Viêm loét miệng ở trẻ em: Dấu hiệu và điều trị như thế nào?

Dương Minh Ngọc

11-01-2023

goole news
16

Viêm loét miệng gây đau khiến trẻ quấy khóc, bỏ ăn dẫn tới sụt cân. Nếu cha mẹ không cho trẻ điều trị sớm, vết loét sẽ lan rộng, ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Nguyên nhân của viêm loét miệng ở trẻ em là gì? Cách chữa trị ra sao? Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về tình trạng này.

Tổng quan về viêm loét niêm mạc miệng ở trẻ

Viêm loét miệng ở trẻ em là tình trạng tổn thương, xuất hiện vết loét nhỏ hình tròn hoặc bầu dục, kích thước khoảng vài milimet, ở giữa thường có màu trắng.

Các vết loét này tồn tại đơn độc hoặc thành từng đám trong khoang miệng như má trong, lợi, lưỡi, vòm họng… Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên viêm loét miệng ở trẻ sơ sinh lại khá hiếm gặp.

Viêm loét niêm mạc miệng ở trẻ có thể tồn tại từ 1-2 tuần, chúng gia tăng kích thước, lan sang các vị trí mô mềm khác trong khoang miệng và có thể để lại sẹo. Do đó để giảm ảnh hưởng đến sinh hoạt của con, cha mẹ nên phát hiện sớm để có biện pháp chữa trị phù hợp.

Viêm loét niêm mạc miệng ở trẻ gây đau, đặc biệt là khi ănViêm loét niêm mạc miệng ở trẻ gây đau, đặc biệt là khi ăn

Nguyên nhân gây viêm loét miệng ở trẻ em

Viêm loét miệng lưỡi ở trẻ em đôi khi là do tổn thương cơ học hoặc do chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng.

Tuy nhiên cũng có trường hợp đây là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe trẻ đang gặp phải. Cụ thể, trẻ có thể bị viêm loét miệng do những nguyên nhân sau đây:

Do tổn thương cơ học

Các vết loét có thể hình thành từ những tổn thương do trẻ vô tình tự cắn vào niêm mạc má trong hay lưỡi, dùng bàn chải lông cứng, ăn đồ khô, cứng, nhiều xơ khiến miệng bị trầy xước, trẻ đánh răng quá mạnh…

Do ăn uống thiếu chất

Trẻ ăn uống thiếu sự cân bằng dinh dưỡng dẫn tới cơ thể thiếu hụt các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là các vitamin như B12, C, B9 (acid folic) và sắt. Khi thiếu những chất này sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm loét niêm mạc miệng.

Ngoài ra, một số trẻ bị viêm loét miệng còn do thường xuyên ăn các món ăn cay nóng có khả năng kích ứng niêm mạc miệng, khiến vị trí này dễ bị tổn thương, viêm loét.

Ăn uống thiếu chất làm tăng nguy cơ trẻ bị viêm loét miệngĂn uống thiếu chất làm tăng nguy cơ trẻ bị viêm loét miệng

Do tác động nhiệt

Nhiều trẻ bị viêm loét miệng do ăn phải thức ăn nóng hoặc quá lạnh làm cho niêm mạc miệng bị bỏng nhiệt dẫn tới hình thành các vết loét. Đây là một nguyên nhân khá phổ biến gây nên tình trạng viêm loét miệng ở trẻ em.

Do vấn đề về tâm lý, căng thẳng kéo dài

Do áp lực về học hành, nhiều trẻ gặp phải tình trạng căng thẳng quá mức. Nguyên nhân này khiến cho sức đề kháng của cơ thể giảm, niêm mạc miệng nhạy cảm, dễ bị kích thích và dễ bị vi khuẩn, nấm tấn công dẫn tới viêm loét.

Do lạm dụng kháng sinh, tác dụng phụ của thuốc

Phụ huynh Việt Nam có thói quen khi trẻ bị bệnh là tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ sử dụng. Ngoài ra một số loại thuốc tây trong điều trị bệnh có tác dụng phụ là ức chế hoạt động của tuyến nước bọt dẫn tới gia tăng tình trạng khô miệng, loét niêm mạc miệng.

Trẻ uống ít nước

Trẻ uống ít nước khiến khoang miệng bị khô, thiếu nước bọt và không được làm sạch. Ở trẻ ít có thói quen đánh răng thường xuyên, vi khuẩn và thức ăn thừa thường bám ở kẽ răng, chân răng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng như sâu răng, viêm nha chu, trong đó có viêm loét miệng ở trẻ em.

Một số trẻ do gặp phải các bệnh lý về đường tiêu hoá dẫn tới nôn ói, tiêu chảy khiến cơ thể bị mất nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị viêm loét miệng.

Do mắc bệnh truyền nhiễm

Trẻ khi bị mắc thuỷ đậu, tay chân miệng, nhiễm trùng herpes ở miệng… Các bệnh lý này gây nên tình trạng nốt phỏng nước trong khoang miệng và trên cơ thể. Khi vỡ ra tạo thành các vết viêm loét gây đau đớn, khó chịu cho trẻ.

Đôi khi, bệnh viêm loét miệng ở trẻ em có thể phát triển do ảnh hưởng của các bệnh lý truyền nhiễm, chẳng hạn như tay chân miệng, thủy đậu hay nhiễm trùng herpes ở miệng. Trong đó, đáng chú ý nhất là bệnh tay chân miệng.

Trẻ mắc tay chân miệng cũng xuất hiện các nốt viêm loét trong miệngTrẻ mắc tay chân miệng cũng xuất hiện các nốt viêm loét trong miệng

Dấu hiệu của viêm loét miệng ở trẻ em

Bệnh viêm loét miệng chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em trong độ tuổi học mầm non. Trẻ bị loét miệng thường có các dấu hiệu như sau:

  • Tại các vùng niêm mạc như lưỡi, nướu, má, vòm họng, môi bị viêm, đỏ, xuất hiện các vết loét tròn hay bầu dục kích thước vài milimet. Có 3 dạng loét như sau:
    • Loét dạng aphthe nhỏ: Thường gặp nhất với các vết loét dạng nông, đường kính <1cm, tự khỏi trong khoảng 1-2 tuần và không để lại sẹo.
    • Loét dạng aphthe lớn (còn gọi là bệnh Sutton hay hoại tử niêm mạc miệng tái phát có viêm hạch ngoại biên): Đây là dạng loét chiếm 10% trường hợp bị viêm loét miệng với đường kính > 1cm, kéo dài trong khoảng vài tuần và có khả năng để lại sẹo.
    • Loét dạng Herpes: Các vết loét tạo thành chùm gồm các vết nhỏ, sau đó lan rộng và liên kết tạo thành mảng lớn, thời gian tự lành có thể kéo dài tới 1 tháng và có để lại sẹo.
  • Các vết loét này có viền đỏ rõ ràng, xuất hiện đơn lẻ hoặc thành từng đám gần nhau, trung tâm có màu trắng hoặc vàng nhạt.
  • Khi ăn uống, các vết loét gây đau đớn, nhất là ăn đồ ăn mặn, cứng gây kích thích vết loét.
  • Chảy nước dãi, bỏ bú, bỏ ăn.
  • Viêm loét miệng họng ở trẻ em có thể biểu hiện sốt trong vài ngày và nổi hạch góc hàm trong trường hợp bị viêm cấp.

Trẻ có thể bị sốt khi bị viêm loét miệngTrẻ có thể bị sốt khi bị viêm loét miệng

Biện pháp chẩn đoán bệnh viêm loét miệng ở trẻ

Để chẩn đoán tình trạng viêm loét miệng ở trẻ em, các bác sĩ sẽ thăm khám vùng miệng của trẻ cùng các biểu hiện trẻ đang gặp phải. Bên cạnh đó, nếu có nghi ngờ viêm loét do mắc các bệnh về tay chân miệng, nhiễm herpes, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm bổ sung như xét nghiệm công thức máu, điện giải đồ, X quang phổi, xét nghiệm phát hiện kháng thể…

Cách chữa viêm loét miệng ở trẻ em

Để điều trị và giải quyết nhanh tình trạng viêm loét miệng ở trẻ nhỏ, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc gồm có:

  • Thuốc hạ sốt.
  • Thuốc giảm đau.
  • Thuốc kháng viêm.
  • Thuốc Lidocain để gây tê, giảm đau tại chỗ với các bé bị đau do viêm loét nhiều và lan rộng.
  • Dung dịch rơ giúp ngăn chặn tổn thương và làm sạch bề mặt vết loét.
  • Cách điều trị viêm loét miệng ở trẻ em hiệu quả đó là bổ sung vitamin và khoáng chất giúp bù sự thiếu hụt và hỗ trợ tổn thương nhanh lành, giảm nguy cơ tái phát trong tương lai.
  • Trong các trường hợp trẻ bị viêm loét miệng do mắc các bệnh truyền nhiễm, để chữa viêm loét miệng ở trẻ em, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán và kê đơn điều trị kết hợp với thuốc kháng virus hoặc kháng sinh. Trẻ mắc các bệnh lý này nên được đưa đến viện để điều trị và cách ly.

Cho trẻ uống thuốc điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩCho trẻ uống thuốc điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ

Cách chăm sóc trẻ bị viêm loét miệng

Trẻ bị viêm loét miệng phải làm sao? Khi trẻ bị viêm loét miệng thường hay bỏ bú, bỏ ăn khiến cơ thể thiếu chất, càng làm gia tăng tình trạng bệnh. Để chăm sóc trẻ trong thời gian này, cha mẹ nên lưu ý những điều sau:

  • Không tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Các loại thuốc điều trị viêm loét hay thực phẩm chức năng bổ sung chất cũng cần có sự chỉ định từ người có chuyên môn.
  • Nhắc nhở trẻ rửa tay với xà phòng sát khuẩn, vệ sinh răng miệng hàng ngày, tránh cho tay hay đồ chơi vào miệng. Nếu trẻ đau nhiều, bạn có thể cho trẻ súc miệng với nước muối loãng hoặc nước súc miệng để làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng, giúp giảm viêm tại các vết loét.
  • Chọn loại bàn chải lông mềm, hướng dẫn trẻ đánh răng nhẹ nhàng.
  • Nên cho trẻ ăn các món ăn loãng, mềm như cháo, súp, canh,... hạn chế ăn đồ ăn cứng, đồ ngọt, nhiều xơ cứng, cay nóng, quá mặn…

Viêm loét miệng ở trẻ em thông thường chỉ cần điều trị tại nhà theo hướng dẫn và uống theo thuốc kê đơn của bác sĩ. Tuy nhiên nếu tình trạng kéo dài trên 3 tuần, vết loét ngày càng lan rộng và lớn hơn, phụ huynh nên cho trẻ tới bệnh viện để khám, chẩn đoán các bệnh lý khác có liên quan.

Hướng dẫn và tập thói quen đánh răng 2 lần/ngày để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho trẻHướng dẫn và tập thói quen đánh răng 2 lần/ngày để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho trẻ

Chế độ ăn uống cho trẻ bị viêm loét miệng

Chế độ ăn uống đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ giảm triệu chứng và điều trị bệnh. Do đó bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh răng miệng, chữa trị theo căn nguyên thì việc ăn uống cũng rất cần được cha mẹ lưu tâm. Lời khuyên dành cho phụ huynh có trẻ viêm loét miệng:

Trẻ bị viêm loét miệng nên ăn gì?

Trẻ bị loét miệng thường cảm thấy sợ hãi, quấy khóc khi ăn bởi quá trình nhai làm cọ xát, thức ăn khiến vết loét bị kích thích gây đau. Do đó để giảm triệu chứng, người chăm sóc nên cho trẻ ăn theo hướng dẫn sau:

  • Cho trẻ ăn đồ ăn mềm, lỏng, chứa nhiều dinh dưỡng như cháo, súp, sữa, bánh mềm…
  • Ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như hoa quả, rau xanh, nước ép…
  • Ăn các đồ ăn có tính thanh nhiệt, giải độc như trái cây họ cam, bột sắn dây, rau má, bí xanh, rau ngót, cà chua, củ cải…
  • Bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều omega-3 giúp kháng viêm và nâng cao sức đề kháng như cá hồi, cá trích, cá thu, cá tuyết, các loại dầu cá…
  • Có thể cho các gia vị như nghệ, gừng, tỏi giúp giảm đau, chống viêm, diệt khuẩn.

Cho trẻ ăn đồ mềm, lỏng để tránh ảnh hưởng tới vết loétCho trẻ ăn đồ mềm, lỏng để tránh ảnh hưởng tới vết loét

Nên kiêng cho trẻ bị viêm loét miệng ăn gì?

Cha mẹ nên kiêng cho trẻ ăn các thực phẩm sau đây để tránh khiến tình trạng viêm loét trở nên nặng hơn như:

  • Đồ nếp.
  • Đồ ăn nhiều dầu mỡ như gà rán, khoai tây chiên.
  • Các loại gia vị cay.
  • Đồ ăn quá chua, quá mặn.
  • Đồ ăn cứng.
  • Bánh kẹo nhiều đường.
  • Đồ uống có ga hoặc có chứa caffeine.

Cách phòng ngừa viêm loét miệng ở trẻ em

Để phòng ngừa tình trạng loét miệng ở trẻ cũng như hạn chế vết loét tái phát nhiều lần, cha mẹ nên phòng ngừa bệnh cho con bằng những biện pháp sau:

  • Cho trẻ thực hiện thói quen đánh răng và súc miệng thường xuyên 2-3 ngày/lần, dùng bàn chải lông mềm mại để không gây tác động đến nướu và niêm mạc miệng, thay mới sau 2-3 tháng sử dụng.
  • Cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả và đồ mát.
  • Tránh để trẻ ngậm tay, đồ chơi vào miệng.
  • Vệ sinh nhà cửa, nơi vui chơi, đồ chơi, vật dụng của trẻ.
  • Tiêm phòng thuỷ đậu và các căn bệnh khác cho trẻ đúng độ tuổi và đủ số mũi.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác đang bị bệnh.
  • Cho trẻ ăn uống đủ chất, tránh bị thiếu chất.
  • Khuyến khích trẻ vui chơi vận động nhẹ nhàng giúp tăng cường sức khỏe, nhắc nhở trẻ không chơi quá thô bạo dẫn tới vô tình tự cắn vào má trong, lưỡi tạo thành các tổn thương có thể hình thành vết loét.
  • Cho trẻ khám định kỳ các vấn đề về sức khỏe tổng quát cũng như sức khỏe răng miệng tại bệnh viện Đa khoa Phương Đông để phát hiện sớm những vấn đề trong cơ thể và có giải pháp điều chỉnh, chữa trị kịp thời.

Hãy cho trẻ ăn đủ chất để cơ thể có sức đề kháng chống lại bệnh tậtHãy cho trẻ ăn đủ chất để cơ thể có sức đề kháng chống lại bệnh tật

Viêm loét miệng ở trẻ em đơn thuần về cơ bản là không nguy hiểm quá nhiều đến sức khỏe nhưng gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, đặc biệt là chuyện ăn uống. Vì vậy khi thấy trẻ có dấu hiệu đau, khó chịu, kém ăn, sốt nhẹ, có vết loét trong khoang miệng, hãy thực hiện nay các biện pháp chăm sóc và cho trẻ đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được bác sĩ hướng dẫn điều trị tại nhà.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
17,330

Bài viết hữu ích?

Đặt lịch khám bệnh

Lưu ý: Tổng đài sẽ liên hệ xác nhận thời gian khám chính xác tới quý khách sau khi quý khách đặt hẹn

19001806 Đặt lịch khám