Biến chứng tăng huyết áp và cách kiểm soát, phòng ngừa

Thu Hiền

25-02-2024

goole news
16

Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tổn thương cơ quan đích như não, tim, thận, gia tăng nguy cơ tử vong. Trong bài viết này, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ chia sẻ chi tiết về các biến chứng tăng huyết áp cũng như cách kiểm soát và phòng ngừa.

Tăng huyết áp là gì?

Người được kết luận thuộc nhóm tăng huyết áp khi chỉ số đo huyết áp cao hơn 140/90 mmHg. Năm 2020, Tổ chức WHO và Hội đồng Hiệp hội Tăng Huyết áp Thế giới ISH đã phân độ tăng huyết áp theo ba cấp:

  • Tăng độ I là mức bình thường cao, huyết áp tâm thu dao động 130 - 139 mmHg và huyết áp tâm trương khoảng 85 - 89 mmHg.
  • Tăng độ II khi chỉ số huyết áp tâm thu dao động 140 - 175 mmHg và huyết áp tâm trương khoảng 90 - 100mmHg.
  • Tăng độ III khi chỉ số huyết áp vượt ngưỡng 160/110 mmHg.

Hiểu rõ về bệnh tăng huyết áp và các cấp độ tăng huyết ápHiểu rõ về bệnh tăng huyết áp và các cấp độ tăng huyết áp

Theo Hội tim mạch Châu Âu (ESC/ESH) quy định, huyết áp mục tiêu của người huyết áp cao phải dưới 140/90 mmHg. Riêng trường hợp kèm bệnh lý đái tháo đường, chỉ số huyết áp mục tiêu cần thấp hơn 130 mmHg.

Hậu quả tăng huyết áp rất khôn lường, có thể khiến sức khỏe sụt giảm nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vậy nên, khi nhận chỉ định điều trị bệnh, bạn cần thực hiện y án để cải thiện chỉ số huyết áp xuống mức tối thiểu nêu trên.

Biến chứng thường gặp của tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm, diễn biến âm thầm nên có rất ít triệu chứng đặc trưng để nhận biết. Các biểu hiện hồi hộp, tim đập mạnh, nhức đầu, chóng mặt chốc lát, mặt đỏ, ra mồ hôi thường bị nhầm lẫn với nhiều căn bệnh khác.

Bệnh chỉ được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc xuất hiện các biến chứng của bệnh tăng huyết áp như xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, xuất huyết võng mạc,...

Biến chứng ở mắt

Biến chứng tăng huyết áp ở mắt là hiện tượng mạch máu võng mạc bị tổn thương, do thành động mạch dày và cứng làm hẹp lòng mạch. Trong trường hợp xuất hiện quá trình xơ cứng thành mạch, động mạch sẽ chèn ép tĩnh mạch và cản trở tuần hoàn, khiến mắt người bệnh gặp vấn đề.

Biến chứng tăng huyết áp ở mắtBiến chứng tăng huyết áp ở mắt

Tùy thuộc giai đoạn bệnh tiến triển, tăng huyết áp có thể gây xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác, gai thị dẫn để thị lực giảm sút hoặc mù lòa. Vậy nên, người bệnh cần hết sức chú ý đến chế độ sinh hoạt cũng như ăn uống, ngăn chặn hậu quả của tăng huyết áp.

Biến chứng về tim mạch

Biến chứng tim mạch của tăng huyết áp có thể kể đến hẹp động mạch vành, nhồi máu cơ tim. Tình trạng tăng huyết áp không được điều trị sẽ làm hỏng lớp nội mạc mạch vành, tạo cơ hội cho những phân tử cholesterol xấu (LDL) bám vào thành mạch, hình thành nên mảng xơ vữa và làm hẹp mạch máu.

Tăng huyết áp gây các biến chứng về tim mạchTăng huyết áp gây các biến chứng về tim mạch

Động mạch vành bị thu hẹp nhiều sẽ dẫn đến hiện tượng đau tức ngực khi gắng sức, vận động nhiều, leo cầu thang. Trường hợp mảng xơ vữa bị nứt hoặc vỡ thì sẽ hình thành cục huyết khối, làm tắc động mạch vành, khiến người bệnh đau ngực dữ dội, khó thở, đổ mồ hôi, đau lan lên cổ, sang tay trái hoặc sau lưng, đây là biểu hiện của nhồi máu cơ tim.

Các biến chứng về não

Một số biến chứng tăng huyết áp ở não như:

  • Xuất huyết não: Khi bị tăng huyết áp, các mạch máu não không chịu được áp lực sẽ dẫn đến bị vỡ, gây tai biến mạch máu não. Người bệnh ở thời điểm đó có thể bị xuất huyết não gây liệt nửa hoặc hoàn toàn cơ thể, nặng hơn gây tử vong.
  • Nhồi máu não, nhũn não: Bệnh cao huyết áp khiến mạch máu nuôi não bị hẹp, tương tự như mạch vành, khi các mảng xơ vữa nứt hoặc vỡ sẽ hình thành cục máu đông, gây tắc mạch máu não hoặc khiến một vùng não bị chết.
  • Thiếu máu não: Huyết áp tăng cao làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não, tình trạng này khiến lượng máu bơm lên não không đủ, dẫn đến chóng mặt, hoa mắt hoặc bất tỉnh.

Gây cơ tim phì đại

Nhồi máu cơ tim do tăng huyết áp sẽ khiến một vùng cơ tim bị chết, không thực hiện được chức năng co bóp, dẫn đến suy tim. Cao huyết áp lâu ngày không điều trị cũng có thể gây cơ tim phì đại, gia tăng nguy cơ suy tim ở người bệnh.

Biến chứng về thận

Huyết áp cao có khả năng làm hư màng lọc của các tế bào thận, khiến người bệnh tiểu tiện ra protein, đây là hiện tượng bất bình thường. Kéo dài tình trạng này sẽ gây suy thận, sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tăng huyết áp gây suy thậnTăng huyết áp gây suy thận

Ngoài nguyên nhân tiểu ra protein, tăng huyết áp còn làm hẹp động mạch thận, về lâu dài cũng gây suy thận. Vậy nên, người bệnh cần hết sức chú ý kiểm soát chỉ số huyết áp, nhằm hạn chế biến chứng cơ quan đích.

Biến chứng mạch ngoại vi

Tăng huyết áp làm động mạch chủ phình to, dẫn đến bóc tách và vỡ thành động mạch chủ, gây tử vong. Ngoài ra, bệnh còn làm hẹp động mạch chậu, động mạch chân, động mạch đùi, khiến người bệnh dễ bị đau chân khi đi đường dài hoặc loét chân không lành.

Đột quỵ

Người bệnh nếu chỉ số huyết áp không hạ vào ban đêm, hoặc hạ quá mức/tăng vọt bất kỳ khi nào có thể gây đột quỵ não, để lại di chứng liệt nửa người, đi đứng khó khăn, giảm trí nhớ,... Trong trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể bị hôn mê và rơi vào trạng thái thực vật.

Tiểu đường

Tuy là hai căn bệnh riêng biệt nhưng tăng huyết áp và tiểu đường có mối liên quan mật thiết, bởi nếu mắc bệnh tăng huyết áp thì khả năng cao cũng bị tiểu đường và ngược lại. Nếu mắc đồng thời huyết áp cao và tiểu đường, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chữa trị.

Cách kiểm soát, phòng ngừa tăng huyết áp

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, kiểm soát huyết áp cao có thể giảm 30% nguy cơ đột quỵ, 25% khả năng nhồi máu cơ tim, 23% bệnh thận mãn tính. Vậy nên, để phòng ngừa biến chứng người bệnh hoặc người chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp cần:

Hướng dẫn phòng ngừa kiểm soát bệnh tăng huyết ápHướng dẫn phòng ngừa kiểm soát bệnh tăng huyết áp

- Thăm khám sức khỏe, tầm soát huyết áp 6 tháng - 1 năm/lần, đặc biệt người trên 50 tuổi.

- Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp, cần uống thuốc đúng chỉ định, theo dõi chỉ số huyết áp khi điều trị.

- Định kỳ hàng năm kiểm tra cận lâm sàng như tổng phân tích nước tiểu, tỷ lệ microalbumin/creatinin niệu, đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm chức năng thận, đường máu, mỡ máu, chụp võng mạc, siêu âm động mạch cảnh, đo ABI.

- Chế độ sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục đều đặn, nói không với thuốc lá và rượu bia, hạn chế căng thẳng hay áp lực trong cuộc sống, công việc.

Bệnh viện Đa khoa Phương Đông được trang bị đầy đủ các thiết bị, máy móc tầm soát và chẩn đoán bệnh tăng huyết áp. Liên hệ 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để nhận tư vấn, điều trị cao huyết áp với đội ngũ chuyên gia y tế hàng đầu Việt Nam ngay hôm nay.

Điều trị biến chứng cao huyết áp

Mục tiêu đầu tiên khi điều trị cao huyết áp là giữ huyết áp ổn định, ngăn chặn tối đa các biến chứng nguy hiểm. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý mà bệnh nhân sẽ nhận phác đồ điều trị riêng từ bác sĩ, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn.

Thay đổi lối sống

Tuy là cách điều trị không dùng thuốc nhưng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị, người bệnh có thể nhận hướng dẫn:

- Chế độ ăn lành mạnh và ít muối.

- Thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày, hoạt động vừa sức.

- Duy trì cân nặng phù hợp với chỉ số cơ thể, giảm cân khoa học.

- Hạn chế hoặc ngừng uống rượu bia, hút thuốc lá.

- Giữ ấm cơ thể, hạn chế tình trạng nhiễm lạnh đột ngột.

- Kiểm soát tốt các bệnh lý liên quan.

- Theo dõi chỉ số huyết áp tại nhà với thiết bị chuyên dụng.

Dùng thuốc điều trị

Trong trường hợp thay đổi lối sống không cải thiện chỉ số huyết áp cao, bác sĩ có thể thay đổi phác đồ điều trị với thuốc. Tuy nhiên, khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp buộc người bệnh phải tuân thủ giờ giấc và liều lượng, không được tự ý ngừng thuốc.

Điều trị tăng huyết áp với trường hợp khẩn cấp

Một số trường hợp tăng huyết áp cần điều trị khẩn cấp ngay tại phòng cấp cứu hoặc phòng chăm sóc đặc biệt, thường gặp ở bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Khi này, người bệnh được thở oxi, sử dụng thuốc hạ huyết áp khẩn cấp để cải thiện tình hình.

Kết lại, biến chứng tăng huyết áp gồm nhiều bệnh lý nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tính mạng người bệnh. Vậy nên, công tác phòng ngừa và kiểm soát chỉ số huyết áp cần được thực hiện tốt, y án theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
773

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám