Thiếu máu cơ tim, một căn bệnh thường được cho là chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, nhưng hiện nay đang trở nên phổ biến hơn ở người trẻ tuổi. Đây là tình trạng thiếu oxy ở cơ tim do mạch máu cung cấp không đủ máu, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vậy, nguyên nhân do đâu mà thiếu máu cơ tim lại có xu hướng gia tăng ở người trẻ? Hãy cùng tìm hiểu các yếu tố nguy cơ cũng như biện pháp phòng ngừa để bảo vệ trái tim của bạn trong bài viết dưới đây.
Thực trạng thiếu máu cơ tim ở người trẻ hiện nay
Thiếu máu cơ tim là hiện tượng giảm lưu lượng máu dẫn đến cơ tim do sự tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ các nhánh của động mạch tim (hay còn gọi là động mạch vành) dẫn đến việc cơ tim không thể duy trì hoạt động co bóp và đẩy máu qua cơ thể khi không nhận đủ lượng oxy cần thiết.
Tình trạng người trẻ mắc bệnh thiếu máu cơ tim hiện nay có dấu hiệu ngày càng tăng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 17,9 triệu người trên toàn cầu tử vong vì các bệnh liên quan tới tim mạch mỗi năm, chiếm khoảng 31%. Trong đó bệnh thiếu máu cơ tim chiếm tỷ lệ cao nhất.
Trước đây, thiếu máu cơ tim thường xảy ra chủ yếu ở những người trung niên và cao tuổi. Nhưng hiện nay độ tuổi mắc bệnh được đánh giá có xu hướng ngày càng trẻ hoá dưới 40 tuổi, tình trạng bệnh cũng có những chuyển biến xấu hơn, thậm chí phải nhập viện vì nhồi máu cơ tim cấp tính.
Mức độ nguy hiểm của bệnh thiếu máu cơ tim đối với người trẻ
So với người lớn tuổi, các triệu chứng thiếu máu cơ tim ở người trẻ thường không điển hình mà chúng có những diễn biến âm thầm, khó nhận biết. Thông thường, các dấu hiệu như đau thắt ngực, khó thở hoặc mệt mỏi có thể bị nhầm lẫn với căng thẳng, mệt mỏi do công việc hoặc sinh hoạt. Bên cạnh đó, việc thiếu máu cơ tim còn có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim đột ngột, một biến cố nguy hiểm đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nguyên nhân gây ra thiếu máu cơ tim ở người trẻ
Đối với người lớn tuổi, nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim xuất phát từ các mảng xơ vữa mạch vành hình thành và tiến triển trong thời gian dài. Ngoài ra bệnh có thể bắt nguồn từ co thắt mạch vành, bệnh cầu cơ mạch vành,...
Đối với người trẻ, nguyên nhân gây nên bệnh thiếu máu cơ tim có thể đến từ các yếu tố như:
Gen di truyền
Theo các chuyên gia tim mạch, một số bệnh lý về tim mạch là tiền đề di truyền dẫn đến bệnh thiếu máu cơ tim ở người trẻ tuổi. Các bệnh bao gồm: Bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim áp, bệnh cao huyết áp,...
Đây không phải là yếu tố duy nhất gây nên bệnh. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng và lối sống của người bệnh cũng đóng vai trò trong việc phát triển bệnh.
Lối sống không lành mạnh
Người trẻ duy trì lối sống không lành mạnh là nguyên nhân gây nên bệnh thiếu máu cơ tim
- Lạm dụng chất kích thích, đồ uống có cồn: Bắt nguồn từ thói quen hút thuốc, sử dụng bia, rượu, cà phê hay nước có gas nhiều khiến cho người trẻ dễ mắc bệnh tim mạch, trong đó bao gồm thiếu máu cơ tim. Đặc biệt, nếu cứ tiếp tục duy trì thói quen sống như này trong một thời gian dài, người trẻ có thể sẽ gặp tình trạng xơ vữa động mạch, tăng nồng độ cholesterol trong máu gây ra tổn thương cho nhiều cơ quan khác trong cơ thể vô cùng nghiêm trọng.
- Thừa cân, béo phì: Chế độ ăn uống không lành mạnh, thường xuyên ăn đêm, ít vận động thể dục thể thao là những yếu tố góp phần nên nguy cơ thiếu máu hay nhồi máu cơ tim ở người trẻ. Khi chất béo tích tụ trong cơ thể quá mức cho phép có thể tăng tích tụ cholesterol, gây xơ vữa động mạch, hình thành cục máu đông nguy hiểm.
Tinh thần căng thẳng, stress
Trong thời buổi hiện đại ngày nay, người trẻ phải đối mặt với nhiều vấn đề dễ dẫn đến stress áp lực trong công việc và cuộc sống. Nếu để tình trạng này kéo dài có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, thiếu máu cơ tim,...
Nguyên nhân khác
Theo các thống kê y tế khác nhau, chỉ có khoảng 20% người trẻ mắc bệnh thiếu máu cơ tim không liên quan đến tình trạng xơ vữa động mạch. Các nguyên nhân khác có thể là:
- Xuất hiện các bất thường bẩm sinh ở mạch vành;
- Viêm động mạch vành;
- Rối loạn mô liên kết;
- Chấn thương vùng ngực;
- Hội chứng gây tăng đông máu: Hội chứng thận hư, hội chứng Hughes,...;
- Các bệnh tự miễn.
Dấu hiệu nhận biết tình trạng thiếu máu cơ tim ở người trẻ
Các dấu hiệu thiếu máu cơ tim ở người trẻ không có nhiều điểm khác biệt so với người già. Tuy nhiên, khi bệnh có diễn biến ngày một phức tạp hơn thì dưới đây sẽ là những triệu chứng có thể nhận thấy được:
- Rối loạn nhịp tim;
- Mệt mỏi, uể oải, luôn trong trạng thái buồn ngủ;
- Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng;
- Buồn nôn;
- Khó thở khi vận động, nằm ngửa hoặc leo cầu thang;
- Đau thắt ngực;
- Da tái nhợt, kém sắc;
- Đổ mồ hôi lạnh.
Nhận thấy những dấu hiệu bất thường, người bệnh cần phải bình tĩnh để liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng những loại thuốc khi chưa có chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
Chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim ở người trẻ
Dựa vào tình trạng thực của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các chẩn đoán chính xác về bệnh. Trong hầu hết trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các phương pháp kiểm tra sau đây:
Dựa vào tình hình bệnh của bệnh nhân bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán phù hợp
- Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Đánh giá những biến đổi trên biểu đồ điện tim cũng chưa chẩn đoán chính xác về rối loạn nhịp tim có thể xảy ra.
- Điện tâm đồ gắng sức: Phương pháp để thăm dò nhưng không xâm nhập, nhằm chẩn đoán về khả năng mắc bệnh của những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ.
- Xét nghiệm sinh hoá máu: Kiểm tra nồng độ đường trong máu khi đói, kiểm tra men gan, mức cholesterol, creatinin trong máu;
- Chụp cắt lớp vi tính (MSCT): Cho phép xác định vôi hóa mạch vành và hiển thị hình ảnh bên trong mạch vành khi đang sử dụng thuốc cản quang. Thông thường, hình thức chụp cắt lớp vi tính sẽ được chỉ định cho nhóm bệnh nhân có khả năng mắc bệnh ở mức độ trung bình.
- Siêu âm Doppler tim: Xác định các bất thường vận động của khu vực có thể bị tắc nghẽn ở mạch vành, chỉ số EF (phân suất tống máu) từ thất trái sẽ có thể đánh giá được mức độ nguy cơ và kiểm tra chức năng tâm trương thất trái.
- Troponin (dấu ấn sinh học): Giúp bác sĩ chuyên khoa phân biệt được hội chứng mạch vành cấp và các bệnh tim mạch khác.
Xem thêm:
Cách điều trị bệnh thiếu máu cơ tim ở người trẻ
Tuỳ thuộc vào mức độ nặng - nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là 3 phương pháp điều trị chính, bao gồm:
Thực hiện phẫu thuật can thiệp mạch vành
Nếu sau một quá trình dài sử dụng thuốc không mang lại kết quả tốt cho bệnh nhân thì trong trường hợp này bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật can thiệp mạch vành.
- Đặt stent mạch vành: Bác sĩ sẽ sử dụng một ống thông mỏng để đưa vào vị trí bị thu hẹp ở động mạch của bệnh nhân. Sau đó, sử dụng một sợi dây và quả bóng nhỏ bơm căng để mở rộng vùng thu hẹp. Cuối cùng, bác sĩ đặt stent vào bên trong để giữ cho động mạch được mở rộng.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Đây là một phẫu thuật tim hở. Bằng cách sử dụng một đoạn mạch từ một phần khác của cơ thể để tạo ra một cành ghép để giúp cho máu có thể dễ dàng lưu thông qua động mạch vành bị tắc nghẽn.
Điều trị bằng thuốc
Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định sử dụng trong quá trình điều trị thiếu máu cơ tim ở người trẻ bao gồm:
- Ranolazine (Ranexa);
- Nhóm chẹn beta;
- Nhóm nitrat;
- Nhóm chẹn kênh canxi;
- Nhóm ức chế men chuyển angiotensin (ACEi);
- Aspirin.
Người bệnh cần lưu ý chỉ được sử dụng các loại thuốc đã bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không mua, tự ý hay ngưng sử dụng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống lành mạnh càng sớm, cơ hội phục hồi càng lớn
Mặc dù việc thay đổi lối sống không phải là một điều dễ dàng, nhưng chưa bao giờ là quá trễ. Việc xây dựng một lối sống lành mạnh có thể góp một phần đáng kể để đẩy nhanh quá trình khôi phục bệnh. Một số lời khuyên mà bác sĩ chuyên khoa tim mạch dành cho bệnh nhân thiếu máu cơ tim:
- Không hút thuốc lá;
- Không sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn như bia, rượu, caffeine, đồ có gas,...
- Nghỉ ngơi đủ giấc, điều độ;
- Ăn uống đủ chất, đúng giờ. Hạn chế tình trạng ăn đêm;
- Thường xuyên tập thể dục thể thao. Bạn có thể tham khảo những bài tập nhẹ nhàng như yoga, thiền, đạp xe, đi bộ,...vừa giúp cho cơ thể được khỏe mạnh vừa mang lại một tinh thần thoải mái, dễ chịu.
- Duy trì cân nặng lý tưởng. Nếu bạn đang trong tình trạng thừa cân, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được đưa ra hướng dẫn giảm cân khoa học và an toàn.
- Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để có thể sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim nên ăn gì?
Bệnh nhân thiếu máu cơ tim nên tập trung vào chế độ ăn uống lành mạnh nhằm duy trì lưu lượng máu đến tim và giảm thiểu nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Dưới đây là một số nhóm thực phẩm cần thiết cho người bệnh thiếu máu cơ tim:
Lựa chọn thực phẩm chất lượng, bổ sung đủ dưỡng chất cần thiết giúp hạn chế tình trạng tắc nghẽn động mạch vành
- Thực phẩm giàu axit béo omega-3: Cá hồi, cá thu, cá mò, hạt lanh, hạt chia, hạt óc chó,...giúp giảm viêm, cải thiện sức khỏe mạch máu và giảm mức cholesterol xấu (LDL).
- Rau xanh và các loại củ quả: Rau cải xoăn, bông cải xanh, củ cải trắng,...cung cấp chất chống oxy hóa, vitamin K và nitrat giúp giảm huyết áp và cải thiện lưu thông máu.
- Trái cây giàu vitamin và chất xơ: Cam, chanh, bưởi, táo, chuối,...Các loại trái cây họ cam chanh chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ tích tụ mảng xơ vữa động mạch.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Yến mạch, lúa mạch và gạo lứt, hạnh nhân, óc chó, hạt hướng dương,...cung cấp chất xơ hòa tan, giảm nguy cơ bệnh mạch vành.
- Dầu thực vật tốt cho tim mạch: Dầu ô liu, dầu canola chứa chất béo không bão hòa đơn, là lựa chọn thay thế tốt cho mỡ động vật hoặc dầu dừa.
- Trà xanh: Giàu polyphenol có lợi cho sức khỏe tim, giúp ngăn ngừa tình trạng oxy hóa và viêm trong cơ thể.
- Củ nghệ và gừng: Có khả năng chống viêm và cải thiện tuần hoàn máu, giúp bảo vệ thành mạch và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
Khách hàng cần hỗ trợ có thể liên hệ với Phương Đông qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được thăm khám kịp thời.
Kết luận
Thiếu máu cơ tim ở người trẻ là một vấn đề sức khỏe cần được chú ý, bởi nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Để trái tim luôn khỏe mạnh, hãy tạo cho mình một lối sống khoa học, từ bỏ các thói quen xấu và thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Điều này không chỉ giúp bảo vệ tim mạch mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn.