Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai là tình trạng khá phổ biến với nhiều mẹ bầu. Tình trạng này có thể ảnh hưởng nhiều quá trình đi lại, sinh hoạt của mẹ bầu. Vậy nguyên nhân vì sao dẫn đến suy giãn tĩnh mạch? Có phương pháp điều trị hiệu quả hay không? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu qua bài viết sau.
Tại sao mẹ bầu bị suy giãn tĩnh mạch khi mang thai?
Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai là tình trạng xuất hiện các mạch máu sưng, nổi lên gồ ghề, có thể nhìn thấy trên da những đường mạch máu màu xanh, tím ngoằn ngoèo, thường xuất hiện nhiều ở vùng bắp chân.
Ngoài tình trạng dưới bề mặt da nổi gồ, chứng suy giãn tĩnh mạch còn khiến mẹ bầu có những triệu chứng như đau nhức chân, cảm giác nặng nề ở chân, gây khó chịu khi sinh hoạt và đi lại, có thể khiến mẹ bầu mất ngủ.
Một số nguyên nhân có thể gây ra chứng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai, bao gồm:
- Thay đổi nội tiết tố: Khi mang thai, hormone sinh dục nữ progesterone tăng mạnh có thể khiến tĩnh mạch bị giãn và sưng lên.
- Lưu lượng máu thay đổi: Mang thai khiến lương lượng máu trong cơ thể tăng lên để mẹ đủ để nuôi dưỡng thai nhi, vì vậy tạo áp lực cho các tĩnh mạch ở dưới chân.
- Thai nhi phát triển gây chèn ép: Bào thai khi phát triển, kích thước tăng lên làm chèn ép các tĩnh mạch (đặc biệt là tĩnh mạch chủ dưới), làm giảm lượng lưu thông máu và gây suy giãn tĩnh mạch.
- Di truyền hoặc đã bị suy giãn tĩnh mạch từ lần mang thai trước: Nếu gia đình có tiền sử bị suy giãn tĩnh mạch hoặc lần mang thai trước bị suy giãn tĩnh mạch thì khả năng cao mắc bệnh và có tiến triển nặng hơn.
- Một số nguyên nhân khác: Mang đa thai, mẹ bầu thừa cân béo phì, đứng lâu thường xuyên, đi nhiều sẽ tạo áp lực ở tĩnh mạch chi dưới và gây suy giãn tĩnh mạch khi mang thai.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu
Những dấu hiệu bị suy giãn tĩnh mạch khi mang thai
Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai ngoài những triệu chứng đặc trưng như xuất hiện những mạch máu sưng lên và nổi dưới bề mặt da. Có thể quan sát dễ dàng bằng mắt thường, vị trí thường gặp là ở mặt trong và mặt sau của bắp chân.
Ngoài biểu hiện nổi lên các mạch máu, phụ nữ mang thai có thể đi kèm với các triệu chứng như:
- Phù chân: Thai phụ bị sưng phù vùng cổ chân, thậm chí là cả chân trong những tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, triệu chứng này không hoàn toàn do suy giãn tĩnh mạch gây ra, có thể là do tăng huyết áp thai kỳ, tiểu đạm,...
- Giãn tĩnh mạch chân: Tĩnh mạch giãn mạng lưới thường gặp ở những tháng đầu tiên của thai kỳ, có khoảng 70% phụ nữ mắc ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất và tăng dần ở thời điểm gần sinh. Tĩnh mạch mạng nhện có thể xảy ra trong suốt thai kỳ, có thể tự phát, nông giãn tồn tại trong suốt thai kỳ và biến mất sau sinh.
Bên cạnh đó, thai phụ có thể gặp các triệu chứng ở chân như đau nhức, tê mỏi, chuột rút, có cảm giác châm chích khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều, một số trường hợp bị ngứa chân. Những triệu chứng này sẽ giảm khi mẹ bầu đi lại, đi tất áp lực hoặc nghỉ ngơi kê chân cao.
Hiện tượng các mạch máu sưng và nổi gồ dưới bề mặt da là triệu chứng điển hình
Xem thêm:
Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai có nguy hiểm không?
Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mẹ bầu, dù không có bằng chứng bệnh làm ảnh hưởng đến thai nhi. Trong một số trường hợp, có thể gặp biến chứng vỡ tĩnh mạch gây chảy máu hoặc huyết khối tĩnh mạch, hội chứng hậu huyết khối. Tuy nhiên, các biến chứng này thường khá hiếm gặp.
Hội chứng hậu huyết khối thường phát triển ở tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba, ở một vài trường hợp thai phụ có huyết khối tĩnh mạch sâu trong suốt thai kỳ.
Ngoài ra, một trong những biến chứng của bệnh có thể là thuyên tắc phổi, gây đột tử ở phụ nữ mang thai. Các cục máu đông có thể di chuyển từ chân lên phổi làm tắc động mạch phổi.
Phương pháp điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu
ThS.BS Đoàn Dư Mạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Đột quỵ Quốc tế Phương Đông chia sẻ, điều trị suy giãn tĩnh mạch khi mang thai giúp mẹ bầu cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm tình trạng đau nhức và khó chịu do giãn tĩnh mạch gây ra. Tuy nhiên, phần lớn mẹ bầu sẽ tự khỏi sau sinh khoảng 6-7 tháng mà không can thiệp điều trị.
Phương pháp chữa trị bệnh suy giãn tĩnh ở bà bầu chủ yếu là phương pháp điều trị bảo tồn, bao gồm: Sử dụng tất y khoa, thay đổi thói quen sống, tập luyện thể dục thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe, vật lý trị liệu phù hợp.
Một số thuốc có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai nhưng cần được bác sĩ chuyên khoa tư vấn. Nếu tình trạng suy giãn tĩnh mạch không tự khỏi sau sinh, mẹ bầu cần thăm khám lại với bác sĩ và can thiệp điều trị. Liệu pháp laser là phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch hiện đại, đảm bảo đem lại hiệu quả cao.
![Thăm khám suy giãn tĩnh mạch với bác sĩ chuyên khoa tại BVĐK Phương Đông](https://benhvienphuongdong.vn/public/uploads/2024/thang-12/suy-gian-tinh-mach-khi-mang-thai/suy-gian-tinh-mach-khi-mang-thai-3.jpg)
Thăm khám suy giãn tĩnh mạch với bác sĩ chuyên khoa tại BVĐK Phương Đông
Nếu mẹ bầu đang gặp suy giãn tĩnh mạch có thể liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 1900 1806 hoặc cung cấp thông tin tại . Nhân viên bệnh viện sẽ nhanh chóng tư vấn giúp mẹ bầu có thể thăm khám và can thiệp điều trị hiệu quả với chuyên gia.
Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch cho mẹ bầu
Để ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch khi mang thai, mẹ cần cải thiện lưu thông máu, như:
- Đi lại nhẹ nhàng thường xuyên, tránh ngồi hoặc đứng trong thời gian dài.
- Nang chân lên nhiều lần trong ngày.
- Nên nằm ngủ nghiêng về phía bên trái.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, cân bằng để đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cả thai nhi và thai phụ, tránh nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý khi mang thai, hạn chế tăng cân quá nhanh.
Mẹ bầu nên đi lại nhẹ nhàng thường xuyên để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh
Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai là tình trạng khá phổ biến ở nhiều mẹ bầu. Khi mắc bệnh, mẹ bầu sẽ xuất hiện những triệu chứng khó chịu, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, phần lớn mẹ bầu sau sinh sẽ cải thiện tình trạng bệnh mà không cần can thiệp điều trị.
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh suy giãn tĩnh mạch khi mang thai. Mẹ bầu khi mắc bệnh không nên quá chủ quan mà cần can thiệp điều trị bảo tồn, giúp bệnh hạn chế biến chứng.