Vaccine sốt xuất huyết là gì? Ai nên và không nên tiêm vaccine?

Thu Hiền

01-04-2024

goole news
16

Vaccine sốt xuất huyết là loại vaccine có thời gian nghiên cứu tương đối lâu, từ 1929 đến nay, song vẫn chưa được lưu hành trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, cơ quan quản lý và trung tâm tiêm chủng vẫn đang tích cực làm việc để sớm đưa vaccine về nước.

Vaccine sốt xuất huyết là gì?

Vaccine sốt xuất huyết là một loại vaccine được sử dụng để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Với cơ chế kích thích tạo khả năng miễn dịch chủ động, loại vaccine này có thể bảo vệ con người khỏi sự xâm nhập của 4 chủng virus DEN.

Có vaccine sốt xuất huyết không?

Hiện tại trên thế giới đã có vắc xin phòng sốt xuất huyết, tên Dengvaxia (viết tắt CYD-TDV). Loại vaccine này được cấp phép lưu hành lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2015, sử dụng được cho người 9 - 45 tuổi sinh sống ở vùng lưu hành hoặc đang bùng phát dịch.

Hãng dược phẩm Takeda, Nhật Bản cũng đã phát triển và lưu hành thành công vaccine TAK-003 ngừa sốt xuất huyết, có khả năng tạo phản ứng miễn dịch với 4 chủng huyết thanh. Loại vắc xin này đã được cấp phép sử dụng ở hơn 30 quốc gia, bao gồm EU, Argentina, Anh Quốc, IndonesiaInonesia, Brazil, Thái Lan.

Các loại vaccine ngừa sốt xuất huyếtCác loại vaccine ngừa sốt xuất huyết

Ngoài ra, trung tâm nghiên cứu Instituto Butantan (Brazil), Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH) và hãng dược phẩm Merck & Co (Hoa Kỳ) đã đồng nghiên cứu vaccine Butantan-DV. Tuy nhiên cho đến nay, loại vaccine này vẫn chưa được cấp phép sử dụng tại quốc gia nào.

Từ năm 1970 đã có nhiều nghiên cứu về vaccine sốt xuất huyết, đã bước vào giai đoạn phát triển lâm sàng và tiền lâm sàng. Song, chưa có loại vaccine của tổ chức nào được công nhận, lưu hành rộng rãi trên toàn cầu.

Có nên tiêm vắc xin sốt xuất huyết không?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới, Việt Nam cũng nằm trong số đó. Virus Dengue gồm có 4 thể DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4 là tác nhân gây bệnh, muỗi vằn cái Aedes là vật chủ trung gian truyền nhiễm.

Có nên tiêm phòng sốt xuất huyết không?Có nên tiêm phòng sốt xuất huyết không?

Vì có 4 loại huyết thanh virus, muỗi Aedes có khả năng sinh sản và tuổi thọ cao nên tiêm vắc xin sốt xuất huyết là điều cần thiết. Ước tính, mỗi cá thể muỗi cái có thể sinh sản 100 - 200 trứng, số trứng này nếu ở trong môi trường thuận lợi có thể nở thành ấu trùng sau 2 ngày, tiến triển thành nhộng và muỗi trưởng thành trong 7 ngày.

Hơn hết, các triệu chứng sốt xuất huyết tương đối nặng nề, gây sốt cao, đau nhức toàn thân, buồn nôn, nôn,... Trường hợp xấu hơn, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng sốt xuất huyết như suy tạng, chảy máu nội tạng, tụt huyết áp, cô đặc máu hoặc thậm chí tử vong.

Với nguyên lý kích thích cơ thể tạo ra kháng thể, tăng miễn dịch tự động trước sự xâm nhập của muỗi Aedes mang virus, vaccine sốt xuất huyết có thể hạn chế nguy cơ khởi phát bệnh, từ đó ngăn ngừa các hệ lụy không mong muốn cho sức khỏe và tính mạng.

Ai nên tiêm phòng vaccine sốt xuất huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đối tượng từ 9 đến 45 tuổi có thể tiêm phòng sốt xuất huyết. Tuy nhiên, mỗi quốc gia sẽ có quy định áp dụng vaccine sốt xuất huyết riêng biệt, dựa vào độ tuổi, tiền sử bệnh hoặc khu vực sinh sống.

Đối tượng nên tiêm vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyếtĐối tượng nên tiêm vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết

Ví dụ tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến nghị tiêm phòng sốt xuất huyết đối với trẻ em 9 - 16 tuổi. Đi kèm với đó là điều kiện từng nhiễm bệnh trước đó, hiện sinh sống ở khu vực lưu hành phổ biến sốt xuất huyết.

Cơ quan này lý giải, đối tượng trẻ em trong độ tuổi trên và từng mắc bệnh có nguy cơ tái phát ở thể nặng, gặp biến chứng nguy hiểm hoặc tử vong. Bởi vậy, các cơ sở y tế được hướng dẫn xác minh, chứng thực tiền sử bệnh trước khi tiêm vaccine.

Ngược lại với CDC Hoa Kỳ, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt tiêm ngừa vaccine TAK-003 của Nhật Bản cho nhóm đối tượng trên 4 tuổi. Đặc biệt, EMA không phân biệt người đã từng mắc bệnh hay chưa mắc bệnh sốt xuất huyết.

