Ung thư tuyến nước bọt là bệnh gì?
Tuyến nước bọt nằm rải rác ở nhiều vị trí tại khoang miệng, trong đó các tuyến chính gồm tuyến mang tai, dưới lưỡi và dưới hàm. Một số tuyến phụ nằm dọc mũi, xoang, khoang miệng và vòm miệng.
Ung thư tuyến nước bọt là bệnh lý phổ biến
Tuyến nước bọt có nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động tiêu hóa thức ăn của con người. Thông qua ống dẫn, tuyến tiết nước bọt giúp thức ăn mềm, ẩm và dễ tiêu hóa hơn. Hoạt động này còn giúp làm sạch miệng và tiêu diệt vi khuẩn bằng cách tạo ra kháng thể.
Ung thư tuyến nước bọt là sự xuất hiện các tế bào ác tính ở các vị trí như: Dưới hàm, lưỡi, mang tai... Ngoài ra, bệnh có thể làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, gây ra những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người bệnh.
Các giai đoạn của bệnh ung thư tuyến nước bọt
Ung thư tuyến nước bọt tiến triển theo 4 giai đoạn. Đó là:
Giai đoạn 1: Tế bào ung thư chưa xâm lấn hay di căn đến các cơ quan khác mà chỉ khu trú ở một khu vực. Khi đó, khối u có kích thước nhỏ hơn 2cm. Tỷ lệ sống sót với bệnh nhân ở giai đoạn này khoảng 91% sau 5 năm.
Giai đoạn 2: Tế bào ung thư có kích thước khoảng từ 2 – 4cm chưa di căn nhưng đã có dấu xâm lấn đến hạch bạch huyết lân cận. Người bệnh có tỷ lệ sống sót khoảng 75% sau 5 năm.
Ung thư tuyến nước bọt càng giai đoạn muộn càng nguy hiểm
Giai đoạn 3: Tế bào ung thư phát triển với kích thước lớn hơn 4cm, không còn khu trú mà đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể. Các mô mềm xung quanh cũng chịu ảnh hưởng của ung thư này và lan đến các mô mỡ lân cận. Khả năng sống sót của bệnh nhân trong giai đoạn 3 vào khoảng 65%.
Giai đoạn 4: Đây còn gọi là giai đoạn cuối của ung thư gồm:
- Giai đoạn IVA: Tế bào ung thư có kích thước lớn, gây ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận như ống tai, da hoặc xương. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà khối u có thể lan đến hạch bạch huyết vùng cổ hoặc không. Kích thước hạch chỉ vào khoảng 3cm trở xuống. Lúc này, các cơ quan ở xa chưa chịu ảnh hưởng của tế bào ung thư.
- Giai đoạn IVB: Cũng giống như giai đoạn IVA nhưng hạch bạch huyết có kích thước lớn hơn 3cm.
- Giai đoạn IVC: Tế bào ung thư đã lan ra các cơ quan ở xa với kích thước bất kỳ.
Yếu tố nào gây ra bệnh ung thư tuyến nước bọt?
Những yếu tố dưới đây sẽ gia tăng nguy cơ bị ung thư tuyến nước bọt. Bao gồm:
- Giới tính: Nam giới gặp nhiều hơn nữ.
- Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng.
- Người thường xuyên sử dụng rượu bia và thuốc lá.
- Người có chế độ ăn nhiều chất béo, ít rau.
- Người làm việc và tiếp xúc thường xuyên với khoáng chất hoặc kim loại.
- Người làm việc trong môi trường độc hại như: Sản xuất cao su, khai thác amiăng.
- Người tiếp xúc với tia bức xạ hoặc làm việc trong môi trường có chất phóng xạ.
Người thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá có nguy cơ cao bị ung thư tuyến nước bọt
Yếu tố nguy cơ không có nghĩa là người đó sẽ bị ung thư mà chỉ là làm tăng khả năng mắc bệnh. Khi bạn nằm trong nhóm yếu tố nguy cơ thì không nên hoang mang mà hãy phòng ngừa từ sớm và khám sức khỏe định kỳ. Nếu có bệnh sẽ được phát hiện sớm để mang lại hiệu quả điều trị cao.
Dấu hiệu ung thư tuyến nước bọt thường gặp
Ung thư tuyến nước bọt thường gặp ở vùng đầu cổ với các triệu chứng như: Sưng, nổi cục vùng cổ, má, hàm. Tình trạng đau ở các vị trí trên kéo dài mà không đỡ khi điều trị viêm thông thường. Tùy vào từng vị trí xuất hiện khối u mà dấu hiệu nhận biết sẽ có sự khác biệt:
Khối u xuất hiện ở hàm
Tỷ lệ xuất hiện khối u ở hàm với những bệnh nhân ung thư tuyến nước bọt chiếm từ 10 – 15%. Dấu hiệu nhận biết trong trường hợp này không điển hình và thường đến khi tiến triển nặng mới phát hiện qua các triệu chứng sau:
- Đau đớn, khó chịu khi ăn uống.
- Khoang miệng đau tức, khó chịu liên tục không giảm.
- Có thể tê cứng lưỡi ở một số trường hợp nhất định.
Khối u xuất hiện ở mang tai
Ung thư tuyến nước bọt ở mang tai chiếm từ 70 – 80% trên tổng số bệnh nhân. Bệnh không có nguy hiểm đến tính mạng ở giai đoạn đầu và cũng không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Các tế bào ung thư xuất hiện đầu tiên ở mang tai, sau đó gây nhức mỏi và tê liệt khi xâm lấn lên đầu. Các cục hạch ở vùng đầu và vùng mang tai, khu vực lân cận dần xuất hiện.
Khối u ở tai gây nhức mỏi và đau đớn
Nhiều người thường bỏ qua giai đoạn vàng chẩn đoán bệnh và đến khi khối u phát triển kích thước lớn, có xâm lấn đến các tổ chức xung quanh mới đi kiểm tra. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân...
Ung thư tuyến nước bọt nhỏ
Với loại ung thư này, người bệnh có cảm giác khó chịu ở vùng thanh quản, vùng mũi như: Khó thở, đau nhức khoang miệng, ngạt mũi... Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng và có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Bệnh ung thư tuyến nước bọt có nguy hiểm không?
Ung thư tuyến nước bọt phổ biến ở tuyến mang tai và thường là dạng lành tính. Nếu tế bào ung thư xuất hiện ở những vị trí khác thì bệnh lý thường nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong cao hơn.
Bệnh không có khả năng lây truyền mà chủ yếu xuất hiện ở những người có yếu tố nguy cơ. Để xác định bệnh, cần kết hợp giữa thăm khám lâm sàng và chẩn đoán xác định dựa trên các xét nghiệm liên quan. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khi chưa di căn đến các cơ quan khác thì điều trị đơn giản và dễ hồi phục hơn.
Ung thư tuyến nước bọt là căn bệnh nguy hiểm
Nếu bệnh tiến triển nặng đến giai đoạn 3 thì sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể. Việc điều trị ở giai đoạn này phức tạp và khó khăn hơn. Tùy vào khả năng đáp ứng điều trị mà người bệnh có cơ hội sống sót khoảng 39% sau 5 năm.
Chẩn đoán ung thư tuyến nước bọt
Ung thư tuyến nước bọt có thể chẩn đoán dựa vào những cách sau:
Hỏi về tiền sử bệnh
Người bệnh được đánh giá về sự hiện diện trên lâm sàng với các biểu hiện như: tê, đau hoặc sự mất cân xứng của khuôn mặt. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử mắc ung thư, nhất là các loại ung thư da như: u ác tính vùng đầu mặt hoặc ung thư biểu mô tế bào vảy.
Việc đánh giá tốc độ phát triển và thời gian khối u tồn tại là rất quan trọng để có hướng điều trị thích hợp. Ngoài việc hỏi tiền sử, bác sĩ sẽ khám các nội dung như:
- Khám thực thể về tính di động, kích thước và sự cố định với tổ chức dưới da.
- Kiểm tra sự bất đối xứng của vùng hầu họng.
- Phát hiện tổn thương nhánh bằng cách kiểm tra dây thần kinh sọ mặt.
- Đánh giá tình trạng nổi hạch ở cổ...
Chẩn đoán hình ảnh
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh xác định bệnh gồm:
- Siêu âm: Đây là cách đánh giá sơ bộ về kích thước, vị trí và tính chất của khối u. Ngoài ra, các bất thường về cấu trúc hạch hoặc bất thường khác có thể được xác định bằng siêu âm.
- Chụp MRI: Giúp xác định và đánh giá về mặt giải phẫu của tế bào ung thư. Các vấn đề sức khỏe liên quan đến dây thần kinh mặt hay phần mở rộng của tế bào ác tính cũng có thể nhận định được thông qua phương pháp này.
- Chụp cản quang tuyến nước bọt: Vì giá trị chẩn đoán ung thư không cao nên chụp cản quang ít khi được sử dụng.
- Chụp CT, CT sialography: Giúp bác sĩ nhận định được khối u có kích thước bao nhiêu, ranh rới có đều hay không và đã xâm lấn sang các tổ chức xung quanh hay chưa. Đây là phương pháp chụp hiện đại nên ngày càng được áp dụng rộng rãi ở bệnh nhân ung thư tuyến nước bọt và nhiều loại ung thư khác.
Phương pháp sinh thiết
Sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ là một phần không thể thiếu trong chẩn đoán xác định bệnh. Bác sĩ sẽ sử dụng một chiếc kim nhỏ để lấy tế bào nghi ngờ, sau đó soi trên kính hiển vi.
Phương pháp này thực hiện khá đơn giản, ít biến chứng và không gây đau đớn cho người bệnh. Quá trình chọc hút kết hợp với siêu âm có thể giúp xác định khối u lành hay ác tính lên đến 90%. Tuy nhiên, có một vài trường hợp cho âm tính giả nên cần đánh giá thêm các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng khác một cách cẩn thận để đưa ra nhận định chuẩn xác.
Xem thêm:
Phác đồ điều trị ung thư tuyến nước bọt
Phác đồ điều trị bệnh phụ thuộc vào giai đoạn, kích thước khối u và tình trạng sức khoẻ của người bệnh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị ung thư tuyến nước bọt được áp dụng phổ biến:
Phẫu thuật
Chỉ định phẫu thuật được bác sĩ dựa vào độ lớn và vị trí của khối u. Người bệnh có thể được cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến nước bọt. Đối với trường hợp xuất hiện hạch vùng cổ thì có thể được cắt bỏ các nốt hạch đó.
Phẫu thuật - Phương pháp điều trị ung thư tuyến nước bọt phổ biến
Phương pháp phẫu thuật tuyến nước bọt thường khá khó thực hiện bởi vị trí này có nhiều dây thần kinh. Do đó, chỉ cần một sai sót nhỏ cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan khác.
Liệu pháp xạ trị
Xạ trị thường được chỉ định trong những trường hợp bệnh nhân ung thư đã phẫu thuật nhưng vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn khối u. Phương pháp này cũng được lựa chọn đối với người bệnh mà khối u ở vị trí khó tiếp cận khi phẫu thuật.
Một số ít trường hợp được chữa trị độc lập. Không phải ai cũng có đủ điều kiện để tiến hành xạ trị mặc dù phương pháp này mang lại hiệu quả cao.
Hóa trị
Hiện nay, phương pháp hóa trị điều trị ung thư tuyến nước bọt chỉ đang trong quá trình nghiên cứu mà chưa được thực hiện. Nếu thành công thì đây là bước tiến mới cho y học hiện đại. Việc sử dụng các loại hóa chất để tiêu diệt khối u giúp tăng thời gian hồi phục. Thậm chí, các khối u ở khu vực lân cận cũng được loại bỏ hiệu quả.
Hóa trị giúp tiêu diệt khối u ác tính
Biện pháp phòng ngừa ung thư tuyến nước bọt
Để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư tuyến nước bọt, các bạn có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa dưới đây:
- Không hút thuốc lá.
- Vệ sinh sạch sẽ răng miệng bằng cách đánh răng mỗi ngày 2 lần trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy.
- Áp dụng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, khoa học. Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn hàng ngày.
- Uống đủ từ 2 lít nước mỗi ngày để cơ thể tăng cường trao đổi chất, góp phần hạn chế nguy cơ gây bệnh.
Ung thư tuyến nước bọt là bệnh lý hiếm gặp và rất khó chữa trị nếu bệnh ở giai đoạn muộn. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng nghi ngờ ung thư thì có thể liên hệ với bệnh viện đa khoa Phương Đông qua tổng đài 1900 1806 để được thăm khám và tư vấn kịp thời.