Bệnh Kawasaki, một căn bệnh hiếm gặp nhưng có thể gây tổn thương nặng nề đến mạch vành, đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít gia đình. Trẻ bị Kawasaki không chỉ gặp phải các triệu chứng sưng tấy, phát ban mà nguy cơ mắc bệnh mạch vành cũng rất cao, đe dọa sức khỏe tim mạch lâu dài. Vậy bệnh mạch vành do Kawasaki là gì, điều trị ra sao và phụ huynh cần lưu ý những gì? Hãy cùng tìm hiểu kỹ lưỡng trong bài viết dưới đây.
Bệnh Kawasaki là gì?
Bệnh Kawasaki (đặt theo tên của bác sĩ người Nhật - Kawasaki Tomisaku, là người đã phát hiện ra căn bệnh lần đầu tiên vào năm 1961). Đây là một bệnh lý viêm các mạch máu hệ thống cấp tính, gây ra tổn thương chủ yếu trên các mạch máu có kích thước nhỏ và trung bình. Các triệu chứng đặc trưng bao gồm sốt, viêm kết mạc không xuất tiết, đỏ môi, niêm mạc họng, nổi hạch cổ,...Nếu trong vòng 12 ngày đầu tiên, trẻ bị Kawasaki không được điều trị kịp thời thì tình trạng viêm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi chúng bắt đầu lan rộng ra toàn bộ mạch máu dẫn đến phình mạch, cục máu đông và nghẽn mạch, sau đó sẽ tiến triển thành tổn thương dạng nốt, cuối cùng thành sẹo làm xơ hóa mạch máu, thiếu máu cơ tim có thể gây tử vong.
Nhận biết trẻ bị mắc bệnh Kawasaki
Bệnh Kawasaki là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh mạch vành ở trẻ. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia có tỷ lệ trẻ mắc bệnh Kawasaki cao. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ bị Kawasaki khoảng 50-100/100.000 trẻ, thời điểm phát bệnh cao thường vào tháng 3- 6 và tháng 9- 10. Thông thường, bé trai sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn bé gái là 1,5-1,7/1, đặc biệt là khi dưới 5 tuổi.
Hiện nay, nguyên nhân phát bệnh Kawasaki vẫn chưa được xác định chính xác. Bệnh có thể liên quan tới nhiễm siêu vi hoặc phản ứng miễn dịch, yếu tố HLA - BW22J2. Ngoài ra, một số gen nhất định có thể khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh Kawasaki.
Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh Kawasaki
Quá trình phát triển của bệnh Kawasaki được chia thành 3 giai đoạn chính trong thời gian khoảng 6 tuần, mỗi giai đoạn sẽ có những triệu chứng khác nhau. Cụ thể:
Giai đoạn 1: Cấp tính (Tuần 1-> tuần 2)
Sốt là triệu chứng đầu tiên khi trẻ mắc bệnh Kawasaki
- Sốt: Sốt là triệu chứng đầu tiên của bệnh Kawasaki. Cơn sốt có thể đến nhanh chóng khiến cơ thể không kịp phản ứng với thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc hạ sốt. Cơn sốt thường kéo dài từ 5 - 11 ngày nếu không có phác đồ điều trị phù hợp.
- Phát ban ở tay, chân: Da trên ngón tay hoặc chân của bé có thể sưng, mẩn đỏ khiến cho bé cảm thấy khó chịu khi có ai đó chạm vào.
- Viêm kết mạc: Mắt của bé sẽ bị sưng đỏ. Tuy nhiên, tình trạng này không khiến bé khó chịu hay đau đớn.
- Môi, miệng, cổ họng, lưỡi có dấu hiệu nứt kẽ rỉ máu, khô hoặc chảy máu.
Giai đoạn 2: Bán tính (Tuần 2-> tuần 4)
Các dấu hiệu của bệnh Kawasaki mà trẻ gặp phải trong giai đoạn này chẳng hạn như:
- Đau bụng;
- Nôn mửa;
- Tiêu chảy;
- Đau đầu;
- Nước tiểu có mủ;
- Bé cảm thấy không thoải mái, có dấu hiệu bong tróc ở ngón tay hoặc chân;
- Da và lòng trắng chuyển vàng;
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng, thậm chí là hôn môn.
Giai đoạn 3: Dưỡng bệnh (Tuần 4-> tuần 6)
Trong giai đoạn này, tình trạng phổ biến nhất của trẻ là mệt mỏi, không tập trung và thường xuyên muốn ngủ.
Chẩn đoán và điều trị trẻ bị Kawasaki
Trẻ bị mắc bệnh Kawasaki rất khó phát hiện vì các triệu chứng thường không rõ ràng hoặc đầy đủ ở giai đoạn đầu. Đến khi trẻ toàn phát, bệnh có nhiều rối loạn khác nhau ở hệ cơ quan như tiêu hoá, hô hấp,...nên rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác có biểu hiện tương tự như sốc nhiễm độc, sốt tinh hồng nhiệt, hội chứng Steven Johnson, JRA thể hệ thống,...
Dấu hiệu chẩn đoán của bệnh Kawasaki ở trẻ
Chẩn đoán xác định bệnh Kawasaki theo Hội Tim mạch Mỹ và Uỷ ban Quốc gia về Kawasaki của Nhật khi có 5/6 biểu hiện chính hoặc 4 biểu hiện lâm sàng chính kèm theo giãn hoặc phình động mạch vành:
- Thay đổi ở đầu chi: Cấp: Phù lòng bàn tay, mu tay, chân. Bán cấp: Bong da quanh móng tay, chân vào tuần 2-3 của bệnh.
- Hồng ban đa dạng (không có bóng nước, chủ yếu ở thân mình)
- Viêm kết mạc hai bên (thường kết mạc nhãn cầu, không tạo mủ)
- Thay đổi môi và khoang miệng (họng đỏ, môi đỏ, khô, nứt và lưỡi dâu)
- Viêm hạch cổ (đường kính >1,5cm, thường một bên)
Trẻ bị Kawasaki mắc bệnh mạch vành nguy hiểm như thế nào?
Trẻ bị Kawasaki mắc bệnh mạch vành nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại những biến chứng vô cùng nghiêm trọng. Đặc biệt là biến chứng phình động mạch vành tim, gây ra nhồi máu cơ tim hoặc hẹp tắc động mạch. Từ đó gây ra tình trạng thiếu máu, suy vành mạn tính ở trẻ.
Bên cạnh đó, việc viêm nhiễm trong bệnh Kawasaki có thể dẫn đến sự hình thành sẹo, vết phình ở các động mạch vành tim khiến cho quá trình lưu thông máu cơ tim bị hạn chế gây bệnh mạch vành.
Hậu quả của việc nhồi máu cơ tim khi trẻ còn nhỏ không những gây nguy hiểm đến tính mạng mà còn khiến cho cơ tim suy yếu, gặp nhiều hạn chế trong quá trình vận động khi trẻ trưởng thành. Đặc biệt, nếu không được xử lý đúng cách, trẻ sẽ bị suy vành mạn tính - tình trạng điển hình khi tim không đủ máu hoặc dưỡng chất cho cơ thể, giảm khả năng hoạt động thường ngày.
Tham khảo:
Cách điều trị và chăm sóc trẻ bị Kawasaki mắc bệnh mạch vành
Phương pháp điều trị
Để điều trị dứt điểm và ngăn ngừa biến chứng của bệnh có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc phù hợp như Immune Globulin Human (IVIg) liều cao để tiêm vào tĩnh mạch. Đây là một loại thuốc được chế tạo từ tế bào miễn dịch, giúp tăng cường khả năng phòng vệ, giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa các tổn thương động mạch vành, thường trong vòng 10 ngày kể từ khi xuất hiện sốt nếu được điều trị sớm.
Đối với trẻ đang trong giai đoạn cấp tính, trẻ có thể được sử dụng Aspirin liều cao, kết hợp với IVIg để hỗ trợ giảm sốt cũng như chống viêm, ngăn ngừa đông máu. Tuy nhiên, cần được theo dõi sát sao về liều lượng để đảm bảo tính an toàn.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, trẻ bị Kawasaki có thể tái phát hoặc không đáp ứng với lần điều trị đầu tiên. Trường hợp này bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp IVIg thứ hai hoặc kết hợp thêm các nhóm thuốc khác để kháng viêm hoặc ức chế miễn dịch.
Cách chăm sóc trẻ bị Kawasaki
Chăm sóc trẻ mắc bệnh Kawasaki có biến chứng mạch vành đòi hỏi sự cẩn trọng và một kế hoạch điều trị chi tiết để giảm nguy cơ biến chứng và cải thiện chất lượng sống cho trẻ. Để có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục, bố mẹ cần lưu ý một số yếu tố sau:
Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị, bố mẹ cần xây dựng một kế hoạch chăm sóc trẻ toàn diện với chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học
- Trẻ cần có chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng để hỗ trợ hệ miễn dịch và tim mạch. Khuyến khích các bữa ăn giàu chất xơ, omega-3, và chất béo lành mạnh để giúp cải thiện sức khỏe mạch máu. Tránh thức ăn có nhiều đường và chất béo bão hòa, vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
- Việc tập luyện vừa phải và phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ cũng rất quan trọng để duy trì chức năng tim mạch. Cần tránh các hoạt động quá sức, đặc biệt nếu trẻ có phình động mạch hoặc các vấn đề tim mạch khác.
- Cho trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội để trẻ có tinh thần lạc quan và hồi phục tốt hơn, tránh căng thẳng
- Theo dõi biến chứng lâu dài bởi bệnh Kawasaki có thể dẫn đến các vấn đề về tim mạch trong tương lai, do đó, cần có kế hoạch theo dõi và thăm khám định kỳ. Trẻ cần được kiểm tra chức năng tim mạch thường xuyên, và có thể cần can thiệp tim mạch nếu có tình trạng hẹp động mạch vành hoặc các vấn đề khác.
Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp về chủ đề Trẻ bị kawasaki mắc bệnh mạch vành có thể liên hệ với Bệnh viện Phương Đông qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được các bác sĩ thăm khám trực tiếp.
Kết luận
Hiểu rõ về bệnh mạch vành do Kawasaki là bước đầu tiên để phụ huynh có thể bảo vệ trái tim của con mình khỏi những tổn thương nguy hiểm. Việc phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ điều trị không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn mang lại hy vọng cho tương lai khỏe mạnh của bé. Hy vọng với những thông tin trên, phụ huynh sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn và sự chuẩn bị kỹ càng cho hành trình cùng con vượt qua căn bệnh này.