Thoát vị đĩa đệm đốt sống L4 - L5 đứng thứ 2 trong số các vị trí thường bị thoát vị, chỉ đứng ngay sau thoát vị đĩa đệm L5 -S1. Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng không chỉ xảy ra ở người cao tuổi, mà còn xảy ra ở những người trẻ do thường xuyên ngồi lâu và sai tư thế. Vì vậy, việc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng thường gặp của bệnh sẽ giúp ta chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như người thân.
Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là hiện tượng thường xảy ra ở phái nam nhiều hơn, trong khoảng độ tuổi 35 đến 50. Đa số là những người có tính chất nghề nghiệp như ngồi nhiều và sai tư thế, phải mang vác nặng thường xuyên, sinh hoạt sai tư thế,... Bệnh lý này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn theo tuổi tác vì sự thoái hóa chung của cả cơ thể.
Khi mắc phải bệnh thoát vị đĩa đệm, cột sống thắt lưng sẽ không còn có thể nâng đỡ, giảm xóc phần trên cơ thể, cơ thể không thể di chuyển theo mọi hướng ta muốn do rò rỉ một số chất bên trong, rách hoặc đứt vòng sợi, thoát vị,...
Một số vị trí đĩa đệm dễ bị thoát vị nhất chính là đốt sống L4 - L5 và L5 - S1, lý do là bởi vì hai vị trí này có tính chất là bản lề của cột sống lưng.
Hình ảnh thoát vị đĩa đệm ở vị trí đốt sống L4 - L5 và L5 - S1
Nguyên nhân phổ biến gây ra thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Do chấn thương
Gặp phải các chấn thương như ngã hoặc tai nạn giao thông như tai nạn xe hơi, xe máy,... có thể gây áp lực lớn lên phần đĩa đệm ở lưng và làm nó bị trượt ra khỏi vị trí ban đầu.
Tuổi già
Đây chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh lý này. Những người thuộc nhóm độ tuổi lao động từ 35 đến 50 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh. Đồng thời bệnh này cũng ít gây ra triệu chứng ở những người sau 80 tuổi.
Cân nặng
Việc có một thân hình ngoại cỡ, cân nặng vượt tiêu chuẩn có thể làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh liên quan đến đĩa đệm lưng. Ngoài ra, yếu tố này còn làm tăng khả năng tái phát gấp 12 lần, sau một cuộc giải phẫu cắt bỏ vi mô. Các chuyên gia cho rằng những người béo phì dễ bị thoát vị là do cột sống thắt lưng phải chịu đựng áp lực quá lớn bởi phải gánh thêm một khối lượng đáng kể.
Làm việc quá sức hoặc duy trì tư thế ngồi sai quá lâu
Những người là nhân viên văn phòng phải ngồi lâu hoặc thậm chí ngồi sai tư thế có nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng do gây áp lực lên cột sống. Bên cạnh đó, những người phải mang vác nhiều vật nặng và trong khoảng thời gian dài sẽ làm bệnh phát triển hơn. Bởi vì các động tác như đẩy, kéo hoặc vác một cách đột ngột sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên cột sống và gây ra các cơn đau thoát vị đĩa đệm.
Mắc phải một số bệnh lý
Các bệnh lý bẩm sinh liên quan đến cơ xương khớp cũng là nguyên do gây ra thoát vị đĩa đệm cột sống như viêm xương khớp, cột sống bị gù, vẹo cột sống, lệch đốt sống lưng, gai cột sống (gai đôi S1),...
Yếu tố di truyền
Một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm. Vì vậy, nếu có người thân trong gia đình bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể là một nguyên do giúp ta dự báo về khả năng mắc bệnh lý này trong tương lai.
Lối sống không lành mạnh
Việc thường xuyên hút thuốc lá có thể sẽ khiến cho tốc độ thoái hóa của đĩa đệm tăng lên và làm cản trở quá trình tự chữa lành tổn thương của cơ thể, đồng thời còn gây hạn chế việc lưu thông máu đến phần đĩa đệm cuộc sống, bởi vì trong thuốc lá có chất Nicotine. Yếu tố này sẽ làm cho đĩa đệm dễ bị thoái hóa hơn, nứt hoặc rách vòng xơ đĩa đệm dẫn đến thoát vị.
Duy trì tư thế ngồi sai trong lúc làm việc sẽ làm tăng khả năng bị thoát vị đĩa đệm
Các mức độ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?
Tùy theo tình trạng bệnh, dấu hiệu và các yếu tố tác động mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chia bệnh thành 4 mức độ bao gồm:
- Mức độ 1: nhân nhầy bên trong đã bị biến dạng khá nhiều khiến đĩa đệm bị phình và lồi ra, nhưng các lớp của bao xơ chưa bị nứt nên chưa có dấu hiệu rõ ràng. Vì vậy, người bệnh dễ bị nhầm lẫn thoát vị đĩa đệm cột sống lưng với các bệnh lý khác nên không quan tâm.
- Mức độ 2: mặc dù nhân nhầy vẫn còn nằm trong bao xơ nhưng các vùng bao bọc ở bên ngoài bắt đầu bị suy yếu và chèn ép lên dây thần kinh. Người bệnh bắt đầu bị đau và những cơn đau này rõ hơn cấp độ 1.
- Mức độ 3: đĩa đệm bắt đầu bị thoát vị, phần nhân nhầy bên trong đã thoát ra khỏi bao xơ (bao xơ bị rách). Chính vì vậy, phần nhân nhầy thoát ra đó đã đè lên dây thần kinh, bệnh nhân sẽ cảm thấy rất đau, nhất là khu vực cột sống đang bị tổn thương.
- Mức độ 4: tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn. Vì vậy, nếu không có sự can thiệp và chữa trị kịp thời, vị trí bị thoát vị sẽ ngày càng lan rộng hơn, kèm theo là các mảnh rời. Ở mức độ này, bệnh nhân sẽ rất đau đớn và thậm chí bị liệt nửa người.
Triệu chứng thường thấy của bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Giai đoạn 1: Giai đoạn ban đầu
Các triệu chứng bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống lưng ở giai đoạn 1 chưa biểu hiện rõ ràng. Lúc này, người bệnh có thể sẽ cảm thấy vùng thắt lưng bị đau và tê cứng nhẹ, cơn đau có thể tăng lên nếu vận động mạnh.
Giai đoạn 2: Bao xơ bị rách và phần nhân nhầy bị thoát ra ngoài
Giai đoạn 2 này, bệnh nhân sẽ nhận thấy cơn đau rõ rệt hơn vì bị lồi đĩa đệm hoặc các vòng sợi ra sau, được gọi là phồng đĩa đệm. Cơn đau có thể tái phát lại nhiều lần, nhất là lúc làm việc quá sức.
Giai đoạn 3: Rễ và các dây thần kinh bị chèn ép
Ở giai cuối này, phần nhân nhầy đã thoát ra khỏi vị trí ban đầu của nó và tạo ra áp lực, gây chèn ép lên các rễ thần kinh, cơn đau xuất hiện nhiều hơn ngay cả khi đang ngồi. Mức độ cơn đau sẽ tăng lên nếu đang di chuyển hoặc vận động, cơn đau này sẽ lan dần xuống các bộ phận khác của cơ thể như đùi và chân.. Nếu bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh sẽ mất kiểm soát việc tiểu tiện.
Ngoài ra, còn có một số triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống khác nhưng gặp khá it như mất ngủ, mệt mỏi, suy giảm chức năng tình dục,...
Phương pháp chẩn đoán và điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Một số phương pháp chẩn đoán bệnh
Việc khám lâm sàng rất quan trọng vì nó sẽ giúp bác sĩ đánh giá và nhận xét tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Đối với phương pháp này, bác sĩ sẽ yêu cầu và quan sát người bệnh uốn và duỗi:
- Kiểm tra dáng đi
- Kiểm tra phạm vi chuyển động
- Kiểm tra thần kinh: để chẩn đoán bệnh nhân có gặp vấn đề liên quan đến thân kinh hay không, bác sĩ sẽ tìm những dấu hiệu mất cảm giác, ví dụ như chân, bàn chân bị tê và yếu. Người bệnh sẽ được yêu cầu di chuyển và kiễng chân để kiểm tra tình trạng thả chân, trong đó các cơ được dùng để gập ngón chân và mắt cá chân sẽ được chú ý có bị yếu hay không.
- Kiểm tra các dấu hiệu quan trọng: nếu huyết áp hoặc nhịp tim tăng thì có thể là dấu hiệu của cơn đau, nhiệt độ cơ thể tăng cao thì có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
- Khám cột sống ở vùng thắt lưng: nếu người bệnh bị viêm cột sống ở thắt lưng, vùng da tương ứng sẽ có các dấu hiệu bất thường và nhạy cảm mỗi khi chạm vào.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu làm một số xét nghiệm và chẩn đoán bằng hình ảnh thông qua các phương pháp điển hình dưới đây:
- Chụp X-quang: phương pháp này được sử dụng để loại trừ các tình trạng khác như xương có dấu hiệu bất thường, gãy xương, khối u, nhiễm trùng hoặc các vấn đề khác liên quan đến sự liên kết của cột sống. Bệnh nhân sẽ được chụp trong hai tư thế là thẳng và nghiêng để thấy được tam chứng Barr bao gồm giảm ưỡn cột sống ở phim nghiêng, lệch vẹo cột sống trên phim thẳng và giảm chiều cao gian đốt sống.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): phương pháp chỉ được sử dụng khi bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị thoát vị đĩa đệm nhưng không thể chụp MRI được (vì có dị vật kim khí trong cơ thể,...).
- Điện cơ (EMG): được áp dụng để nghiên cứu quá trình phản ứng điện của cơ và dây thần kinh, có thể giúp bác sĩ xác định được những tổn thương do chèn ép hoặc thần kinh cục bộ.
- CT tủy đồ: bệnh nhân sẽ được chụp cắt lớp vi tính bằng cách sử dụng thuốc cản quang trong dịch tủy sống để xác định vị trí và kích thước của thoát vị.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): đây là một trong những phương pháp cung cấp những hình ảnh đánh giá chính xác nhất về cột sống ở thắt lưng, có thể xác định được vị trí của thoát vị và dây thần kinh bị tổn thương. Đa số việc chụp MRI được chỉ định để hỗ trợ cho việc xây dựng kế hoạch giải phẫu.
Một số cách điều trị thoát vị đĩa đệm
Tùy thuộc vào mức độ của bệnh lý mà bác sĩ sẽ có các giải pháp điều trị cụ thể:
- Giải pháp châm cứu.
- Sử dụng thuốc giảm đau theo sự chỉ định của bác sĩ.
- Áp dụng phương pháp vật lý trị liệu kết hợp với massage.
- Chữa bệnh bằng cách đeo đai cột sống thắt lưng.
- Chườm lạnh hoặc nóng lên vùng đang bị thoát vị để giúp giảm cơn đau.
- Tiêm phía bên ngoài màng cứng.
Một số phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm L5 - S1 và L4 - L5 được sử dụng nhiều nhất nếu bệnh đã trở nên nghiêm trọng hơn:
- Giải phẫu đốt sống thắt lưng: hợp nhất đốt sống bằng vật liệu mảnh ghép xương và sử dụng đinh, vít hoặc nẹp để cố định xương.
- Phẫu thuật thông qua vết mổ nhỏ trên da với sự hỗ trợ của kính hiển vi.
- Thay thế đĩa đệm đã bị tổn thương bằng đĩa đệm nhân tạo.
- Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ phần đĩa đệm đang gây chèn ép lên rễ thần kinh.
Sử dụng giải pháp châm cứu để chữa thoát vị đĩa đệm
Biến chứng nguy hiểm của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng sẽ làm cho khớp xương của vùng cột sống người bệnh bị lệch ra ngoài so với vị trí ban đầu, dẫn đến sự chèn ép lên các dây thần kinh ở phần thắt lưng, từ đó bị rối loạn cơ tròn và gặp phải tình trạng đại tiểu tiện không tự chủ được.
Phòng tránh thoát bị đĩa đệm lưng như thế nào?
Một số cách phòng tránh bệnh
Lý do phổ biến gây ra thoát vị đĩa đệm lưng là bị chấn thương và thoái hóa. Ngoại trừ các chấn thương bất ngờ thì bệnh nhân có thể phòng tránh thông qua các cách sau:
- Hạn chế dùng đồ uống có cồn, thuốc lá và các chất kích thích.
- Xây dựng chế độ ăn uống điều độ và lạnh mạnh.
- Giữ cân nặng không vượt quá mức tiêu chuẩn.
- Thường xuyên vận động, tập thể dục phù hợp với cơ thể.
- Duy trì đúng tư thế trong lúc đang lao động và sinh hoạt hàng ngày.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc theo yêu cầu của bác sĩ.
Hãy kiểm soát cân nặng tốt để tránh gây chèn ép lên cột sống lưng
Cách chăm sóc người bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Một số cách chăm sóc bệnh nhân
Đối với những bệnh nhân bị thoái hóa cột sống đĩa đệm vùng thắt lưng, người chăm sóc cần phải chú ý những việc sau:
- Trang bị cho bản thân một số kiến thức cần thiết để giúp xoa bóp, tập vật lý trị liệu, giảm đau và tăng cường sự lưu thông máu để giúp cơ bắp thư giãn hơn, đồng thời kích thích sản sinh chất nhờn ở các phần mô sụn.
- Hỗ trợ bệnh nhân vận động từ từ, nhẹ nhàng, tránh sự thay đổi tư thế đột ngột và không nên để bệnh nhân nằm ở những nơi có bề mặt không phẳng như võng, sofa,...
- Xây dựng chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng với nhiều vitamin D, canxi, Omega-3, protein và chất xơ để thúc đẩy sự phát triển, tăng trưởng và sửa chữa các tổn thương ở sụn, mô mềm,...
- Nếu chăm sóc bệnh nhân sau khi phẫu thuật, người chăm sóc cần nghiêm túc tuân theo lời dặn của bác sĩ như hỗ trợ di chuyển để người bệnh tránh cúi xuống, nghiêng người, vặn thắt lưng và cung cấp thực phẩm thích hợp.
- Tập các bài tập thoát vị đĩa đệm theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Xây dựng chế độ ăn hợp lý giúp người bệnh cải thiện tình trạng bệnh
Kết luận
Mong rằng những thông tin được chia sẻ ở phía trên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống vùng thắt lưng. Bị thoát vị đĩa đệm có thể do nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau. Chính vì vậy, nếu nhận thấy bản thân đang có những dấu hiệu thoát vị đĩa đệm trên hãy nên đến bệnh viện ngay để được thăm khám, chẩn đoán một cách chính xác và có giải pháp điều trị phù hợp để tránh những biến chứng nguy hiểm về sau gây tác động tới sức khỏe.
Bạn có thể tham khảo Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được tư vấn nhiệt tình vàđược điều trị tốt nhất tại địa chỉ 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội hoặc gọi theo số tổng đài sau để được tư vấn 1900 1806.