Sinh non - Đẻ non: Nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng tránh

Doan Nguyen

01-04-2023

goole news
16

Sinh non (đẻ non) là một trong những tình trạng nghiêm trọng trong sản khoa. Sinh non gây tác động rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và bé. Em bé sinh non thường có nguy cơ mắc các bệnh như khiếm thính, khiếm thị, bại não, khuyết tật cao hơn so với các bé đẻ đủ tháng. Bé sinh non có tuần tuổi càng ít thì càng tăng nguy cơ mắc bệnh. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai hãy nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách phòng tránh sinh non để bảo vệ cho cả mẹ và bé.

Em bé sinh non có nguy cơ cao mắc bệnh hơn so với em bé sinh đủ tháng
Em bé sinh non có nguy cơ cao mắc bệnh hơn so với em bé sinh đủ tháng

Tổng quan về tình trạng sinh non

Sinh non là tình trạng mẹ bầu sinh con ở tuổi thai từ khoảng 28 tuần đến dưới 37 tuần tuổi, thời điểm này bé sơ sinh có thể sống được. Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển vượt bậc trong y học nên tuổi thai của bé sinh non được tính từ khi đủ 22 tuần đến trước khi đủ 37 tuần tuổi. 

Sinh non được chia thành 3 nhóm như sau (phụ thuộc vào số tuần tuổi của thai):

  • Cực non: thai nhi dưới 28 tuần tuổi.
  • Rất non: thai nhi từ khoảng 28 đến 32 tuần tuổi.
  • Non trung bình: thai nhi từ khoảng 32 đến dưới 37 tuần tuổi. 

Theo các chuyên gia khoa sản, tỷ lệ đẻ non chiếm từ 5% đến 10% tất cả các trường hợp chuyển dạ đẻ. Ở Việt Nam, sinh non là một trong những tình trạng nhận được nhiều sự quan tâm trong lĩnh vực khoa sản. Bởi vì tỷ lệ tử vong và mắc các bệnh lý (nhất là bệnh suy hô hấp, dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng) của trẻ đẻ non cao hơn nhiều so với các trẻ sinh đủ tháng. Ví dụ như tử vong chu sinh và sơ sinh thì trẻ sinh non và cực non đã chiếm gần 50%. Ngoải ra, để có thể chăm sóc cho trẻ sinh non thì đòi hỏi bệnh viện phải có một hệ thống trang thiết bị đủ điều kiện, chi phí cao và nhân lực y tế đầy đủ để nâng cao tỷ lệ sự sống và mang lại các chức năng bình thường cho trẻ. Nhưng tỷ lệ để lại di chứng sau này hoặc tử vong ở bé đẻ non là rất cao. Chính vì vậy, các bác sĩ đều nỗ lực hạn chế cuộc chuyển dạ và đợi thời điểm hợp lý để gây chuyển dạ và cho sinh làm sao để gây ít sang chấn nhất cho thai nhi. 

Nguyên nhân gây ra tình trạng đẻ non

Mặc dù y học ngày nay ở Việt Nam và thế giới đang ngày càng có sự tiến bộ nhưng nguyên do cụ thể dẫn đến việc chuyển dạ sớm vẫn chưa được tìm ra và có bằng chứng chứng minh rõ ràng. Nhưng theo các chuyên gia, dưới đây là một số nhóm nguyên nhân làm tăng nguy cơ đẻ non như:

Yếu tố từ người mẹ

Một số yếu tố xuất phát từ người mẹ có thể làm tăng nguy cơ sinh non là do mắc các bệnh lý như phẫu thuật vùng bụng khi đang mang thai, gặp chấn thương ở vùng bụng, nhiễm trùng đường tiết niệu trong lúc mang thai, làm trong môi trường có nhiều chất độc hại hoặc bị căng thẳng quá mức, công việc có tính chất phải lao động nặng.

Ngoài ra, một số trường hợp mẹ bầu từng có tiền sử mắc bệnh liên quan đến gan, thận, tim hay một số tai biến sản khoa như tiền sản giật, sản giật cũng làm tăng khả năng bị sinh non. Các phụ nữ mang thai có tử cung bị dị dạng bẩm sinh, eo cổ tử cung bị hở nếu không có sự can thiệp đúng lúc thì sẽ gặp tình trạng sinh non. Một số trường hợp từng phẫu thuật can thiệp đến cổ tử cung như âm đạo bị viêm nhiễm, viêm cổ tử cung, khoét chóp cổ tử cung và từng đẻ non trước đó cũng có nguy cơ cao sinh non. 

Các yếu tố từ thai và phần phụ của thai

Khảo sát cho thấy khoảng từ 10% đến 20% trường hợp đẻ non là phụ nữ mang đa thai, 10& trường hợp có rau bong non, rau tiền đạo. Ngoài ra, mẹ bầu bị vỡ ối sớm, đa ối, ối bị nhiễm trùng hay rau bong non cũng là nguyên nhân gây đẻ non. 

Để xác định được nguyên nhân chính xác, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh của mẹ bầu rồi sau đó xem xét những nguyên nhân đến từ phía thai, phần phụ của thai và các nguyên nhân phối hợp của thai. 

Yếu tố từ xã hội

Sản phụ không được chăm sóc chu đao trước khi sinh, điều kiện kinh tế gia đình thấp, một số vấn đề liên quan đến thể chất như không tăng cân, bị suy dinh dưỡng, phải lao động nặng trong lúc mang thai. Độ tuổi mang thai cũng tác động không nhỏ đến khả năng sinh non, đa số các mẹ dưới 20 tuổi và trên 35 tuổi chính là yếu tố gây ra việc đẻ non. 

Các dấu hiệu sinh non

Khi các sản phụ nhận thấy bản thân đang có các dấu hiệu, hãy đến bệnh viện ngay để được thăm khám sớm nhất:

  • Cảm thấy vùng chậu và bụng dưới bị tăng áp lực.
  • Bụng bị chuột rút nhẹ. 
  • Dịch ở âm đạo tiết ra nhiều hơn bình thường.
  • Dịch tiết âm đạo thay đổi: có máu, dịch nhầy hơn, tiết ra dịch lòng).
  • Vùng thắt lưng bị đau liên tục và âm ỉ. 
  • Bụng dưới bị đau quặn lại như đau bụng kinh, đôi khi đi kèm với những cơn co thắt tử cung liên tục. 
  • Bị vỡ màng ối (mẹ bầu thấy nước ối xuất hiện và chảy nhiều ra ngoài, thỉnh thoảng có trường hợp chỉ chảy một vài giọt chất lỏng). 

Xem thêm: Dọa sinh non có những dấu hiệu nào? Cách dự phòng ra sao?

Mẹ bầu cảm thấy vùng bụng dưới ngày càng tăng áp lực
Mẹ bầu cảm thấy vùng bụng dưới ngày càng tăng áp lực

Các biến chứng của trẻ sau khi đẻ non

Không phải em bé sinh non nào cũng gặp phải biến chứng nhưng việc chuyển dạ sinh sớm có thể gây ra các vấn đề sức khỏe ngắn hạn hoặc dài hạn. Bé sơ sinh được sinh ra càng sớm thì nguy cơ gặp biến chứng càng cao. Cân nặng sau khi sinh của bé cũng rất quan trọng. 

Các biến chứng ngắn hạn

Trong những tuần đầu tiên sau khi sinh non, các biến chứng của bé sơ sinh bao gồm:

  • Các vấn đề về tim: một số vấn đề về tim mà trẻ sinh non thường gặp là huyết áp thấp và còn ống động mạch (PDA). PDA tồn tại ở giữa ống động mạch phổi và động mạch chủ, nó có thể tự đóng lại được nhưng nếu không được chữa trị thì sẽ có rất nhiều máu chảy qua tim, làm các cơ tim bị suy yếu, từ đó bị suy tim. Còn huyết áp thấp thì có thể điều chỉnh lại trong lúc đang truyền dịch, uống thuốc và truyền máu. 
  • Các vấn đề về hơi thở: bé sẽ khó thở vì hệ hô hấp của bé chưa hoàn thiện. Nếu phổi của trẻ bị thiếu chất hoạt động bề mặt (là chất giúp phổi mở rộng) thì trẻ sẽ bị suy hô hấp vì phổi không thể mở rộng ra và co bóp được. Bên cạnh đó, có một số trường hợp bị rối loạn phổi và bị ngừng thở kéo dài. 
  • Các vấn đề về hệ tiêu hóa: hệ tiêu hóa của trẻ đẻ non thường chưa trưởng thành, dẫn đến biến chứng viêm ruột hoại tử. Nó có thể trở nên nặng hơn nếu các tế bào lót của thành ruột bị tổn thương khi bé bắt đầu bú mẹ. 
  • Các vấn đề về hệ thống miễn dịch: bé đẻ non thường có hệ thống miễn dịch yếu, từ đó làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Từ đó nó có thể lây lan rất nhanh vào máu và gây nhiễm trùng huyết. 

Các biến chứng lâu dài

Về sau này, đẻ non có thể dẫn các biến chứng gây ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài:

  • Các vấn đề về thị lực: bệnh võng mạc xuất hiện ở trẻ do sinh non, đây là một hiện tượng mạch máu bị sưng lên và phát triển quá lớn ở lớp dây thần kinh phía sau mắt, đó là võng mạc. Các mạch võng mạc từ từ làm sẹo ở võng mạc, kéo nó ra khỏi vị trí phía sau mắt. Nếu không được phát hiện kịp thời sẽ làm giảm thị lực hay thậm chí gây mù. 
  • Trí tuệ kém: trí tuệ của bé sinh non phát triển chậm hơn so với bé sinh đủ tháng. Vì vậy, khi đến tuổi đến trường, bé sinh non có nhiều khả năng bị khuyết tật về học tập và tiếp thu kiến thức. 
  • Bại não: đây là một tình trạng rối loạn khả năng vận động, lực cơ hoặc tư thế bị trương, nguyên nhân là do nhiễm trùng, lượng máu không đủ hoặc não bộ gặp chấn thương trong khi mẹ đang mang thai hoặc khi đẻ non. 
  • Các vấn đề về thính giác: bé sinh non sẽ bị giảm thính lực ở một mức độ nào đó nên trước khi xuất viện bé sẽ được kiểm tra khả năng của thính giác. 
  • Các vấn đề về tâm lý và hành vi: bé sẽ phải đối mặt với một vài vấn đề về tâm lý và hành vị hoặc chậm phát triển.

Em bé sau khi sinh non có thể gặp phải biến chứng ngắn hạn hoặc lâu hạn
Em bé sau khi sinh non có thể gặp phải biến chứng ngắn hạn hoặc lâu hạn

Các phương pháp điều trị tình trạng sinh non 

Sản phụ cần được điều trị tích cực nếu được chẩn đoán là dọa đẻ non thông qua các phương pháp điều trị sau:

  • Ức chế việc chuyển dạ sớm: bác sĩ yêu cầu ức chế khi thai nhi đang khỏe  mạnh, dưới 36 tuần tuổi, cổ tử cung mở rộng dưới 4cm và màng ối không bị vỡ. Phương pháp này không sử dụng cho các trường hợp thai phụ mắc bệnh lý toàn thân (sốt cao, đái tháo đường, bệnh tim, tăng huyết áp, nhiễm khuẩn,...) thì không nên giữ thai lâu, thai dị dạng, thai suy không thể hồi phục, nhiễm trùng ối, rau bong non, sa dây rau, ra máu nhiều ở rau tiền đạo, bị tiền sản giật nặng,... Có thể ức chế việc chuyển dạ bằng cách uống thuốc an thần, ức chế cơn co cổ tử cung và giải phóng oxytocin, dùng kháng sinh dự phòng và nghỉ ngơi trên giường.
  • Gây chuyển dạ và sinh: thai phụ cần được theo dõi sát sao các yếu tố hay dấu hiệu chuyển dạ, tiên lượng cho cuộc đẻ và chuẩn bị phòng chăm sóc và phòng hồi sức tích cực cho bé sinh non ngay sau khi sinh xong. 
  • Các phương pháp hỗ trợ cho việc chuyển dạ: dự phòng việc ngạt oxy cho cả mẹ và bé bằng cách cho mẹ thở oxy 5 lít/phút, tiêm vitamin K cho mẹ khi đang chuyển dạ và cho em bé ngay sau khi sinh để tránh bị xuất huyết. Hạn chế sang chấn cho trẻ sơ sinh bằng cách bảo vệ đầu ối cho đến khi cổ tử cung mở rộng hơn, cắt rộng tầng sinh môn của mẹ giúp quá trình sinh đẻ dễ dàng hơn, không cho mẹ dùng an thần, thuốc giảm đau vì có thể gây ức chế hệ hô hấp, vì có thể gây ngạt và suy thai. Ngày nay, các trường hợp thai sinh non đi kèm với các yếu tố khác như đa thai, ngôi thai không bình thường,... đều được bác sĩ chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. 

Mẹ bầu có thể nằm trên giường nghỉ ngơi để ức chế việc chuyển dạ sớm
Mẹ bầu có thể nằm trên giường nghỉ ngơi để ức chế việc chuyển dạ sớm

Các cách phòng ngừa tình trạng sinh non

Để phòng tránh tình trạng đẻ non, các bà mẹ hãy trang bị kiến thức cho mình từ trước khi mang thai: 

  • Chăm sóc thai kỳ chu đáo: hãy chăm sóc bản thân trước, giữa và trong quá trình mang thai bằng cách có thể tư vấn, hỏi bác sĩ về chế độ ăn uống khoa học và đầy đủ dinh dưỡng, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích như rượu bia và thuốc lá, khám thai theo định kỳ hoặc lịch hẹn của bác sĩ và siêu âm thai để giúp theo dõi tình hình của thai, phát hiện đa thai và sàng lọc trước khi sinh. 
  • Bổ sung progesterone: nếu người mẹ đã có tiền sử sinh non, cổ tử cung quá ngắn hoặc bao gồm cả yếu tố thì bổ sung progesterone để làm giảm khả năng đẻ non. 

Sản phụ hãy xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh để ngừa đẻ non
Sản phụ hãy xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh để ngừa đẻ non

Việc đẻ non có nguy hiểm không?

Bởi vì em bé được chào đời sớm trước khi đủ điều kiện về thể chất để rời khỏi bụng mẹ nên bé sẽ có tỷ lệ cao gặp phải các vấn đề về sức khỏe. Một vài biến chứng ngắn hạn và dài hạn sẽ gây tác động đến sức khỏe của bé. Chính vì vậy, ngay sau khi sinh non, em bé sẽ được chăm sóc và hỗ trợ y tế ngay lập tức. Phụ thuộc vào thời điểm sinh đẻ của mẹ mà bác sĩ có thể xác định tình hình của bé và đưa ra các phương án điều trị phù hợp nhất. 

Bé sơ sinh sau khi sinh non sẽ trông như thế nào?

Những em bé sinh non sẽ rất nhỏ, có thể chỉ vừa vặn trong lòng bàn tay của người lớn, và rất yếu:

  • Tóc: đầu bé sẽ có rất ít tóc nhưng lại có nhiều lông tơ mềm mại. 
  • Da: bị khô, bong tróc, bóng do chưa phát triển hoàn thiện, hoặc có thể thậm chí còn không có chất béo nào dưới da để giữ ấm cơ thể. 
  • Bộ phận sinh dục: nhỏ và chưa phát triển.
  • Mắt: em bé sẽ không thể mở được mắt trong giai đoạn đầu sau khi đẻ non. Sau khoảng 30 tuần thì mới có thể mở mắt và nhìn xung quanh. 
  • Phát triển chưa đầy đủ: em bé không thể tự điều chỉnh nhịp thở, nhịp tim đập và nhiệt độ cơ thể. Bé có thể trở nên cứng, không tỉnh táo, khập khiễng và co giật. 

Em bé sinh non trông rất nhỏ và còn rất yếu
Em bé sinh non trông rất nhỏ và còn rất yếu

Kết luận

Thông tin trong bài viết này đã giúp các mẹ hiểu hơn về tình trạng đẻ non. Các mẹ hãy trang bị những kiến thức cần thiết về đẻ non cũng như áp dụng một số cách giúp phòng ngừa vấn đề này. Nếu mẹ bầu nhận thấy bản thân đang có một trong các trong dấu hiệu trên hãy đến bệnh viện ngay để được tư vấn và thăm khám sớm nhất, tránh các tình huống xảy ra ngoài ý muốn và có thể bảo vệ cho cả mẹ và bé. 

Các mẹ có thể tham khảo phòng khám khoa sản tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được tư vấn và chăm sóc tận tình, theo địa chỉ số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội hoặc gọi điện theo số tổng đài: 19001806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,608

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám