Nhau tiền đạo - Những điều mẹ bầu cần lưu tâm để sinh con khoẻ mạnh

Phan Ngọc Linh

16-08-2022

goole news
16

Mẹ luôn dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con, cùng với đó là sự hy sinh cao cả. Sự hy sinh bắt đầu từ những tháng ngày mang thai con còn trong bụng mẹ, vì con mẹ bước qua những trở ngại, nguy cơ bệnh tật của quá trình mang thai. Và một trong những bệnh đó là nhau tiền đạo.

 

Nhau tiền đạo là gì?

Khi mang thai, trong cấu trúc cấu tạo thành thai nhi có một bộ phận là nhau thai. Nhau thai là một cơ quan phát triển quan trọng trong tử cung khi mang thai. Cấu trúc này sẽ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi đang phát triển. Nó cũng loại bỏ các chất thải từ máu của em bé. Nhau thai bám vào thành tử cung, và dây rốn của em bé cũng được hình thành từ đó.

Nếu người mẹ sinh thường, thì nhau thai cũng sẽ được sinh thường trong giai đoạn thứ ba của quá trình chuyển dạ. Sau khi sinh, người mẹ sẽ còn tiếp tục có những cơn co thắt nhẹ. Bác sĩ có thể cho người mẹ thuốc Oxytocin (Pitocin) để tiếp tục làm co bóp tử cung và giảm chảy máu sau sinh. Các điều dưỡng hộ sinh hay nhân viên chăm sóc y tế khác, cũng có thể xoa bóp vùng bụng dưới, nhằm giúp tử cung co bóp và tống nhau thai ra ngoài.

Hoặc thậm chí, các mẹ có thể được yêu cầu rặn đẻ thêm một lần nữa để sinh nhau thai. Còn đối với sinh mổ, nhau thai sẽ được lấy ra khỏi tử cung của người mẹ trong quá trình phẫu thuật.

Nhau thai thường được gắn vào phía trên, bên cạnh, phía trước hoặc phía sau của tử cung. Có 4 vị trí của nhau thai được coi là bình thường, sức khỏe của mẹ và bé không bị ảnh hưởng:

  • Nhau phía trước thành tử cung - nhau bám mặt trước: nhiều khả năng người mẹ không được sinh thường mà phải sinh mổ.
  • Nhau thai phía sau thành tử cung - nhau bám mặt sau.
  • Nhau trên thành tử cung.
  • Nhau ở bên phải hoặc bên trái tử cung.

Em bé và nhau thaiEm bé và nhau thai

Trong một số trường hợp hiếm hoi, nhau thai có thể bám ở vùng dưới, che phần cổ của tử cung, được gọi là nhau thai nằm thấp hay nhau thai tiền đạo.

Nhau thai tiền đạoNhau thai tiền đạo

Dựa vào vị trí của nhau thai mà hiện tượng nhau thai tiền đạo cũng có những phân loại sau đây:

  • Nhau thai nằm thấp: Bánh nhau ở gần nhưng không chạm vào miệng cổ tử cung.
  • Nhau tiền đạo bám mép: Nhau thai chạm đến miệng cổ tử cung nhưng không che phủ.
  • Nhau tiền đạo bán trung tâm: Nhau thai che một phần miệng cổ tử cung.
  • Nhau tiền đạo trung tâm: Nhau thai che phủ hoàn toàn miệng cổ tử cung.

Phân loại các dạng nhau thai tiền đạo Phân loại các dạng nhau thai tiền đạo

 

Nguyên nhân gây nên nhau thai tiền đạo ở sản phụ?

Nguyên nhân gây ra nhau thai tiền đạo mặc dù chưa được tìm ra, nhưng có thể có nguy cơ mắc nhau tiền đạo cao hơn nếu các sản phụ:

  • Trong độ tuổi 35 trở lên.
  • Đã từng thụ tinh trong ống nghiệm điều trị hiếm muộn.
  • Đã từng không may sẩy thai.
  • Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc trực tiếp quá nhiều với khói thuốc lá.
  • Sử dụng cocaine.
  • Đã từng mang thai.
  • Mang thai đôi hoặc sinh ba trở lên.
  • Đã từng bị nhau tiền đạo trong một lần mang thai trước đó.
  • Đã từng phẫu thuật các cơ quan sinh sản bên trong hoặc phẫu thuật điều trị phụ khoa chẳng hạn như cắt bỏ cơ hoặc loại bỏ mô khỏi niêm mạc tử cung.

Phụ nữ mang thai sau tuổi 35 dễ bị nhau tiền đạoPhụ nữ mang thai sau tuổi 35 dễ bị nhau tiền đạo

Nhau tiền đạo có nguy hiểm không? Nhau tiền đạo trung tâm có nguy hiểm không? 

Nhau tiền đạo nói chung có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ sinh mổ, xuất huyết, thiếu máu, truyền máu liên tục…

Xuất huyết âm đạo: Nhau tiền đạo có thể gây chảy máu âm đạo nghiêm trọng khi mang thai hoặc khi sinh nở. Nếu lượng máu mất nhiều có thể gây thiếu máu cho sản phụ. Việc thiếu máu ở sản phụ làm ảnh hưởng đến thai nhi như: thiếu chất dinh dưỡng, gây ra bệnh lý suy dinh dưỡng ở thai nhi hay còn gọi là suy thai.

Điều trị tình trạng này phụ thuộc vào số lượng máu chảy, liệu máu có ngừng chảy hay không, độ dài của thai kỳ như thế nào, vị trí của nhau thai, sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Nếu nhau thai tiền đạo vẫn tồn tại muộn trong tam cá nguyệt thứ ba, các sản phụ sẽ được các bác sĩ đề nghị sinh mổ.

Vậy sản phụ bị nhau tiền đạo bao nhiêu tuần là mổ ? 

Câu trả lời: Nếu thai đã từ 37 tuần trở lên tại thời điểm ra máu ban đầu thì chỉ định mổ lấy thai. Việc mổ lấy thai có chọn lọc cho nhau tiền đạo nên được lên lịch vào tuần thứ 39. Sinh mổ cũng được chỉ định cho bệnh nhân chuyển dạ với nhau tiền đạo ngoài 34 tuần tuổi thai.

Nhau tiền đạo còn có thể làm sản phụ dễ sinh non vì suy thai, nếu xuất huyết âm đạo quá nghiêm trọng. Điều này có thể đe dọa tính mạng của mẹ và bé. Triệu chứng chảy máu này xảy ra trong khi mang thai, chuyển dạ, sinh nở hoặc trong vài giờ đầu sau khi sinh.

Thai nhi có thể bị suy hô hấp do hệ hô hấp, phổi chưa được phát triển toàn diện. Lúc này cần được chỉ định và lên lịch tiêm Dexamethasone hoặc Betamethasone, giúp thúc đẩy nhanh quá trình phát triển toàn diện phổi của thai nhi.

Nhau tiền đạo có liên quan đến một nhóm các tình trạng được gọi là phổ bồi tụ nhau thai. Nhau thai phát triển vào hoặc xuyên qua thành tử cung. Chất bồi tụ nhau thai có nguy cơ cao làm chảy máu khi mang thai hoặc trong và sau khi sinh. Nếu sau sinh sản phụ vẫn còn chảy máu, cộng thêm yếu tố miễn dịch suy giảm, sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng hậu sản ở người mẹ.

Việc nhiễm trùng này có thể gây nhiễm trùng và viêm âm đạo, viêm cổ tử cung có thể dẫn đến cắt tử cung, nhiễm trùng huyết, viêm tắc tĩnh mạch, và thậm chí tử vong mẹ. Các biến chứng thai nhi liên quan chủ yếu bao gồm hạn chế sự phục hồi của mẹ và phát triển của thai nhi.

Bởi lẽ tất cả những biến chứng do bệnh này gây ra đều dẫn đến những thay đổi sinh lý bệnh trong tử cung, nên bệnh diễn tiến xấu thì tử cung có thể mắc phải những bệnh lý. Chẳng hạn như hình thành sẹo, tổn thương nội mạc tử cung, khiếm khuyết và viêm nhiễm. Làm ảnh hưởng xấu đến kết quả của lần mang thai sau này. Hơn nữa, các yếu tố nguy cơ của bệnh này cũng có thể ảnh hưởng đến những lần mang thai sau.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhau tiền đạo trong lần mang thai trước là một yếu tố nguy cơ của nhau tiền đạo trong lần mang thai tiếp theo. Tuy nhiên, tác động của nó vẫn chưa được phát hiện đầy đủ.

Các biện pháp điều trị và cách phòng tránh nhau tiền đạo

Mẹ bầu có lẽ sẽ thắc mắc làm như thế nào để giải quyết, phòng ngừa những biến chứng của bệnh nhau tiền đạo? 

Nhau tiền đạo khi mang thai - mẹ bầu cần làm gì?

Bị nhau tiền đạo kiêng ăn gì? 

Khi bị bệnh này, các mẹ bầu nên kiêng ăn rau ngót; ngải cứu; đu đủ xanh.. Trong rau ngót có chứa nhiều papaverin gây có thắt cơ trơn, tăng nguy cơ đẻ non. Đu đủ xanh giàu papain và chymopapain góp phần làm chậm sự phát triển của bào thai và làm tăng cao nguy cơ xuất huyết ở sản phụ. 

Thujone có trong ngải cứu có thể kích thích gây sảy thai hoặc sinh non, vì cổ tử cung bị co bóp và có thể gây suy thận, hay làm tình trạng suy thận nặng nề thêm nếu có. 

Bị nhau tiền đạo có uống nước dừa được không? 

Câu trả lời là có. Mẹ bầu vẫn có thể tận dụng những lợi ích và các chất dinh dưỡng và nước dừa mang lại. Tuy nhiên hãy chỉ uống vừa đủ ( 3 - 4 lần 1 tuần), vì nếu uống quá nhiều sẽ làm lượng đường tăng, gây tiểu đường. 

Các mẹ bầu nên khám thai, siêu âm định kỳ để theo dõi bất kỳ thay đổi nào trong thai. Ở nhiều phụ nữ được chẩn đoán bị nhau tiền đạo sớm khi mang thai, tình trạng này sẽ tự khỏi. Khi tử cung phát triển, khoảng cách giữa cổ tử cung và nhau thai có thể tăng lên. Ngoài ra, hướng phát triển của nhau thai có thể cao hơn trong tử cung và các cạnh của mô nhau thai gần cổ tử cung có thể co lại. Nếu nhau tiền đạo biến mất, các mẹ bầu có thể lên kế hoạch sinh thường.

Siêu âm thai định kỳ là cách tốt nhất để bảo vệ mẹ và bé

Siêu âm thai định kỳ là cách tốt nhất để bảo vệ mẹ và bé

Phòng tránh nguy cơ mắc phải nhau tiền đạo khi mang thai

Với nhau thai tiền đạo chảy máu: Chảy máu âm đạo sau 20 tuần mẹ bầu và thai nhi sẽ được theo dõi ở bệnh viện, có thể cần truyền máu để thay thế lượng máu đã mất. Trong trường hợp bị mất máu quá nhiều hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ hoặc em bé, có thể cần phải mổ khẩn cấp trước 36 tuần. Nếu đây là lần đầu tiên bị chảy máu và máu đã ngừng chảy ít nhất 48 giờ, mẹ bầu có thể được xuất viện. Hơn thế nữa, nếu người mẹ tiếp tục bị chảy máu nặng hơn thì cần ở lại bệnh viện.

Đối với nhau thai tiền đạo không chảy máu: Khi không có chảy máu, mục tiêu điều trị là giảm nguy cơ chảy máu và giữ an toàn cho người mẹ. Đến gần ngày dự sinh, sản phụ cần tránh: 

  1. Phụ nữ bị nhau tiền đạo trong 3 tháng giữa thai kỳ thường được khuyên tránh quan hệ tình dục và tập thể dục, cũng như giảm mức độ hoạt động của họ.
  2. Thường nên nghỉ ngơi trên giường có điều chỉnh.
  3. Nếu máu chảy ít hoặc không chảy, hoặc máu đã ngừng chảy, có thể kê đơn nằm nghỉ tại nhà.
  4. Những phụ nữ bị bong nhau tiền đạo và ở nhà phải được chăm sóc y tế ngay lập tức nếu máu chảy trở lại.
  5. Những phụ nữ có lượng máu kinh ra nhiều hơn hoặc chảy máu liên tục cần phải nhập viện và nghe theo các khuyến nghị của bác sĩ.

Theo các nghiên cứu và thống kê, phụ nữ mang thai có tiền sử nhau tiền đạo có nguy cơ bất lợi như xuất huyết sau sinh, rối loạn PAS và nhau tiền đạo trong lần mang thai tiếp theo. Các bác sĩ sản khoa nên tư vấn và thông báo cho sản phụ về những rủi ro liên quan từ sớm, kết hợp theo dõi thai kỳ một cách cẩn thận. Bên cạnh đó, sản phụ cần phối hợp siêu âm, kiểm tra tình trạng thai nhi định kỳ, để kịp thời có giải pháp cho những sự cố bất thường không may mắn. Kính chúc sức khỏe cho các mẹ bầu và thai nhi cùng lời cảm ơn đến các y bác sĩ và nhân viên y tế. Hãy cùng nhau bảo vệ cho những người mẹ có thiên chức vĩ đại, chào đón những mầm non tương lai của thế giới một cách mạnh khỏe, bình an. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
11,386

Bài viết hữu ích?

Chủ đề Mang thai

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

TTUT.BS.CKII

NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC

Khoa Phụ Sản
19001806 Đặt lịch khám