Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là gì? Cơ chế bệnh sinh
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh. Bệnh gây nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm...
Yếu tố nguy cơ của bệnh suy tĩnh mạch mạn tính
- Lớn tuổi
- Béo phì
- Tiếp xúc nhiệt độ cao
- Di truyền
- Mang thai
- Chế độ ăn uống
- Công việc đứng lâu
- Công việc ngồi nhiều
Chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chi dưới:
- Tức, đau, nặng chân khi ngồi hoặc đứng, giảm khi ngồi hoặc khi nâng cao chân hoặc đi vớ áp lực, cần phân biệt với đau chân do những nguyên nhân cơ khớp, đau cách hồi của bệnh lý động mạch.
- Sưng, mỏi vùng mắt cá chân.
- Ngứa
- Co cơ (chuột rút) vào ban đêm.
- Chân không yên, bồn chồn.
- Khám lâm sàng có thể thấy những triệu chứng thực thể như phù chân, tĩnh mạch mạng nhện, búi dãn tĩnh mạch nông, loạn dưỡng da, chàm, loét…
Chẩn đoán siêu âm:
- Chỉ định
+ Bệnh nhân có giãn tĩnh mạch nông trên lâm sàng, có thể có triệu chứng hoặc không.
+ Bệnh nhân không có giãn tĩnh mạch nông quan sát thấy trên lâm sàng, nhưng có các dấu hiệu nghi ngờ do tăng áp lực tĩnh mạch: phù, tê bì, chuột rút về đêm …
+ Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật hoặc can thiệp điều trị suy tĩnh mạch: Siêu âm lập bản đồ tĩnh mạch, siêu âm hướng dẫn thủ thuật điều trị
+ Bệnh nhân có giãn tĩnh mạch dạng lưới hoặc mạng nhện trên da
- Siêu âm là phương tiên chẩn đoán không xâm nhập, an toàn, hiệu quả, đáng tin cậy. Chẩn đoán xác định khi có suy van tĩnh mạch khi:
+ Dòng trào ngược tĩnh mạch tự nhiên hoặc khi làm các nghiệm pháp (Valsalva, bóp cơ) là dấu hiệu quan trọng nhất để chẩn đoán
+ Trên Doppler màu: Tín hiệu màu đảo ngược từ màu xanh sang màu đỏ (hoặc ngược lại) + Trên Doppler xung: Sự đảo chiều dòng chảy và thời gian kéo dài của phổ Doppler:
- Trên 500 ms với các tĩnh mạch hiển và tĩnh mạch sâu cẳng chân
- Trên 1000 ms với tĩnh mạch đùi và tĩnh mạch khoeo
Phân độ: Theo lâm sàng
Độ 0 (C0): Không thấy các dấu hiệu giãn tĩnh mạch (nhìn hoặc sờ).
Độ 1 (C1): Có giãn mao mạch hoặc tĩnh mạch dạng lưới
Độ 2 (C2): Giãn tĩnh mạch.
Độ 3 (C3): Phù.
Độ 4 (C4): Rối loạn dinh dưỡng nguồn gốc tĩnh mạch: Rối loạn sắc tố da, chàm tĩnh mạch
Độ 5 (C5): Rối loạn dinh dưỡng như độ 4 + loét đã lành sẹo.
Độ 6 (C6): Rối loạn dinh dưỡng như độ 4 + loét không lành sẹo.
– Cần phân biệt suy tĩnh mạch tiên phát và thứ phát với những suy tĩnh mạch thứ phát và bệnh lý bẩm sinh do ba tình trạng bệnh lý này có bệnh sinh và điều trị khác nhau.
Phân độ suy giãn tĩnh mạch chi dưới theo lâm sàng
Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Điều trị dự phòng
- Tăng cường sử dụng chức năng bơm của cơ: Tránh đứng bất động trong thời gian dài, tư thế ngồi bắt chéo chân, hoặc tình trạng tĩnh tại lâu. Khuyến khích hoạt động thể chất phù hợp.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho hồi lưu tĩnh mạch: nâng cao phía cuối giường ngủ khoảng 10 cm hoặc tập vận động chân giống như đạp xe trong không khí trước khi ngủ.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao.
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Giảm chất béo, tăng cường chất xơ, tránh tình trạng táo bón.
Điều trị nội khoa:
– Thuốc trợ tĩnh mạch như diosmin, hesperidin (Daflon, hesmin, savidimin), rutosides (Troxerutin) được chỉ định điều trị trên những bệnh nhân có đau và phù so suy tĩnh mạch mạn tính cùng với điều trị bằng tất áp lực. .
Điều trị bằng tất áp lực hoặc băng cuốn áp lực
*Chỉ định:
- Dự phòng tiến triển nặng lên của suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính trong những nghề nghiệp buộc phải đứng nhiều.
- Dự phòng suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính trong thời gian mang thai.
- Giảm các dấu hiệu cơ năng của suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính.
- Chống chỉ định hoặc không có khả năng phẫu thuật hay tiêm xơ điều trị suy tĩnh mạch. - Điều trị hỗ trợ trong các trường hợp loạn dưỡng nguyên nhân tĩnh mạch, phù bạch mạch.
*Phân độ tất áp lực
Độ1: Áp lực 10 - 15 mmHg. Chỉ định: STM nhẹ, dự phòng
Độ 2: Áp lực 15 - 20 mmHg. Chỉ định: STM trung bình, điều trị HKTM sâu, nông
Độ 3: Áp lực 20 - 36 mmHg. Chỉ định: STM nặng Điều trị loạn dưỡng, HKTM.
Độ 4: Áp lực > 36 mmHg. Chỉ định: Loạn dưỡng trầm trọng, phù bạch mạch
Điều trị can thiệp:
*Điều trị nhiệt nội tĩnh mạch
-Nguyên lý: Phóng thích một năng lượng nhiệt vừa đủ vào trong lòng tĩnh mạch để phá hủy tĩnh mạch bằng những phản ứng sinh lý không thể đảo ngược.
-Phương pháp:
+ Điều trị nhiệt nội tĩnh mạch bằng sóng radio cao tần
+ Điều trị nhiệt nội tĩnh mạch bằng laser
® Phương pháp can thiệp: luồn sợi đốt laser/RF qua da vào lòng TM dưới hướng dẫn của siêu âm.
-Chống chỉ định:
+ Dị dạng động tĩnh mạch
+ Tắc nghẽn tĩnh mạch sâu
+ Bệnh nhân không thể vận động
+ Rối loạn đông máu hoặc đang điều trị chống đông
+ Máy tạo nhịp tim (với RF)
- Ưu điểm:
+ Can thiệp tối thiểu: BN không cần nằm viện
+ Gây tê tại chỗ, không để lại sẹo
+ Thời gian phục hồi nhanh
Điều trị ngoại khoa Suy tĩnh mạch chi dưới:
Là phương pháp lấy bỏ những tĩnh mạch bị suy, phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp tĩnh mạch không thích hợp với điều trị nội mạch tuy nhiên không được khuyến khích do đau, thời gian hồi phục dài và nhiều biến chứng.
Hiện nay, Bệnh viện Đa Khoa Phương Đông đã triển khai việc sử dụng kỹ thuật siêu âm Doppler tĩnh mạch chi dưới để khám và chẩn đoán bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Phương pháp này đã giúp xác định mức độ bệnh suy tĩnh mạch chi dưới và cho phép các bác sỹ chuyên khoa tư vấn và điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Điều này mang lại sự rõ ràng và chính xác hơn trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới cho các bệnh nhân.