Rạn xương mắt cá chân: Lưu ý gì khi chăm sóc và phục hồi cho người bệnh?

Ngọc Anh

18-07-2025

goole news
16

Rạn xương mắt cá chân là chấn thương tuy nhỏ nhưng khá phổ biến ở những vận động viên tập đối kháng, vận động cường độ cao. Cách điều trị phụ thuộc vào tình trạng chấn thương, có thể chỉ cần bó bột, dành thời gian nghỉ ngơi với tổn thương nhẹ hoặc phẫu thuật chỉnh hình với bệnh nhân bị rạn xương nặng. 

Rạn xương mắt cá chân là gì?

Rạn xương mắt cá chân là chấn thương thường gặp, xếp vào dạng gãy xương kín, trong đó một hoặc nhiều xương ở vùng mắt cá chân bị nứt hoặc gãy nhẹ, có hoặc không di lệch. Với các trường hợp gãy xương nhẹ thì vết thương có thể tự lành theo thời gian mà không cần điều trị.

Tuy nhiên, với các trường hợp chấn thương nặng do lực tác động từ bên ngoài vào xương, gây phá huỷ cấu trúc xương và di chuyển ra khỏi vị trí ban đầu thì bác sĩ sẽ phải phẫu thuật để nắn chỉnh và can thiệp chuyên sâu. 

Đây là một trong số dạng chấn thương thường xảy ra với vận động viên, người tập thể thao cường độ nặng hoặc vô tình gặp phải do tai nạn giao thông. Do cấu tạo khu vực cổ chân khá phức tạp nên chấn thương mắt cá chân có thể bao gồm tổn thương của xương chày, xương mác, xương sên. Khi đó, người bệnh có thể bị sưng, đau ở chân và hạn chế khả năng đi lại. 

Mắt cá chân bị rạn được xếp vào dạng gãy xương kín

Mắt cá chân bị rạn được xếp vào dạng gãy xương kín

Nguyên nhân rạn xương mắt cá chân

Phần lớn các tổn thương mắt cá chân đều là hệ quả của khu vực này phải chịu tác động của ngoại lực quá mạnh, có thể kể đến như:

  • Bước chân hụt và vấp ngã hoặc ngã từ độ cao xuống, va chạm mạnh vào mắt cá chân. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này có thể là do mất thăng bằng khi di chuyển, đi giày không đúng kích cỡ, đi lại trong bóng tối,....
  • Nhảy hoặc chơi thể thao như bóng chuyền, bóng chày, bóng đá,... không đúng gây áp lực lên cổ chân khiến các xương bên trong bị nứt, rạn
  • Bị tai nạn giao thông, thường là va chạm đột ngột khi tham gia giao thông làm tăng nguy cơ gãy xương mắt cá chân và mang đến nhiều rủi ro sức khoẻ khác

Dấu hiệu nhận biết rạn xương mắt cá chân

Tình trạng gãy, rạn xương có thể nhận biết qua các triệu chứng bất thường như sau:

  • Sưng to, bầm tím ở vùng mắt cá do xuất huyết dưới da hoặc tràn dịch khớp.
  • Đau nhức dữ dội, đau nhiều khi đi lại, đứng hoặc xoay cổ chân. Một số trường hợp chấn thương nặng tạm thời không di chuyển được
  • Biến dạng vùng cổ chân

Để xác nhận bệnh nhân có gặp các vấn đề về xương khớp hay không, các bác sĩ sẽ chỉ định bạn chụp X Quang, chụp CT hoặc chụp MRI. Trong đó, phương pháp phổ biến nhất là chụp X Quang. Thông qua phim chụp X Quang, bác sĩ sẽ xác định được vị trí của vết rạn, số lượng xương bị rạn để hướng dẫn bệnh nhân điều trị. 

Cách điều trị rạn xương mắt cá chân

Có rất nhiều cách điều trị rạn xương mắt cá chân. Như đã đề cập đến ở trên, với các trường hợp rạn xương mắt cá chân không phức tạp, bác sĩ sẽ điều trị bảo tồn bằng cách bó bột hoặc nẹp cố định chân và yêu cầu bệnh nhân nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh trong 4 - 6 tuần (tuỳ mức độ rạn). Ngoài ra, bạn sẽ được dùng thêm thuốc giảm đau và chống viêm theo liều lượng quy định. 

Với các trường hợp phức tạp như xương có di chuyển về vị trí hay xương gãy thành nhiều mảnh hoặc có tổn thương dây chằng, mô mềm kèm theo bạn sẽ được chỉ định phẫu thuật. Bác sĩ sẽ sử dụng đinh, vít hoặc tấm kim loại để mổ nắn chỉnh và cố định xương. Sau đó, bạn vẫn cần bó bột hoặc nẹp thêm 4-6 tuần, kết hợp tập các bài tập nhẹ như gấp duỗi cổ chân, xoay khớp, hoặc đi bộ với nạng để phục hồi chức năng.

Bệnh nhân sẽ được cố định bằng đinh vít bên trong và bó bột trong khoảng 6 tuần

Bệnh nhân sẽ được cố định bằng đinh vít bên trong và bó bột trong khoảng 6 tuần

Quá trình phục hồi sau khi rạn xương mắt cá chân diễn ra như thế nào?

Thông thường, để xương mắt cá chân lành lại, bạn sẽ phải trải qua 4 giai đoạn phục hồi diễn ra trong suốt 1 - 2 tháng như sau:

  • Giai đoạn 1 (0-2 tuần): Mục đích của giai đoạn này là giảm đau và tiêu sưng bằng cách chườm lạnh, nghỉ ngơi, và cố định chân bằng nẹp/bó bột. Nếu phải đi lại, bệnh nhân sẽ sử dụng nạng để giảm bớt trọng lượng lên chân.
  • Giai đoạn 2 (2-6 tuần): Bạn sẽ phải tập trị liệu để lấy lại khả năng di chuyển sau 2 tuần đầu. Các bài tập vật lý trị liệu nhẹ như gấp duỗi cổ chân hoặc co cơ tĩnh sẽ được tiến hành để khôi phục lại sức mạnh cho cơ bắp từ từ. Tuy nhiên, bạn vẫn không nên thực hiện các hoạt động cường độ mạnh
  • Giai đoạn 3 (6-8 tuần): Ở thời điểm này, về cơ bản các vết thương đã lành tương đối, cho phép người bệnh trở lại các hoạt động bình thường. Dù vậy, bạn vẫn cần tránh các bài tập nặng hoặc vận động quá sức cho đến khi mắt cá chân hoàn toàn hồi phục. 

Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bị rạn xương mắt cá chân

Để hỗ trợ mắt cá chân lành nhanh chóng và hiệu quả, bạn có thể tham khảo các gợi ý dưới đây:

Vận động khớp gối nhẹ nhàng, thường xuyên

Những người ít vận động có thể bị co cứng cơ, hay chuột rút và cử động xương khớp không linh hoạt. Do đó, bạn nên thực hiện các bài tập duỗi cổ chân, xoay khớp nhẹ nhàng 10-15 lần/ngày, dưới hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu. 

Các bài tập này tưởng chừng như vô cùng đơn giản nhưng có thể khiến bạn cảm thấy khó khăn bởi các động tác gập chân hay co duỗi có thể khiến bạn cảm thấy đau đớn. Tuy nhiên, nếu duy trì tập luyện, bạn sẽ có tốc độ phục hồi nhanh chóng hơn. 

Hãy tập các bài tập vận động khớp cổ chân thường xuyên

Hãy tập các bài tập vận động khớp cổ chân thường xuyên

Duy trì chế độ ăn hợp lý và khoa học

Chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc phục hồi sau phẫu thuật. Để đẩy nhanh tốc độ phục hồi sức khỏe, bạn nên bổ sung thực phẩm giàu canxi như (sữa, phô mai, cá hồi, rau xanh) để hỗ trợ tái tạo xương, với nhu cầu 1.000-1.200 mg/ngày. 

Vitamin D từ (cá béo, trứng) cũng cải thiện hiệu quả hấp thụ canxi rất tốt. Bên cạnh đó, protein từ (thịt nạc, đậu, trứng) cũng rất cần thiết để tái tạo mô và cơ giúp người bệnh nâng cao độ dẻo dai.

Hơn nữa, hãy hạn chế uống rượu bia, cà phê, hút thuốc lá, thực phẩm nhiều đường để hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến sự linh hoạt của các khớp và hoạt động của hệ thần kinh.

Phòng ngừa chấn thương mắt cá chân

Tin tốt là bạn có thể chủ động phòng ngừa tình trạng rạn xương mắt cá chân bằng cách thay đổi các thói quen nhỏ trong cuộc sống như sau:

  • Khởi động trước khi tập thể thao
  • Chọn giày dép thoải mái, vừa chân, có đệm cao su chống trượt để hạn chế các chấn thương có thể xảy ra
  • Không mang vác vật nặng hoặc thực hiện các hoạt động xoay người đột ngột
  • Giữ sàn nhà khô ráo, chống trơn trượt, lắp tay vịn cầu thang và làm việc, học tập ở không gian có đầy đủ ánh sáng
  • Tập thể dục thường xuyên như squat, lunge, hoặc plank 3-4 lần/tuần để tăng sức mạnh cơ bắp vùng chân và mắt cá, giúp ổn định khớp.
  • Duy trì cân nặng ổn định

Có thể nói, rạn xương mắt cá chân là chấn thương có thể xảy ra với bất cứ ai, có thể gây ra các biến chứng như hạn chế khả năng đi lại, đau đớn khi di chuyển. Cách tốt nhất là bạn nên đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện và điều trị các bất thường về cơ xương khớp (nếu có).

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Phường Đông Ngạc, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

16

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

PGS.TS.BS Cao Cấp

NGUYỄN MAI HỒNG

Giám đốc Trung tâm Cơ xương khớp

PGS.TS.BS Cao Cấp

NGUYỄN MAI HỒNG

Giám đốc Trung tâm Cơ xương khớp
19001806 Đặt lịch khám