chẩn đoán phát hiện bệnh bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị.

Dù bạn bị rung nhĩ bất chợt, kéo dài hoặc vĩnh viễn việc được khám chẩn đoán và điều trị là rất cần thiết để tránh biến chứng xảy ra. Bệnh rung nhĩ có chữa được không? Hiện chưa có cách điều trị hoàn toàn nhưng đã có những cách nhằm biến mất triệu chứng trong thời gian dài trên người bệnh bị rung nhĩ. Nếu tuân thủ phác đồ điều trị bạn vẫn có trái tim khỏe mạnh và cuộc sống bình thường.

Một số cách điều trị rung tâm nhĩ bao gồm:

  • Dùng thuốc chống loạn nhịp nhằm chuyển nhịp để cắt cơn rung nhĩ và duy trì nhịp xoang. Ngoài ra còn có thuốc kiểm soát nhịp tim và thuốc kháng đông để ngăn không cho cục máu đông hình thành.
  • Can thiệp thủ thuật phẫu thuật như sốc điện chuyển nhịp, triệt phá rung nhĩ bằng hệ thống máy thăm dò hoạt động điện của tim, cấy máy tạo nhịp cũng được sử dụng để dự phòng các cơn ngưng tim để tránh nguy cơ tử vong.

Ngoài ra bệnh nhân cần thay đổi lối sống như: hạn chế uống rượu, bia, không được hút thuốc lá, giảm stress, kiểm soát cân nặng phù hợp và tập thể thao vừa sức,...

Đi bộ thường xuyên để phòng bệnh tim mạch, rung nhĩ.Đi bộ thường xuyên để phòng bệnh tim mạch, rung nhĩ.

Cách phòng ngừa bệnh rung nhĩ

Để phòng bệnh bạn nên xây dựng lối sống lành mạnh để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và có thể ngăn ngừa bệnh rung nhĩ, cụ thể như:

  • Rèn thể lực, thể thao nhất là bộ môn đi bộ nhanh khoảng 30 phút mỗi ngày
  • Bỏ thuốc lá để bảo vệ tim
  • Hạn chế uống bia rượu và cafein
  • Kiểm soát tốt tâm lý, tránh căng thẳng
  • Nếu bị cao huyết áp cần kiểm soát tốt tình hình
  • Ăn nhiều chất xơ, dầu ô liu và cá để điều chỉnh mức cholesterol tốt cho cơ thể
  • Kiểm soát tốt lượng đường tránh nạp quá nhiều dẫn đến bệnh đái tháo đường

Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo mọi người cần quan sát biểu hiện cơ thể để đi khám sớm nhằm phát hiện kịp thời bởi rung nhĩ đôi khi bị bỏ qua nhưng thực ra lại nguy hiểm tới sức khỏe tim mạch.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

703

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám