Rối loạn lo âu: Biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Thao Tran

25-07-2023

goole news
16

Hiện nay, tỷ lệ người gặp phải các vấn đề về tâm lý, rối loạn lo âu trong xã hội ngày càng gia tăng. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ tiến triển ngày càng trầm trọng và gây ra những hệ lụy không lường. Vậy có những biểu hiện nào để nhận biết sớm chứng rối loạn lo âu và cách điều trị như thế nào, cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu ngay trong bài viết ngày hôm nay.

Rối loạn lo âu là gì?

Rối loạn lo âu là tình trạng rối loạn mà người bệnh không thể kiểm soát được, biểu hiện mạn tính, vững chắc và khuếch tán, thậm chí có thể xảy ra dưới dạng kịch phát. Rối loạn lo âu thường đi kèm với tăng cảm xúc, biểu hiện qua các triệu chứng chung về vận động và nội tạng. Chẳng hạn như mạch nhanh, hôi miệng, chóng mặt, vã mồ hôi, run tay, lạnh chân tay, bất an…

rối loạn lo âu là gìBạn đã hiểu rõ rối loạn lo âu là gì chưa

Sự khác biệt giữa lo âu bình thường và lo âu bệnh lý (rối loạn lo âu) là:

Lo âu bình thường

Lo âu bệnh lý

• Lo âu không ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hằng ngày.

• Lo âu có thể kiểm soát được.

• Lo âu chỉ gây khó chịu đôi chút và không nặng nề.

• Lo âu giới hạn trọng một số tình huống có thật, hoàn cảnh cụ thể, đặc trưng.

• Lo âu chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định.

• Lo âu quá mức gây ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hằng ngày.

• Lo âu không thể kiểm soát.

• Lo âu gây căng thẳng, bồn chồn và hết sức khó chịu.

• Lo âu trong mọi tình huống và luôn luôn có xu hướng chờ đợi kết cục xấu.

• Lo âu kéo dài liên tục từ ngày này sang ngày khác.

Các rối loạn lo âu cụ thể thường gặp

Một số loại rối loạn lo âu cụ thể thường gặp có thể kể đến như:

Rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) đặc trưng bởi tình trạng lo âu quá mức không thể kiểm soát được, lan tỏa nhiều chủ đề, không nổi bật trong bất kỳ hoàn cảnh nào và dai dẳng, thường kéo dài ít nhất 6 tháng. Các rối loạn lo âu lan tỏa khá phổ biến trong lâm sàng tâm thần học, chiếm 30% các trường điều trị nội trú và khoảng 20% dân số thế giới mắc phải rối loạn này.

Các triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa rất đa dạng và phong phú gồm: hồi hộp, tức ngực, khó thở, nuốt nghẹn, buồn nôn, đau bụng…  Người bệnh không thể dừng các ý nghĩ lo âu nên dẫn đến giảm khả năng lao động, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày và các chức năng khác. Đồng thời, cũng gia tăng chi phí xã hội và tăng nhu cầu trợ giúp tại các trung tâm y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Dấu hiệu của rối loạn lo âu lan tỏaDấu hiệu của rối loạn lo âu lan tỏa là không ngừng lo lắng về nhiều vấn đề khác nhau

Đối với người trưởng thành, rối loạn lo âu lan tỏa thường lo lắng về thói quen cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày như khả năng đáp ứng sức khỏe, tài chính, công việc, rủi ro với con cái hoặc những vấn đề nhỏ nhặt khác. Đối với trẻ em, rối loạn lo âu lan tỏa  có xu hướng lo lắng quá mức về năng lực của chính bản thân.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Đặc tính cơ bản của rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là các triệu chứng ám ảnh và hình vi nghi thức diễn ra trầm trọng, làm mất nhiều thời gian của người bệnh và ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống và các mối quan hệ. Người bệnh có thể có các triệu chứng ám ảnh hoặc hành vi nghi thức hoặc cả hai. 

  • Ý tưởng ám ảnh là những suy nghĩ, tình cảm, cảm giác hoặc ý tưởng có tính chất cưỡng bức và tái diễn. 
  • Hành vi nghi thức là một hành động (hoạt động tâm thần hoặc hành vi) bất thường, tái diễn và có quy chuẩn, có ý thức như rửa tay, đếm, kiểm tra, lảng tránh…

Người bệnh OCD nhận ra sự vô lý của những ý tưởng ám ảnh nhưng vẫn phải chịu đựng vì không thể kiểm soát được. Họ thực hiện các hành vi nghi thức với một nỗ lực để giảm nhẹ những lo âu, căng thẳng do ý tưởng ám ảnh gây ra nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả mà có thể khiến lo âu tăng thêm.

Rối loạn lo âu cưỡng chế Rối loạn lo âu cưỡng chế - ám ảnh với những hành động có tính lặp đi lặp lại 

Tỷ lệ dân số trên thế giới mắc rối loạn ám ảnh cưỡng bức là khoảng 2 -3%. Độ tuổi khởi phát bệnh là khoảng 20, nam giới có thể khởi phát sớm hơn từ 19 tuổi, còn với nữ giới là 22 tuổi. Nhìn chung, trên 60% trường hợp khởi phát bệnh trước 25 tuổi và sau 35 tuổi là dưới 15%.

Rối loạn hoảng sợ

Rối loạn hoảng sợ là sự xuất hiện lặp lại của những cơn hoảng sợ cực độ, trong bất hoàn cảnh nào và không lường trước được. Khiến cơ thể phản ứng dữ dội lại bằng các triệu chứng như đau ngực, đánh trống ngực, cảm giác bị choáng, chóng mặt… Lúc nào cũng cảm thấy có mối đe dọa thứ phát như sợ bị bệnh, sợ mất tự chủ và sợ chết. Các cơn hoảng sợ này chỉ kéo dài trong khoảng 5-20 phút, nhưng đôi khi cũng có thể kéo dài tới 1 giờ.

Rối loạn hoảng sợ là một bệnh tâm thần tương đối phổ biến. Theo thống kê, có khoảng 1,6% dân số thế giới mắc phải bệnh lý này. Trong đó, nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới và từ 25 - 45 là nhóm tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất, tuy nhiên một số trường hợp ghi nhận vẫn gặp ở nhóm tuổi cao hơn.

Lo âu xã hội (ám ảnh xã hội)

Ám ảnh xã hội phổ biến đều nhau ở nam và nữ giới, thường bắt đầu ở độ tuổi vị thành niên, biểu hiện là sợ người khác nhìn mình chăm chú dẫn đến né tránh các hoàn cảnh xã hội. Ám ảnh có thể kín đáo như sợ nói trước công chúng hoặc sợ ăn uống ở nơi công cộng hoặc sợ gặp người khác giới trong mọi hoàn cảnh. 

Ám ảnh xã hộiÁm ảnh xã hội - sợ những ánh mắt của người xung quanh nhìn bản thân 

Bệnh nhân có ám ảnh xã hội gần như luôn bộc lộ rối loạn lo âu trong các tình huống gây sợ như đỏ mặt, run, vã mồ hôi, đánh trống ngực, khó chịu ở dạ dày và ruột, căng trương lực cơ, ỉa chảy. Trong các trường hợp nặng, triệu chứng có thể thỏa mãn với tiêu chuẩn chẩn đoán xung đột hoảng sợ. 

Người mắc rối loạn lo âu xã hội thường né tránh các tình huống gây sợ đối với áp lực trước các tình huống xã hội. Sợ hãi hoặc né tránh ảnh hưởng lớn đến cuộc sống bình thường hoặc công việc và học tập hoặc các mối quan hệ xã hội của người bệnh. Đồng thời, họ cũng có thể bộc lộ điều bị hại có liên quan đến ám ảnh sợ.

Rối loạn lo âu do bệnh thực tổn

Đặc điểm là các triệu chứng lo âu do hậu quả của bệnh thực tổn gây ra với các biểu hiện bằng rối loạn lo âu lan tỏa, ám ảnh - xung động hoặc xung động hoảng sợ. Các bệnh thực tổn khác nhau có thể là nguyên nhân dẫn đến rối loạn lo âu như bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa, bệnh nội tiết và bệnh thần kinh.

Rối loạn lo âu bệnh thực tổnCác bệnh thực tổn có thể là nguyên nhân dẫn đến lo âu, ám ảnh

Ám ảnh sợ biệt định

Đó là những ám ảnh sợ hãi trong các tình huống đặc biệt như sợ độ cao, sợ động vật, sợ bóng tối, sợ sấm, sợ đi máy bay, sợ bị các bệnh hiểm nghèo, sợ nơi kín đáo… Yếu tố ám ảnh sợ biệt định được xây dựng trên nền của một sự sợ hãi mãnh liệt, rõ rệt và bền vững. Khi có các kích ám ảnh sợ sẽ dễ gây ra đáp ứng lo âu.

Các ám ảnh sợ tình huống báo trước hoặc sự vật là rất thường gặp. Nhưng nhiều trường hợp, mức độ biểu hiện không đủ để chẩn đoán, nếu như ám ảnh sợ không gây cản trở rõ rệt sinh hoạt cho người bệnh. Ví dụ như bạn sợ rắn hoặc nỗi sợ tăng lên khi có rắn nhưng không được chẩn đoán là ám ảnh sợ biệt định nếu như sống ở khu vực không có rắn, không có ảnh hưởng của sợ rắn và sợ rắn không gây khó khăn cho bạn.

Các triệu chứng rối loạn lo âu

Các triệu chứng rối loạn lo âu tổng quát ở mỗi người có thể khác nhau. Có thể bao gồm:

  • Liên tục lo lắng và ám ảnh về mối quan tâm nhỏ hay lớn.
  • Mệt mỏi, khó chịu.
  • Khó tập trung.
  • Bồn chồn.
  • Mất ngủ.
  • Khó thở hoặc nhịp tim nhanh.
  • Ra mồ hôi, tiêu chảy và buồn nôn.
  • Bắp thịt đau nhức hoặc cơ bắp căng thẳng.
  • Cảm thấy bối rối, run tay hoặc dễ bị giật mình.

Dấu hiệu rối loạn lo âuDấu hiệu rối loạn lo âu

Ngoài những triệu chứng được nêu trên, trẻ em và thanh thiếu niên có thể lo lắng quá nhiều về các hoạt động ở trường hoặc sự kiện thể thao, về thời gian (đúng giờ, các thảm họa của trái đất). Từ đó, có những biểu hiện như thiếu tự tin, cầu toàn, làm lại nhiệm vì không hoàn thiện lần đầu, đòi hỏi nhiều sự bảo đảm về hiệu suất, thấy chán nản, có ý nghĩ tự tử hoặc hành vi tìm kiếm sự điều trị khẩn cấp…

Nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu

Nguyên nhân gây hội chứng rối loạn lo âu được cho là có thể liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh, chẳng hạn như serotonin, norepinephrine và dopamine. Có khả năng tình trạng này có thể do di truyền học, các tình huống gây căng thẳng và kinh nghiệm sống.

Lo âu và một số điều kiện sức khỏe thể chất có mối liên quan như bệnh tim, trào ngược dạ dày thực quản, suy giáp hoặc cường giáp, thời kỳ mãn kinh và các yếu tố nguy cơ. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ chứng rối loạn lo âu phát triển gồm:

  • Giới tính: Phụ nữ được chẩn đoán chứng rối loạn lo âu tổng quát nhiều gấp 2 lần so với nam giới.
  • Chấn thương thời thơ ấu: Người có tuổi thơ phải chịu lạm dụng hoặc chấn thương hay chứng kiến các sự kiện chấn thương thì có nguy cơ mắc rối loạn lo âu tại một số thời điểm trong cuộc sống.
  • Bệnh tật: Mắc các bệnh nghiêm trọng hay mãn tính, từ đó dẫn đến nỗi lo thường trực về tương lai, điều trị, tài chính…
  • Căng thẳng: Do một sự kiện lớn hoặc các tình huống căng thẳng nhỏ gây ra lo lắng quá mức.
  • Di truyền: Rối loạn lo âu có thể di truyền từ người thân thế hệ trước sang thế hệ sau.
  • Làm dụng rượu hoặc ma túy có thể làm tình trạng rối loạn lo âu thêm trầm trọng. Các chất như nicotine, caffeine… có thể làm tăng sự lo lắng.

Nguyên nhân rối loạn lo âuPhụ nữ có nguy cơ cao mắc rối loạn lo hơn nam giới

Một số biến chứng nguy hiểm của rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì có thể trở nên ngày càng trầm trọng hơn theo thời gian. Vậy nên hãy tìm kiếm sự hỗ trợ của các chuyên gia càng sớm càng tốt khi có các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh.

Rối loạn lo âu không chỉ đơn giản dẫn đến lo lắng mà tồi tệ hơn là dẫn đến các bệnh về thể chất và tinh thần như:

  • Trầm cảm.
  • Lạm dụng thuốc.
  • Khó ngủ (mất ngủ).
  • Các vấn đề về tiêu hóa.
  • Nhức đầu.
  • Nghiến răng.

Từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, công việc, các mối quan hệ xã hội và những chức năng khác.

Phương pháp điều trị rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu có thể được điều trị bằng thuốc hoặc bằng tâm lý, cụ thể như sau:

Điều trị bằng thuốc

Thuốc điều trị rối loạn lo âu gồm 3 nhóm là benzodiazepin và thuốc chống trầm cảm.

Nhóm benzodiazepin

Tác dụng dược lý trên trên hệ limbic, trên một số nhóm neuron noradrenergic ở nền não thất IV và trong các trường hợp hội chứng rối loạn lo âu mức độ trung bình. 

Các chỉ định của thuốc nhóm benzodiazepin:

  • Điều trị rối loạn lo âu: dùng trong tất cả các bệnh tâm thần và trong đó có rối loạn lo âu.
  • Cai thuốc ngủ, cai rượu hoặc cai ma túy.
  • Động kinh.
  • Điều trị mất ngủ.
  • Điều trị hội chứng neuroleptic, đặc biệt là bồn chồn và co cứng.

Tác dụng phụ của thuốc thuộc nhóm benzodiazepin:

  • Tác dụng phụ thường gặp: đau đầu, chóng mặt, rối loạn ý thức, rối loạn sắc khí, rối loạn cân bằng, lo âu, đứng ngồi không yên…
  • Tác dụng thứ phát: phụ thuộc thuốc xuất hiện sau một thời gian dài sử dụng thuốc (từ vài tháng trở lên) và alprazolam là dẫn xuất benzodiazepin dễ gây phụ thuốc nhất. Biểu hiện của trạng thái cai benzodiazepin gồm run, tăng lo âu, ra mồ hôi, dễ bị kích động, mất ngủ, buồn nôn và nôn…

Các thuốc thuộc nhóm benzodiazepam thường dùng:

  • Diazepam 10-20mg/ ngày.
  • Clordiazepoxid 20-75mg/ ngày.
  • Oxazepam 30-90mg/ ngày.
  • Alprazolam 0,25-0,75mg/ ngày.
  • Nitrazepam 5-10mg/ ngày.
  • Clonarepam 0,25-2mg/ ngày.
  • Tranxen 10-50mg/ ngày.

Chống chỉ định của benzodiazepin:

  • Là thuốc dung nạp tốt nên ít có chống chỉ định.
  • Chống chỉ định với người bị thiếu máu nặng, có thai, suy hô hấp và dị ứng với benzodiazepin.
  • Lưu ý sử dụng thận trọng với các trường hợp: suy thận mãn, suy gan và suy tim, người già gây rối loạn ý thức, không phối hợp với thuốc ngủ và rượu, không dùng dài vì sẽ gây nghiện.

Các thuốc bình thần khác

Nhóm các thuốc tâm thần khác được sử dụng để điều trị rối loạn lo âu có thể kể đến như Meprobamat, Buspirone.

Meprobamat là thuốc bình thần có cấu trúc gần tương tự benzodiazepin và có nguy cơ gây nghiện cao nên ít được sử dụng.

Chỉ định Meprobamat:

  • Rối loạn lo âu và cai rượu.
  • Dùng trong các trường hợp kháng thuốc benzodiazepin.

Liều dùng:

  • Trung bình 400- 600 mg/ ngày.
  • Dung nạp thuốc tót.
  • Có nhiều tác dụng phụ.
  • Gây nghiện, trạng thái cai nghiện có các biểu biểu hiện lâm sàng như rối loạn ý thức, xuất hiện các cơn co giật.

Buspirone là thuốc bình thần mạnh, có tác dụng bảo vệ trên thụ cảm của serotonin 5HT­1a và không gây tác dụng phụ trên hệ GABA.

  • Chỉ định của Buspirone giống như benzodiazepin.
  • Được dùng trong trạng thái cai benzodiazepin
  • Liều dùng trung bình 5-15 mg/ ngày.
  • Ưu điểm: tác dụng nhanh, có hiệu quả trong điều trị hội chứng rối loạn lo âu.
  • Nhược điểm: hiệu quả kém trong điều trị rối loạn ám ảnh và dễ gây nghiện.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng & đa vòng

Hiệu quả thường xuất hiện sau 8 - 12 tuần. Khi dùng thuốc nên khởi đầu bằng liều tối thiểu, sau đó tăng từ từ và nên cho bệnh nhân uống sau bữa ăn.

Các loại thuốc thường dùng:

  • Doxepin 50- 75 mg/ngày.
  • Amitriptylin 50- 75 mg/ngày.
  • Prothiaden 50- 200 mg/ngày.
  • Anafranil 50- 150mg/ngày.
  • Ludiomil  50 – 150 mg/ngày.
  • Mianserin  30- 90 mg/ngày.

Ưu điểm của thuốc trầm cảm vòng 3, đa vòng:

  • Sử dụng thay thế hoặc kết với nhóm benzodiazepin để điều trị bệnh rối loạn lo âu.
  • Có tác dụng an dịu, bệnh nhân dễ kiểm soát được rối loạn giấc ngủ và rối loạn lo âu.

Nhược điểm của thuốc trầm cảm vòng 3, đa vòng:

  • Gây buồn ngủ nên thận trọng khi lái xe sau khi uống thuốc.
  • Tác dụng kém với hoảng sợ và ám ảnh, trừ clomipramin.
  • Gây độc với cơ tim do có tác dụng kháng cholin,  đặc biệt là elavil.
  • Làm tăng cân.

Chỉ định thuốc:

  • Ưu tiên cho các trường hợp rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn do âu do bệnh thực tổn hoặc do một chất.
  • Thay thế thuốc chống trầm cảm có tác dụng biệt định trên hệ serotoninergic để điều trị cơn hoảng sợ hoặc ám ảnh.

Thuốc chống trầm cảm tác dụng chọn lọc trên hệ serotonin

Các thuốc thường dùng gồm:

  • Fluvoxamin 50- 200mg/ngày.
  • Fluoxetin 20- 40mg/ngày.
  • Paroxetin 20- 50mg/ngày.
  • Sertralin 50- 150mg/ngày.

Thuốc có tác dụng trong điều trị rối loạn ám ảnh, các sơn hoảng sợ kịch phát, hiệu quả xuất hiện sau 8 - 12 tuần.

Liều dùng:

  • Tăng dần liều thuốc khi sử dụng, nên uống vào sau bữa ăn.
  • Chỉ dùng 1 lần/ngày vì thời gian bán hủy kéo dài, có thể pha thuốc vào trong nước hoa quả để giảm tác dụng phụ và thời gian điều trị cần kéo dài.
  • Điều trị ám ảnh kéo dài cần trong thời gian, tối thiểu là 18 - 24 tháng, đối với rối loạn ám ảnh - cưỡng bức phải điều trị suy trì suốt đời. 

Các thuốc chống trầm khác được sử dụng trong điều trị ám ảnh, hoảng sợ:

  • Thuốc IMAO: Hiện ít được sử dụng vì có khá nhiều tác dụng phụ.
  • Remeron (mirtazapin) và Venlafaxin (effexor) có tác dụng trên cả 2 hệ serotoninergic và nor-adrenergic hoặc adrenergic nên khá hiệu quả trong điều trị rối loạn ám ảnh, các cơn hoảng sợ kịch phát. Liều dùng remeron: 30-60 mg/ ngày. Liều dùng venlafaxin: 150-350 mg/ ngày và chia ra 2 -3 lần/ngày.

Điều trị bằng tâm lý

Có nhiều trường hợp có kết quả tốt khi điều trị bằng tâm lý. Liệu pháp thư giãn và tâm lý cá nhân cho thấy hiệu quả tương đối rõ rệt. Liệu pháp nhằm đánh giá các hành vi - nhận thức, từ đó điều chỉnh hành vi trong các tình huống của đời sống hằng ngày lặp đi lặp lại và bệnh nhân tìm được cách để chấp nhận những hành vi phù hợp. Tuy nhiên, cách điều trị rối loạn lo âu tốt nhất vẫn là kết hợp đồng thời liệu pháp tâm lý và hoá dược.

Có thể phòng chống gặp phải rối loạn lo âu được không?

Không có cách nào để dự đoán chắc chắn một người nào đó sẽ mắc rối loạn lo âu nhưng nếu bạn đang cảm thấy lo lắng hãy thực hiện một số cách sau để giảm tác động của triệu chứng có thể gây ra:

  • Viết nhật ký: Theo dõi cuộc sống cá nhân và cung cấp các thông tin cho các chuyên gia, bác sĩ sẽ giúp xác định được nguyên nhân gây căng thẳng và tìm ra hướng giải quyết phù hợp.
  • Cân bằng giữa cuộc sống và công việc: Quản lý thời gian một cách khoa học, tránh tình trạng làm việc quá sức, căng thẳng kéo dài không được nghỉ ngơi.
  • Tránh sử dụng các chất thiếu lành mạnh như rượu, ma túy, nicotine, caffeine…
  • Tìm sự giúp đỡ: Không ít người chọn né tránh gặp bác sĩ khi có các biểu hiện của lo lắng, stress từ đó dẫn đến việc những khó khăn trong việc điều trị do được phát hiện muộn.

Trên đây là những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề rối loạn lo âu, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hy vọng đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của tình trạng lo âu quá mức, không thể kiểm soát được thì bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám càng sớm càng tốt.

Để đặt lịch tư vấn hoặc lịch khám, quý khách hàng vui lòng để lại thông tin đăng ký tại phần Đặt lịch khám,  hoặc gọi theo số điện thoại tổng đài 19001806 (cam kết bảo mật tuyệt đối thông tin khách hàng 100%).

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,070

Bài viết hữu ích?

Nguồn tham khảo

Đặt lịch khám bệnh

Lưu ý: Tổng đài sẽ liên hệ xác nhận thời gian khám chính xác tới quý khách sau khi quý khách đặt hẹn

19001806 Đặt lịch khám