Nhiễm virus cytomegalo khi mang thai là tình trạng phụ nữ khi mắc thai mắc CMV, đây là một trong những đối tượng dễ mắc virus nhất. Để hiểu rõ hơn về tình trạng phụ nữ mang thai bị nhiễm virus cytomegalo, cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu qua bài viết sau.
Nhiễm virus cytomegalo khi mang thai là gì?
Nhiễm virus cytomegalo khi mang thai là tình trạng người phụ nữ mang thai bị nhiễm virus cytomegalovirus (CMV), một loại virus thuộc họ Herpesviridae. CMV là một loại virus phổ biến, có thể gây nhiễm trùng ở nhiều đối tượng nhưng thường không gây triệu chứng rõ rệt ở người khỏe mạnh.
Đối với phụ nữ mang thai bị nhiễm CMV, đặc biệt trong những tháng đầu của thai kỳ, virus này có thể truyền từ mẹ sang thai nhi và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho thai.
Nhiễm virus cytomegalo khi mang thai
Nhiễm virus cytomegalo khi mang thai có gây ảnh hưởng gì không?
Virus cytomegalovirus (CMV) là một tác nhân nhiễm trùng phổ biến và có thể lưu trú trong cơ thể người suốt đời. Theo thống kê, khoảng một nửa số phụ nữ mang thai từng nhiễm CMV trước đây, và virus này tồn tại dưới hai dạng: ngủ yên (không hoạt động) và tái hoạt động (khi virus bị kích thích trở lại). Trong thai kỳ, nếu người mẹ lần đầu tiên nhiễm CMV hoặc virus tái kích hoạt, nguy cơ truyền virus từ mẹ sang thai nhi có thể lên đến 30%.
Phần lớn trẻ nhiễm CMV bẩm sinh vẫn có thể phát triển bình thường mà không biểu hiện bệnh lý. Tuy nhiên, một tỉ lệ nhỏ có thể gặp phải dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, đặc biệt khi nhiễm xảy ra trong giai đoạn sớm của thai kỳ. Những hậu quả có thể bao gồm:
- Tổn thương hệ thần kinh trung ương như tật đầu nhỏ (microcephaly), não úng thủy, hoặc vôi hóa nội sọ.
- Rối loạn hệ tiêu hóa như gan lách to hoặc ruột tăng phản âm sáng.
- Thai chậm phát triển trong tử cung (IUGR).
CMV có thể lây truyền qua nhau thai trong bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ. Đặc biệt, nếu mẹ nhiễm virus trong tam cá nguyệt đầu tiên, nguy cơ dị tật và tổn thương thần kinh ở trẻ tăng cao. Ngoài ra, trẻ cũng có thể nhiễm CMV khi sinh hoặc thông qua sữa mẹ, tuy nhiên những trường hợp này ít khi gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe trẻ sơ sinh.
Xem thêm:
Những triệu chứng của nhiễm CMV trong thai kỳ
Đa số các trường hợp nhiễm CMV đều không có triệu chứng rõ ràng, hoặc các biểu hiện lâm sàng rất mơ hồ, dễ bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với bệnh cúm thông thường. Một số dấu hiệu mà phụ nữ mang thai có thể gặp bao gồm:
- Sốt nhẹ, kéo dài không rõ nguyên nhân
- Cảm giác mệt mỏi kéo dài
- Đau họng hoặc viêm họng nhẹ
- Sưng hạch cổ hoặc nách
- Một số trường hợp có thể có viêm phổi nhẹ
Chính vì tính chất âm thầm này, CMV thường chỉ được phát hiện khi thai nhi có dấu hiệu bất thường trên siêu âm hoặc khi sản phụ thực hiện các xét nghiệm tầm soát.
Mẹ bầu sẽ xuất hiện những triệu chứng không rõ ràng nên dễ bị nhầm lẫn
Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh
Chẩn đoán nhiễm CMV
Do biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu, chẩn đoán CMV trong thai kỳ chủ yếu dựa vào xét nghiệm huyết thanh học, nhằm xác định sự hiện diện và giai đoạn nhiễm virus:
- IgM dương tính + IgG avidity thấp: gợi ý nhiễm CMV nguyên phát gần đây.
- IgG chuyển từ âm sang dương tính: chứng minh có nhiễm mới.
Tuy nhiên, IgM có thể tồn tại kéo dài sau nhiễm nên việc giải thích kết quả cần thận trọng và kết hợp với các thông số khác.
Nếu nghi ngờ mẹ nhiễm CMV trong thai kỳ, các xét nghiệm có thể được chỉ định nhằm đánh giá nguy cơ và tình trạng của thai nhi, bao gồm:
- Chọc ối để xét nghiệm CMV DNA trong nước ối.
- Siêu âm thai định kỳ nhằm phát hiện dấu hiệu bất thường gợi ý nhiễm trùng bào thai (não nhỏ, vôi hóa nội sọ, gan lách to...).
Phương pháp điều trị bệnh
Hiện tại, chưa có phác đồ điều trị CMV bẩm sinh chuẩn hóa và được khuyến cáo rộng rãi cho thai phụ. Một số nghiên cứu đang được tiến hành về việc sử dụng thuốc kháng virus như valganciclovir, tuy nhiên hiệu quả và độ an toàn trong thai kỳ vẫn chưa được xác lập rõ ràng.
Do vậy, việc điều trị chủ yếu vẫn là theo dõi sát tình trạng thai nhi qua siêu âm và tư vấn di truyền trong các trường hợp nguy cơ cao. Chọc ối có thể được cân nhắc trong tam cá nguyệt thứ hai nếu có chỉ định rõ ràng để xác định chính xác nguy cơ lây truyền.
Ngoài ra, vắc-xin phòng ngừa CMV đang trong quá trình nghiên cứu nhưng hiện chưa được phổ biến trong thực hành lâm sàng.
Mẹ nên thăm khám và theo dõi sát sao trong quá trình mang thai
Nhiễm CMV khi mang thai là một vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm, nhất là vì nó thường diễn tiến âm thầm và khó phát hiện. Tầm soát, chẩn đoán sớm và phòng ngừa là những yếu tố then chốt giúp bảo vệ thai nhi khỏi những hệ lụy nghiêm trọng của virus này.
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về tình trạng nhiễm virus cytomegalo khi mang thai. Nếu nghi ngờ mắc bệnh, cần thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh.
Nếu Quý khách có nhu cầu thăm khám và đi sinh trọn gói, có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua Hotline 1900 1806 hoặc để được nhân viên tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng.