Thai nhi 36 tuần phát triển ra sao? Mẹ cần lưu ý gì?

Nguyễn Mai Phương

04-01-2021

goole news
16

Hiểu rõ về quá trình phát triển của thai nhi 36 tuần sẽ giúp mẹ bầu chăm sóc bản thân mình và em bé tốt hơn và chuẩn bị sẵn sàng để chào đón thành viên mới. Hãy cùng tìm hiểu những thay đổi của cơ thể mẹ và bé giai đoạn 36 tuần trong bài viết dưới đây.

Thai nhi 36 tuần phát triển thế nào?

Về cân nặng

Thai nhi 36 tuần có kích cỡ tương đương một quả dưa, chiều dài từ đầu tới gót chân khoảng 47-52cm, cân nặng trung bình từ 2,6 đến 2,8kg. Với kích thước này, cơ thể bé đã chiếm hầu hết khoảng trống trong buồng ối và không còn đủ không gian để chuyển động nhiều. Thai nhi ít đạp hơn trước tuy nhiên mẹ vẫn có thể cảm thấy con đang động đậy trong bụng.

Về vị trí

Thai nhi dần di chuyển xuống vùng chậu của mẹ. Từ giai đoạn này trở đi, các mẹ cần đi khám sản khoa ít nhất 1 lần/tuần.

Thai nhi 36 tuần di chuyển dần xuống vùng chậu của mẹ bầu

Thai nhi 36 tuần di chuyển dần xuống vùng chậu của mẹ bầu

Xương và da

Phần má của bé đã hình thành lớp mỡ và cơ, cơ miệng phát triển. Xương của bé cứng dần, tuy nhiên phần xương sọ vẫn mềm và uyển chuyển giúp đầu bé dễ lọt khi sinh. Da bé không còn nhăn như các tuần trước mà trở nên hồng hào, căng hơn.

Hệ tiêu hóa

Thời điểm thai nhi 36 tuần, nhiều cơ quan, bộ phận, chức năng của cơ thể bé đã khá hoàn thiện và sẵn sàng cho cuộc sống ngoài bụng mẹ như hệ miễn dịch, hệ tuần hoàn. Tuy nhiên một số bộ phận khác vẫn cần thêm thời gian mới trưởng thành hoàn toàn. Trong đó, hệ tiêu hóa tuy đã hình thành nhưng chưa hoạt động. Nguyên nhân bởi trong bụng mẹ, thai nhi nhận chất dinh dưỡng chủ yếu thông qua dây rốn. Sau từ 1 đến 2 năm đầu đời, bé có thể thực hiện chức năng tiêu hóa bình thường.

Cơ thể mẹ bầu 36 tuần thay đổi thế nào?

Sa bụng bầu

Em bé bắt đầu di chuyển xuống phần khung xương chậu của mẹ. Quá trình này gọi là sa bụng bầu, thường xảy ra khoảng vài tuần trước sinh nếu là con so. Việc này có thể khiến cho việc đi lại, sinh hoạt của mẹ khó khăn hơn.

Do lúc này dạ dày bị tử cung chèn ép, mẹ bầu có thể ăn nhanh no hơn trước. Bởi vậy, thay vì ăn 3 bữa chính hàng ngày, mẹ có thể chia thành 5-6 bữa nhỏ. 

Đi tiểu nhiều hơn

Do bé di chuyển xuống ở tuần 36 nên bụng dưới của mẹ sẽ bị tăng đáng kể áp lực, đặc biệt là ở bàng quang khiến mẹ bầu đi tiểu nhiều hơn. Đồng thời mẹ có thể cảm thấy khó chịu ở vùng chậu hay âm đạo.

Bà bầu 36 tuần thường đi tiểu nhiều hơn

Bà bầu 36 tuần thường đi tiểu nhiều hơn

Cân nặng của mẹ bầu

Với hầu hết mẹ bầu, từ tuần 36 trở đi, cơ thể sẽ không còn tăng cân. Việc giữ nguyên hoặc giảm trọng lượng giai đoạn này là dấu hiệu cho thấy cơ thể mẹ sẵn sàng cho việc sinh nở. 

Phù nề

Tuần thai thứ 36, mẹ bầu có thể sưng phù ở một số nơi như bàn chân, mắt cá, mặt, bàn tay... bởi đây là giai đoạn cơ thể tăng cường dự trữ chất lỏng. 

Mẹ bầu 36 tuần cần lưu ý gì?

Chẳng bao lâu nữa em bé sẽ đủ tháng đủ ngày và các mẹ cũng chuẩn bị tới ngày sinh nở. Bởi vậy, bên cạnh việc trang bị kiến thức về sự phát triển của thai nhi 36 tuần, mẹ bầu cũng cần lưu ý một số điều sau:

Thường xuyên theo dõi chuyển động của thai nhi lẫn thân nhiệt, nhịp tim, huyết áp, dịch nhầy của cơ thể. Nếu thấy thai nhi kém hoạt động một cách bất thường hoặc mẹ bị rỉ ối, ra máu âm đạo hay gặp triệu chứng đau đầu, đau bụng, hoa mắt... không rõ nguyên nhân, phải đi khám bác sĩ để được theo dõi, kiểm tra kịp thời.

Nếu cơ thể xuất hiện biểu hiện bất thường, mẹ bầu cần đi khám ngay

Nếu cơ thể xuất hiện biểu hiện bất thường, mẹ bầu cần đi khám ngay

Bổ sung nhiều thực phẩm giàu protein, acid béo omega-3, vitamin B6 trong chế độ ăn hàng ngày. Đây là những chất dinh dưỡng rất tốt cho sự phát triển trí não và hệ thần kinh của bé, đặc biệt trong ba tháng cuối thai kỳ. Thai phụ có thể bổ sung vitamin B6 qua các loại thực phẩm như chuối, bơ, khoai tây, cà chua, thịt nạc, các loại cá béo như cá hồi, trứng, quả hạch...

Ăn ngủ đúng giờ giấc, tránh thức khuya. Thời điểm này mẹ cần để cơ thể thư giãn tối đa, tránh xa stress và căng thẳng.

Chuẩn bị giỏ đồ đi sinh đầy đủ vật dụng cho mẹ và bé cùng những giấy tờ cần thiết đề phòng trường hợp sinh sớm, chuyển dạ bất ngờ. 

Đặc biệt ở giai đoạn này, các cơn “chuyển dạ giả” sẽ xảy ra thường xuyên hơn và tăng mức độ. Bởi vậy các mẹ cần học cách theo dõi cơn co thắt để phân biệt được đâu là chuyển dạ thật và giả để sẵn sàng cho chuyến vượt cạn. 

Hy vọng những thông tin hữu ích về thai nhi 36 tuần trên đây sẽ giúp các ông bố bà mẹ chủ động hơn và sẵn sàng đón thành viên mới. Để được tư vấn thêm hoặc đặt lịch khám thai với bác sĩ chuyên khoa, các mẹ vui lòng liên hệ 19001806.

Xem thêm: 

>> Ngôi thai đầu là gì? Dấu hiệu ngôi thai thuận

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,480

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám