Sinh thiết cổ tử cung là kỹ thuật tách lấy mẫu mô ở cổ tử cung nhằm kiểm tra, phát hiện các bất thường như tiền ung thư, ung thư hoá. Từ đó kịp thời có phác đồ điều trị để đảm bảo sức khỏe nữ giới. Cùng tìm hiểu khái niệm, tầm quan trọng và lưu ý khi thực hiện sinh thiết cổ tử cung ngay sau đây.
Sinh thiết cổ tử cung là gì?
Sinh thiết cổ tử cung là một biện pháp giúp kiểm tra những tình trạng bất thường, những dấu hiệu tiền ung thư hoặc ung thư hóa của bệnh nhân qua việc lấy những mẫu mô trong cổ tử cung để tiến hành xét nghiệm.
Bác sĩ giải thích về quy trình thực hiện sinh thiết cổ tử cung.
Sinh thiết kiểm tra cổ tử cung thường được thực hiện sau khi bác sĩ phát hiện ra những bất thường trong quá trình thực hiện khám phụ khoa, hoặc thông qua các xét nghiệm tế bào Pap Smear. Cũng có thể sau khi có kết quả bệnh nhân nhiễm HPV type 16, 18. Ngoài ra, trong quá trình sinh thiết cũng có thể tiến hành loại bỏ những mô bất thường hoặc những tế bào có khả năng bị ung thư hóa ở cổ tử cung.
Ý nghĩa của phương pháp sinh thiết cổ tử cung
Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Bệnh nhân khi sử dụng sinh thiết sẽ góp phần trong việc tầm soát ung thư cổ tử cung và đem lại nhiều giá trị khác nữa. Cụ thể như:
- Giúp bệnh nhân nhận định được đúng tình trạng của cổ tử cung. Trong trường hợp phát hiện ung thư cổ tử cung thì sinh thiết cổ tử cung có thể phát hiện giai đoạn của ung thư sau đó bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân
- Sinh thiết cổ tử cung giúp bệnh nhân loại bỏ các tế bào có khả năng gây ung thư và loại bỏ các mô bất thường ở trên niêm mạc cổ tử cung
- Sinh thiết kiểm tra cổ tử cung giúp chẩn đoán trường hợp bệnh phụ khoa như mụn cóc sinh dục, polyp cổ tử cung. Qua đó bệnh nhân có thể biết mình có nhiễm HPV hay không. HPV chính là một trong những yếu tố tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung và cũng là lí do của ung thư cổ tử cung
Các phương pháp sinh thiết cổ tử cung hiện nay
Hình ảnh lấy mẫu bệnh phẩm để thực hiện xét nghiệm.
- Sinh thiết bấm: Là kĩ thuật sử dụng kìm bấm sinh thiết y tế chuyên dụng. Kìm bấm sinh thiết có đầu bấm hình tam giác nhọn để lấy mẫu phẩm sinh thiết. Kết hợp với biện pháp soi cổ tử cung, sau khi phát hiện những bất thường, bác sĩ sử dụng kìm bấm sinh thiết và lấy mẫu mô ở vài vị trí khác nhau trên cổ tử cung. Sau đó bác sĩ gửi những mẫu bệnh đi xét nghiệm và tiến hành lên phác đồ điều trị phù hợp
- Sinh thiết chóp cổ tử cung: Là một kỹ thuật sử dụng dao mổ y tế hoặc vòng điện y tế chuyên dụng để cắt bỏ một phần chóp đầu của cổ tử cung
- Nạo sinh thiết cổ tử cung: Hay được gọi là nạo kênh cổ tử cung (endocervical curettage - ECC) là kỹ thuật sử dụng thìa nào chuyên dụng (curettage) để nạo niêm mạc kênh cổ tử cung
Quy trình sinh thiết cổ tử cung
Trước khi thực hiện sinh thiết, bệnh nhân cần phải được khám lâm sàng và có sự đồng ý của bác sĩ. Các bước tiến hành sinh thiết tử cung được tiến hành như sau:
- Bước 1: Sử dụng mỏ vịt để mở rộng âm đạo và quan sát tình trạng bên trong âm đạo của bệnh nhân
- Bước 2: Làm sạch cơ tử cung bằng cách sử dụng một miếng bông gòn y tế
- Bước 3: Bác sĩ bôi bên trong cổ tử cung một chất chuyên dụng trong sinh thiết (thường là lugol hoặc axit acetic) để làm nổi bật những khu vực có bất thường
- Bước 4: Sử dụng các thiết bị lấy mẫu chuyên dụng (kẹp sinh thiết, dao mổ, vòng điện y tế chuyên dụng hoặc thìa nạo chuyên dụng) để thực hiện lấy mẫu. Có thể bác sĩ sẽ phải lấy mẫu ở nhiều vị trí khác nhau để có kết quả tốt nhất
- Bước 5: Sát khuẩn, cầm máu ở những vùng lấy mẫu. Sau khi tiến hành lấy mẫu, bác sĩ sẽ sát trùng khu vực lấy mẫu bằng dung dịch chuyên dụng, dung dịch này sẽ giúp hạn chế chảy máu và đẩy nhanh thời gian lành vết thương
Sau khi thực hiện sát khuẩn bệnh nhân vẫn sẽ có hiện tượng chảy máu nên bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng băng vệ sinh sau khi thực hiện sinh thiết.
Bệnh viện Phương Đông quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm có thể chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung từ sớm. Để có thêm tư vấn cũng như thông tin về dịch vụ sinh thiết cổ tử cung hãy gọi hotline 1900 1806.
Rủi ro có thể gặp khi thực hiện sinh thiết cổ tử cung
Bởi vì sinh thiết kiểm tra cổ tử cung là một kỹ thuật được thực hiện phía bên trong cơ quan sinh dục nên sinh thiết cổ tử cung có tác động đến cơ quan sinh sản của chị em, trường hợp nghiêm trọng có thể xảy ra những biến chứng rất nguy hiểm.
Các biến chứng thường gặp như nhiễm trùng hoặc chảy máu kéo dài. Trong trường hợp bệnh nhân phải thực hiện sinh thiết chóp cổ tử cung thì còn có thể có khả năng sảy thai và nguy cơ vô sinh. Hậu quả này là do trong quá trình sinh thiết chóp đã làm thay đổi cấu trúc cổ tử cung và để lại sẹo lớn gây ảnh hưởng đến cổ tử cung. Những biến chứng sẽ gây nhiều bất lợi cho sức khỏe của chị em phụ nữ nếu không phát hiện kịp thời và xử lý chúng.
Nguy cơ sảy thai khi thực hiện sinh thiết không đảm bảo an toàn.
Mức độ nghiêm trọng của những biến chứng còn phụ thuộc vào mỗi bệnh nhân và tình trạng sức khỏe của họ. Chính vì vậy, bệnh nhân cần phải thực hiện khám bệnh và kiểm tra kỹ càng với bác sĩ trước khi quyết định thực hiện sinh thiết.
Lưu ý gì khi thực hiện sinh thiết cổ tử cung
Để tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra thì chị em cần trao đổi ngay với bác sĩ nếu chị em gặp những vấn đề dưới đây:
Trước khi thực hiện thủ thuật
- Bị dị ứng với thuốc gây mê, gây tê hoặc mẫn cảm với thành phần của thuốc
- Đang mang thai hoặc nghi ngờ bản thân mang thai
- Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng để tránh hiện tượng phản ứng tương tác thuốc
- Không cần thiết phải nhịn ăn uống, tuy nhiên bệnh nhân vẫn nên ăn những món nhẹ bụng để cơ thể được thoải mái
- Tuyệt đối không quan hệ tình dục, không thụt rửa âm đạo hay sử dụng thuốc đặt âm đạo trong khoảng 24 giờ trước khi thực hiện sinh thiết
- Chuẩn bị băng vệ sinh sau khi thực hiện vì sẽ có hiện tượng tử cung chảy máu
- Thời điểm hợp lý để thực hiện sinh thiết kiểm tra cổ tử cung là sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt khoảng 7 ngày
- Nên có người thân đi kèm để giảm căng thẳng lo lắng
Kiêng quan hệ tình dục ít nhất 1 tuần để tử cung hồi phục.
Sau khi thực hiện sinh thiết
- Không nên quá lo lắng trong trường hợp bị chảy máu. Đây là hiện tượng thường xảy ra sau khi sinh thiết, vì vậy bệnh nhân cần thoải mái và sử dụng băng vệ sinh kèm theo
- Vệ sinh âm đạo bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng, nước muối sinh lý hoặc nước ấm. Bắt buộc không thụt rửa bên trong âm đạo
- Không quan hệ tình dụng trong ít nhất 1 tuần
- Trong thời gian đầu không nên sử dụng tampon
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
- Trường hợp chảy máu quá nhiều, đau bụng dưới nghiêm trong, dịch âm đạo có mùi hôi gây khó chịu, sốt cao,... thì cần liên hệ ngay với bác sĩ để được nghe chỉ dẫn
Sinh thiết cổ tử cung không chỉ thực hiện khi chị em có vấn đề về âm đạo mà đây còn là phương pháp rất hữu hiệu trong việc tầm soát ung thư cổ tử cung. Để có sức khỏe tốt nhất chị em nên thực hiện khám tổng quát và cần nhắc đến việc sử dụng biện pháp trên để luôn đảm bảo cơ thể ở trạng thái hoàn hảo. Chị em hãy lựa chọn những đơn vị uy tín, có chuyên môn cao để hạn chế rủi ro xấu nhất có thể xảy ra.