Khâu eo tử cung là một trong những thủ thuật thường được áp dụng nhằm phòng tránh nguy cơ sinh non. Vậy khâu eo tử cung là gì? Trường hợp nào sẽ chỉ định thực hiện thủ thuật này? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu về phương pháp khâu eo tử cung qua bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về hở eo tử cung và khâu eo tử cung là gì?
Tử cung là vị trí thai nhi nằm trong suốt thời gian hình thành và phát triển. Eo tử cung hay còn gọi là lỗ cổ tử cung, đây là đoạn dưới của tử cung, chúng như một cánh cửa ngăn không cho thai bị đẩy ra ngoài âm đạo và giúp em bé ra ngoài an toàn khi chuyển dạ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường của eo tử cung đều ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Hở eo tử cung là gì?
Eo tử cung và cổ tử cung sẽ đóng kín trong suốt quá trình mang thai và chỉ mở khi chuyển dạ. Tình trạng hở eo cổ tử cung là cổ tử cung mở ra trong quá trình mang thai. Đây chính là nguyên nhân phổ biến gây ra sảy thai, sinh non,...
So sánh eo tử cung bình thường và hở eo tử cung
Hở eo tử cung ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Hở eo tử cung thường không có những dấu hiệu rõ ràng. Chỉ khi mẹ bầu gặp tình trạng sảy thai liên tiếp hoặc sinh non, sau đó đi khám mới phát hiện ra. Khi bị hở eo tử câu, mẹ bầu dễ gặp nguy cơ sảy thai thường từ tháng thứ 4 trở đi, hoặc sinh non. Chính vì vậy, giải pháp giải quyết vấn đề này đó là khâu eo tử cung đối với mẹ bầu bị hở eo tử cung.
Vậy làm thế nào để biết có bị hở eo tử cung hay không? Đầu tiền, cần xác định những trường hợp có nguy cơ cao bị hở eo tử cung như:
- Sảy thai không rõ nguyên nhân khi bước vào tam cá nguyệt thứ hai.
- Thai phụ có tiền sử sảy thai trước đó, sinh non với đặc điểm không đau và nhanh chóng.
- Có tiền sử can thiệp vào buồng trứng như: Nong cổ tử cung nhằm nạo thai, khoét chóp, rách cổ tử cung,...
- Có bất thường về tử cung như tử cung hai sừng.
Thông thường, để xác định thai phụ có bị hở eo tử cung hay không, bác sĩ sẽ siêu âm ngả âm đạo từ tuần 12-16 của thai kỳ để đo chiều dài cổ tử cung.
Thủ thuật khâu eo tử cung là gì?
Khâu eo tử cung (hay khâu vòng cổ tử cung) là một thủ thuật nhằm phòng tránh sảy thai và sinh non của mẹ bầu bị hở eo tử cung. Đây là giải pháp được đánh giá đem lại hiệu quả và an toàn cho thai nhi trong suốt quá trình mang thai. Chỉ khâu eo tử cung sẽ được cắt khi thai nhi được tầm 37- 38 tuần tuổi hoặc khi có dấu hiệu chuyển dạ.
Khâu eo tử cung là thủ thuật giúp mẹ bầu tránh tình trạng sinh non hoặc sảy thai
Những trường hợp chỉ định thực hiện khâu eo tử cung
Những trường hợp được chỉ định khâu vòng cổ tử cung
Khi mang thai, mẹ bầu đều nên đi khám thai định kỳ, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ để phát hiện những bất thường từ sớm và can thiệp điều trị kịp thời. Đối với thai phụ có nguy cơ hở eo tử cung, chiều dài cổ tử cung ngắn (dưới 25mm),.... đều được chỉ định khâu vòng cổ tử cung.
Hầu hết, thời điểm thực hiện thủ thuật này sẽ trong khoảng từ tuần 16- 20 của thai kỳ. Tuy nhiên, thời điểm tốt nhất để thực hiện khâu vòng tử cung là tuần 16- 18. Tới khi thai được 37- 38 tuần, thai phụ cần khám lại và cắt chỉ để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Nếu có những dấu hiệu chuyển dạ sớm thì có thể cắt chỉ khâu ngay sau đó.
Trường hợp chống chỉ định khâu vòng cổ tử cung
Có một trường hợp không thể thực hiện khâu eo tử cung, cụ thể là:
- Hở eo tử cung nhưng thai phụ có cơn co tử cung.
- Thai nhi trên 6 tháng tuổi.
- Cổ tử cung đã mở lớn hơn 4cm.
- Chảy máu âm đạo khi mang thai, có dấu hiệu dọa sảy thai.
- Viêm nước ối, nhiễm trùng nước ối.
- Ối vỡ sớm, thai nhi phát triển không bình thường.
- Thai phụ bị viêm nhiễm đường sinh dục nặng.
Các phương pháp khâu eo tử cung
Khâu eo tử cung có thể thực hiện qua ngã âm đạo hoặc ngã bụng. Tuỳ vào từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định thủ thuật phù hợp.
Khâu cổ tử cung qua ngã âm đạo
Quá trình khâu eo qua ngã âm đạo, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ (mỏ vịt) giúp cho âm đạo mở rộng hơn. Sau đó, sử dụng cây kẹp để gắp chặt cổ tử cung kéo ra ngoài để khâu eo.
Khi đó, bác sĩ có thể áp dụng một trong hai thủ thuật McDonald hoặc Shirodkar để thực hiện khâu. Hai thủ thuật này không có sự khác biệt nhiều về kết quả đạt được. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp McDonald thường được áp dụng phổ biến.
- Thủ thuật McDonald: Bác sĩ sẽ sử dụng chỉ không tan để khâu vùng eo tử cung. Sử dụng kim để đưa các mũi khâu xung quanh cổ tử cung. Cuối cùng, các sợi chỉ sẽ được siết lại để đóng cổ tử cung.
- Thủ thuật Shirodkar: Với thủ thuật này, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở gần phần cổ tử cung mở, nơi tiếp giáp nhu mô âm đạo. Sau đó, sử dụng kim để khâu ngay ở vết rạch để khâu xung quanh cổ tử cung. Cuối cùng, sử dụng mũi kim khách để khâu vết rạch.
Kỹ thuật khâu eo tử cung cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn
Khâu eo tử cung qua ngã bụng
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ rạch mở bụng. Sau đó, nâng tử cung lên để có thể tiếp cận cổ tử cung. Kế tiếp, sử dụng chỉ để khâu ngang cổ trong cổ tử cung giúp cổ tử cung đóng lại. Sau khi đưa tử cung trở về đúng vị trí, bác sĩ sẽ khâu vết mổ ở bụng. Ngoài ra, phương pháp này có thể được thực hiệu bằng phẫu thuật nội soi.
Xem thêm:
Một số biến chứng sau khi khâu vòng tử cung
Khi thực hiện khâu eo tử cung thường rất ít gặp các biến chứng. Theo báo cáo ghi nhận, chỉ có khoảng 6% trường hợp thực hiện thủ thuật gặp rủi ro. Tuy nhiên, tần suất rủi ro sẽ cao hơn khi tuổi thai lớn và có dấu hiệu giãn mở cổ tử cung.
Một số rủi ro có thể xảy ra bao gồm:
- Vỡ màng ối
- Nhiễm trùng ối, màng ối.
- Rách cổ tử cung.
- Sinh khó do cổ tử cung và chấn thương cổ tử cung khi chuyển dạ
- Sai sót trong kỹ thuật thực hiện như: Chỉ may sai chỗ,...
Chăm sóc sau khi khâu vòng tử cung
Sau khi thực hiện khâu eo tử cung, mẹ bầu cần được nghỉ ngơi và theo dõi tình trạng sức khoẻ:
- Theo dõi các cơn co thắt tử cung, tình trạng đau bụng, chảy máu hoặc ra dịch âm đạo
- Nghỉ ngơi sau thực hiện kỹ thuật từ 12-24 giờ.
- Nếu không có bất thường sau 24 giờ, mẹ bầu có thể xuất viện và dưỡng thai tại nhà.
Ngoài ra, mẹ bầu cần chú ý một số điều sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý.
- Không quan hệ tình dục, đứng lâu và bê vác vật nặng
- Siêu âm đo độ dài cổ tử cung định kỳ.
- Sử dụng thuốc dưỡng thai do bác sĩ kê đơn
- Hãy đến khám ngay khi có dấu hiệu: Đau bụng, chảy máu âm đạo,...
Mẹ nên theo dõi tình trạng sức khoẻ sau khi thực hiện thủ thuật khâu eo tử cung
Khâu eo tử cung là một kỹ thuật giúp mẹ bầu bị hở eo tử cung tránh được nguy cơ sinh non hoặc sảy thai. Để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu hãy chủ động thăm khám định kỳ để phát hiện những bất thường sớm nhất.
Hy vọng qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đã cung cấp cho mẹ bầu những thông tin hữu ích về phương pháp khâu eo tử cung. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu nên thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín, chất lượng. Liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua số hotline 1900 1806 để được tư vấn nhanh nhất.