Xem thêm:

Ai không nên tiêm phòng vaccine sốt xuất huyết

CDC Hoa Kỳ công bố danh sách chống chỉ định tiêm vaccine sốt xuất huyết, áp dụng với đối tượng là trẻ em. Cụ thể, trẻ 9 - 16 tuổi chưa nhiễm bệnh, trẻ dưới 9 tuổi, trẻ có hệ thống miễn dịch bị suy yếu không được phép tiêm phòng CYD-TDV.

Đối tượng trẻ em gặp phản ứng phụ sau khi tiêm phòng sốt xuất huyết, xảy ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng được CDC Hoa Kỳ chống chỉ định sử dụng. Một cơ quan khác của quốc gia này là FDA, không phê duyệt tiêm vắc xin sốt xuất huyết cho khách du lịch, người không cư trú tại vùng thường xuyên có sốt xuất huyết.

Một số quốc gia khác, vaccine sốt xuất huyết không được sử dụng cho đối tượng trên 16 tuổi. Bởi họ cho rằng, không có đủ cơ sở dữ liệu chứng minh hiệu quả vaccine sốt xuất huyết với nhóm người này.

Vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết có hiệu quả trong bao lâu?

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ dự đoán, vaccine sốt xuất huyết có thể phòng bệnh ít nhất 6 năm. Song, một số ít trường hợp đã tiêm vẫn có thể nhiễm lần đầu hoặc nhiễm một chủng huyết thanh khác.

Vắc xin sốt xuất huyết được dự đoán có hiệu lực trong vòng 6 nămVắc xin sốt xuất huyết được dự đoán có hiệu lực trong vòng 6 năm

Thông tin trên chỉ mang tính chất dự đoán, chưa có cơ sở khoa học hay được công bố chính thức. Cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chứng minh thời hạn phát huy tác dụng của vắc xin sốt xuất huyết.

Cần tiêm mấy mũi vắc xin sốt xuất huyết?

Theo WHO, vaccine sốt xuất huyết CYD-TDV của Sanofi Pasteur, Pháp cần được tiêm 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 6 tháng. Khi tìm cơ sở tiêm chủng, bạn cần kiểm tra quy trình và hệ thống giám sát dịch vụ tại nơi đó, đảm bảo việc tiêm ngừa đạt hiệu quả cao nhất.

Tác dụng phụ sau tiêm

Người từng nhiễm sốt xuất huyết khi tiêm vaccine có thể gặp tác dụng phụ như ngứa, đau nhức ở vị trí tiêm, đau nhức toàn thân, mất năng lượng, chậm chạp, uể oải. Đây là những tác dụng phụ bình thường, cơ thể đang phản ứng lại với vắc xin và xây dựng cơ thể bảo vệ khỏi virus.

Tuy nhiên, vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết cũng có thể gây phản ứng phụ nghiêm trọng tương tự các vắc xin khác như sốc phản vệ. Bởi vậy, khi tiêm ngừa tại một số quốc gia đã lưu hành vaccine, bạn cần tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế, khai báo trung thực tiền sử bệnh lý.

Vắc xin phòng sốt xuất huyết ở Việt Nam

Hiện nay Việt Nam chưa cấp phép hoạt động vaccine sốt xuất huyết, dù đã có nhà sản xuất nộp đơn “xin visa” cho một số loại vaccine. Tuy mới chỉ dừng ở bước nộp hồ sơ nhưng đã có nhiều đơn vị trong nước ký bản ghi nhớ với nhà sản xuất, mở đường đưa vắc xin về Việt Nam sớm nhất.

Tình hình vắc xin ngừa sốt xuất huyết ở Việt NamTình hình vắc xin ngừa sốt xuất huyết ở Việt Nam

Đứng trước vấn đề vaccine phòng sốt xuất huyết ở Việt Nam, đại diện Cục Quản lý dược nước ta cho biết “tuy vắc xin là cấp thiết, các cơ quan nhà nước sẵn sàng để thông qua các thủ tục nhanh chóng nhằm đưa vắc xin vào lưu thông ngừa bệnh, nhưng đây là sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người nên vẫn rất cần cẩn trọng. Hồ sơ phải đạt và đầy đủ thành phần mới được thẩm định”.

Đây là những bước đi thận trọng của cơ quan thẩm quyền tại Việt Nam, ngăn chặn tình trạng tương tự Philippines năm 2016. Vào năm này, Philippines triển khai tiêm ngừa sốt xuất huyết cho 800.000 học sinh và phát hiện sau đó, nhóm đối tượng chưa mắc bệnh gặp biến chứng nặng khi nhiễm virus Dengue.

Bởi vậy, Bộ Y tế Việt Nam chỉ tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết như đều đặn diệt lăng quăng, bọ gậy, tránh ao tù nước đọng tạo điều kiện muỗi phát triển, xông khói hoặc tinh dầu để đuổi muỗi.

Kết lại, vaccine sốt xuất huyết vẫn cần nghiên cứu và chứng minh thêm về công dụng, hiệu quả ngừa sự xâm nhập gây bệnh của virus Dengue. Tại Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền và đơn vị dịch vụ tiêm chủng đang tích cực đàm phán, thử nghiệm để cấp phép lưu hành trong nước.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,298

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám