Hội chứng lối thoát ngực có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đau, tê bì cánh tay, yếu cơ hoặc thậm chí là rối loạn tuần hoàn. Vì các triệu chứng của bệnh có thể dễ nhầm lẫn với các vấn đề cơ xương khác, nhiều người thường bỏ qua hoặc không đi khám sớm. Vậy dấu hiệu nào giúp bạn nhận biết hội chứng lối thoát ngực? Khi nào cần đến gặp bác sĩ để tránh biến chứng nguy hiểm?
Hội chứng lối thoát ngực là gì?
Hội chứng lối thoát ngực (Thoracic Outlet Syndrome – TOS) là một nhóm các rối loạn xảy ra khi các mạch máu hoặc dây thần kinh ở vùng lối thoát ngực (khu vực nằm giữa xương đòn và xương sườn đầu tiên) bị chèn ép. Sự chèn ép này có thể ảnh hưởng đến chức năng thần kinh hoặc tuần hoàn, dẫn đến các triệu chứng ảnh hưởng đến cánh tay, vai và cổ.
Hội chứng lỗ thoát ngực xảy ra khi có sự chèn ép các dây thần kinh hoặc mạch máu ở phần dưới cổ và phần trên ngực
Hội chứng này được đặt tên theo cấu trúc giải phẫu của lối thoát ngực, nơi các bó mạch thần kinh và mạch máu lớn đi qua để phân phối đến chi trên. Khu vực này có không gian hẹp, dễ bị tổn thương khi có bất kỳ yếu tố nào làm thay đổi cấu trúc giải phẫu, gây áp lực lên bó mạch thần kinh cánh tay hoặc động mạch dưới đòn.
Phân loại 3 dạng chính của hội chứng lối thoát lồng ngực
- TOS thần kinh: Đây là tình trạng phổ biến nhất, chiếm hơn 90% các trường hợp mắc hội chứng lối thoát ngực.
- TOS động mạch: Nam giới sẽ phổ biến hơn nữ giới ở tình trạng này, thường xảy ra trong độ tuổi 20 – 30 tuổi và chiếm khoảng 5% trường hợp hội chứng lối thoát lồng ngực.
- TOS tĩnh mạch: Tình trạng này vô cùng hiếm gặp, chiếm khoảng 1% trong tổng số trường hợp. Xảy ra khi động mạch dưới xương đòn bị chèn ép, gây hình thành cục máu động ở những bệnh nhân dưới 40 tuổi.
Mức độ nguy hiểm của hội chứng lối thoát lồng ngực
Hội chứng lối thoát lồng ngực có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Nhưng thường gặp nhất ở những người thực hiện các động tác lặp đi lặp lại ở cánh tay và vai, chẳng hạn như vận động viên bơi lội, người chơi tennis, nhạc công hoặc những người làm công việc văn phòng phải ngồi lâu với tư thế không đúng.
Nhạc công cũng là một trong những đối tượng có nguy cơ bị TOS
Bệnh thường có những diễn biến âm thầm, ít gây ra triệu chứng dữ dội nên người bệnh thường dễ chủ quan, dễ dàng bỏ qua. Một khi bệnh đã diễn tiến đủ dài, không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ do mạch máu bị tổn thương, chèn ép.
Ngoài ra, hiện tượng chèn ép thần kinh kéo dài có thể gây chấn thương, tàn tật, đau mạn tính. Do TOS thần kinh dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý cơ - xương - khớp nên nếu điều trị sai phương pháp, bệnh nhân có thể phải đối diện với các tác dụng phụ không mong muốn. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị hoại tử tĩnh mạch/mắc hội chứng viêm tĩnh mạch xanh (Phlegmasia cerulea dolens) - gây ứ máu tĩnh mạch nặng, nguy cơ hoại tử chi nếu không được điều trị kịp thời.
Do tỷ lệ biến chứng của TOS không cao nên bác sĩ thường ưu tiên hướng bệnh nhân tới giải pháp điều trị bảo tồn thay vì các can thiệp ngoại khoa.
Nhận biết triệu chứng hội chứng lối thoát ngực theo từng phân loại
Việc nhận biết kịp thời các dấu hiệu của bệnh là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng như huyết khối gây thuyên tắc phổi, hoại tử do thiếu máu, tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Các biểu hiện lâm sàng của TOS phụ thuộc vào cấu trúc chèn ép và mức độ chèn ép. Cụ thể
- Hội chứng lối thoát ngực do thần kinh: Xảy ra khi đám rối thần kinh cánh tay bị chèn ép. Ở dạng này, người bệnh có thể cảm thấy bị đau và yếu ở cánh tay và vai, đôi khi ngứa ran ở ngón tay. Trong một số trường hợp hiếm gặp còn xuất hiện tình trạng teo hay co rút, yếu đệm ở ngón tay cái,...khi giơ tay, các triệu chứng này sẽ rõ ràng hơn.
- Hội chứng lối thoát ngực do tĩnh mạch: Liên quan đến sự chèn ép động mạch hoặc tĩnh mạch dưới đòn, có thể dẫn đến rối loạn lưu thông máu. Người bệnh sẽ gặp một số vấn đề như cánh tay/bàn tay/ngón tay bị sưng phù, da vùng cánh tay/bàn tay trở nên xanh xao, vùng cánh tay/bàn tay bị đau nhói, các tĩnh mạch ở bàn tay/vai/cổ nổi lên rất rõ
- Hội chứng lối thoát ngực động mạch: Hay còn gọi bằng một cái tên khác là hội chứng lối thoát lồng ngực tranh chấp. Mặc dù vẫn chưa có khẳng định rõ ràng về sự tồn tại của dạng bệnh này nhưng lại có một số ý kiến khác cho rằng chứng rối loạn này rất phổ biến. Bệnh có thể gây các biểu hiện như đau nhức ở vùng bàn tay/cánh tay (đặc biệt khi chuyển động trên cao, cơn đau sẽ dữ dội hơn), động mạch ở bàn tay/cánh tay bị tắc nghẽn, phình động mạch dưới đòn,...
Các triệu chứng phổ biến của TOS thay đổi tùy thuộc vào cấu trúc bị ảnh hưởng
Xem thêm:
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng lối thoát ngực
Có nhiều cơ chế tạo ra bệnh lý đặc trưng của hội chứng, bao gồm Nguyên nhân dẫn đến hội chứng lối thoát ngực chấn thương, các biến thể giải phẫu, chuyển động lặp đi lặp lại.
Dị tật bẩm sinh và yếu tố giải phẫu bất thường
- Xương sườn cổ: Khoảng 0,5 - 1% dân số có thêm một xương sườn nhỏ mọc từ đốt sống cổ, làm giảm không gian lối thoát ngực và chèn ép lên bó mạch thần kinh.
- Dải xơ bất thường: Một số người có mô sợi bất thường kéo dài từ cột sống cổ đến xương sườn đầu tiên, gây áp lực lên dây thần kinh hoặc mạch máu.
- Bất thường về tư thế: Cong vẹo cột sống, gù lưng hoặc tư thế vai rũ xuống có thể làm thu hẹp không gian lối thoát ngực.
Chấn thương và tác động ngoại lực
- Tai nạn giao thông hoặc chấn thương thể thao: Những va chạm mạnh có thể làm tổn thương hoặc thay đổi cấu trúc của xương, cơ và dây thần kinh trong vùng lối thoát ngực, dẫn đến chèn ép mạch máu hoặc thần kinh.
- Tổn thương do vận động lặp đi lặp lại: Những người thực hiện động tác nâng tay cao, xoay vai nhiều như vận động viên bơi lội, người chơi bóng chuyền, tennis hoặc nhân viên văn phòng làm việc trên máy tính lâu có nguy cơ cao phát triển TOS.
Do thói quen sinh hoạt và lối sống
- Tư thế làm việc sai: Ngồi quá lâu với tư thế gù lưng, cúi đầu hoặc nâng vai liên tục có thể làm tăng áp lực lên vùng lối thoát ngực.
- Mang vác vật nặng thường xuyên: Những người phải mang túi xách, balo nặng hoặc làm công việc bê vác có nguy cơ cao phát triển hội chứng này.
- Béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa có thể làm tăng áp lực lên vùng vai cổ và ảnh hưởng đến cấu trúc lối thoát ngực.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, khối u phát triển trong vùng trung thất hoặc vùng cổ có thể gây chèn ép lên mạch máu và dây thần kinh lối thoát ngực. Hoặc các biến chứng sau phẫu thuật hoặc xạ trị có thể làm thay đổi cấu trúc mô mềm hoặc dây thần kinh, gián tiếp gây ra hội chứng lối thoát ngực.
Cách chẩn đoán hội chứng lối thoát ngực
Do sự đa dạng về nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng, việc chẩn đoán hội chứng này có thể gặp nhiều thách thức, đòi hỏi kết hợp giữa các phương pháp như: Thăm khám lâm sàng, các phương pháp hình ảnh như chụp MRI, chụp CT với thuốc cản quang, chụp X-quang cổ và lồng ngực, siêu âm Doppler.
Việc nhận diện sớm và hiểu rõ bản chất của hội chứng lối thoát ngực giúp nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Quý khách cần đăng ký thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông có thể liên hệ qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám trực tiếp tại website.
Quá trình điều trị hội chứng lối thoát ngực
Trong tất cả các trường hợp điều trị đều có một mục tiêu chung là giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng cho bệnh nhân. Tuỳ vào từng loại TOS và tình trạng bệnh thực tế mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, cụ thể:
Điều trị bảo tồn
Đây được xem là phương pháp được bác sĩ ưu tiên áp dụng cho bệnh nhân. Bằng cách yêu cầu họ kết hợp đồng thời giữa thay đổi lối sống, dùng thuốc và vật lý trị liệu để cải thiện triệu chứng, cụ thể:
- Thay đổi lối sống: Tập xây dựng thói quen sống lành mạnh và khoa học để ngăn ngừa TOS tái phát. Bệnh nhân cần tập trung điều chỉnh các tư thế khi đi đứng, ngồi làm việc và khi ngủ. Hạn chế giơ cao tay trong thời gian dài. Nếu phải thực hiện động tác đó lặp lại nhiều lần, cần sử dụng nẹp và miếng đệm hỗ trợ giảm lực khi hoạt động.
Các bài tập kéo giãn và tăng cường sức mạnh để giảm áp lực
- Vật lý trị liệu: Có thể nói đây là một biện pháp hiệu quả để tăng cường sức mạnh cơ bắp xung quanh lỗ thoát ngực, từ đó giảm áp lực lên các cấu trúc đang bị suy yếu.
- Thuốc: Dùng thuốc là phương pháp nhanh nhất giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng. Một số loại thuốc thường được sử dụng bao gồm: Thuốc giảm đau, chống viêm (phổ biến là nhóm NSAIDs với các hoạt chất thường dùng như ibuprofen, aspirin, diclofenac,...); thuốc chống đông máu (bao gồm các hoạt chất như streptokinase, alteplase, urokinase,...).
Điều trị ngoại khoa
Can thiệp phẫu thuật thường dùng cho trường hợp người bệnh không đáp ứng với biện pháp điều trị bảo tồn. Những bệnh nhân có tổn thương mạch máu nghiêm trọng hoặc teo cơ bàn tay cần phẫu thuật.
Tổng hợp từ các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thành công trong phẫu thuật đám rối trên là 50%, đám rối dưới là 75%. Ngoài ra, có khoảng 60% bệnh nhân TOS thần kinh gần như mất khả năng lao động sau 1 năm và 72,5%, sau 5 năm. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến phẫu thuật không phải là phương pháp được khuyến khích thực hiện ở bệnh nhân bị hội chứng lối thoát ngực.
Hội chứng lối thoát ngực không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm các triệu chứng như đau, tê bì tay, yếu cơ hoặc sưng phù có thể giúp bạn chủ động thăm khám và có phương án can thiệp phù hợp. Nếu bạn đang gặp bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra và tư vấn kịp thời.