Viêm đa khớp dạng thấp: triệu chứng, nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị

Thao Tran

11-08-2023

goole news
16

Viêm khớp dạng thấp được xem như là cơn ác mộng của những ai không may mắc phải căn bệnh này. Bởi lẽ, bệnh không chỉ gây đau nhức khớp mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể, thậm chí là khiến người bệnh mất đi hoàn toàn khả năng vận động. Vậy làm sao để nhận biết sớm viêm đa khớp dạng thấp, hay bệnh có thể chữa khỏi được không,… Hãy cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm lời giải đáp cho các thắc mắc trong bài viết hôm nay.

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp (RA – Rheumatoid Arthritis) là một những bệnh khớp viêm mạn tính, với tổn thương cơ bản xuất phát từ màng hoạt dịch của khớp. Bệnh tương đối phổ biến, với khoảng 0,5 - 1% dân số thế giới mắc phải. Trong đó, tỷ lệ nữ nhiều hơn nam giới và thường ở độ tuổi trung niên.

Bệnh viêm khớp dạng thấpBệnh viêm khớp dạng thấp

Bệnh không chỉ gây ra những tổn thương ở khớp mà còn dẫn đến những tổn thương ngoài khớp trên nhiều cơ quan như tim, mắt, phổi, thần kinh… Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, đúng phác đồ thì tỷ lệ người bệnh bị tàn phế là rất cao do tình trạng phá hủy khớp gây nên.

Các giai đoạn của viêm khớp dạng thấp

Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể nhận thấy một số thay đổi, trong khi một có những thay đổi không gây ra bất cứ cảm giác gì. Việc chụp X-quang sẽ giúp đánh giai đoạn bệnh viêm khớp dạng thấp theo tiêu chuẩn của tác giả Steinbroker, gồm 4 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1

Ở giai đoạn đầu, chưa thấy thay đổi trên X-quang, người bệnh có cảm giác cứng khớp, đau khớp hoặc sưng đỏ vùng khớp bị viêm. Bên cạnh đó, tình trạng viêm bên trong khớp làm cho các mô trong khớp sưng lên, tuy không có tổn thương xương nhưng đã làm tổn thương màng dịch hoạt của khớp.

Giai đoạn 2

Màng hoạt dịch ở khớp bị viêm nặng hơn, phần trên đầu xương, sụn khớp đã có biến đổi một phần, bắt đầu từ có hình bào mòn và hẹp khe khớp. Lúc này, người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn đau và có thể gặp khó khăn trong việc đi lại.

Giai đoạn 3

Ở giai đoạn này, tình trạng bệnh đã nghiêm trọng, tổn thương nhiều ở đầu xương, sụn khớp và dính khớp một phần. Vậy nên, người bị đau và sưng nhiều hơn, một số người có thể bị yếu cơ và mất hẳn khả năng vận động.

Giai đoạn 4

Khi bệnh lý viêm khớp dạng thấp đã tiến triển đến giai đoạn 4, người bệnh bị dính khớp hoàn toàn và có những biến dạng khớp trầm trọng. Điều này khiến họ cảm thấy đau đơn, sưng, cứng cơ và mất đi khả năng vận động.

Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp

Dấu đây là các dấu hiệu viêm đa khớp thấp thường gặp giúp bạn nhận biết sớm bệnh:

Triệu chứng cơ năng

  • Đau, sưng khớp có tính đối xứng, lan tỏa, nhất là ở các khớp nhỏ và nhỡ. Thường đau sưng khớp liên tục cả ngày, nghỉ ngơi không đỡ đau, đau tăng lên về đêm và gần sáng.
  • Tính trạng cứng khớp vào buổi sáng thường kéo trên 1 giờ.
  • Viêm khớp kéo dài gây mệt mỏi, suy nhược, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. 

Triệu chứng thực thể tại khớp

  • Sưng, đau, nóng tại các khớp và ít khi tấy đỏ. Sưng có thể so tràn dịch khớp hoặc sưng phần mềm. Viêm khớp nhỏ thường có tính đối xứng và kéo dài trong khoảng vài tuần đến vài tháng. Các khớp hay bị viêm gồm: bàn ngón tay, cổ tay, khủy, vai, háng, khớp nhỏ bàn chân, cổ chân. Nếu người bệnh có viêm cột sống cổ thường dấu hiệu tiên lượng nặng của viêm khớp dạng thấp, có thể xuất hiện bán trật khớp đội trục gây ra chèn ép tủy cổ. 
  • Dính và biến dạng các khớp viêm nếu bệnh không được điều trị sớm, do tổn thương phá hủy khớp, gân và dây chằng gây ra. Các kiểu biến dạng thường gặp gồm: ngón tay hình cổ cò, ngón tay người thợ thùa khuyết, cổ tay hình lưng lạc đà, bàn tay gió thổi, hội chứng đường hầm cổ tay...

Dấu hiệu đau khớp dạng thấpDấu hiệu đau khớp dạng thấp

Triệu chứng ngoài khớp

  • Hạt thấp dưới da: Thường ở vùng tỳ đè như vùng chẩm, gân Achilles, khủy, cạnh ngón tay, ngón chân. Hay gặp ở người mắc viêm khớp dạng thấp nặng, tiến triển bệnh nhanh nhưng người bệnh viêm khớp thấp ở Việt Nam ít khi có hạt thấp dưới da. Những hạt này có đặc điểm là mật độ chắc, thường gắn và gân hoặc màng xương nên ít di động, kích thước tử vài mm đến 2 cm và đứng thành từng đám.
  • Tổn thương mắt: Thường viêm khô kết mạc và cũng có thể viêm củng mạc, nhuyễn củng mạc thủng khi bệnh diễn tiến nặng.
  • Tổn thương phổi: Nốt dạng thấp ở nhu mô, xơ phổi kẽ tan tỏa, viêm phế quản hay tắc nghẽn hô hấp do viêm phổi, viêm khớp nhẫn giáp, viêm màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi.
  • Tổn thương tim mạch: Viêm cơ tim, viêm màng tim, viêm van tim, loạn nhịp tim, viêm mạch…
  • Hội chứng Felty: Nhiễm khuẩn tái phát, giảm bạch cầu hạt, lách to, hội chứng Sjogren, thường là biểu hiện toàn thân và đang diễn tiến.
  • Tổn thương thần kinh ngoại biên và trung ương (nhưng hiếm gặp).

Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh viêm khớp thấp vẫn chưa được làm rõ. Các nhà khoa học nhận định rằng đây là một bệnh tự miễn dịch với sự tham gia của nhiều yếu tố như di truyền, nhiễm khuẩn…

Kháng nguyên là các tác gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, gây ra một chuỗi các phản ứng miễn dịch, trong đó các tế bào lympho T giữ vai trò then chốt. Hậu quả của chuỗi các phản ứng miễn dịch này gây nên chính là các tổn thương bào mòn xương, hủy khớp, từ đó dẫn đến dính và biến dạng khớp. Cụ thể như ảnh dưới đây: 

Nguyên nhân viêm khớp dạng thấpNguyên nhân viêm khớp dạng thấp

Những người dễ mắc viêm khớp dạng thấp

Những đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nếu có càng nhiều yếu tố sau:

  • Nhiễm khuẩn: Parvo virus, Epstein-Barr virus… hoặc Mycoplasma, vi khuẩn đường ruột…
  • Cơ địa: Cơ thể suy yếu, từng bị chấn thương…
  • Yếu tố môi trường: thường xuyên ở trong điều kiện lạnh, ẩm kéo dài hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất độc hại. 
  • Độ tuổi và giới tính: Nữ giới trên 40 tuổi.
  • Tiền sử gia đình có người mắc viêm khớp dạng thấp hoặc mang gen nhạy cảm như HLA- DR4…
  • Hút thuốc lá (chủ động hoặc thủ động) đều khiến bạn dễ mắc viêm khớp dạng thấp.
  • Thừa cân - béo phì: Đặc biệt là nữ giới dưới 55 tuổi sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh lý nguy hiểm này.

Xem thêm:

Quý khách hàng có thể liên hệ ngay đến tổng đài 1900 1806 hoặc điền thông tin đăng ký tại phần Đặt lịch khám để đặt lịch khám và tư vấn cùng bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp hàng đầu tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

Biến chứng có thể gặp của viêm khớp dạng thấp

Nếu không được can thiệp sớm, người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ gặp phải các tình trạng như:

  • Loãng xương - suy yếu cơ xương, khiến xương trở nên giòn và dễ gãy.
  • Khô miệng và mắt: Người bệnh có khả năng cao mắc hội chứng Sjogren (rối loạn làm giảm độ ẩm trong miệng và mắt).
  • Nhiễm trùng do hệ thống miễn dịch suy giảm vì bệnh và sử dụng các loại thuốc điều trị.
  • Thành phần cơ bất thường: Tỷ lệ mỡ ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường cao hơn so với người bình thường, ngay cả khi chỉ số BMI bình thường.
  • Hội chứng ống cổ tay: Do tình trạng viêm tác động lên cổ tay, chèn ép dây thần kinh ở bàn tay và ngón tay.
  • Bệnh tim mạch: Tăng nguy cơ xơ cứng, tắc nghẽn các động mạch và viêm túi bao quanh tim.
  • Bệnh phổi: Nguy cơ bị viêm và sẹo mô phổi và diễn tiến đến khó thở.
  • Ung thư hạch: Một nhóm ung thư máu, phát triển trong hệ thống hạch huyết.

Biến chứng đau khớp dạng thấpBiến chứng đau khớp dạng thấp

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh, bạn nên đến cơ sở chuyên khoa ngay để được bác sĩ khám, chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị kịp thời.

Các tiêu chuẩn chẩn đoán

Tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ 1987 (American College of Rheumatology - ACR) hiện được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, tiêu chí này có hạn chế là chưa chẩn đoán được bệnh ở giai đoạn sớm nên Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ kết hợp với Liên đoàn chống Thấp khớp Châu  Âu (European  League  Against Rheumatism - EULAR) áp dụng tiêu chuẩn ACR/EULAR 2010 trong lâm sàng.

Tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Mỹ ACR–1987

Chẩn đoán xác định khi có tối thiểu 4 trong 7 yếu tố dưới đây:

  1. Thời gian cứng khớp vào buổi sáng trên một giờ.
  2. Viêm ít nhất 3 trong 14 khớp sau: bàn ngón tay, ngón gần, cổ tay, cổ chân, bàn ngón chân, khuỷu, gối và thời gian diễn biến ít nhất phải 6 tuần.
  3. Trong số các khớp bị viêm, có ít nhất 1 khớp thuộc vị trí: cổ tay, bàn ngón tay, ngón gần.
  4. Có tính chất đối xứng.
  5. Hạt dưới da.
  6. Yếu tố dạng thấp huyết thanh dương tính.
  7. X-quang điển hình khối xương cổ tay (hình ảnh bào mòn và mất chất khoáng đầu xương).

Tiêu chuẩn ACR/EULAR 2010

Đây là tiêu chuẩn áp dụng khi người bệnh có biểu hiện của viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn sớm (trước 6 tuần). Tuy nhiên, sau khi chẩn đoán dựa vào tiêu chuẩn này thì cần phải theo dõi sát sao tiến triển của bệnh. 

1. Khớp tổn thương     

Khớp tổn thương     

Điểm

1 khớp lớn

0

2 - 10 khớp lớn

1

1 - 3 khớp nhỏ

2

4 - 10 khớp nhỏ

4

> 10 khớp nhỏ

5

2. Xét nghiệm miễn dịch (thực hiện ít nhất 1 xét nghiệm).

Xét nghiệm

Điểm

Cả Anti CCP và  RF âm tính   

0

Anti CCP hoặc RF dương tính thấp

2

Anti CCP hoặc RF dương tính cao 

3

3. Phản ứng viêm cấp tính

Phản ứng viêm cấp tính

Điểm

Cả CPR và tốc độ máu lắng bình thường

0

CRP hoặc tốc độ máu lắng tăng

1

4. Thời gian bị bệnh

Phản ứng viêm cấp tính

Điểm

<   6 tuần 

0

>= 6 tuần

1

Người bệnh được chẩn đoán mắc viêm khớp dạng thấp khi đạt ≥ 6/10 điểm.

Lưu ý:

  • Khớp lớn gồm: Khớp gối, cổ chân, khớp háng, khớp khuỷu, khớp vai.
  • Khớp nhỏ:  Khớp ngón gần, khớp cổ tay, bàn ngón.
  • Âm tính: Anti CCP ≤17 UI/ml; RF ≤ 14 UI/ml.
  • Dương tính thấp: Kết quả xét nghiệm ≤3 lần mức bình thường.
  • Dương tính cao: Kết quả xét nghiệm ≥ 3 lần mức bình thường.

Chẩn đoán đợt diễn tiến bệnh

Các tiêu chí đánh giá theo đợt tiến triển của bệnh gồm:

  • Cứng khớp buổi sáng: thời gian càng dài thì mức độ hoạt động của bệnh càng nặng, thời gian cứng khớp vào buổi sáng trong đợt tiến triển ít nhất 45 phút.
  • Đánh giá mức độ đau theo thang điểm VAS: Từ 10 - 40mm: đau nhẹ, từ 50 - 60 mm: đau vừa và từ 70 - 100mm: đau nặng. 
  • Số khớp sưng và số khớp đau: càng nhiều thì mức độ hoạt động của bệnh càng nặng. Trong đợt tiến triển của bệnh thì có ít nhất 3 khớp bị sưng.
  • Chỉ số Ritchie: 0 điểm là hoàn toàn không đau và 78 điểm là đau tối đa. Khi điểm Ritchie trên 9 điểm thì được đánh giá đợt tiến triển của bệnh.
  • Thang điểm đánh giá mức độ hoạt động của bệnh DAS 28: 

          + DAS 28 < 2,9 điểm: bệnh không hoạt động.

          + 2,9 ≤ DAS 28 ≤ 3,2 điểm: bệnh hoạt động ở mức độ nhẹ.

          + 3,2 < DAS 28 ≤ 5,1 điểm: bệnh hoạt động mức độ trung bình.

          + DAS 28 > 5,1: bệnh hoạt động mức độ mạnh.

  • Yếu tố dạng thấp (RF) tăng gấp 3 trị số bình thường.
  • Tình trạng viêm sinh học trên xét nghiệm như máu lắng và protein C phản ứng tăng cao.

Chẩn đoán phân biệt

Việc thực hiện chẩn đoán viêm khớp dạng thấp cần được phân biệt với các bệnh như bệnh gút, bệnh thoái hóa nhiều khớp, thấp khớp cấp, Lupus ban đỏ hệ thống có tổn thương khớp, xơ bì toàn thể. 

Phương pháp điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Nguyên tắc điều trị

Việc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp cần tuân thủ theo các nguyên tắc tắc sau:

  • Mục đích điều trị: kiểm quá quá trình viêm khớp, bảo vệ chức năng khớp, phòng ngừa hủy khớp, giảm thiểu tối đa các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
  • Các phương pháp điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp: sử dụng thuốc, vật lý trị liệu phục hồi chức năng; quản lý bệnh nhân, tư vấn và giáo dục.
  • Nguyên tắc điều trị thuốc: Kết hợp nhiều nhóm thuốc: thuốc DMARD's và thuốc điều trị triệu chứng ngay từ giai đoạn đầu. Các thuốc điều trị có thể phải duy trì trong thời gian gian, thậm chí là suốt đời với nguyên tắc số nhóm thuốc và liều thuốc tối thiểu có hiệu quả. Riêng nhóm corticoid  thường được sử dụng trong những đợt của bệnh. Với nhóm thuốc DMARD's  kinh điển, phác đồ thường dùng là methotrexat phối hợp với thuốc chống sốt rét tổng hợp trong 5 năm đầu,  sau đó là methotrexat đơn độc. Các trường hợp có yếu tố tiên lượng nặng, cần điều trị tích cực ngày từ đầu và xem xét chỉ định sử dụng các thuốc DMARD's sinh học sớm.

Thuốc điều trị triệu chứng

  • Thuốc chống viêm: Lựa chọn một trong 2 loại thuốc chống viêm không steroid hoặc glucocorticoid tùy theo mức độ hoạt động của bệnh. Trong đó, các thuốc chống viêm không steroid loại ức chế chọn lọc COX 2 được ưu tiên sử dụng vì người bệnh phải sử dụng lâu dài nhưng cần lưu ý các chống chỉ định và cách phòng tránh tác dụng phụ của thuốc.
  • Bổ sung thuốc giảm đau, ví dụ như nhóm paracetamol hoặc kết hợp. Trường hợp cần tiêm nội khớp với các khớp sâu thì nên tiêm dưới sự hướng dẫn của siêu âm (háng, khớp vai) và kết hợp điều trị cơ bản bệnh.

Thuốc điều trị cơ bản bệnh

Các thuốc điều trị cơ bản viêm khớp dạng thấp gồm thuốc chống thấp tác dụng chậm (DMARDs) và thuốc DMARDs sinh học. 

Các thuốc chống thấp tác dụng chậm (DMARDs)

Bao gồm Methotrexat (MTX), thuốc chống sốt rét tổng hợp (Hydroxychloroquine), Leflunomid, Cyclosporin A, Sulfasalazine (Salazopyrine).... Trong đó, Methotrexat có vai trò quan trọng trong việc ổn định bệnh. Methotrexat được dùng với liều tối thiểu của tác dụng là 7,5mg/ tuần và liều tối đa là 20-25mg/ tuần, mỗi tuần uống cố định vào 1 ngày. Methotrexat được chỉ định đầu tay trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Khi sử dụng loại thuốc này, người bệnh chú ý bổ sung acid folic đủ, sau khi uống thuốc tối thiểu 24 giờ để tránh làm giảm tác dụng của thuốc. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp không kiểm soát được bệnh, đặc biệt là khi người bệnh có yếu tố tiên lượng nặng.

thuốc điều trị viêm khớp dạng thấpKhông ít người quan tâm thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp nào tốt

Các thuốc DMARDs sinh học

Một số thuốc đã được sử dụng tại Việt Nam từ năm 2009. Ngoài cải thiện các triệu chứng tại khớp và ngoài khớp trên lâm sàng, thuốc còn hạn chế tổn thương trên X-quang, làm chậm sự hủy khớp nên giúp bảo tồn chức năng khớp. Các thuốc DMARDs sinh học có các thuốc ức chế Interleukin 6 như thuốc ức chế TNFα (Infliximab- Remicade, Adalimumab- Humira), Tocilizumab (Actemra®), thuốc ức chế JAK (tofacitinib), thuốc ức chế tế bào B (Rituximab: MabThera®, Rituxan ®)... Tuy nhiên, các thuốc này có các tác dụng không mong muốn đáng ngại như nhiễm khuẩn cơ hội, nhiễm virus, ung thư, lao.

Vì thế, trước khi chỉ định thuốc, bắt buộc phải khảo sát, sàng lọc các nhiễm trùng, phản ứng quá mẫn, tình trạng tiêm chủng, bệnh gan tiến triển và suy gan. Điều trị viêm khớp dạng thấp với thuốc DMARDs sinh học thường kết hợp cùng Methotrexate và cần phải được được quản lý, theo dõi chặt chẽ trước - trong - sau dùng thuốc để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho người bệnh.

Các phương pháp điều trị khác

Bên cạnh sử dụng thuốc để điều trị thì hiện nay còn có một số cách điều trị viêm khớp dạng thấp khác như:

Điều trị hỗ trợ

  • Thuốc chống loãng xương, đặc biệt là nhóm biphosphonat cho các bệnh nhân điều trị bằng glucocorticoid trên 01 tháng.
  • Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm (Glucosamine  Sulfate- Viartril- S®, Diacerhine- Artrodar®).
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, nhất là ở nguy cơ cao (nhóm ức chế bơm proton).

Điều trị phục hồi chức năng và chống dính khớp

  • Luyện tập các bài tập giúp giảm cứng, đau khớp và chống dính khớp. Bên cạnh đó, cần tránh vận động quá mức ở các khớp tổn thương, hạn chế các động tác có thể gây đau.
  • Người bệnh nên vận động và tự phục hồi bằng các trạng bị, dụng cụ phù hợp như quần áo, giày dép mềm, dễ mặc, cài bằng khóa dán; thìa có cán dài và to, cốc nhẹ…
  • Không đứng hoặc ngồi quá lâu, nên dùng cán chống hỗ trợ với bên bị đau khớp.

Điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh viêm khớp dạng thấpĐiều trị phục hồi chức năng cho người bệnh viêm khớp dạng thấp

Y học cổ truyền

Việc sử dụng các thuốc chống viêm mạnh trong đợt tiến triển của bệnh là cần thiết. Song ở giai đoạn bệnh thuyên giảm, nước suối khoáng nóng có thể làm gia tăng tác dụng phục hồi chức năng của khớp. Một số bài thuốc Nam (độc hoạt Lai châu, trinh nữ hoàng cung…) hoặc châm cứu có tác dụng chống viêm khớp có thể làm giảm triệu chứng viêm và giảm liều các thuốc chống viêm nên giúp giảm tác dụng phụ không mong muốn của các thuốc này.

Điều trị ngoại khoa

  • Nội soi rửa khớp được chỉ định với các khớp viêm, tràn dịch kéo dài, đặc biệt là ở khớp gối.
  • Phương pháp chỉnh hình, thay khớp nhân tạo chủ yếu được thực hiện với các khớp gối và khớp háng.
  • Các phẫu thuật chỉnh đối với cơ, gân, khớp nhỏ ở bàn tay bắt đầu được triển khai gần đây nhằm đảm bảo chức năng vận động của người bệnh.

Lưu ý khi chăm sóc người bệnh viêm khớp dạng thấp

Đặc điểm của bệnh viêm khớp dạng thấp là tiến triển kéo dài, càng ngày càng nặng và có thể gây ra những di chứng vô cùng nặng nề dẫn đến tàn phế nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. 

chăm sóc người bệnh viêm khớp dạng thấpKhuyến khích người bệnh tích cực vận động trong quá trình chăm sóc

Khi chăm sóc người mắc viêm khớp dạng thấp thì cần lưu ý:

  • Thực hiện chăm sóc cơ bản.
  • Đặt người bệnh nằm nghỉ cơ tư thế cơ năng nếu trong giai đoạn cấp.
  • Hướng dẫn người bệnh tự phục mình nếu đã có biến dạng khớp, bằng cách sắp xếp các đồ dùng hằng ngày của người bệnh ở vị trí thích hợp và tiện sử dụng nhất khi cần thiết.
  • Khuyến khích người bệnh tích cực vận động, nếu tình trạng đau chịu đựng được.
  • Động viên và trấn an tinh thần để người bệnh an tâm điều trị.
  • Chuẩn bị đồ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, năng lượng và nhiều sinh tố.
  • Vệ sinh sạch sẽ cho người bệnh: vệ sinh răng miệng, da hàng ngày để tránh các ổ nghiệm khuẩn và phát hiện sớm ổ nhiễm trùng để có hướng can thiệp điều trị. Quần áo, vải trải giường và các vật dụng khác của người bệnh phải luôn được sạch sẽ. Nếu phát hiện có ổ loét trên da thì phải rửa sạch bằng xanh methylen hoặc nước oxy già.

Phòng tránh bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là căn bệnh khó có thể chữa khỏi và gây ảnh hưởng đến toàn cơ thể. Bên cạnh đó, việc phòng ngừa bệnh cũng gặp nhiều khó khăn do chưa xác định được rõ nguyên nhân gây bệnh. Chính vì vậy, bạn nên chủ động chăm sóc để có hệ xương chắc khỏe bằng những biện pháp dưới đây:

Uống đủ nước mỗi ngày

Nước chiếm đến hơn 70% trong thành phần của sụn khớp, giúp duy trì sự trơn tru giữa 2 đầu xương. Nếu xảy ra việc mất nước sẽ khiến sụn bị suy giảm chức năng, giòn, thoái hóa và hãy dẫn đến tình trạng viêm khớp. Do đó, uống đủ nước bổ ngày sẽ đảm bảo sụn chắc khỏe.

Tránh tiếp xúc với không khí lạnh, môi trường ẩm thấp

Sống trong môi trường ẩm thấp, thường xuyên tiếp xúc với môi trường lạnh có thể làm tăng nguy cơ bạn bị mắc viêm khớp dạng thấp cao hơn những người còn lại. Vì thế, để phòng ngừa bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ mắc tái phát lại bệnh viêm khớp dạng thấp, bạn cần chú ý phải luôn giữ ấm cơ thể trong mọi trường hợp (nhất là bàn chân, bàn tay).

Bên cạnh đó, bạn cần hạn chế tối đa việc sống trong môi trường ẩm thấp và làm việc trong môi trường thường có không khí lạnh. Đây cũng là cánh phòng tránh bệnh viêm khớp dạng thấp nói riêng và các bệnh lý về xương khớp nói chung.

Chế độ ăn uống hợp lý

Bổ sung các thực phẩm giàu canxi, vitamin C, E để giúp hệ xương khớp chắc khỏe, ngăn ngừa lão hóa và thoái hóa xương. Ngoài ra, người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp không nên ăn các thực phẩm có thực phẩm có hại cho xương khớp như thực phẩm chứa hàm lượng đường cao, giàu chất béo, nhiều muối, giàu chất bảo quản và phẩm màu…

ăn uống hợp lý giúp phòng ngừa viêm khớp dạng thápMột chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp bạn phòng ngừa các bệnh lý về xương khớp nói chung và viêm khớp dạng thấp nói tiêng

Ngăn ngừa , điều trị dứt điểm chấn thương

Cần tránh việc cơ thể gặp phải các chấn thương để hạn chế tình trạng khớp bị chấn thương. Trong trường hợp không may gặp phải chấn thương, bạn cần phải điều trị dứt điểm, tránh để chấn thương kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho việc viêm nhiễm ngầm.

Chăm chỉ tập thể dục

Luyện tập thể dục thể thao vừa tốt cho hệ cơ xương khớp, hệ miễn dịch và hệ tim mạch. Tuy nhiên, bạn nên tránh tập luyện những động tác lặp đi lặp lại liên tục và một số môn thể thao được khuyến khích như bơi lội, đi bộ, yoga…

Duy trì cân nặng hợp lý

Thừa cân, béo phì có thể gây nên tình trạng chèn ép xương nên dễ dẫn đến tình trạng viêm. Trong khi đó, những người suy dinh dưỡng, cơ thể thường xuyên trong tình trạng thiếu chất cũng sẽ dẫn tới sự thiếu chất ở xương, tạo kiện kiện thuận lợi cho viêm khớp xuất hiện và phát triển. Chính vì thế, việc duy trì cân nặng hợp lý là một việc quan trọng giúp phòng ngừa viêm khớp dạng thấp.

Tóm lại, viêm khớp dạng thấp là một căn bệnh nguy hiểm và để lại những hệ hụy không lường. Vì thế, khi có các biểu hiện của bệnh, bạn cần đến khám chuyên khoa xương khớp tại các cơ sở y tế càng sớm các tốt để được tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh viêm khớp dạng thấp.

Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là một trong những địa chỉ được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn khi điều trị xương khớp. Khi đến đây, khách hàng hoàn có thể an tâm với đội ngũ y bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm và được đào tạo bài bản về cơ xương khớp cùng hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại hỗ trợ tối đa cho việc thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Vui lòng liên hệ ngay đến tổng đài 1900 1806 hoặc điền thông tin đăng ký tại phần Đặt lịch khám để đặt lịch khám và tư vấn cùng bác sĩ chuyên khoa hàng đầu tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
911

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám