Trẻ ăn dặm bị táo bón phải làm sao? Cách khắc phục tình trạng táo bón ở trẻ

Nguyễn Thu Hà

03-03-2021

goole news
16

Bước vào giai đoạn ăn dặm là khi hệ tiêu hóa của trẻ phải làm quen với các loại thức ăn đặc, cứng hơn ngoài sữa mẹ (hoặc sữa công thức) nên rất dễ gặp tình trạng táo bón. Trẻ ăn dặm bị táo bón không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm lý mà còn khiến phụ huynh lo lắng, căng thẳng.  

Hiện tượng táo bón ở trẻ mới ăn dặm 

Đầu tiên, bố mẹ cần xác định rõ thế nào là táo bón ở trẻ? Đó là hiện tượng trẻ đại tiện khó khăn, mất nhiều sức lực. Lúc này, tính chất phân rất cứng, khô khiến trẻ cảm thấy đau trong quá trình đi ngoài, thậm chí thậm chí hậu môn còn bị tổn thương, chảy máu. Tình trạng táo bón kéo dài dẫn tới trẻ dễ bị són phân.

Mỗi lần đi tiêu là nỗi ám ảnh với trẻ bị táo bón.

Mỗi lần đi tiêu là nỗi ám ảnh với trẻ bị táo bón.

Một số dấu hiệu khác để xác định trẻ bị táo bón gồm: 

- Có dưới 3 lần đi đại tiện trọn vẹn trong tuần.

- Phân cứng, phân dê hoặc phân rất to.  

- Trẻ tỏ ra khó chịu, căng thẳng khi đi ngoài.

- Trẻ thường xuyên có hành vi rặn và nín giữ phân. 

- Đã từng bị táo bón trước đây.

- Có nứt hậu môn.

- Tiền sử bị đau hoặc chảy máu khi đi ngoài.  

Nguyên nhân vì sao trẻ ăn dặm bị táo bón 

Hệ tiêu hóa của trẻ không kịp thích nghi với chế độ ăn mới 

Trước thời điểm ăn dặm, hầu hết trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn và đây chính là loại thức ăn vô cùng dễ tiêu hóa với trẻ. Nhưng bắt đầu ăn dặm đồng nghĩa với việc hệ tiêu hóa của trẻ phải đối mặt với sự thay đổi bất ngờ về chế độ ăn uống. Đồ ăn dặm không chỉ đặc hơn mà còn nhiều chất hơn khiến hệ tiêu hóa phải hoạt động quá mức, dẫn tới những trở ngại về tiêu hóa, điển hình là táo bón. Bên cạnh đó, mới ăn dặm trẻ còn có thể bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy,...

Chuyển từ chỉ bú sữa sang các loại thức ăn đặc nên hệ tiêu hóa của trẻ cần có thời gian thích nghi.

Chuyển từ chỉ bú sữa sang các loại thức ăn đặc nên hệ tiêu hóa của trẻ cần có thời gian thích nghi.

Chế độ ăn uống 

Trong giai đoạn ăn dặm, chế độ ăn uống có ảnh hưởng không nhỏ tới hệ tiêu hóa của trẻ. Một chế độ ăn uống không đầy đủ dưỡng chất, quá nhiều chất này và thiếu chất kia là nguyên nhân dẫn tới tình trạng táo bón ở trẻ. Ví dụ, thực đơn hàng ngày mẹ cho bé ăn quá nhiều tinh bột, chất đạm, chất béo nhưng lại ít chất xơ. Hoặc bé uống thêm sữa công thức do mẹ pha không đúng tỷ lệ, cố tình tăng số thìa sữa so với lượng nước; trẻ ăn nhiều phô mai, váng sữa; trẻ uống quá ít nước,... cũng làm tăng nguy cơ táo bón khi ăn dặm. Bởi vậy khi con chuẩn bị tới giai đoạn ăn dặm, mẹ nên tìm hiểu các thông tin cần thiết, xây dựng thực đơn với lượng thức ăn theo từng nhóm phù hợp độ tuổi của trẻ, không ép trẻ ăn nhiều, cho trẻ ăn theo nguyên tắc từ lỏng mềm đến đặc, từ ngọt đến mặn, tăng cường rau xanh, trái cây.  

Trẻ ít vận động 

Ở những em bé lười vận động, không chịu chơi thì nguy cơ táo bón cao hơn bình thường bởi sự thụ động này khiến đường ruột của trẻ làm việc kém hiệu quả. Trẻ có ít hoạt động, thụ động... cũng sẽ khiến ruột làm việc kém hiệu quả, do đó gây ra chứng táo bón. Thường trẻ sẽ đi nặng khoảng 2 lần mỗi ngày. Nếu như điều này bỗng không duy trì thì khả năng cao trẻ đã bị táo bón.  

Một số loại thuốc điều trị trẻ đang dùng có thể là nguyên nhân gây táo bón.

Một số loại thuốc điều trị trẻ đang dùng có thể là nguyên nhân gây táo bón.

Trẻ gặp phải các bệnh lý đường ruột 

Trẻ bắt đầu ăn dặm bị táo bón cũng có thể bắt nguồn từ một bệnh lý nào đó. Tiêu biểu như: 

- Gặp vấn đề về đường tiêu hóa, hậu môn, trực tràng.

- Trẻ bị vấn đề về nội tiết (suy tuyến giáp).

- Trẻ mắc bệnh bại não. 

- Trẻ đang dùng một số loại thuốc điều trị có chứa sắt, codeine. 

7 sai lầm điển hình của cha mẹ khiến trẻ ăn dặm bị táo bón 

Mẹ cho trẻ ăn dặm quá sớm

Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, trẻ em chỉ nên bắt đầu ăn dặm khi đủ 6 tháng tuổi. Nhưng thực tế có rất nhiều mẹ cho con ăn dặm sớm hơn mốc thời gian đó rất nhiều, ngay cả khi trẻ không thích ăn. Khi đó, cơ thể con vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận các thức ăn mới lạ ngoài sữa, hệ tiêu hóa bị quá tải, dễ dẫn tới nhiều hệ lụy như: Táo bón, rối loạn tiêu hóa,...

Nhiều trẻ ăn dặm từ 4 tháng dễ gặp các vấn đề về tiêu hóa, đặc biệt là táo bón hơn.

Nhiều trẻ ăn dặm từ 4 tháng dễ gặp các vấn đề về tiêu hóa, đặc biệt là táo bón hơn.

Ép trẻ ăn quá nhiều

Việc bố mẹ thường xuyên ép con ăn quá nhiều, lâu dần sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị táo bón, kèm theo là tâm lý sợ ăn, biếng ăn. Hãy để trẻ được quyền quyết định lượng ăn, bố mẹ chỉ nên khuyến khích chứ không nên quát mắt, ép trẻ ăn. Nếu muốn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ phát triển tốt nhất, mẹ có thể chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, để hệ tiêu hóa của con không bị quá tải.  

Cho trẻ bú ít khi mới ăn dặm

Các chuyên gia dinh dưỡng đã khẳng định rằng, sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng quý giá mà không một loại thực phẩm nào có thể thay thế với trẻ dưới 1 tuổi. Nhưng nhiều bố mẹ lại cho rằng trẻ ăn dặm đã đủ dưỡng chất và không cần bú nhiều nữa hoặc sợ con bú nhiều sẽ không chịu ăn. Điều này hoàn toàn sai lầm.

Thực đơn ăn dặm cho trẻ dù có phong phú đến mấy thì cũng không thể bổ sung được những dưỡng chất quan trọng chỉ có trong sữa mẹ. Hơn nữa, sữa mẹ không chỉ cung cấp nước cho cơ thể mẹ mà còn có rất nhiều enzym giúp trẻ tiêu hóa thực phẩm dễ dàng hơn. Vì vậy, cho bé bú mẹ ít đi cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón khi ăn dặm.

Pha sữa sai tỷ lệ

Theo mỗi giai đoạn phát triển của trẻ, thực đơn ăn uống cũng sẽ thay đổi trạng thái từ lỏng sang đặc và cứng hơn. Nhưng không vì trẻ lớn hơn thì sữa bột pha cho trẻ phải đặc hơn. Nhiều trường hợp mẹ sợ con bị đói nên tăng thêm lượng sữa bột trong mỗi lần pha hoặc pha nhiều loại cùng một lúc. Dẫn đến, cơ thể trẻ bị quá tải, không thể hấp thu được hết các dưỡng chất trong sữa và gây tiêu chảy hoặc táo bón. 

Không cho trẻ uống nước khi đã ăn dặm

Trong giai đoạn bú mẹ hoàn toàn thì trẻ không cần phải bổ sung thêm nước. Nhưng bước sang giai đoạn ăn dặm, nếu mẹ không bổ sung đủ nước cho trẻ thì rất dễ dẫn tới táo bón. Thiếu nước khiến phân khô và cứng hơn và tình trạng táo bón càng trở nên nghiêm trọng. Đối với trẻ tập ăn dặm bị táo bón thì việc cung cấp đủ nước không chỉ giúp kết cấu phân mềm, trẻ đi vệ sinh dễ dàng mà còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể bé diễn ra thuận lợi hơn.  

Trẻ bắt đầu ăn dặm cần được uống nước đầy đủ hàng ngày.

Trẻ bắt đầu ăn dặm cần được uống nước đầy đủ hàng ngày.

Cho trẻ ăn quá ít hoặc quá nhiều chất xơ

Chất xơ có hai loại là chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chất xơ hòa tan có nhiệm vụ hấp thụ nước, tạo thành một dạng gel trong hệ tiêu hóa khiến bạn cảm thấy no lâu hơn. Trong khi đó, chất xơ không hòa tan đóng vai trò như chất xúc tác để thức ăn dễ dàng đi qua dạ dày, ruột, ngăn ngừa nhiễm khuẩn và cân bằng độ pH. Như vậy, mẹ có thể hiểu vì sao trẻ ăn quá ít hay quá nhiều chất xơ đều có thể gây táo bón rồi chứ. 

Cụ thể, trẻ ăn quá ít chất xơ thì hệ tiêu hóa sẽ không có đủ điều kiện thuận lợi để làm việc. Còn trẻ được cho ăn quá nhiều chất xơ sẽ thường xuyên bị đầy hơi, co thắt bụng, chất gel trong dạ dày làm cản trở quá trình tổng hợp phân và hấp thụ các dưỡng chất khác.

Ít cho trẻ vận động

Như đã nói ở trên, sự lười vận động ở trẻ cũng khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém hơn. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khái niệm vận động cần được hiểu bao gồm các hoạt động tay chân trong nhà và cả các hình thức vận động ngoài trời. Trẻ được vận động thường xuyên sẽ kích thích nhu động ruột làm việc tích cực hơn, hạn chế tình trạng táo bón.  

Trẻ bị táo bón kéo dài có nguy hiểm không? 

Tình trạng táo bón kéo dài không chỉ khiến giai đoạn ăn dặm thêm vất vả mà còn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ.  

- Gây tích tụ độc tố: Việc đi đại tiện mỗi ngày có ý nghĩa giúp cho cơ thể thải độc tố ra bên ngoài. Nhưng trẻ bị táo bón thường khó đi đại tiện hàng ngày làm cho chất độc bị tồn đọng, có thể ảnh hưởng đến các cơ quan bên trong. 

- Đau đớn và sợ hãi mỗi lần đi ngoài: Phân cứng, to khiến cho trẻ thấy rất đau mỗi khi đi đại tiện nên thường nín nhịn ngay khi có nhu cầu. Thói quen nhịn đại tiện lâu dần khiến chứng táo bón nặng hơn.  

- Gây nứt kẽ hậu môn: Chứng táo bón kéo dài sẽ làm nứt kẽ hậu môn do phân quá cứng, lớn hơn độ giãn nở của ống hậu môn. Đây là biến chứng gây đau đớn nhất cho trẻ bị táo bón, thậm chí gây chảy máu hậu môn, có thể dẫn tới thiếu máu. 

- Mắc trĩ nội, trĩ ngoại: Nhiều phụ huynh cứ nghĩ bệnh trĩ chỉ xảy ra ở người lớn, thực tế, nếu trẻ bị táo bón kéo dài cũng có nguy cơ mắc bệnh trĩ do trẻ luôn phải gắng sức rặn khi đại tiện, làm búi trĩ to ra, kèm theo máu trong phân.  

Hình ảnh hậu môn của trẻ táo bón kéo dài nên búi trĩ bị sa ra ngoài.

Hình ảnh hậu môn của trẻ táo bón kéo dài nên búi trĩ bị sa ra ngoài.

- Ảnh hưởng tâm lý: Việc đi ngoài như cực hình khiến trẻ bị ám ảnh, không đi ngoài được gây đầy bụng, bứt rứt, khó chịu dẫn tới tâm lý sợ ăn, biếng ăn. 

Ngoài ra, tình trạng táo bón ở trẻ ăn dặm kéo dài còn gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng tới sự phát triển trong các giai đoạn tiếp theo của trẻ. Ví dụ: Bệnh xuất huyết đại tràng, viêm ống hậu môn trực tràng, rò hậu môn, tắc ruột, tăng nguy cơ viêm ruột thừa, thủng ruột,...

Cha mẹ cần làm gì để khắc phục tình trạng táo bón của trẻ?

Con bị táo bón tất nhiên chẳng có phụ huynh nào không lo lắng, thậm chí tìm đủ mọi cách để cải thiện tình trạng rồi. Vậy cuối cùng, bé ăn dặm bị táo bón phải làm sao? Bố mẹ hãy xem và áp dụng ngay với bé nhà mình nhé. 

Chú ý các loại thức ăn dặm 

Như đã nói ở trên, chế độ ăn uống trong giai đoạn ăn dặm ảnh hưởng không hề nhỏ tới tình trạng táo bón ở trẻ. Vì thế, cùng với việc cho trẻ ăn dặm, người chăm sóc trẻ cũng cần trang bị kiến thức ăn dặm đầy đủ, khoa học. Khi mới ăn dặm hãy ưu tiên chế biến các món dạng lỏng, mềm rồi mới chuyển dần sang thức ăn đặc, cứng hơn; đồng thời, pha sữa theo đúng tỷ lệ (nếu bé uống sữa bột).  

Chế độ ăn giàu chất xơ giúp cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ ăn dặm.

Chế độ ăn giàu chất xơ giúp cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ ăn dặm.

Trong mỗi bữa ăn dặm nên chú ý kết hợp chế biến cùng các loại rau xanh, củ quả nghiền để bổ sung chất xơ đầy đủ cho trẻ. Mới ăn dặm, trẻ chưa cần tiêu thụ nhiều đạm nên mẹ đừng vội cho trẻ ăn quá nhiều loại tôm, thịt, hải sản. Hãy cho con làm quen dần dần từ lượng nhỏ và nghiền nhuyễn. 

Để cải thiện tình trạng táo bón ngay lập tức, mẹ có thể cho con ăn thanh long nghiền, uống nước cam, ăn khoai lang nghiền,...  

Bổ sung nước cho con 

Trẻ bắt đầu ăn dặm, mẹ đồng thời cho con tập uống nước mỗi ngày. Con chưa biết nói nên mẹ cần chủ động hoàn toàn trong việc bổ sung nước cho con. Nước là phần thiết yếu của cơ thể và giúp phân mềm hơn, góp phần cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ.

Khuyến khích con vận động 

Trẻ bị táo bón càng nên vận động nhiều hơn. Người lớn có thể hướng dẫn và chơi cùng con các trò vận động chân tay, nhẹ nhàng. Tất nhiên, việc vận động không khiến con ngay tức thì hết táo bón nhưng về lâu dài chắc chắn nó góp phần thúc đẩy quá trình hoạt động của đường ruột tốt hơn.

Massage vùng bụng cho bé để giảm táo bón 

Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị táo bón, các bài massage vùng bụng hay đạp xe đạp vẫn đem lại những hiệu quả nhất định. Đó cũng là khoảng thời gian giúp con được thư giãn, nên mẹ hãy thường xuyên massage vùng bụng cho trẻ. Cách làm như sau: Mẹ dùng hai tay xoa tản đều từ giữa vùng bụng ra hai bên mép bụng của con theo chiều từ trên ngực xuống dưới. Tiếp theo hãy lần lượt dùng một ngón tay nhẹ nhàng vòng quanh rồi bung toàn bộ lòng bàn tay nhấn nhẹ xuống. Hơi ấm từ đôi bàn tay mẹ sẽ giúp con cảm thấy dễ chịu, kích thích ruột trẻ hoạt động tốt hơn.  

Mát-xa bụng cho trẻ theo các cách này giúp hỗ trợ điều trị táo bón hiệu quả.

Mát-xa bụng cho trẻ theo các cách này giúp hỗ trợ điều trị táo bón hiệu quả.

Cách phòng ngừa bé ăn dặm bị táo bón 

Xây dựng chế độ ăn dặm khoa học cho trẻ 

Ăn dặm là một giai đoạn quan trọng, tạo nền móng cho nhiều mốc phát triển tiếp theo của trẻ. Do đó, bố mẹ không nên nóng vội, chỉ nên cho trẻ bắt đầu ăn dặm khi đủ 6 tháng tuổi. Hãy luôn ghi nhớ rằng ăn dặm nghĩa là các bữa ăn chỉ là dặm thêm để làm quen với thức ăn đặc, còn sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ dưới 1 tuổi.  

Khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, phụ huynh cần chú ý: 

- Lượng ăn lúc bắt đầu của trẻ chỉ khoảng từ 1 đến vài thìa cháo loãng xay mịn; không nên vì thấy con hào hứng mà cho ăn quá nhiều trong 1 lần hay mới ăn dặm đã ăn nhiều bữa 1 ngày. Nên tăng dần số bữa ăn vào các tháng tiếp theo.

- Luôn nghiêm túc trong việc tập cho trẻ ăn rau củ, có thể phối hợp khi nấu cháo, súp,...

- Nhớ cho trẻ uống nước đầy đủ khi ăn dặm. 

- Đặc biệt, để phòng ngừa bé ăn dặm bị táo bón, mẹ nên tìm hiểu và biết cách cân đối khẩu phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, mỗi ngày cho trẻ, tránh để trẻ bị dư thừa chất này hoặc quá thiếu chất kia.   

Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ 

Các thực phẩm giàu chất xơ rất quan trọng trong việc phòng ngừa táo bón cho trẻ ăn dặm. Trong đó, mẹ không nên bỏ qua các loại ngũ cốc, yến mạch, các loại hạt hay các loại quả như chuối, lê, táo,... Không chỉ giúp trẻ hạn chế nguy cơ táo bón, nhóm thực phẩm này rất giàu vitamin dưỡng chất tốt cho sự phát triển của trẻ. Nhưng mẹ cũng không nên lạm dụng nhé bởi việc trẻ thừa chất xơ cũng gây ra tình trạng táo bón mà ít ai biết. 

Giúp trẻ vận động thường xuyên

Trẻ mới ăn dặm có thể chưa biết đi, mẹ hãy đặt con nằm và làm các bài tập chân như con đang đạp xe đạp hoặc đặt đồ chơi ở khoảng cách nhất định để con bò, nhoài lấy. Đây cũng là hình thức vận động giúp quá trình nhu động ruột của con tốt hơn.

Khuyến khích con vận động để quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi, phòng ngừa táo bón.

Khuyến khích con vận động để quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi, phòng ngừa táo bón.

Với trẻ lớn hơn đang tập đi hoặc đi giỏi rồi hãy thử cho con vận động với xe đẩy hoặc đuổi theo trái bóng. Tuy chỉ là vận động đơn giản nhưng ở lứa tuổi của con những vận động này vẫn có tác dụng rất tích cực với hệ tiêu hóa.  

Tóm lại, việc mẹ bình tĩnh và chuẩn bị kiến thức thật vững khi cùng con ăn dặm chính là yếu tố tiên quyết giúp hạn chế nguy cơ táo bón ở trẻ. Trong trường hợp trẻ bị táo bón, mẹ không nên mặc kệ tình trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều khó chịu cho trẻ và những biến chứng đường tiêu hóa nghiêm trọng. Hãy gọi ngay hotline 19001806 để đặt lịch thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nhi giàu kinh nghiệm. Với những tư vấn chính xác từ bác sĩ sẽ giúp bé nhanh chóng nói tạm biệt được với chứng táo bón khi ăn dặm.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,075

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám