Nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Cha mẹ phải làm gì?

Dương Minh Ngọc

13-08-2022

goole news
16

Nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh không phải là căn bệnh nguy hiểm. Phụ huynh có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc hợp lý để đẩy lùi triệu chứng nhiệt miệng. Cụ thể, cha mẹ phải làm gì, mời bạn tham khảo thông tin dưới bài viết này.

Nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh là gì?

Nhiệt miệng ở trẻ em sơ sinh là tình trạng xuất hiện vết lở loét ở niêm mạc miệng hoặc khoang miệng của bé. Tình trạng này gây ra sự khó chịu, đau rát khi ăn, khiến trẻ bỏ bú, quấy khóc và mệt mỏi.

Vết loét nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh có thể xuất hiện ở môi, má hoặc lợi.

Khi trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng thường có triệu chứng như:

  • Khóc nhiều, bú kém hoặc không chịu bú sữa mẹ.
  • Bên trong niêm mạc miệng, 2 bên má, lưỡi hoặc ở nướu xuất hiện đốm trắng nhỏ, kích thước 1 - 2 mm. Xung quanh vết đốm nổi đỏ, hơi sưng, sau vài ngày vết này bị vỡ và lở loét. 
  • Có thể xuất hiện chảy máu ở vết loét nhiệt miệng.
  • Sốt đột ngột, nặng hơn có thể xuất hiện hạch ở cổ.

Nguyên nhân gây nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh

Hiện nay, nguyên nhân gây ra nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh vẫn chưa rõ ràng. Theo các chuyên gia, tình trạng nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh có thể do các yếu tố dưới đây:

  • Do sữa mẹ: Đối với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, do đó, nếu bị ăn uống thiếu chất cũng khiến trẻ bị thiếu chất. Cụ thể là thiếu các vitamin nhóm B, sắt, kẽm, folic là nguyên nhân gây nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh.
  • Do thuốc điều trị bệnh: Một số loại thuốc điều trị bệnh có thể khiến miệng trẻ bị khô và hình thành vết loét nhiệt miệng. Trong đó, nhóm thuốc thường dễ gây ra nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh là thuốc kháng sinh Penicillin.
  • Do trẻ mắc bệnh: Mắc các bệnh về chân tay miệng như thuỷ đậu, viêm họng cũng là tác nhân khiến trẻ bị nhiệt miệng.

Trẻ bị bệnh chân tay miệng là nguyên nhân gây nhiệt miệng

  • Do trẻ bị chấn thương trong miệng: Trong lúc ăn uống, trẻ vô tình cắn phải niêm mạc ở trong má hoặc cắn vào lưỡi, hoặc nướu trẻ bị tổn thương khi đánh răng. Vi khuẩn, virus sẽ tấn công vào những vết thương bằng độc tố và gây ra nhiệt miệng.

Nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? 

Nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng và không biết trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng có nguy hiểm không? Thực tế, nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh là tình trạng thường gặp và tự khỏi sau khoảng 2 tuần. Đây có thể là triệu chứng bình thường khi cơ thể báo hiệu hệ miễn dịch đang suy yếu.

Trẻ bị nhiệt miệng không nguy hiểm nhưng sẽ quấy khóc nhiều

Trong một số trường hợp, nhiệt miệng là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang gặp một số bệnh lý nguy hiểm. Lúc này, trẻ có các triệu chứng kèm theo nhiệt miệng như sút cân, sốt cao liên tục, đau bụng, phân lẫn máu hoặc tình trạng nhiệt miệng tái phát nhiều lần. Phụ huynh nên chủ động theo dõi và đưa bé đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Khi trẻ xuất hiện hiện tượng nhiệt miệng, phụ huynh nên có phương pháp giúp con điều trị sớm để giảm đau đớn, bớt quấy khóc, ăn ngon miệng hơn. Do hệ miễn dịch và các cơ quan của trẻ chưa hoàn thiện, nên phụ huynh cần thận trọng trong việc cho trẻ dùng thuốc tây để điều trị nhiệt miệng. Phụ huynh hoàn toàn có thể tự điều trị nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh tại nhà bằng các cách khác nhau.

Cha mẹ chăm sóc nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh không phải là bệnh lý nguy hiểm. thông thường trẻ có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc, phụ huynh cần áp dụng đúng cách chữa lở loét miệng. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bị nhiệt miệng, cha mẹ nên điều chỉnh chế độ ăn và chăm sóc phù hợp để đẩy lùi triệu chứng. Dưới đây là một số gợi ý cho phụ huynh:

Cho trẻ bú nhiều hơn

Với trẻ sơ sinh, nhất là trẻ dưới 6 tháng, bú nhiều hơn chính là giải pháp hiệu quả nhất vì trẻ chưa thể uống thêm các loại nước và các loại thức ăn bổ trợ khác. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng với đầy đủ các vitamin, có tính kháng khuẩn cao. Do đó, mẹ cần bổ sung thêm hoa quả giàu vitamin C, uống nhiều nước để đảm bảo chất lượng nguồn sữa. Đồng thời, tăng cường sử dụng các thực phẩm tính mát, nhiều vitamin B, giàu chất sắt để bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho trẻ.

Cho trẻ bú sữa mẹ nhiều hơn để vết loét nhiệt miệng nhanh khỏi

Mẹ cho trẻ tăng cữ bú hoặc tăng lượng sữa mỗi lần bú, việc này sẽ giúp ngăn ngừa virus, vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm ở khoang miệng. Đồng thời, sữa mẹ còn giúp bù nước cần thiết cho cơ thể trẻ lúc này.

Trường hợp mẹ tích sữa trong tủ đông để dùng dần, mỗi lần cho trẻ bú cần hâm nóng, để nguội rồi mới cho trẻ bú. Hay đối với trẻ sơ sinh uống sữa công thức, phụ huynh nên cho bé uống nhiều hơn ngày thường. Trong hai trường hợp này, cha mẹ chú ý tránh để trẻ uống sữa nóng gây bỏng niêm mạc, khiến vết loét nhiệt miệng trở nên trầm trọng hơn.

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng

Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi hay trẻ đã ăn dặm, phụ huynh nên thay đổi cách chế biến thức ăn và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Chế biến các món ăn dặm dạng lỏng như cháo, súp, hoặc nấu chín nhừ, mềm, dễ nuốt. Điều này giúp trẻ bớt đau mỗi khi ăn và hạn chế tối đa tác động lên niêm mạc miệng, lưỡi, nướu của trẻ.

Cha mẹ có thể bổ sung thêm các loại rau xanh vào các món cháo, súp ăn dặm cho trẻ. Rau ngót, rau mồng tơi là hai loại rau lành tính, giải nhiệt tốt, giúp vết loét nhiệt miệng của trẻ nhanh lành hơn. Lưu ý, nếu trẻ đang bị tiêu chảy, không nên cho trẻ ăn mồng tơi.

Vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng cách

Nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh có thể do vệ sinh nướu miệng cho bé chưa được đảm bảo. Khi thấy trẻ bị nhiệt miệng, phụ huynh nên rơ lưỡi, khoang miệng, lợi cho trẻ bằng nước muối sinh lý ấm từ 2 - 3 lần/ngày (sáng, tối, sau ăn dặm). Duy trì thực hiện đến khi triệu chứng nhiệt miệng của trẻ biến mất hoàn toàn.

Dùng thuốc bôi đặc trị nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc bôi trị nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, phụ huynh nên hỏi kỹ bác sĩ, dược sĩ để lựa chọn loại thuốc an toàn, phù hợp cho con. Bên cạnh đó, mẹ nên xem kỹ các thành phần của thuốc để đảm bảo không gây kích ứng cho trẻ. Tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng để vết loét nhiệt miệng mau lành.

Cho trẻ nghỉ ngơi

Các vết loét nhiệt miệng khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, thậm chí kèm theo sốt. Vì thế, mẹ nên để bé được nghỉ ngơi, ngủ nhiều hơn để trẻ tăng sức đề kháng, tránh sụt cân và suy nhược cơ thể.

Do cơ thể của trẻ sơ sinh đang trong quá trình hoàn thiện nên không phải phương pháp điều trị nhiệt miệng nào cũng có thể áp dụng cho trẻ. Một số lưu ý cho cha mẹ khi điều trị nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh tại nhà như sau:

  • Không sử dụng mật ong để bôi hoặc cho trẻ uống để chữa nhiệt miệng.
  • Không tự ý cho trẻ uống các loại thuốc hoặc vitamin khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Sau 3 tuần khi chăm sóc trẻ bị nhiệt miệng theo những cách trên mà vết loét không thuyên giảm, phụ huynh cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để tìm nguyên nhân và điều trị.

Phụ huynh cần áp dụng các biện pháp chăm sóc hợp lý cho trẻ ngay khi có dấu hiệu nhiệt miệng. Nếu để các vết loét nhiệt miệng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sức đề kháng và sức khoẻ tổng thể của trẻ.

Phòng tránh nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh

Các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể đề phòng nguy cơ nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh. Một trong những phương pháp phòng tránh hiệu quả đó là bổ sung chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ, nhất là các loại thực phẩm giàu Vitamin C, Vitamin nhóm B.

Ngoài ra, phụ huynh có thể tham khảo một số phương pháp sau:

  • Nhẹ nhàng khi đánh răng, vệ sinh răng miệng cho trẻ mỗi ngày; hạn chế tối đa nguy cơ trẻ bị viêm họng, viêm niêm mạc miệng.

Phụ huynh nên dùng khăn chuyên dụng để vệ sinh răng miệng cho trẻ mỗi ngày

  • Mẹ hạn chế sử dụng thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ khi cho con bú. Xây dựng và áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, nhất là thực phẩm có tính mát vào mùa hè.
  • Cho trẻ ăn những món mềm, dạng lỏng, dễ ăn, dễ nuốt. Tránh trường hợp răng lợi của trẻ chưa phát triển hoàn toàn bị tổn thương khi ăn những món cứng, khô.
  • Phụ huynh không nên giục, thúc ép trẻ ăn nhanh, ăn dồn dập vì điều này khiến trẻ dễ cắn vào lưỡi, môi hoặc 2 bên má.
  • Tập cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm mỗi ngày.
  • Không để trẻ tự chơi, vô tình ngậm các vật sắc nhọn hoặc cho tay vào miệng khiến vi khuẩn tấn công gây nhiệt miệng
  • Luôn quan sát, theo dõi sức khoẻ của trẻ, không chủ quan khi nhận thấy dấu hiệu bất thường ở răng miệng của trẻ.

Trên đây là những thông tin về tình trạng nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh. Mong rằng bài viết sẽ giúp phụ huynh có thêm kiến thức để điều trị, chăm sóc cho trẻ hiệu quả. Nếu phụ huynh có nhu cầu tư vấn sức khỏe hoặc đặt lịch khám cho con, vui lòng liên hệ 19001806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
10,990

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám