Những phân độ tăng huyết áp - Lưu ý với người mắc bệnh tăng huyết áp

Thu Hiền

27-02-2024

goole news
16

Tăng huyết áp hiện là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng, tùy theo mức độ sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng người bệnh. Trong bài viết này, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ chia sẻ chi tiết những phân độ tăng huyết áp, lưu ý khi mắc bệnh.

Tổng quan về bệnh tăng huyết áp

Huyết áp được hiểu là áp lực máu tác động lên thành động mạch, tính bằng đơn vị mmHg. Huyết áp gồm có hai chỉ số:

  • Huyết áp tâm thu là huyết áp khi tim co bóp, thể hiện ở chỉ số trên.
  • Huyết áp tâm trương là huyết áp khi tim được thư giản, thể hiện ở chỉ số dưới.

Ở người bình thường, chỉ số huyết áp đo được vào khoảng 120/80 mmHg. Còn huyết áp cao xác định khi chỉ số huyết áp vượt ngưỡng 140/90 mmHg, một số trường hợp có thể lên tới 200 mmHg.

Tổng quan về bệnh tăng huyết ápTổng quan về bệnh tăng huyết áp

Để xác định bản thân hay người thân bị tăng huyết áp, bạn cần thực hiện đo huyết áp tại phòng khám, hoặc đo huyết áp lưu động, hoặc đo huyết áp tại nhà. Dưới đây là bảng tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp do Hội Tăng huyết áp Quốc tế (ISH) công bố năm 2020:

CHỈ SỐ HUYẾT ÁP (mmHg)

Huyết áp phòng khám

≥ 140 và/hoặc ≥ 90

Huyết áp lưu động

Trung bình 24h

≥ 130 và/hoặc ≥ 80

Trung bình ban ngày (khi thức)

≥ 135 và/hoặc ≥ 85

Trung bình ban đêm (khi ngủ)

≥ 120 và/hoặc ≥ 70

Huyết áp tại nhà

≥ 135 và/hoặc ≥ 85

Ước tính đến năm 2025, số người mắc bệnh tăng huyết áp trên thế giới có thể đạt ngưỡng 1,56 tỷ. Trong đó, người trên 60 tuổi chiếm 60%, người trên 80 tuổi chiếm 80% và người trẻ dưới 35 tuổi chiếm 5 - 12%.

Những phân độ tăng huyết áp tại Việt Nam

Năm 2022, Hội Tim mạch Việt Nam phân loại tăng huyết áp theo các cấp sau:

  • Tăng huyết áp độ 1 (mức nhẹ): Xác định khi chỉ số huyết áp tâm thu khoảng 140 - 159 mmHg và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương khoảng 90 - 99 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 2 (mức trung bình): Xác định khi chỉ số huyết áp tâm thu khoảng 160 - 179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương khoảng 100 - 109 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 3 (mức nặng): Xác định khi chỉ số huyết áp tâm thu ≥180 mmHg và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương  ≥ 110 mmHg.
  • Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Xác định khi chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và chỉ số huyết áp tâm trương < 90 mmHg.

 

Bệnh tăng huyết áp có nhiều phân độBệnh tăng huyết áp có nhiều phân độ

Không chỉ phân biệt theo phân độ, huyết áp cao còn được phân loại theo nguyên nhân gây ra. Bao gồm 2 thể chính:

  • Tăng huyết áp vô căn hay tăng huyết áp nguyên phát, là tình trạng tăng huyết áp không xác định được nguyên nhân.
  • Tăng huyết áp thứ phát là tình trạng tăng huyết áp xác định được nguyên nhân, chỉ chiếm 10% số ca bệnh tăng huyết áp.

Tùy thuộc phân độ tăng huyết áp mà người bệnh sẽ được hướng dẫn, chỉ định điều trị bằng cách thay đổi lối sinh hoạt, hoặc dùng thuốc, hoặc can thiệp điều trị sâu. Người bệnh cần tích cực phối hợp, tuân thủ y lệnh để phòng tránh biến chứng cơ quan đích.

Phân độ tăng huyết áp theo JNC

JNC là từ viết tắt của United States’ Joint National Committee, tức Liên ủy ban Quốc gia Hoa Kỳ. Cách một vài năm, JNC hay Ủy ban Điều phối Chương trình Giáo dục Cao huyết áp Quốc gia sẽ công bố, cập nhật phân độ tăng huyết áp nhằm phòng ngừa, phát hiện, đánh giá và điều trị bệnh cao huyết áp.

3.1. Phân độ tăng huyết áp theo JNC 6

JNC 6 chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥140 mmHg, huyết áp tâm trương ≥90 mmHg hoặc đang điều trị tăng huyết áp bằng thuốc. Sau đây là bảng phân loại tăng huyết áp theo JNC 6, áp dụng cho người từ 18 tuổi trở lên:

Phân loại

Huyết áp tâm thu (mmHg)

Huyết áp tâm trương (mmHg)

Tối ưu

< 120

< 80

Bình thường

< 130

< 85

Bình thường cao

130 - 139

85 - 89

Giai đoạn tăng huyết áp

Giai đoạn 1

140 - 159

90 - 99

Giai đoạn 2

160 - 179

100 - 109

Giai đoạn 3

≥ 180

≥ 110

Các yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp theo JNC 6 gồm hút thuốc lá, tiểu đường, rối loạn lipid, nam giới hoặc nữ giới mãn kinh, bệnh thận, bệnh động mạch ngoại vi, bệnh võng mạc,... Người càng tiếp xúc nhiều với các tác nhân gây bệnh thì nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao.

Phân độ tăng huyết áp theo JNC 7

Theo JNC 7, người có huyết áp bình thường nếu chỉ số huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg. So với JNC 6, phân độ tăng huyết áp theo JNC 7 đã được tinh giản, cụ thể trong bảng sau:

Phân loại

Huyết áp tâm thu (mmHg)

Huyết áp tâm trương (mmHg)

Bình thường

< 120

< 80

Tăng huyết áp

120 - 139

80 - 89

Giai đoạn

Giai đoạn 1

140 - 159

90 - 99

Giai đoạn 2

≥ 160

≥ 100

JNC 7 đặt trọng tâm quản lý vào những người trong nhóm tiền tăng huyết áp, đây là đối tượng có nguy cơ cao phát triển thành bệnh tăng huyết áp. Tùy thuộc mức độ hoặc giai đoạn tăng huyết áp, người bệnh sẽ nhận hướng dẫn điều trị bằng cách thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc.

Phân độ tăng huyết áp theo JNC 8

Phân độ tăng huyết áp theo JNC 8 được công bố chính thức vào năm 2014, trình bày các hướng dẫn sau:

  • Bệnh nhân ≥ 60 tuổi, thực hiện điều trị tăng huyết áp bằng thuốc khi chỉ số huyết áp ≥ 150/90 mmHg. Mục tiêu hạ chỉ số huyết áp của đối tượng này là < 150/90 mmHg.
  • Bệnh nhân < 60 tuổi, thực hiện điều trị tăng huyết áp bằng thuốc khi chỉ số huyết áp ≥ 140/90 mmHg. Mục tiêu hạ chỉ số huyết áp với đối tượng này là < 140/90 mmHg.
  • Bệnh nhân ≥ 18 tuổi bị đái tháo đường, điều trị tăng huyết áp bằng thuốc khi chỉ số tăng huyết áp đạt ≥ 140/90 mmHg. Mục tiêu hạ chỉ số huyết áp với đối tượng này là < 140/90 mmHg.

Khác với khuyến cáo JNC7, JNC 8 thực hiện điều trị tăng huyết áp bằng thuốc lợi tiểu thiazid cho tất cả bệnh nhân. Bên cạnh đó, mức huyết áp khởi đầu điều trị và mức huyết áp mục tiêu quy định trong JNC 8 cao hơn JNC 7 và ESH - 2009.

Một số lưu ý với người mắc bệnh tăng huyết áp

Người bệnh tăng huyết áp cần lưu ý những điều sau để hỗ trợ quá trình điều trị đạt hiệu quả cao, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm:

  • Chế độ ăn uống khoa học, cung cấp nhiều rau xanh, trái cây tươi, chất béo không bão hòa. Đồng thời hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa như đồ ăn nhanh, mỡ động vật, nội tạng động vật.
  • Duy trì chỉ số khối cơ thể trong khoảng cho phép, BMI = 18,5 - 22,9 kg/m2.
  • Hoạt động thể thao từ 30 - 60 phút mỗi ngày, không nghỉ quá 2 ngày liên tiếp.
  • Ngủ sớm, ngủ đủ giấc, chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh áp lực khiến thần kinh căng thẳng.
  • Giảm tối đa hoặc ngừng hút thuốc, uống rượu bia.

Người mắc bệnh tăng huyết áp nên thường xuyên theo dõi sức khoẻ của bản thânNgười mắc bệnh tăng huyết áp nên thường xuyên theo dõi sức khoẻ của bản thân

Ngoài ra, người bệnh cao huyết áp được chỉ định sử dụng thuốc cần tuân thủ giờ giấc và liều lượng theo đơn kê. Tuyệt đối không được tự ý ngừng thuốc, thay đổi lượng thuốc uống khi chưa tham vấn ý kiến chuyên môn.

Có thể thấy, mỗi quốc gia hay châu lục lại có bảng quy chuẩn phân độ tăng huyết áp riêng biệt nhằm phù hợp với đặc điểm kiểu gen. Liên hệ 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để nhận tư vấn, thực hiện kiểm tra mức độ, giai đoạn tăng huyết áp tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
2,808

Bài viết hữu ích?

Đặt lịch khám bệnh

Lưu ý: Tổng đài sẽ liên hệ xác nhận thời gian khám chính xác tới quý khách sau khi quý khách đặt hẹn

19001806 Đặt lịch khám