Ung thư thanh quản có chữa được không? phương pháp điều trị ung thư thanh quản

Doan Nguyen

23-05-2022

goole news
16

Bệnh ung thư thanh quản có chữa khỏi được không là vấn đề phụ thuộc rất lớn vào tính chất của khối u và thời điểm phát hiện bệnh cũng như phương pháp điều trị. Ở giai đoạn đầu, nếu được điều trị tích cực thì khả năng khỏi bệnh là có thể và hạn chế được tình trạng di căn cùng các biến chứng xấu. Cùng bệnh viện Phương Đông tìm hiểu về những phương pháp điều trị hiện đang được áp dụng nhé.

Ung thư thanh quản có thể chữa khỏi được không?

Ung thư thanh quản được đánh giá là dạng ung thư phổ biến nhất ở nước ta. để biết căn bệnh này có thể điều trị được hay không thì hãy tìm hiểu xem ung thư thanh quản là gì và có những loại ung thư nào nhé.

Ung thư thanh quản là gì?

Ung thư thanh quản là một dạng ung thư biểu mô bên trong thanh quản. Thanh quản là bộ phận nằm ở phần cổ và cụ thể là phía trước, ngay phía trên khí quản. Vai trò của thanh quản là tạo ra âm thanh, giọng nói và thường được gọi với cái tên hộp âm. Khi thanh quản bị tổn thương, những chức năng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo thống kê, có tới 80% trường hợp ung thư thanh quản nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì hoàn toàn có thể chữa lành được. Vì vậy, bệnh ung thư thanh quản còn được xếp vào dạng ung thư lành tính nhằm nhấn mạnh kết quả điều trị mỹ mãn của loại bệnh ung thư này.

Hình ảnh mô tả vị trí thanh quản trên cơ thể ngườiUng thư thanh quản thường gặp và có thể coi là ung thư lành tính

Phân loại ung thư thanh quản

Theo các nghiên cứu từ những trường hợp trước đến nay, bệnh ung thư thanh quản đang được chia thành 3 nhóm với tiêu chí phân loại khác nhau. Dưới đây là các loại bệnh ung thư thanh quản theo từng nhóm:

  • Dựa theo vị trí và mức độ xâm lấn của khối u gồm có: Ung thư tại tầng trên thanh môn, Ung thư tại tầng thanh môn (còn gọi là u dây thanh), Ung thư tại tầng dưới thanh môn.
  • Dựa theo hạch di căn vùng gồm có: Không sờ thấy hạch, Hạch độc nhất một bên cổ đường kính ≤ 3cm, Một hoặc nhiều hạch ở cổ đường kính > 3cm đến ≤ 6cm, Hạch to trên 6cm.
  • Dựa theo hạch di căn xa: Không thấy hạch di căn xa từ hố dưới đòn xuống, Sờ thấy hạch di căn xa ở một hoặc nhiều nơi hoặc di căn vào tạng, Chưa xác định được di căn xa.

Xem thêm: Hạch ở cổ khi nào là lành tính, khi nào là ác tính?

Triệu chứng điển hình bệnh ung thư thanh quản

Dấu hiệu của bệnh ung thư thanh quản cần được nhận biết để bệnh nhân phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Triệu chứng của căn bệnh này phụ thuộc vào kích thước và vị trí khối u, gồm có:

  • Khàn tiếng: Những người trên 40 tuổi có triệu chứng kéo dài trên 3 tuần này là gợi ý của bệnh lý ác tính.
  • Ho: Ho dai dẳng là một dấu hiệu dễ nhận biết mà bệnh nhân cần lưu tâm. Ho gây ra từng cơn co thắt và khi bệnh nặng hơn thì người bệnh cảm thấy khó nuốt.
  • Khó thở: Biểu hiện này có thể xuất hiện cùng lúc với khàn tiếng. Kích thước khối u càng lớn thì sức ép lên đường thở cũng nhiều hơn làm triệu chứng trở nặng hơn.
  • Khó nuốt: Triệu chứng xuất hiện sau chứng khàn tiếng và khó thở khi mà khối u đã lan ra vùng hầu họng kèm theo cả dấu hiệu đau tai.
  • Sút cân: Sút cân không rõ nguyên nhân chính là một trong những triệu chứng biểu hiện toàn thân đang có bệnh ác tính.

Khó nuốt, khó thở, sút cân, ho là các biểu hiện của bệnh ung thư thanh quảnCác triệu chứng dễ phát triển bệnh ung thư thanh quản nhất

Nguyên nhân thường thấy gây ung thư thanh quản

Hiện nay, trên thế giới còn rất nhiều tranh cãi về nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Tuy nhiên, có thể kể tới một số nguyên nhân có liên quan tới bệnh sinh như sau:

  • Thuốc lá, rượu: Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần gây nên căn bệnh ung thư này vì có tới 98% bệnh nhân mắc bệnh có hút thuốc lá và uống rượu.
  • Nghề nghiệp: Yếu tố môi trường nghề nghiệp có tiếp xúc với chất khí, bụi bẩn tại các nhà máy hóa chất, các hầm mỏ có Amitan, Nikel,...
  • Giới tính: Bệnh ung thư thanh quản chủ yếu là nam giới mắc và có nhiều ý kiến giải thích rằng phụ nữ ít mắc bệnh vì ít tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ hơn.
  • Tuổi: Độ tuổi từ 50 - 70 chiếm 72% và 40 - 50 tuổi chỉ chiếm 12%.
  • Các bệnh thanh quản: Trạng thái tiền ung thư như tăng sản, bạch sản, tăng sừng hoá hoặc các loại u nhú lành tính của thanh quản ở người lớn.
  • Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình đã có người mắc bệnh thì nguy cơ người sau mắc cũng cao.

Căn bệnh ung thư thanh quản có thể chữa khỏi được không?

Ung thư thanh quản ngày một có xu hướng tăng mạnh ở nam giới, đặc biệt là đối với những người thường xuyên hút thuốc lá. Có tới 80% trường hợp nếu phát hiện sớm có thể sẽ được chữa khỏi với các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị và hoá trị. Cùng điểm qua về cách hoạt động của 3 phương pháp này dưới đây:

  • Phẫu thuật: Chỉ dùng khi khối u phát triển mạnh và có dấu hiệu lây lan bằng cách lấy bỏ khối u khi bệnh nhân đang được gây mê. Tuỳ vào vị trí cũng như kích thước khối u mà bác sỹ tiến hành cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thanh quản. Trong trường hợp khác, phần trên thanh quản và thượng thanh môn sẽ được quyết định phẫu thuật.
  • Xạ trị: Là phương pháp dùng các tia X với năng lượng và cường độ cao tấn công, tiêu huỷ những tế bào ung thư thanh quản. Chỉ có những vùng tia X đi qua mới bị ảnh hưởng và có thể thực hiện phương pháp này độc lập hoặc kết hợp với phương pháp khác tùy từng trường hợp.
  • Hoá trị: Là phương pháp dùng thuốc để điều trị khi bệnh đã lan rộng và thuốc được tiêm vào mạch máu. Loại thuốc và liều lượng phụ thuộc vào mức độ của bệnh và tình hình sức khỏe của bệnh nhân.

Bảng so sánh thanh quản bình thường và ung thư thanh quảnUng thư thanh quản có chữa khỏi được không là do nhiều yếu tố

Các phương pháp điều trị ung thư thanh quản chia theo từng giai đoạn tiến triển

Như đã nói, căn bệnh ung thư thanh quản nếu được phát hiện sớm sẽ có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì bệnh nhân vẫn có thể điều trị được trong giai đoạn giữa hoặc muộn. Dưới đây là tổng hợp các phương pháp điều trị ung thư thanh quản dựa theo từng giai đoạn của căn bệnh.

Đối với khối u giai đoạn T1

Đây là giai đoạn sớm, khi khối u chưa lây lan nên nếu phát hiện kịp thời thì khả năng chữa khỏi là rất cao. 2 phương pháp được sử dụng trong giai đoạn này gồm có phẫu thuật và xạ trị. Cụ thể:

Phẫu thuật

Ở giai đoạn này, việc điều trị chủ yếu là phẫu thuật với laser CO2. Việc phẫu thuật được thực hiện dưới soi treo vi phẫu và thường sẽ không phải mở khí quản. Trong trường hợp khối u lan vào mép trước dây thanh thì cần được phẫu thuật bằng phương pháp mở sụn giáp và cắt dây thanh hoặc cắt thanh quản trán bên.

Phẫu thuật giai đoạn T1 không nặng nề, nhất là khi đã được áp dụng các phương tiện vi phẫu thuật thanh quản sử dụng laser CO2. Người bệnh vẫn giữ được chất lượng chất giọng tốt và tránh được những biến chứng do các tia xạ gây ra.

Xạ trị

Thường sẽ được chỉ định sử dụng cho khối u T1b, đã lan rộng cả 2 dây thanh. Liệu trình xạ trị mất 6 tuần và phương pháp này giúp bảo tồn thanh quản tốt nhất. Trong trường hợp thất bại thì còn có thể sử dụng tiếp phương pháp phẫu thuật. Biến chứng của xạ trị là nuốt đau, phù nề thanh quản và có thể là xơ thanh quản, hoại tử sụn hoặc suy giáp nữa.

Xạ trị là cách chữa ung thư thanh quản phổ biếnGiai đoạn T1 khối u chưa phát triển nhiều nên dễ chữa trị

Đối với ung thư thanh quản trong giai đoạn T2

Ở giai đoạn T2, bác sỹ vẫn sử dụng 2 phương pháp điều trị ung thư thanh quản quen thuộc là phẫu thuật và xạ trị. Cách hoạt động cụ thể:

Phẫu thuật cắt đi thanh quản bán phần trên nhẫn

Phẫu thuật cắt bỏ thanh quản bán phần trên nhẫn giúp lấy hết bệnh tích mà vẫn giữ được chức năng của thanh quản. Hiện nay, các trung tâm đã có hệ thống chẩn đoán hình ảnh và chẩn đoán giải phẫu bệnh lý tân tiến nên có thể phẫu thuật bằng laser CO2 trong một số các trường hợp khối u T2.

Xạ trị

Phương pháp này thường sẽ được chỉ định trong trường hợp chống chỉ định phẫu thuật hoặc bệnh nhân và gia đình không đồng ý phẫu thuật cắt bỏ thanh quản bán phần trên nhẫn.

Các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật nội soi thanh quảnGiai đoạn T2 sử dụng phương pháp phẫu thuật và xạ trị phổ biến

Ung thư giai đoạn muộn T3, T4

Liệu là giai đoạn muộn T3, T4 thì ung thư thanh quản có chữa khỏi được không? Bác sỹ đã bổ sung thêm 1 phương pháp điều trị nữa chính là hoá trị trong giai đoạn này. Cách sử dụng 3 phương pháp này cụ thể như sau:

Phẫu thuật

Việc chữa trị giai đoạn muộn T3, T4 chủ yếu vẫn là cắt bỏ thanh quản toàn bộ kèm theo nạo vét hạch cổ và phối hợp với xạ trị sau mổ. Liều tia vào diện u khoảng 60 - 70Gy, vào hạch cổ âm tính là 50Gy, vào hạch cổ di căn là 60 - 70Gy. Khó khăn nhất của phương pháp này chính là người bệnh bị mất thanh quản và không thể nói được.

Tuy nhiên, sự phát triển của vấn đề hồi phục phát âm sẽ giúp người bệnh có thể lắp thêm van phát âm khí thực quản. Bệnh nhân có thể tập giọng nói thực quản hoặc sử dụng thanh quản điện để lấy lại giọng nói cho mình.

Hoá xạ trị

Đây là một xu hướng cho điều trị ung thư thanh quản giai đoạn muộn chính vẫn bảo tồn được thanh quản với hoá xạ trị đồng thời. Thuốc hoá xạ trị được sử dụng cho bệnh nhân gồm có Cisplatin và 5 FU.

Xạ trị

Phương pháp này đơn thuần chỉ là áp dụng cho những trường hợp mà ung thư đã lan rộng và không còn khả năng phẫu thuật. Hoặc, những trường hợp bị tái phát tại chỗ và có thể di căn xa.

Các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật và xạ trị ung thư thanh quảnGiai đoạn T3, T4 có bổ sung thêm phương pháp hoá xạ trị kết hợp

Các tác dụng phụ thường gặp khi điều trị ung thư thanh quản

Sau khi tiến hành và hoàn tất các phương pháp điều trị thì hầu hết bệnh nhân đều gặp một số các tác dụng phụ. Cụ thể các trường hợp thường gặp sau khi áp dụng phương pháp xạ trị và cách khắc phục có trong nội dung dưới đây:

Các tác dụng phụ của phương pháp xạ trị ung thư thanh quản

Một số tác dụng phụ bệnh nhân thường gặp sau khi điều trị bằng phương pháp xạ trị có thể kể đến như:

  • Vùng da bị chiếu xạ phồng rộp, mẩn đỏ hoặc cháy sau 2 tuần xạ trị.
  • Có cảm giác buồn nôn và nôn.
  • Cơ thể bị mệt mỏi kèm theo tâm lý lo lắng, buồn rầu càng khiến tình trạng của người bệnh bị nặng hơn và nhiều trường hợp còn dẫn tới trầm cảm.
  • Bị khô miệng và đau vướng khi nuốt khiến người bệnh khó khăn và đau đớn.
  • Chán ăn và cảm thấy bị khô miệng bởi xạ trị có ảnh hưởng lớn đến tuyến nước bọt.

Buồn nôn, khô miệng, đau vướng khi nuốt là các tác dụng phụ của xạ trị ung thư thanh quảnNắm được các tác dụng phục cùng cách khắc phục kịp thời

Cách khắc phục và hạn chế tác dụng phụ sau điều trị

Để có thể khắc phục được những tác dụng phụ khi sử dụng phương pháp xạ trị ung thư thanh quản thì người bệnh cần áp dụng một số các biện pháp sau đây:

  • Hỏi ý kiến bác sỹ để được chỉ định những biện pháp hạn chế tác dụng phụ của xạ trị một cách rõ ràng và cụ thể.
  • Tránh sự tác động của ánh nắng mặt trời lên da để hạn chế chuyển biến xấu của bệnh và có thể sử dụng các loại kem làm dịu da để giảm đau rát.
  • Ăn uống khoa học và hợp lý, tập thể dụng nhẹ nhàng và sinh hoạt một cách điều độ.
  • Ăn các thức ăn mềm và dễ nuốt.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể cũng như các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.

Hướng dẫn Chăm sóc người bệnh sau khi điều trị ung thư thanh quản

Chăm sóc bệnh nhân ung thư thanh quản sau khi điều trị là bước cực kỳ quan trọng để quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng và thuận lợi và quyết định ung thư thanh quản có chữa khỏi được không. Có 3 yếu tố cần được chú ý nhằm hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân để đạt được kết quả tốt nhất gồm dinh dưỡng, chăm sóc và tâm lý.

Bỏ hẳn thuốc lá

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới căn bệnh ung thư thanh quản. Do đó, người sau điều trị ung thư thanh quản tiếp tục hút thuốc sẽ có nguy cơ bị tái phát và thậm chí nguy cơ tử vong lên tới 90%. Việc bỏ hút thuốc lá vĩnh viễn là điều bệnh nhân bắt buộc phải làm.

Chế độ ăn uống

Người bệnh cần phải có một chế độ ăn uống khoa học và đáp ứng tốt cho thể trạng hiện thời nhằm phục hồi một cách tốt nhất, đồng thời ngăn ngừa những yếu tố độc hại khiên căn bệnh tái phát. Các thực phẩm nên ăn gồm rau xanh, trái cây, củ, sữa và các chế phẩm từ đậu phụ, cá, trứng,.... Cần hạn chế cho bệnh nhân ăn thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có cồn, nước lạnh,...

rau xanh, trái cây, cá, trứng là các thực phẩm nên ăn sau điều trị ung thư thanh quảnDuy trì một chế độ ăn uống hợp lý và khoa học

Chế độ nghỉ ngơi và vận động

Người bệnh cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi nhằm phục hồi cơ thể, tránh được các căng thẳng, lo lắng. Đồng thời, nên đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc mỗi ngày. Bệnh nhân cũng nên vận động nhẹ nhàng như thiền, đi bộ, tập yoga đơn giản,...

Bảo vệ và hồi phục cổ họng

Người bệnh luôn phải giữ ấm vùng cổ họng và kiên trì thực hiện các bài tập phục hồi chức năng đã được bác sỹ hướng dẫn trước đó. Cần phải duy trì đều đặn và kiên trì hằng ngày mới có kết quả sớm.

Bác sĩ đang tái khám lại cho bệnh nhân sau điều trị ung thư thanh quảnBệnh nhân cần phục hồi cổ họng theo các phương pháp khác nhau

Tái khám định kỳ

Người bệnh cần phải tái khám định kỳ để bác sỹ có thể theo dõi và sớm phát hiện được tình trạng bất lợi có thể xảy ra. Chẳng hạn như các tế bào ung thư phát triển trở lại được bác sỹ phát hiện và can thiệp kịp thời.

Chi phí điều trị bệnh ung thư thanh quản là bao nhiêu?

Chi phí điều trị bệnh ung thư thanh quản tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh, phương pháp cũng như dịch vụ của từng đơn vị điều trị như thế nào. Ở các bệnh viện khác nhau có hệ thống máy móc và trang bị khác nhau nên chi phí sẽ khác nhau. Do đó, người nhà cần liên hệ trực tiếp với bác sỹ tại trung tâm điều trị để nắm được chi phí chính xác cho từng phương pháp điều trị.

Có thể thấy, ung thư thanh quản là căn bệnh không quá nguy hiểm nhưng cần được nhận biết sớm để có thể điều trị kịp thời. Do đó, ung thư thanh quản có chữa khỏi được không còn phải phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển cũng như các phương pháp điều trị. Một điều cần chú ý nữa chính là hãy chú ý tới việc chăm sóc bệnh nhân sau điều trị để phục hồi nhanh nhất nhé.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
2,816

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám