Viêm chân răng là gì?
Cấu tạo của răng gồm men răng (lớp ngoài cùng), ngà răng (lớp giữa) và tủy răng (trong cùng gồm các tổ chức mềm là mô liên kết, mạch máu và dây thần kinh). Tại chân răng có một lỗ ở đỉnh, gọi là cuống răng, là vị trí để dây thần kinh và mạch máu đi vào bên trong răng.
Chân răng nằm trong hốc xương gọi là xương ổ răng, bao bọc bên ngoài chính là nướu (lợi). Viêm chân răng là bệnh lý về răng miệng xảy ra tại mô bao bọc xung quanh cấu trúc răng (là nướu/lợi), vùng cuống răng hoặc xung quanh chân răng. Chân răng khi bị viêm biểu hiện khá tương tự như viêm lợi và có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng liên quan tới răng miệng và toàn thân.
Viêm chân răng có thể dẫn tới tình trạng mất răng
Nguyên nhân viêm chân răng phổ biến
Viêm chân răng đa phần xuất phát từ tình trạng nướu hay xương ổ răng bị viêm nhiễm. Khi này vùng lợi bị vi khuẩn tấn công, dần suy yếu và không đủ khả năng để bảo vệ thân răng, từ đó là cho cổ và chân răng bị lỏng lẻo. Nếu để lâu không điều trị sẽ dẫn tới mất răng và hàng loạt hậu quả khác. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là:
- Do vệ sinh răng miệng không đúng cách, khi này thức ăn thừa không được làm sạch khỏi khoang miệng, tích tụ dần thành các mảng bám khiến vi khuẩn tích tụ và gây nhiễm trùng.
- Chế độ ăn thiếu khoa học: Việc sử dụng nhiều thực phẩm cứng, dai hay cay nóng có khả năng dẫn tới lợi bị tổn thương, gây nên tình trạng mất sự liên kết với thân răng. Khi này sẽ sinh ra kẽ hở giữa lợi và răng, khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và tác động đến chân răng.
- Một số bệnh lý về răng miệng khác như viêm nha chu, sâu răng, chảy máu chân răng, viêm tủy… cũng là nguyên nhân gây viêm nhiễm chân răng. Vi khuẩn trong khoang miệng ở những người bệnh này có nồng độ rất cao nên chúng dễ dàng tấn công vào các mô quanh chân răng, phá hủy các tổ chức tại đây dẫn tới viêm.
- Tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị bệnh về huyết áp, tim mạch, tiểu đường… cũng ảnh hưởng tới sức khỏe chân răng.
- Chấn thương khớp thái dương hàm.
- Răng khôn mọc lệch.
Vệ sinh răng miệng không đúng cách là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh
Dấu hiệu viêm chân răng thường gặp
Bệnh viêm chân răng có diễn biến theo từng giai đoạn. Ban đầu, biểu hiện của bệnh là phần nướu đỏ tấy, sưng phồng, chuyển sang màu đỏ thẫm nên không được hồng hào.
Khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa để vệ sinh răng miệng, vùng nướu cũng dễ bị tổn thương gây chảy máu, thậm chí tự nhiên xuất huyết mà không cần bất cứ tác động nào. Hơi thở của người bệnh cũng sẽ trở nên có mùi hôi khó chịu.
Khi nướu bị viêm kéo dài, vi khuẩn sẽ bắt đầu xâm nhập dần xuống dưới, tác động và phá hủy tổ chức nha chu (có vai trò nâng đỡ răng). Khi nướu bị tổn thương sẽ dẫn tới bị tụt dần, nướu và răng rời nhau làm lộ chân răng. Chân răng không được nâng đỡ sẽ bị lung lay, đặc biệt là khi nhai sẽ cảm nhận rõ ràng tình trạng răng lỏng lẻo.
Một triệu chứng viêm chân răng khác thường gặp của người bệnh đó là đau nhức. Dấu hiệu này cho thấy vi khuẩn đang bắt đầu tấn công vào phần tủy. Khi này việc điều trị đã khá muộn và có thể dẫn tới hỏng răng.
Nướu sưng đỏ, gây đau, có thể chảy máu khi đánh răng hoặc tự phát
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Những đối tượng sau đây có nguy cơ mắc viêm chân răng cao hơn những người khác, đó là:
- Người có thói quen hút thuốc lâu năm.
- Người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp…
- Những người vệ sinh răng miệng kém.
- Người có gia đình có người bị bệnh.
- Thường xuyên căng thẳng, lo âu.
- Răng mọc lộn xộn, khấp khểnh.
- Mắc các bệnh gây rối loạn và suy giảm miễn dịch.
- Dùng thuốc điều trị có tác dụng phụ gây giảm tiết nước bọt gây khô miệng.
- Do trám răng bằng vật liệu kém chất lượng, lỗi.
- Thay đổi nội tiết tố do dùng thuốc tránh thai, phụ nữ đang mang thai.
Phụ nữ mang thai dễ bị bệnh về răng miệng do nội tiết thay đổi
Biến chứng của viêm chân răng
Viêm chân răng có nguy hiểm không? Những biểu hiện ban đầu của bệnh dễ bị bỏ qua do không quá nghiêm trọng. Thường khi bệnh đã tiến triển nặng thì mới vội vàng điều trị nhưng đã có thể xảy ra một số biến chứng. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh đó là:
Biến chứng tại chỗ
- Các ổ viêm phát triển và lây lan nhanh làm cho phần nướu bị lỏng lẻo, không còn liên kết với chân răng. Răng khi này rất dễ lung lay, yếu ớt dẫn tới nguy cơ mất răng.
- Vi khuẩn ăn sâu vào tủy răng thông qua lỗ răng, dẫn tới nhiễm trùng tủy, lan rộng và phá hủy tủy răng.
- Viêm tủy gây nên ổ áp xe mưng mủ gây khó chịu, đau nhức.
Biến chứng toàn thân
- Vi khuẩn khi cư trú tại chân răng có thể xâm nhập vào tủy răng và theo đường mạch máu để tấn công vào tim gây nên các bệnh lý về tim mạch. Vi khuẩn cũng tác động đến gan khiến cơ quan này sản sinh ra các chất gây hại cho hệ tuần hoàn. Những nguy cơ này gián tiếp gây nên suy tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ.
- Vi khuẩn theo máu xâm nhập vào cơ thể khiến tuyến tụy tăng tiết tố nhằm giúp tế bào hấp thu Glucose để ổn định lượng đường trong máu. Tình trạng này kéo dài dẫn tới bệnh tiểu đường.
- Nguy cơ sinh non do viêm kéo dài, cơ thể sản sinh ra prostaglandin có khả năng làm co thắt và giãn nở tử cung, làm tăng nguy cơ sinh non. Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cần hết sức chú ý tới vấn đề này.
Bệnh về răng miệng có thể gây nên biến chứng tim mạch
Biện pháp chẩn đoán viêm quanh răng
Để chẩn đoán tình trạng viêm chân răng, ban đầu bác sĩ sẽ thực hiện đánh giá lâm sàng thông qua kiểm tra trực tiếp kết hợp với đo độ sâu túi lợi. Thông thường như vậy là đủ để đánh giá bệnh, trường hợp túi lợi sâu hơn 4mm thì được xác định là viêm quanh răng.
Ngoài ra, một số trường hợp sẽ được bác sĩ chỉ định chụp x-quang nha khoa. Hình ảnh khi chụp x-quang có thấy tình trạng tiêu xương ổ răng cạnh túi nha chu.
Chụp x-quang nha khoa để phát hiện tình trạng tiêu xương ổ răng
Cách chữa viêm chân răng hiệu quả
Tình trạng viêm chân răng để chữa khỏi hoàn toàn nên tuân thủ theo hướng dẫn và phác đồ điều trị của bác sĩ có chuyên môn. Tùy theo từng giai đoạn bệnh, phương pháp chữa sẽ được điều chỉnh phù hợp:
Bệnh ở giai đoạn đầu
Khi này bệnh còn nhẹ, việc điều trị khi này sẽ được thực hiện bằng cách làm sạch để loại bỏ vi khuẩn trong khoang miệng gồm vệ sinh với các thiết bị chuyên dụng, lấy vôi răng… Người bệnh thực hiện theo hướng dẫn chăm sóc răng miệng tại nhà và định kỳ tại nha khoa thì tình trạng răng, nướu sẽ được cải thiện và phục hồi trở lại.
Lấy cao răng định kỳ và vệ sinh răng miệng kỹ càng để cải thiện bệnh
Bệnh ở giai đoạn nặng
Ở giai đoạn này, vi khuẩn đã tạo thành những ổ viêm lớn, chúng phá hủy chân răng và có nguy cơ lây lan sang các răng liền kề. Răng bị viêm khi này cần được nhổ bỏ càng sớm càng tốt và phục hình bằng cách trồng răng thay thế để đảm bảo cấu trúc răng và khả năng ăn nhai cho người bệnh.
Với bệnh nhân bị viêm chân răng có mủ, phương án điều trị khi này sẽ phức tạp hơn. Bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch răng và khoang miệng, sau đó rạch nướu, nạo túi mủ để làm sạch gốc răng.
Nếu viêm răng gây tụt lợi nhiều sẽ phải ghép vạt lợi để nướu phục hồi và ôm vào chân răng. Bệnh nhân sẽ được dùng thêm kháng sinh và các loại thuốc hỗ trợ khác để quá trình này diễn ra nhanh hơn, tránh nhiễm trùng.
Nhổ răng bị hư hại nặng và trồng răng thay thế để đảm bảo chức năng ăn nhai
Cách chữa viêm chân răng dân gian
Những mẹo dân gian này được đánh giá là khá an toàn bởi các nguyên liệu có khả năng sát khuẩn, giúp loại bỏ vi khuẩn, hỗ trợ làm sạch khoang miệng và quá trình phục hồi. Tuy nhiên bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng bất cứ mẹo chữa trị nào tại nhà.
Dùng nước muối
Bạn có thể dùng nước muối sinh lý hoặc pha một chút muối với nước ấm để súc miệng vào sáng sớm và sau mỗi bữa ăn. Muối có tác dụng sát khuẩn giúp nướu giảm sưng viêm chân răng hiệu quả.
Dùng gừng tươi
Gừng tươi rửa sạch, cạo vỏ, đem đi thái sợi và đun cùng với nước sôi trong khoảng 10 phút, dùng nước này để súc miệng giúp loại bỏ vi khuẩn, tiêu viêm, giảm đau, giảm sưng rất tốt. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể uống trà gừng cũng sẽ giúp răng miệng khỏe hơn.
Gừng rất tốt trong việc cải thiện sức khỏe răng miệng
Dùng tỏi
Cách giảm đau viêm chân răng với tỏi cũng được nhiều người áp dụng. Tỏi có chứa chất sát khuẩn tự nhiên, khi trộn với chút muối và giấm sẽ làm tăng hiệu quả loại bỏ vi khuẩn. Bạn thoa hỗn hợp này quanh vùng nướu bị sưng viêm sẽ giúp giảm đau rất tốt. Tuy nhiên nên chú ý liều lượng để tránh làm bỏng nướu.
Biện pháp phòng ngừa viêm chân răng
Để phòng ngừa các bệnh lý về răng miệng nói chung và viêm quanh răng nói riêng, yếu tố cốt lõi nhất đó chính là chăm sóc răng miệng khoa học và đúng cách. Cụ thể:
- Đánh răng và súc miệng đều đặn, 2-3 lần mỗi ngày khi thức dậy và sau khi ăn.
- Sử dụng thêm chỉ nha khoa, tăm nước, nước súc miệng… để hỗ trợ làm sạch răng miệng tối đa.
- Bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Phòng ngừa viêm chân răng kiêng ăn gì? Bạn nên ăn các món ăn mềm, ít dai và cứng để hạn chế làm tổn thương răng.
- Hạn chế các món ăn sử dụng nhiều gia vị cay nóng, nhiều đường hoặc có tính acid cao tránh làm hỏng men răng.
- Ưu tiên các thực phẩm tốt cho sức khỏe, giàu canxi, phốt pho để răng luôn chắc khỏe.
- Thực hiện khám răng và lấy vôi răng định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra tình trạng răng miệng.
Thực hiện thói quen vệ sinh răng miệng mỗi ngày để răng nướu luôn chắc khoẻ
Khám và điều trị viêm chân răng ở đâu?
Chuyên khoa Răng Hàm Mặt bệnh viện Đa khoa Phương Đông hiện đang thực hiện khám chữa và điều trị các bệnh lý về răng miệng và phẫu thuật chỉnh hình răng. Với cơ sở khám - chữa sang trọng, hiện đại, đội ngũ y khoa chuyên môn cao sẽ xử lý tận gốc nguyên nhân gây bệnh, cải thiện tình trạng tối ưu, giúp bệnh nhân bảo toàn được hàm răng chắc khỏe.
Viêm chân răng có thể ngăn ngừa được bằng các biện pháp vệ sinh răng miệng thông thường. Do đó bạn hãy chú trọng chăm sóc cho khoang miệng và hàm răng thật tốt để răng luôn chắc khỏe. Khi có bất cứ bất thường nào, hãy đến chuyên khoa răng hàm mặt tại bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được thăm khám và điều trị sớm.