Tăng huyết áp cấp cứu: Nguyên nhân, cách xử trí và phương pháp điều trị

Thu Hiền

11-02-2024

goole news
16

Tăng huyết áp cấp cứu là một thể lâm sàng của tăng huyết áp, bên cạnh tăng huyết áp khẩn cấp. Người bị tăng huyết áp cấp cứu dễ gặp những tổn thương nghiêm trọng, có thể chỉ sống được khoảng 10,4 tháng nếu không được điều trị kịp thời.

Cơn tăng huyết áp cấp cứu là gì?

Tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng huyết áp tăng cao nghiêm trọng, chỉ số huyết áp tâm thu > 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương > 120 mmHg. Kèm theo đó là những tổn thương cơ quan đích mới xuất hiện, tiến triển nhanh hoặc diễn biến nặng hơn, đòi hỏi kiểm soát trong 1 - 2 giờ.

Tăng huyết áp cấp cứu thường đi kèm với tổn thương cơ quan đíchTăng huyết áp cấp cứu thường đi kèm với tổn thương cơ quan đích

Một số bệnh cảnh lâm sàng điển hình của tăng huyết áp cấp cứu như:

  • Cơn tăng huyết áp ác tính khiến chỉ số huyết áp tăng rất cao, HATTr từ 120 - 130 mmHg trở lên, đi kèm với tổn thương đáy mắt, suy thận cấp tiến triển, rối loạn đông máu, bệnh cảnh não do tăng huyết áp, suy tim cấp.
  • Tăng huyết áp nặng có thể đi kèm với các bệnh phức tạp như phình bóc tách động mạch chủ, nhồi máu cơ tim cấp, phù phổi cấp, xuất huyết não.
  • Tăng huyết áp do u tuyến thượng thận, cường catecholamine do tổn thương cơ quan khác đi kèm.
  • Tăng huyết áp cấp cứu trong bệnh cảnh tiền sản giật, sản giật.

Tăng huyết áp khẩn cấp là gì?

Tăng huyết áp khẩn cấp hay tăng huyết áp khẩn trương là tình trạng huyết áp tăng cao, chỉ số huyết áp tâm thu > 180 mmHg và huyết áp tâm trương > 120 mmHg. Tuy nhiên, tăng huyết áp khẩn cấp không có bằng chứng tổn thương cơ quan đích.

Cơn tăng huyết áp khẩn trương thường xảy ra ở:

  • Bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát hoặc tăng huyết áp thứ phát nặng chưa có biến chứng.
  • Bệnh nhân sau phẫu thuật.
  • Bệnh nhân tăng huyết áp với tình trạng chảy máu cam nặng.
  • Bệnh nhân đột ngột ngưng thuốc điều trị huyết áp, không tuân thủ phác đồ điều trị.
  • Bệnh nhân lo lắng, hốt hoảng hoặc sử dụng một số loại thuốc gây tăng huyết áp.

Phác đồ điều trị tăng huyết áp khẩn cấp phổ biến là dùng thuốc uống, hạ huyết áp từ từ trong 1 - 2 ngày. Người bệnh không thể hạ huyết áp đột ngột, vì có thể làm giảm tưới máu, gây tổn thương cơ quan đích như thiếu máu não, thiếu máu cục bộ cơ tim.

Tùy tình trạng mà sẽ xử trí tăng huyết áp khẩn cấp bằng thuốc, một số loại có thể dùng như Captopril, Labetalol TRANDATE viên 200mg, Furosemid Lasix viên 40mg, Propranolol Inderal viên 40mg, Amlodipine, Nicardipine.

Tránh dùng Nifedipine ngậm dưới lưỡi khi xử trí cấp cứu tăng huyết áp (THA), đặc biệt với bệnh nhân bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não vì có thể gây tác dụng phụ về tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Những nguyên nhân gây ra tăng huyết áp cấp cứu

Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp cấp cứu đều có tiền sử tăng huyết áp, những bệnh nhân này không tuân thủ phác đồ điều trị như quên uống thuốc, ngưng dùng thuốc đột ngột, tự ý thay đổi thuốc,... Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như:

  • Bệnh nhân tổn thương thần kinh trung ương, từng gặp chấn thương đầu hoặc u não.
  • Bệnh nhân có bệnh lý về thận, mạch máu thận đi kèm như hẹp động mạch thận, viêm cầu thận, suy thận.
  • Bệnh nhân mắc các rối loạn nội tiết như hội chứng cushing, cường giáp, u tủy thượng thận, cường aldosteron,...
  • Bệnh nhân bị phình bóc tách động mạch chủ, hở van động mạch chủ.
  • Phụ nữ mang thai bị tiền sản giật hoặc sản giật.
  • Sử dụng một số thuốc làm tăng huyết áp cấp cứu như steroid, cyclosporin, pseudoephedrin, thuốc chống trầm cảm.
  • Bệnh nhân uống nhiều loại thuốc khiến xuất hiện tình trạng tương tác thuốc.

Tăng huyết áp cấp cứu ở người có tiền sử tăng huyết áp, quên uống thuốcTăng huyết áp cấp cứu ở người có tiền sử tăng huyết áp, quên uống thuốc

Ngoài ra, hút thuốc lá, uống rượu bia, béo phì, gia đình có tiền sử tăng huyết áp, lười vận động, chế độ ăn uống thiếu khoa học là những yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp cấp cứu.

Làm cách nào để chẩn đoán tăng huyết áp cấp cứu?

Hiện nay có hai phương pháp dùng để chẩn đoán tình trạng tăng huyết áp cấp cứu, bao gồm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Chi tiết như sau:

  • Với phương pháp khám lâm sàng, bác sĩ sẽ khai thác quá trình khởi phát bệnh, tiền sử nội khoa như tăng huyết áp, bệnh tim, bệnh thần kinh trung ương, bệnh thận mà bệnh nhân đã hoặc đang mắc. Tiếp đến kiểm tra dấu hiệu tổn thương cơ quan đích thông qua đo huyết áp 2 tay, khám tim, khám phổi, soi đáy mắt và tìm dấu hiệu thần kinh.
  • Với phương pháp cận lâm sàng, người bệnh có thể được thực hiện các xét nghiệm như công thức máu, sinh hóa máu, điện giải đồ, tổng phân tích nước tiểu, chụp CT, chụp MRI, chụp X-quang hoặc xét nghiệm men tim.

Cần làm gì khi gặp cơn tăng huyết áp cấp cứu?

Khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng khó thở, đau ngực, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau bụng dữ dội, mờ mắt đột ngột, liệt nửa người, co giật, yếu chi, lơ mơ hoặc lú lẫn, kèm theo HATT > 180 mmHg và HATTr > 120 mmHg cần được xử trí kịp thời, tránh tổn thương gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cần di chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thờiCần di chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời

Người thân trong gia đình bệnh nhân gặp cơn tăng huyết áp cấp cứu cần:

  • Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị tích cực.
  • Liên tục theo dõi huyết áp động mạch.
  • Xác định yếu tố làm tăng huyết áp cấp cứu như sử dụng thuốc kích thích, đau, lo lắng,...
  • Sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch, không gây nhịp nhanh, ít tác dụng phụ như nicardipine, nitroglycerine, sodium nitroprusside, labetalol, hydralazine,...

Tăng huyết áp cấp cứu cần được hạ áp đúng cách và đúng tình trạng, việc sử dụng thuốc cần được thực hiện, chỉ định bởi bác sĩ chuyên môn nhằm phòng tránh các biến chứng nặng và đảm bảo thuốc phát huy hết công dụng.

Điều trị tăng huyết áp cấp cứu

Huyết áp trên 220/120 mmg, xuất hiện dấu hiệu thần kinh hay tổn thương cơ quan đích như bệnh đáy mắt do tăng huyết áp độ 3 - 4, phù phổi, suy thận, tăng catecholamin,... thì được chẩn đoán là THA cấp cứu. Điều trị tăng huyết áp cấp cứu bằng thuốc tĩnh mạch, theo dõi sát sao tại ICU và bổ sung thuốc uống sau.

Bảng điều trị THA cấp cứu bằng các thuốc truyền đường tĩnh mạch:

Thuốc

Liều

Thời gian tác dụng

Tác dụng phụ

Chỉ định

Furosemide LASIX ống 20mg

- 20 - 40 mg trong 1 - 2 phút.

- Lặp lại với liều cao nếu có dấu hiệu suy tim, suy thận

1 - 5 phút

- Giảm thể tích.

- Hạ kali máu

Suy tim, suy thận, quá tải thể tích

Nitroprusside

0,25 - 10µg/kg/phút

Ngay lập tức hoặc sau 2 - 3 phút

Buồn nôn, nôn, lâu dài gây ngộ độc cyanide, metHb

Hở van động mạch chủ, hở van 2 lá, phẫu thuật tim

Nitroglycerin

5 - 100µg/phút

2 - 5 phút hoặc 5 - 10 phút

Nhức đầu, đỏ mặt, nhịp tim nhanh, metHb

Nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực.

Nicardipin

- TM 10mg/10 phút

- Duy trì 0.5 - 2mg/giờ

1 - 5 phút hoặc 15 - 30 phút, nếu truyền dài có thể lên đến 12 giờ.

Nhịp tim nhanh, nôn ói, nhức đầu, tăng áp lực nội sọ.

Bệnh não do tăng huyết áp.

Labetalol TRANDATE ống 10mg/20ml

- Bolus TM 20 - 80 mg hoặc 1mg/kg mỗi 5 - 10 phút (tối đa 300mg)

- Duy trì 0,5 - 2mg/phút trong 8 - 12 tiếng.

5 - 10 phút hoặc 2 - 6 giờ.

Co thắt phế quản, block tim, suy tim, tụt huyết áp tư thế.

- Bệnh não do tăng huyết áp.

- Tai biến mạch máu não.

Verapamine ISOPTIN ống 5mg/2ml

- TM 5 - 10mg

- Duy trì truyền tĩnh mạch 25mg/giờ

1 - 5 phút hoặc 30 - 60 phút.

Nhịp chậm, block tim, đặc biệt khi dùng chung với ức chế beta.

Nhịp tim nhanh hoặc thiếu máu cơ tim.

*Lưu ý: Việc sử dụng thuốc tĩnh mạch trong điều trị tăng huyết áp cấp cứu cần được thực hiện tại cơ sở y tế, bởi nhân viên y tế có chuyên môn và chỉ định sử dụng của bác sĩ sau thăm khám lâm sàng. Thông tin thuốc và liều lượng nêu trên chỉ mang tính tham khảo.

Phần lớn các trường hợp tăng huyết áp cấp cứu không cần hạ áp ngay lập tức, có thể hạ theo nguyên tắc:

  • 1 giờ đầu tiên: Hạ 20 - 25%.
  • 2 - 6 giờ tiếp theo: Hạ xuống mức 160/100 mmHg.
  • Tiếp tục hạ xuống mức bình thường trong 24 - 48 giờ, với điều kiện tình trạng bệnh nhân ổn định.

Một số trường hợp cần hạ huyết áp ngay như bệnh nhân bóc tách động mạch chủ (hạ HATT < 120 mmHg trong giờ đầu tiên), tiền sản giật, sản giật, tăng huyết áp do u tủy thượng thận (hạ HATT < 140 mmHg trong giờ đầu tiên).

Kết luận

Kết luận lại, tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng tăng huyết áp có kèm theo tổn thương cơ quan đích, mới xuất hiện hoặc tiến triển nặng hơn. Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, thăm khám đều đặn nhằm phòng tránh các biến chứng đe dọa đến tính mạng.

Nếu có các thắc mắc nào khác thì đừng ngần ngại để lại thông tin tại phần Đặt lịch khám hoặc bấm máy gọi tới Hotline 1900 1806 của Bệnh viện đa khoa Phương Đông để được hỗ trợ kịp thời.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

217

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám