Thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không? Một số lưu ý quan trọng

Trần Hồng Nụ

21-11-2024

goole news
16

Thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không? Đây là căn bệnh thực sự nguy hiểm mà bạn phải phòng tránh và điều trị kịp thời. Bài viết này sẽ nêu ra những biến chứng nguy hại có thể xảy ra với bệnh nhân thiếu máu cơ tim và một số lưu ý quan trọng cho bạn.

Thiếu máu cơ tim là gì?

Thiếu máu cơ tim là tình trạng giảm lưu lượng máu đến cơ tim, điều này đã khiến tim không có đủ năng lượng để co bóp tuần hoàn máu. Nguyên nhân chính gây ra bệnh lý này là do lòng mạch vành dẫn máu bị chặn bởi các mảng xơ vữa động mạch, khiến máu khó lưu thông hơn.

Trong trường hợp các mảng xơ vữa này bị vỡ ra, tích tụ với các tế bào máu và hình thành các cục máu đông sẽ vô cùng nguy hiểm. Hệ quả của tình trạng này là tắc nghẽn mạch vành, biến chứng thành nhồi máu cơ tim.

thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không
Thiếu máu cơ tim hình thành do các mảng xơ vữa động mạch

Thiếu máu cơ tim có triệu chứng điển hình là xuất hiện các cơn đau thắt, khó chịu tại vùng ngực trái. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp, bệnh lý này không không có biểu hiện ra bên ngoài. Đây là trường hợp khó phát hiện bệnh nên cũng nguy hiểm hơn.

Những dấu hiệu nhận biết bệnh thiếu máu cơ tim

Một trong những dấu hiệu phổ biến của bệnh nhất là đau thắt ngực, nhất là ở vùng ngực trái. Bên cạnh đó, có một số trường hợp người bệnh không có dấu hiệu hay triệu chứng nào của bệnh (tình trạng này còn được gọi là thiếu máu cơ tim yên lặng). 

Một số triệu chứng thường gặp 

Người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng sau: 

  • Nhịp tim nhanh
  • Khi hoạt động thể chất cảm thấy khó thở
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau cổ hoặc hàm
  • Đau vai hoặc cánh tay
  • Đổ mồ hôi
  • Cảm thấy mệt mỏi

Các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh

Một số trường hợp nếu không được cấp cứu kịp thời có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy, khi xuất hiện các dấu hiệu sau cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời: 

  • Đau ngực dữ dội hoặc đau ngực kéo dài
  • Da sần sùi 
  • Buồn nôn và nôn
  • Thở nhanh, gấp 
  • Đau vai hoặc đau cánh tay

Nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu cơ tim

Thiếu máu cơ tim thường xảy ra khi lượng máu trong tim chảy qua một hoặc nhiều động mạch vành trong cơ tim bị giảm hoặc bị cản trở. Sự giảm lưu lượng máu đến cơ tim là nguyên nhân chính khiến oxy cung cấp cho cơ tim bị giảm đi. 

Thông thường, thiếu máu cục bộ ở cơ tim phát triển chậm theo thời gian do sự tích tụ dần của các mảng xơ vữa động mạch vành. Tuy nhiên, có thể động mạch vành bị tắc đột ngột do cục máu đông trong thời gian ngắn. 

Do thiếu máu cục bộ cơ tim

  • Xơ vữa động mạch vành: Mảng xơ được hình thành từ cholesterol tích tụ trên động mạch, gây ra sự cản trở cho dòng máu. Đây là nguyên nhân phổ biến gây bệnh thiếu máu cơ tim. 
  • Các cục máu đông: Mảng xơ vữa có thể vỡ thành cục máu đông. Các cục máu đông này lưu thông trong hệ thống mạch máu và có thể tắc nghẽn khi di chuyển qua các vùng hẹp. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu máu đột ngột và khởi phát nhồi máu cơ tim. 
  • Co thắt động mạch vành: Sự co thắt tạm thời của các cơ mạch vành làm suy giảm lưu lượng máu, chúng có thể ngăn chặn dòng máu di chuyển đến cơ tim. Mặc dù vậy, co thắt động mạch vành không phải là nguyên nhân phổ biến gây ra thiếu máu cục bộ cơ tim. 

Các tác nhân gây khởi phát cơn đau thắt ngực

Với người bệnh thiếu máu cục bộ tại cơ tim, có một số yếu tố gây ra sự xuất hiện của đau thắt ngực: 

  • Hoạt động thể lực quá mức. 
  • Căng thẳng, stress kéo dài. 
  • Tiếp xúc với nhiệt độ thấp. 
  • Sử dụng cocain. 

Căng thẳng, stress kéo dài có thể gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộCăng thẳng, stress kéo dài có thể gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim bao gồm: 

  • Sử dụng thuốc lá: Đây là nguyên nhân chính gây xơ cứng thành động mạch vành. Ngoài ra, hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông. 
  • Bệnh tiểu đường: Nguy cơ thiếu máu cục bộ cơ tim và tiểu đường có liên quan mật thiết với nhau. Người bệnh tim mạch mắc tiểu đường có khả năng gặp tình trạng nhồi máu cơ tim và những bệnh tim khác. 
  • Tăng huyết áp: Đây là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch và tổn thương cho động mạch vành. 
  • Nồng độ cholesterol và triglycerid tăng cao trong máu làm hình thành các mảng xơ động mạch. Nồng độ cholesterol xấu - LDL có thể do di truyền hoặc do chế độ dinh dưỡng có chứa nhiều chất béo bão hòa. 
  • Thừa cân, béo phì: Những người này thường có các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, tăng huyết áp, nồng độ cholesterol tăng trong máu. 
  • Ít vận động: Ít hoạt động thể chất và không tập thể dục thường xuyên có thể làm tăng khả năng mắc bệnh. 

Xem thêm:

Bệnh thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không?

Thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không? Bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có thể thể gây ra nhiều biến chứng nguy hại.

Ảnh hướng của thiếu máu cơ tim tới cuộc sống người bệnh

Thiếu máu cơ tim tác động trực tiếp tới cuộc sống của người bệnh. Không chỉ gây khó chịu, bệnh lý này còn tốn kém khá nhiều chi phí điều trị và cũng gây tâm lý hoang mang cho người bệnh.

Ảnh hưởng của bệnh tới cuộc sống người bệnh nhiều hay ít phụ thuộc vào việc thể bệnh. Cụ thể:

  • Thể nhồi máu cơ tim không đau ngực

Thể nhồi máu cơ tim không đau ngực là thể bệnh tiến triển thầm lặng. Những đối tượng thường mắc phải là bệnh nhân đái tháo đường, người cao tuổi có tiền sử mắc bệnh tim mạch.

Những người bị nhồi máu cơ tim không đau ngực hoàn toàn không có bất cứ triệu chứng nào điển hình cho thấy trái tim không khỏe, thậm chí là cảm giác khó chịu ở ngực. Bệnh lý này chỉ được phát hiện khi người bệnh tới bệnh viện và đo điện tâm đồ.

Đa số người mắc bệnh không đau ngực đều rất chủ quan và không quan tâm tới việc điều trị. Vì vậy, họ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nguy hiểm chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, tử vong đột ngột.

  • Thể thiếu máu cơ tim có đau ngực

Với những người bệnh thể này, cơn đau thắt ở vùng ngực trái trước tim sẽ thường xuyên xảy ra. Lúc này, họ sẽ có cảm giác như trái tim bị bị đè ép. Tiếp đó, cơn đau có thể lan nhanh đến cổ, hàm, vai trái và cuối cùng là cánh tay trái. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy hồi hộp lo âu, thở hụt hơi, khó thở, vã mồ hôi nhiều, nôn, đánh trống ngực, buồn nôn hoặc choáng váng…

thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không

Người bị thiếu máu cơ tim thường xuất hiện các cơn đau thắt ngực

Chu kỳ các cơn đau thắt lồng ngực do bệnh rất đa dạng. Nó có thể xuất hiện vài tuần, thậm chí vài tháng một lần. Tuy nhiên, nếu bệnh đã tiến triển nặng thì thường phải đối mặt với cảm giác này vài lần mỗi ngày.

Thời gian đau thắt ngực thường chỉ kéo dài vài giây hoặc vài phút nhưng không quá 5 phút. Trong trường hợp cơn đau kéo dài tới 15 - 20 phút, thì bạn phải nhập viện ngay lập tức vì đây chính là triệu chứng điển hình của biến chứng nhồi máu cơ tim.

Tình trạng đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim thường xuất hiện do người bệnh cố gắng sức, xúc động mạnh hoặc khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột.. Các cơn đau này thường sẽ thuyên giảm đáng kể khi bạn nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc giãn mạch vành.

Trường hợp các cơn đau thắt ngực xuất hiện ngay cả khi bạn nghỉ ngơi và không chịu áp lực tâm lý nào, thì đây là tình trạng nguy hiểm. Phần lớn các cơn nhồi máu cơ tim cấp đều xuất phát từ các cơn đau thắt ngực như thế này.

Biến chứng của bệnh thiếu máu cơ tim

Bệnh thiếu máu cơ tim không chỉ là tác nhân gây ra các cơn đau thắt ngực, tác động xấu tới chất lượng sống của người bệnh mà còn có thể đẩy họ vào những trường hợp nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạnh. Suy tim, rối loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim là những biến chứng thường gặp của bệnh lý này.

  • Suy tim: Bệnh có thể làm tổn hại đến chức năng của cơ tim. Từ đó, khả năng bơm máu đến các cơ quan trong cơ thể của bộ phận này cũng kém hiệu quả. Tình trạng này diễn ra lâu ngày khiến tim dần suy yếu, không thể đảm nhiệm tốt chức năng bơm máu với các triệu chứng là khó thở, đau thắt ngực, mệt mỏi, ho, phù chi.
  • Rối loạn nhịp tim: Bệnh nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến hệ thống điện tim, khiến tim đập loạn nhịp. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy tim, đe dọa tính mạng người bệnh.
  • Nhồi máu cơ tim: Đây là biến chứng nặng nề nhất của bệnh thiếu máu cơ tim. Hiện tượng này xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn cục bộ, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn máu và oxy để nuôi dưỡng tim, từ đó một phần cơ tim sẽ bị hoại tử. Người bị nhồi máu cơ tim có thể hồi phục được hay không tùy vào mức độ tổn thương của cơ tim, thậm chí có thể bị tử vong nhanh chóng nếu trong trường hợp khẩn cấp mà không được cấp cứu kịp thời.

thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không
Thiếu máu cơ tim có thể gây rối loạn nhịp tim

Từ những thông tin trên có thể thấy, lời giải đáp cho câu hỏi bệnh thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không là có. Khi có dấu hiệu mắc bệnh lý này, bạn cần đến cơ sở y tế ngay để thăm khám và điều trị kịp thời.

Phương pháp chẩn đoán thiếu máu cơ tim

Dựa vào các triệu chứng sẽ không thể đánh giá chính xác mức độ nặng nhẹ của bệnh, đặc biệt là trường hợp thiếu máu cơ tim yên lặng. Vì vậy, để chẩn đoán chính xác, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện một số phương pháp sau: 

  • Xét nghiệm sinh hóa máu: Quá trình chuyển hóa của người bệnh mắc thiếu máu cơ tim thường rối loạn. Chính vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm: Nồng độ đường trong máu khi đói, mức cholesterol, men gan và creatinin trong máu. 
  • Điện tâm đồ: Giúp bác sĩ đánh giá được sự thay đổi của biểu đồ điện tim, đồng thời chẩn đoán các rối loạn tim có thể gặp. 
  • Điện tâm đồ gắng sức: Là phương pháp thăm dò không xâm lấn, giúp chẩn đoán về khả năng mắc bệnh mạch vành của bệnh nhân có nguy cơ. 
  • Chụp cắt lớp vi tính (MSCT): Xác định vôi hóa mạch vành và hiển thị hình ảnh trong mạch vành khi sử dụng thuốc cản quang. Thông thường, MSCT được chỉ định cho nhóm bệnh nhân có khả năng mắc bệnh ở mức trung bình.  
  • Chụp động mạch vành: Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán thiếu máu cơ tim cục bộ, giúp xác định vị trí và mức độ của hẹp mạch vành. 
  • Troponin (dấu ấn sinh học): Giúp bác sĩ phân biệt giữa mạch vành cấp và các bệnh tim mạch khác. 
  • Siêu âm Doppler tim: Xác định các bất thường của vùng có thể bị tắc nghẽn, chỉ số phân suất tống máu từ thất trái sẽ đánh giá mức độ nguy cơ và kiểm tra chức năng tâm trương thất trái. 

Chụp động mạch vành là phương pháp chẩn đoán bệnh điển hìnhChụp động mạch vành là phương pháp chẩn đoán bệnh điển hình

Phương pháp điều trị bệnh thiếu máu cơ tim

Bệnh thiếu máu cơ tim có chữa khỏi được không? Bệnh này có thể chữa khỏi, tuy nhiên nhanh hay chậm, khó hay dễ lại phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Sau khi thăm khám kỹ càng, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị thiếu máu cơ tim như sau:

Điều trị bằng thuốc

Người bị thiếu máu cơ tim thường được chỉ định sử dụng nhóm thuốc Nitrat và Betaloc. Hai loại thuốc này đều có tác dụng giãn mạch, giảm thiểu sự tiêu thụ oxy của cơ tim và ngăn ngừa hình thành các cơn đau thắt ngực.

Khi sử dụng thuốc chữa bệnh, bạn cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ dẫn của bác sĩ về gian và liều lượng uống. Tuyệt đối không được lạm dụng hoặc tự ý ngừng thuốc đột ngột. Bởi điều này có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn, thậm chí gây đột tử. Nếu thực sự cần thiết phải ngưng thuốc thì bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn giảm liều từ từ, sau đó mới ngừng hẳn.

Nong mạch và đặt stent để chữa thiếu máu cơ tim

Nong mạch vành và đặt stent mạch vành là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn. Chúng thường được áp dụng cho những bệnh nhân tắc hẹp mạch vành nặng hoặc các mảng xơ vữa trong lòng mạch mềm, dễ vỡ.

Với kỹ thuật này, một ống thông dài và mỏng sẽ được bác sĩ luồn qua động mạch cánh tay hoặc bẹn để chui được vào phần hẹp của động mạch vành. tiếp đó, một quả bóng nhỏ sẽ được gắn ở đầu ống thông sau đó bơm hơi căng để nới rộng lòng động mạch. Cuối cùng là thao tác đặt ống lưới thép (stent) để cố định chắc chắn lòng mạch.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Trong trường hợp xấu nhất, người bị bệnh sẽ phải thực hiện Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Đó là khi phương pháp đặt ống stent không thể áp dụng hoặc người bệnh không đáp ứng với thuốc điều trị khiến bệnh trở nặng.

thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không
Hình ảnh trước và sau khi phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Với phương pháp bắc cầu động mạch vành, bác sĩ sẽ lấy một mạch máu khỏe mạnh của người bệnh ở vị trí đùi, cánh tay hoặc bụng… Mục đích là sử dụng mạch máu này để làm cầu nối trong tim, thay thế phần động mạch vành đã bị tắc nghẽn. Khi hoàn thành xong phẫu thuật, lưu lượng máu qua tim sẽ được cải thiện đáng kể và bệnh nhân cũng tránh được biến chứng nhồi máu cơ tim.

Một số lưu ý dành cho người bị thiếu máu cơ tim

Để kiểm soát tốt tình trạng thiếu máu cơ tim, thuyên giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng thì bạn cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề sau:

  • Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn chung cho những người mắc bệnh lý tim mạch là tăng cường chất xơ, giảm chất béo xấu, hạn chế dung nạp muối và đường.
  • Vận động khoa học: Các bác sĩ luôn nguyên người bị thieus máu cơ tim tập luyện thể dục, thể thao hàng ngày. Tuy nhiên, hãy ưu tiên các bộ môn nhẹ nhàng, ít tốn sức, chẳng hạn như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga…
  • Từ bỏ thói quen xấu: Tất cả những người mắc bệnh tim mạch đều cần bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia. Bệnh cạnh đó cà phê cũng là loại đồ uống không tốt cho sức khỏe mà bạn cần tránh.
  • Kiểm soát tốt tâm lý: Giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, áp lực hay xúc động thái quá.
  • Tới bệnh viện theo dõi bệnh định kỳ: Những người mắc bệnh cần tái khám để theo dõi tình trạng bệnh định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Điều này sẽ giúp bạn xác định chính xác xem các biện pháp điều trị bệnh mà mình đang áp dụng có thực sự hiệu quả không.

Thiếu máu cơ tim là một bệnh lý về tim mạch khá nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, việc phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời là điều quan trọng. Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh cần xây dựng chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học, lành mạnh. 

Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh thiếu máu cơ tim. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào liên quan đến bệnh lý này, bạn hãy liên hệ 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được tư vấn thêm.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
2,387

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám