Tổng quan về bệnh viêm màng não mô cầu
Viêm màng não mô cầu là một bệnh lý có khả năng lây lan cao tạo thành dịch viêm màng não mô cầu do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây nên. Bệnh có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm nhưng nhiều nhất vẫn là vào mùa xuân, mùa thu và mùa đông. Tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não mô cầu tại Việt Nam hiện nay là 2.3/100.000 dân.
Vi khuẩn não mô cầu có tổng số 13 chủng, trong đó có 4 chủng gây bệnh chính đó là A, B, C, D. Ngoài ra những nhóm huyết thanh có khả năng gây bệnh của loại vi khuẩn này cũng gồm có W-135, X, Y và Z, những nhóm này ít độc lực hơn nhưng vẫn có khả năng gây bệnh nặng.
Viêm màng não mô cầu BC có khả năng dẫn đến tình trạng màng não nhiễm trùng và tổn thương gây nên những di chứng nghiêm trọng. Bệnh hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ngược lại nếu không được chữa trị sớm, bệnh có thể gây tử vong tới 50% tổng số ca mắc.
Viêm màng não mô cầu gây nên những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ
Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não mô cầu
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm màng não mô cầu BC chính là vi khuẩn não cầu Neisseria meningitidis nhóm B và C. Chủng vi khuẩn viêm màng não mô cầu này là gram (-) có dạng như hai hạt cà phê là hai tế bào cạnh nhau, nằm trong bào tương của bạch cầu đa nhân. Loại vi khuẩn này được bọc ngoài với lớp vỏ chứa độc tố gây bệnh. Tốc độ sản xuất nội độc tố của chúng có thể cao gấp 100-1.000 lần so với các loại vi khuẩn khác.
Vi khuẩn này sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ sản sinh độc tố đậm đặc, theo đường máu để di chuyển đến tim gây nên áp lực cho mạch máu và ảnh hưởng tới lưu thông máu. Khi này mạch máu sẽ bị tổn thương, xuất huyết, khiến các cơ quan như thận, phổi, não bị tác động.
Viêm màng não mô cầu do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây nên
Đã từng có nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng hơn 25% người nhiễm khuẩn não mô cầu không có biểu hiện lâm sàng, hơn 50% người mang vi khuẩn này nhưng vẫn khỏe mạnh bình thường. Do đó với những đối tượng dễ bị tác động bởi bệnh, đặc biệt là trẻ em thì nguồn lây vi khuẩn từ người khỏe mạnh này chính là một nguy cơ rất lớn và khó kiểm soát.
Triệu chứng của viêm màng não mô cầu B-C
Thời gian ủ bệnh của viêm màng não mô cầu BC từ 2-10 ngày, trung bình là 4 ngày. Bệnh ban đầu có biểu hiện tương tự như các bệnh lý về hô hấp nhưng sau đó chuyển biến rất nhanh chóng. Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn khoảng 95% nếu được điều trị kịp thời, tuy nhiên nếu chậm trễ, trẻ có thể tử vong chỉ sau vài giờ phát bệnh, hoặc 20% trẻ có thể sẽ phải sống chung với các di chứng suốt đời.
Viêm màng não mô cầu ban đầu sẽ có các dấu hiệu bệnh sau:
- Mệt mỏi, đau nhức các khớp, khó chịu vùng đầu.
- Sốt cao đột ngột.
- Sợ ánh sáng.
- Uể oải, không thể tập trung.
- Ở trẻ sơ sinh, thóp có dấu hiệu phồng, chân tay lạnh, quấy khóc, nôn ói, bỏ bú, ngủ gật, li bì, thở nhanh kèm co giật.
- Các nốt tử ban màu xanh tím hoặc đỏ thẫm, có đường kính 1-5mm xuất hiện trên da sau khi phát sốt 1-2 ngày. Đây là dấu hiệu nhiễm độc nặng và có thể xuất hiện các biến chứng nhiễm trùng huyết, suy đa tạng ngay sau đó, thậm chí có thể tử vong.
Viêm màng não mô cầu có các biểu hiện không đặc trưng nên khó phân biệt
Đối tượng có nguy cơ mắc viêm màng não mô cầu BC
Viêm màng não mô cầu có tỷ lệ mắc ở trẻ cao hơn các lứa tuổi khác. Trẻ càng nhỏ thì nguy cơ mắc càng cao do hệ miễn dịch còn yếu, trẻ lớn và người trưởng thành có nguy cơ mắc thấp hơn. Tuy nhiên những đối tượng sau đây cũng không nên chủ quan và cần thực hiện theo khuyến cáo phòng bệnh một cách nghiêm túc:
- Sống tập thể như sinh viên, bộ đội…
- Sống trong vùng dịch.
- Người bị rối loạn miễn dịch như bệnh nhân bị suy giảm chức năng lá lách, người sau khi thực hiện cắt lách…
- Người không được tiêm phòng bệnh do đang bị sốt, dị ứng thành phần vắc xin, bị nhiễm khuẩn cấp tính, viêm đa dây thần kinh, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh nặng, người có phản ứng dị ứng sau khi tiêm mũi 1, người dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc bị suy giảm miễn dịch.
Đường lây truyền viêm màng não mô cầu BC
Viêm màng não mô cầu B-C có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp, thông qua giọt bắn từ miệng và mũi của người bệnh, mang vi khuẩn gây bệnh cho người lành. Do vậy viêm màng não mô cầu rất dễ bùng phát thành dịch.
Vi khuẩn não mô cầu có thời gian sống ngoài môi trường ở nhiệt độ 56 độ C khoảng 30 phút và nhiệt độ 60 độ C thì chỉ sống được 10 phút. Do vậy bệnh thường lây từ người sang người trực tiếp và hiếm khi lây truyền qua tiếp xúc đồ vật.
Viêm màng não mô cầu lây qua đường hô hấp
Biến chứng của bệnh viêm màng não mô cầu BC
Bệnh có những biến chứng cấp tính ngay sau khi nhiễm bệnh đó là:
- Tăng áp lực nội sọ.
- Đông máu nội mạch rải rác.
- Trụy tuần hoàn.
- Co giật.
- Có thể gây tử vong trong 24 giờ.
- Suy đa cơ quan.
- Các nốt tử ban gây hoại tử khắp cơ thể (75% trường hợp).
5-10% bệnh nhân dù đã được điều trị tích cực nhưng vẫn tử vong.
- Tỷ lệ di chứng và tử vong lên đến 28% dù đã được nhập viện điều trị sau 3 ngày kể từ khi khởi phát bệnh.
Ngoài ra các di chứng lâu dài mà bệnh nhân có thể sẽ phải đối mặt khi bị viêm màng não mô cầu đó là:
- Bị suy nhược cơ thể kéo dài.
- 10-20% bệnh nhân khỏi bệnh nhưng phải chịu các di chứng do tổn thương hệ thần kinh, thị giác, thính giác, thận,...
- Liệt chi hoặc liệt nửa người.
- Sa sút trí tuệ.
Phương pháp chẩn đoán viêm màng não mô cầu BC
Để xác định và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, các xét nghiệm sau đây sẽ được chỉ định giúp bác sĩ đưa ra các biện pháp can thiệp điều trị kịp thời:
- Xét nghiệm máu.
- Chụp CT.
- Chụp cộng hưởng từ MRI.
- Xét nghiệm dịch não tủy.
- Cấy máu.
- Nhuộm soi dịch hầu họng.
Các xét nghiệm được thực hiện để xác định chính xác bệnh đánh giá mức độ bệnh
Phương pháp điều trị viêm màng não mô cầu B và C
Biện pháp được chỉ định gần như ngay lập tức khi bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng của viêm màng não mô cầu đó là sử dụng kháng sinh. Kháng sinh ức chế vi khuẩn sẽ được tiêm vào tĩnh mạch nhằm kiểm soát độc lực của nguyên nhân gây bệnh. Sau khi bệnh đã được kiểm soát, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh đường uống.
Với những trường hợp bệnh nặng với những triệu chứng nghiêm trọng, có biểu hiện sốc nặng và xuất hiện các biến chứng, các phương pháp hỗ trợ kịp thời sẽ được thực hiện như hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tim mạch, cân bằng dịch điện giải…
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu B, C
Hiện nay viêm màng não mô cầu BC nói chung và viêm màng não mô cầu nói riêng được phòng ngừa bằng biện pháp tiêm vắc xin. Đây chính là cách phòng ngừa hiệu quả nhất được khuyến cáo cho đối tượng trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi đến người trưởng thành 45 tuổi.
Tiêm phòng viêm màng não mô cầu tại nước ta hiện đã được triển khai rộng rãi với 3 loại vắc - xin tiêm phòng chính được lưu hành là AC, ACYW (vaccine Menactra) và BC (vaccine Mengoc BC). Cụ thể:
- Vắc-xin viêm màng não mô cầu AC: Phòng bệnh do chủng vi khuẩn mô cầu A và C gây ra.
- Vắc-xin viêm màng não mô cầu ACYW: Phòng bệnh do chủng vi khuẩn mô cầu A, C, Y và W gây ra.
- Vắc-xin viêm màng não mô cầu BC: Phòng bệnh do chủng vi khuẩn mô cầu B, C gây ra.
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa bệnh viêm màng não hiệu quả nhất hiện nay
Bên cạnh đó, cách phòng ngừa bệnh nên được thực hiện đồng thời đó là:
- Cho trẻ tránh tiếp xúc với người bệnh, trong trường hợp đã có tiếp xúc, cha mẹ nên cho trẻ đi khám để thực hiện các biện pháp điều trị dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Giữ gìn vệ sinh nơi ở, nơi vui chơi của trẻ.
- Tránh cho trẻ đi vào vùng có dịch, nếu nơi sinh sống đang có dịch, cha mẹ hãy cho trẻ đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người và thường xuyên theo dõi sức khỏe của con.
Những thông tin cần biết về vắc xin viêm màng não mô cầu
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa bệnh viêm màng não tối ưu nhất hiện nay. Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ giúp bạn giải đáp một số thắc mắc liên quan đến vấn đề này.
Có nên tiêm viêm màng não mô cầu? Nên tiêm chủng nào?
Vắc xin phòng ngừa viêm màng não mô cầu hiện nay được chia làm 3 loại với các công dụng phòng ngừa các tuýp vi khuẩn khác nhau. Do chưa có loại vắc xin nào có khả năng phòng chống được mọi tuýp huyết thanh của viêm màng não mô cầu nên việc tiêm cả mũi AC và BC là cần thiết với mọi trẻ em để ngăn chặn nguy cơ bị nhiễm tuýp còn lại.
Viêm màng não mô cầu BC tiêm mấy mũi?
- Đối với các loại vắc xin phòng viêm màng não mô cầu AC và ACYW được khuyến cáo nên tiên cho trẻ trên 6 tháng tuổi, mũi nhắc lại là sau 3-5 năm.
- Với vắc xin viêm màng não mô cầu BC: Nên tiêm cho trẻ trên 6 tháng tuổi, mũi 2 cách mũi 1 từ 6-8 tuần.
Nên cho trẻ tiêm đủ các loại vắc xin viêm màng não
Tiêm vắc xin viêm màng não mô cầu BC có tác dụng phụ không?
Một số trẻ sẽ bị sốt sau khi tiêm chủng, tuy nhiên chỉ cần thực hiện các biện pháp hạ sốt thông thường sẽ không có gì nguy hiểm. Vắc xin viêm màng não mô cầu được đánh giá là an toàn và ít tác dụng phụ, chỉ khoảng 5-10% người gặp sau khi tiêm các tình trạng như sốt, buồn nôn, nhức đầu, mẩn đỏ, cứng đau ở vị trí tiêm và sẽ trở lại bình thường sau 72 giờ. Mũi thứ 2 thường ít xảy ra những hiện tượng này hơn so với mũi 1.
Trước khi tiêm phòng cần lưu ý điều gì?
Để tiêm chủng đạt hiệu quả tối đa, bác sĩ sẽ xem xét các vấn đề về sức khỏe như có bệnh lý nền hay không, tiền sử dị ứng… và có những chỉ định phù hợp để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.
Nên tiêm chủng ở đâu?
Trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia không có tiêm phòng viêm màng não mô cầu cho trẻ, vậy nên cha mẹ hãy chủ động cho con em mình đến điểm tiêm chủng của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được tư vấn và phòng ngừa. Tại đây, bạn sẽ được tư vấn đầy đủ mọi thông tin về loại vắc xin, độ tuổi tiêm, số mũi tiêm cũng như được các bác sĩ kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm và theo dõi tình trạng sau tiêm chi tiết nhất.
Viêm màng não mô cầu BC vẫn đang là một vấn đề về sức khỏe đáng báo động và cần được quan tâm của xã hội. Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất và có thể sẽ phải gánh chịu những di chứng nặng nề suốt cuộc đời do bệnh gây ra, vậy nên cha mẹ hãy hết sức chú trọng tới việc phòng ngừa bằng cách cho con tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.