Viêm lưỡi bản đồ là một bệnh lý lành tính ở khoang miệng, đặc trưng bởi các tổn thương trên bề mặt lưỡi được phân chia thành từng mảng với rìa viền rõ, tạo hình dạng giống bản đồ các quốc gia. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng và thường không gây triệu chứng khó chịu, tuy nhiên tỷ lệ mắc cao hơn ở trẻ nhỏ và phụ nữ trong giai đoạn thay đổi nội tiết tố.
Viêm lưỡi bản đồ là gì?
Viêm lưỡi bản đồ là tình trạng trên lưỡi xuất hiện những khoảng màu đỏ, không có u nhú và nhẵn, hình dạng tương tự bản đồ địa lý. Tỷ lệ khởi phát bệnh cao ở trẻ em và người lớn, tập trung ở nữ giới thay vì nam giới.
Phần lớn lưỡi bản đồ xuất hiện ngay từ khi còn nhỏ, hoặc phụ nữ trong thai kỳ hoặc chu kỳ kinh nguyệt. Song người bệnh không nên quá lo lắng, đây là tình trạng lành tính, có thể tự biến mất trong vài tuần và xuất hiện trở lại ở một vị trí khác.

Viêm lưỡi bản đồ phần lớn xuất hiện khi trẻ còn nhỏ hoặc trong thai kỳ
Biểu hiện ban đỏ của lưỡi bản đồ thường khiến nhiều người lo lắng, có nguy cơ chuyển biến nghiêm trọng nhưng trên thực tế không đe dọa đến sức khỏe. Song triệu chứng đau nhức có thể ảnh hưởng đến việc cảm nhận hương vị đồ ăn, đặc biệt những gia vị như muối, ớt hay ngọt.
Triệu chứng viêm lưỡi bản đồ
Viêm lưỡi bản đồ đặc trưng với từng mảng đỏ không có nhú, phù nề và được bao quanh bởi các viên màu trắng, vàng tro hoặc xám. Qua quan sát bằng mắt thường, bạn dễ dàng phân biệt với phần niêm mạc lưỡi bị bệnh và phần niêm mạc bình thường, tương tự đường biên giới các nước trên bản đồ.
Lưỡi bản đồ thường xuất hiện đột ngột với kích thích, hình dạng, vị trí, thời gian xuất hiện và biến mất khác nhau. Bệnh có thể biểu hiện kéo dài hàng tháng, thậm chí lâu hơn với nguy cơ tái phát cao.
Những tổn thương viêm nhiễm phần lớn diễn ra ở mặt sau và mặt bên của lưỡi, khó nhìn thấy. Song vẫn có một số vùng viêm dễ dàng quan sát ở môi, niêm mạc môi, nướu, miệng và sàn miệng.
Bạn khó nhận biết bệnh thông qua các triệu chứng như khó chịu, số ít trường hợp có cảm giác bỏng rát, ngứa ran, đau nhói hoặc kích ứng lưỡi khi ăn. Hơn hết người bệnh dễ nhầm lẫn với nứt lưỡi, nấm lưỡi hoặc ung thư lưỡi giai đoạn đầu nên cần được thăm khám chuyên sâu tại cơ sở y tế.
Dưới đây là một số dấu hiệu chẩn đoán phân biệt ban đầu mà bạn nên lưu ý:
- Nấm lưỡi khởi phát do sự phát triển quá mức nấm Candida, hình thành nên mảng trắng dày ở lưỡi kèm theo bỏng rát khi ăn. Bệnh có thể tiến triển nguy hiểm, gây biến chứng như loét vùng lưỡi, miệng dẫn đến chảy máu, bội nhiễm vi trùng.
- Vẩy nến dù có mối liên hệ nhất định với viêm lưỡi bản đồ, song vẩy nến miệng tương đối hiếm gặp. Vẩy nến thường có biểu hiện rõ ràng với tình trạng sẩn, không trơn nhẵn như lưỡi bản đồ.
- Ung thư lưỡi là bệnh lý ác tính thường gặp ở người trên 50 tuổi, phổ biến ở nam giới trong khi viêm lưỡi bản đồ có tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao. Biểu hiện ban đầu thường gây đau lưỡi, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động lưỡi trong hoạt động nuốt, nói, ăn.

Một số dấu hiệu nhận biết ban đầu
Ngoài ra còn một số bệnh lý cần phân biệt khác như Lichen phẳng ở miệng, chấn thương lưỡi, Herpes Simplex, Lupus ban đỏ hệ thống, bạch sản miệng,... Liên hệ 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.
Nguyên nhân gây bệnh viêm lưỡi bản đồ
Hiện giới y học chưa xác định nguyên nhân gây bệnh lưỡi bản đồ, một số nghiên cứu chỉ ra nhóm yếu tố nguy cơ liên quan bao gồm:
- Thường xuất hiện ở nhóm bệnh nhân bị vẩy nến, viêm da tiếp xúc, dị ứng, hen suyễn, viêm da cơ địa dị ứng, viêm khớp phản ứng, thiếu máu, rối loạn nội tiết tố, tiểu đường type 1.
- Nhóm người thường xuyên bị áp lực tâm lý, căng thẳng, lo âu kéo dài.
- Một số thực phẩm như pho mát, đồ cay có thể trở thành yếu tố kích hoạt bệnh.
- Yếu tố di truyền khi cả gia đình hoặc tiền sử thành viên trong gia đình mắc bệnh lưỡi bản đồ.
- Liên quan đến nội tiết tố trong thời kỳ mang thai, chu kỳ kinh nguyệt.
- Thiếu hụt vitamin, khoáng chất như kẽm, axit folic, sắt, vitamin B6, B12,...

Nguyên nhân hình thành bệnh viêm lưỡi bản đồ
Phương pháp chẩn đoán
Khi đến với cơ sở y tế chuyên môn, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán bệnh dựa trên khám lâm sàng và cận lâm sàng. Trước tiên, khám lâm sàng bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh, triệu chứng, thời gian xuất hiện, quan sát bằng mắt thường để có đánh giá sơ bộ ban đầu.
Để đưa kết luận chuẩn xác nhất, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, sốt hoặc sưng hạch ở cổ. Dựa vào đây để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác, giúp xây phác đồ điều trị phù hợp.
Cách chữa viêm lưỡi bản đồ ở người lớn
Do chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, hướng điều trị dứt điểm lưỡi bản đồ vẫn còn bỏ ngỏ. Các liệu pháp chủ yếu nhằm mục đích giảm nhẹ triệu chứng, kiểm soát cơn đau hoặc tình trạng nhạy cảm ở lưỡi.
Một số loại thuốc uống, thuốc bôi viêm lưỡi bản đồ thường được chỉ định sử dụng như:
- Thuốc kháng sinh khắc phục tình trạng do vi khuẩn bội nhiễm gây nên như loét, mụn mủ, đau rát. Dùng thuốc bôi Metrogyl Denta 2 - 3 lần/ngày x 5 - 7 ngày để loại bỏ các vi khuẩn gây viêm lợi và viêm quanh răng, chú ý tránh tiếp xúc thuốc với nước bọt.
- Thuốc mỡ hoặc nước rửa corticosteroid nhằm kiểm soát tình trạng sưng tấy, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.
- Thuốc điều trị nấm khắc phục tính trạng bội nhiễm, bên cạnh kháng sinh.
- Bổ sung vitamin nhóm B như B1, B2, B6. vitamin C hoặc kẽm nhằm cải thiện tình trạng đau rát ở lưỡi.
- Chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ trong thời gian điều trị bệnh, tránh tạo cơ hội cho vi khuẩn tích tụ gây bệnh.
- Hạn chế tiêu thụ những thực phẩm cay nóng, chứa nhiều gia vị, đồ uống chứa cồn. Thay vào đó bổ sung rau xanh, trái cây, đỏ đen, bột sắn, nước lọc vào thực đơn hàng ngày.

Hướng dẫn điều trị viêm lưỡi bản đồ ở người lớn
Viêm lưỡi bản đồ là bệnh lý mạn tính lành tính, hình thành trong khoang miệng với những mảng đỏ nhẵn có rìa trắng trên lưỡi. Bệnh hiện chưa có phác đồ điều trị dứt điểm, một số loại thuốc như kháng sinh, kháng nấm,... chỉ nhằm làm nhẹ các triệu chứng khó chịu.