Hội chứng suy nút xoang là một dạng rối loạn nhịp tim phức tạp, xảy ra khi nút xoang không hoạt động hiệu quả. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe tim mạch. Vậy làm thế nào để điều trị hiệu quả hội chứng suy nút xoang, giúp người bệnh cải thiện sức khỏe và duy trì nhịp tim ổn định? Bài viết này sẽ mang đến những thông tin chi tiết, từ nguyên nhân đến các phương pháp điều trị tối ưu cho căn bệnh này.
Hội chứng suy nút xoang là gì?
Hội chứng suy nút xoang (Sick Sinus Syndrome - SSS) hay còn gọi là suy nút xoang, bệnh lý nút xoang, rối loạn chức năng nút xoang, hội chứng nút xoang bệnh lý,...Đây là một hội chứng lâm sàng do bị rối loạn chức năng nút xoang gây nên nhiều bất thường về điện sinh lí tim như: Rối loạn hình thành xung động tại nút xoang, suy yếu chức năng tạo nhịp của các chủ nhịp dưới nút xoang, rối loạn dẫn truyền xung động từ nút xoang ra cơ nhĩ, suy yếu chức năng tạo nhịp của các chủ nhịp dưới nút xoang, tăng độ nhạy cảm của cơ nhĩ gây ra các rối loạn nhịp nhanh nhĩ.
Điện tâm đồ liên tục ghi lại, vòng tròn xanh biểu thị thời gian P-P dài
Hội chứng này không phải là một tình trạng thường gặp. Theo các nghiên cứu, có khoảng 78.000 trường hợp mắc mới được chẩn đoán vào năm 2012. Trong tương lai, dự kiến con số này sẽ ngày càng gia tăng lên tới 172.000 trường hợp trong năm 2060.
Đối tượng nào dễ bị hội chứng suy nút xoang?
Hội chứng suy nút xoang có tác động nhiều nhất đến người lớn tuổi, đặc biệt nhóm người trên 70 tuổi do thoái hóa mô nút xoang và sự xơ hóa trong hệ dẫn truyền tim xảy ra theo tuổi tác. Bên cạnh đó, với những đối tượng mắc các bệnh lý liên quan tới tim mạch (nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, bệnh van tim) hoặc bệnh lý hệ thống (lupus ban đỏ) có thể ảnh hưởng đến nút xoang thông qua tổn thương mô và viêm mạch máu.
Hội chứng suy nút xoang thường gặp ở những người lớn tuổi bởi nhiều yếu tố khác nhau
Người bị ảnh hưởng bởi thuốc hoặc hóa chất như: Thuốc như chẹn beta, chẹn kênh canxi hoặc thuốc chống loạn nhịp tim cũng có thể làm suy giảm chức năng nút xoang, đặc biệt khi sử dụng không đúng liều lượng.
Nguyên nhân gây ra hội chứng suy nút xoang là gì?
Về cơ bản, trái tim con người được chia thành 4 buồng bao gồm 2 buồng trên (tâm nhĩ) và hai buồng dưới (tâm thất). Nhịp tim được kiểm soát bởi nút xoang - đây là khu vực bao gồm các tế bào chuyên biệt nằm ở tâm nhĩ phải.
Khi tim đập, các tín hiệu sẽ phát ra ở một cụm tế bào nhỏ của nút xoang, đi qua tâm nhĩ đến nút nhĩ thất để có thể vào tâm thất, khiến chúng co bóp và bơm máu đến phổi rồi toàn bộ cơ thể. Nếu trong điều kiện lý tưởng, nút xoang tạo ra xung điện có tốc độ ổn định, chỉ khi con người vận động cơ thể hoặc biểu hiện cảm xúc cùng những yếu tố khác nhau chúng mới thay đổi.
Khi bị suy nút xoang, tín hiệu điện sẽ có nhịp nhanh - chậm, hay có thể bị gián đoạn bởi những khoảng nghỉ dài, thậm chí cùng lúc đan xen 3 vấn đề này. Một số nguyên nhân chính có thể nhắc tới là:
- Sự hao mòn của các mô tim do tuổi tác;
- Tổn thương nút xoang hoặc từng phẫu thuật tim để lại sẹo;
- Các bệnh lý tim mạch, viêm có tác động tới tim;
- Sử dụng các loại thuốc điều trị cao huyết áp, loạn nhịp tim, bệnh Alzheimer;
- Người mắc các bệnh thần kinh cơ bắp;
- Khó thở;
- Đột biến di truyền hiếm gặp.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng suy nút xoang
Bệnh nhân sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, uể oải khi mắc bệnh suy nút xoang
Hội chứng suy nút xoang thường không xuất hiện triệu chứng rõ ràng. Tình trạng của bệnh có thể biến đổi từ nhẹ (mệt mỏi, khó chịu) đến nặng (đau ngực, ngất xỉu, suy tim). Một số trường hợp khác chỉ xuất hiện những triệu chứng thoáng qua khiến cho người bệnh khó nhận ra sự bất thường. Cụ thể:
- Cảm thấy mệt mỏi mỗi khi vận động hay gắng sức;
- Hoa mắt, chóng mặt, thi thoảng bị choáng ngất hoặc ngất;
- Cảm giác hồi hộp, đập trống ngực;
- Khó thở, đau tức ngực;
- Hụt hơi;
- Lú lẫn, nhớ nhớ quên quên;
- Mạch đập chậm.
Biến chứng hội chứng suy nút xoang để lại là gì?
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hội chứng nút xoang có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Chẳng hạn:
- Ngừng tim: Tình trạng này xảy ra khi tim đập không đều hoặc quá chậm, khi đó, tim không thể bơm máu đến các cơ quan trong cơ thể một cách hiệu quả. Theo thời gian có thể gây ra tình trạng bị ứ huyết, tăng áp lực trong các buồng tim cuối cùng là dẫn đến suy tim. Bệnh nhân bị suy tim thường gặp các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, phù chân.
- Ngất xỉu: Khi nhịp tim quá chậm hoặc ngừng đập kéo dài, lưu lượng máu dẫn đến não có thể bị giảm đột ngột dẫn đến ngất xỉu. Nếu để tình trạng này xảy ra thường xuyên có thể khiến cho chất lượng cuộc sống của người bệnh bị suy giảm đáng kể.
- Khả năng vận động giảm sút: Đối với bệnh nhân bị hội chứng suy nút xoang, thể trạng sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, khó thở, các hoạt động thể chất bị hạn chế do tim không thể đáp ứng đủ nhu cầu oxy của cơ thể.
- Dễ gặp rủi ro trong phẫu thuật: Nếu cần thực hiện phẫu thuật, tỷ lệ người bị suy nút xoang có thể gặp các biến cố trong quá trình phẫu thuật cao hơn so với những trường hợp khác.
Xem thêm:
Tiên lượng của bệnh nhân bị hội chứng suy nút xoang
Tiên lượng của bệnh nhân mắc hội chứng suy nút xoang khá thay đổi. Khi không điều trị, tỷ lệ tử vong là 2%/năm, chủ yếu liên quan tới bệnh tim cấu trúc nền tảng. Mỗi năm, có khoảng 5% người bệnh tiến triển thành rung nhĩ, tăng nguy cơ suy tim và đột quỵ não vô cùng nghiêm trọng.
Chẩn đoán hội chứng suy nút xoang
Bác sĩ có thể sử dụng một trong các phương pháp chẩn đoán dưới đây để xác định tình trạng bệnh của bệnh nhân nghi ngờ bị hội chứng suy nút xoang:
Chẩn đoán lâm sàng
Chẩn đoán lâm sàng là bước đầu trong quá trình điều trị hội chứng suy nút xoang
Hầu hết các triệu chứng do hội chứng suy nút xoang gây ra đều là bởi nhịp tim quá chậm/cơn nhịp nhanh kịch phát/biến chứng tắc mạch do rung nhĩ.
Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để đánh giá ban đầu, thu thập thông tin về tiền sử bệnh, các triệu chứng gặp phải và đưa ra chỉ định các phương pháp cận lâm sàng khác để đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác và toàn diện.
Chẩn đoán cận lâm sàng
- Điện tâm đồ: Phương pháp này có thể cho thấy các dấu hiệu như nhịp tim chậm, ngừng xoang hay hội chứng nhịp nhanh nhịp chậm. Tuy nhiên, do suy nút xoang xảy ra không liên tục, thậm chí có những trường hợp chúng chỉ xuất hiện từng điểm ngắn, còn lại nhịp tim của người bệnh hoàn toàn bình thường nên chỉ đo điện tâm đồ thường khó xác định được tình trạng bệnh. Chính vì thế, để phát hiện được những triệu chứng đã nói trên cần phải ghi điện tâm đồ liên tục.
- Holter điện tâm đồ: Là phương pháp ghi liên tục 3 chuyển đạo điện tim trong một khoảng thời gian dài (24h-48h). Holter điện tâm đồ cho phép phát hiện được các rối loạn nhịp tim gặp trong hội chứng suy nút xoang. Đặc biệt, phương pháp này còn cho phép được xác lập mối liên quan giữa triệu chứng lâm sàng với các rối loạn nhịp tim đó.
- Máy ghi sự kiện (Event Recorder): Loại máy này cho phép ghi một chuyển đạo mà không cần điện lực dán trên người. Người bệnh có thể mang máy theo bên người, chỉ cần bất kể lúc nào xuất hiện triệu chứng hoặc nghi ngờ rối loạn nhịp tim có thể đặt máy lên ngực trái và bấm nút. Lúc này, máy sẽ tự động ghi lại sự kiện điện tâm đồ trong khoảng 1 phút.
- Máy ghi điện tâm đồ liên tục cấy dưới da (Implantable Loop Recorder): Máy được cấy dưới da vùng ngực trái của bệnh nhân với kích thước nhỏ. Máy có thể tự kích hoạt để ghi lại điện tâm đồ khi bệnh nhân ngất hoặc khi xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, máy này mới chỉ được áp dụng ở một vài trung tâm tim mạch lớn.
- Nghiệm pháp Atropin: Trong hội chứng suy nút xoang, nghiệm pháp Atropin dương tính với nhịp tim <90ck/ph hoặc nhịp tim tăng <20% so với nhịp tim trước khi tiêm Atropin. Tiêm tĩnh mạch Atropin 0,02-0,04mg/kg.
- Nghiệm pháp gắng sức: Bệnh nhân tập chạy bộ trên thảm lăn, đạp xe đạp hoặc dùng thuốc dobutamine sẽ theo dõi được hoạt động của tim thông qua thiết bị máy tính đã được kết nối. Trong trường hợp người bệnh bị suy nút xoang, điện tâm đồ sẽ cho thấy nhịp tim tăng không phù hợp với mức độ gắng sức. Đồng thời với phương pháp này còn giúp phát hiện các rối loạn nhịp khác xuất hiện khi tim phải làm việc nặng.
- Thăm dò điện sinh lý tim: Là phương pháp không những cho phép đánh giá chức năng nút xoang mà còn đánh giá chức năng nút nhĩ thất, phát hiện các rối loạn nhịp tim kèm theo hội chứng suy nút xoang.
Điều trị hội chứng suy nút xoang hiệu quả
Hội chứng suy nút xoang thường được phát hiện qua việc đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi người bệnh gặp các vấn đề như bị choáng, ngất, khó thở. Với hầu hết những trường hợp xuất hiện triệu chứng, cách điều trị ghép đặt một tình máy tạo nhịp tim điện tử. Còn nếu các triệu chứng chỉ nhẹ, diễn ra không thường xuyên, có thể cân nhắc đặt máy tạo nhịp dựa trên các yếu tố khác.
Điều trị bằng thuốc
Để giải quyết các trường hợp bị hội chứng suy nút xoang cấp tính, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc như: Atropin, Dopamin, Dobutamin, Isoproterenol, Adrenalin,...giúp ổn định nhịp tim.
Bệnh nhân chỉ nên sử dụng các loại thuốc được chỉ định theo đơn
Bệnh nhân cần lưu ý khi chỉ được sử dụng các loại thuốc đã được bác sĩ kê theo đơn, tuyệt đối không được tự ý mua về dùng. Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường, cần ngưng dùng thuốc và tới ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, thủ thuật
- Đặt máy tạo nhịp tim: Đa số bệnh nhân bị hội chứng suy nút xoang đều cần phải sử dụng tới máy tạo nhịp tim để kiểm soát nhịp tim. Đây là một thiết bị nhỏ, duy trì hoạt động bằng pin, được cấy dưới da gần xương đòn. Máy kích thích, tạo nhịp tim khi cần thiết để giữ cho tim đập đều đặn.
Tuỳ vào loại nhịp tim không đều mà người bệnh mắc phải mà bác sĩ sẽ chỉ định chọn loại máy phù hợp. Hiện nay, có các loại máy tạo nhịp tim bao gồm: Máy tạo nhịp tim một buồng, máy tạo nhịp tim hai buồng, máy tạo nhịp tim ba buồng.
- Cắt đốt bằng ống thông: Để thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng một ống thông nhỏ qua một mạch máu đến tim, tạo ra các vết sẹo nhỏ bằng cách sử dụng năng lượng từ laser, sóng vô tuyến hoặc cực lạnh. Thủ thuật này giúp sửa chữa các tín hiệu điện bị đánh lạc hướng, giải quyết triệt để các bất thường rối loạn nhịp tim phức tạp.
- Phá huỷ nút nhĩ thất: Phương pháp điều trị này sử dụng sóng cao tần để phá huỷ nút nhĩ thất (nút AV). Sau khi cắt bỏ nút nhĩ thất, bác sĩ sẽ cấy ghép một máy tạo nhịp để duy trì nhịp tim đều đặn.
Mọi thắc mắc khách hàng cần giải đáp có thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được hỗ trợ sớm nhất.
Kết luận
Việc phát hiện sớm và điều trị hội chứng suy nút xoang đúng phác đồ không chỉ giúp kiểm soát nhịp tim mà còn ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe tim mạch lâu dài. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải những triệu chứng liên quan, đừng ngần ngại tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.