Viêm mũi mãn tính là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngọc Anh

25-03-2025

goole news
16

Viêm mũi mãn tính là một trong những bệnh lý hô hấp phổ biến, đi kèm với các triệu chứng khó chịu như nghẹt mũi kéo dài, chảy dịch mũi hoặc giảm khứu giác có thể khiến người bệnh mất ngủ, mệt mỏi kéo dài, dễ cáu gắt,... Ngoài ra, nó cũng tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như hen suyễn, viêm xoang, viêm tai giữa,...

Viêm mũi mãn tính là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Viêm mũi mãn tính là tình trạng viêm niêm mạc khoang mũi và lớp niêm mạc dưới kéo dài trên 12 tuần, gây ra các triệu chứng khó chịu như nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau nhức vùng xoang... Khác với viêm mũi cấp tính thường do virus gây ra, viêm mũi mãn tính thường phát triển do các yếu tố lâu dài như môi trường ô nhiễm, dị ứng hoặc phát triển từ bệnh lý nền.

Các bác sĩ chuyên khoa Hô hấp cho hay, bệnh nhân viêm mũi mãn tính thường gặp tình trạng giãn mạch máu trong niêm mạc mũi khiến các tế bào Plasma và Lympho xâm nhập nhanh vào mạch máu và các mô tuyến xung quanh. Đây cũng là nhân tố khiến người bệnh tiết ra nhiều dịch nhầy hơn ở mũi và dễ mắc các vấn đề sức khoẻ khác như viêm xoang, viêm tai giữa, polyp mũi, viêm mũi họng…

Viêm mũi mãn tính là tính trạng các xoang mũi và lớp niêm mạc bị viêm kéo dài

Viêm mũi mãn tính là tính trạng các xoang mũi và lớp niêm mạc bị viêm kéo dài

Ngoài ra, các bệnh viêm mũi mãn tính thường liên quan tới dị ứng, khởi phát khi hệ miễn dịch của người bệnh nhạy cảm với các chất hoá học và các tác nhân khác như bụi, phấn hoa, lông chó, mèo,... khiến niêm mạc mũi viêm và sưng to.

Triệu chứng bệnh viêm mũi mạn tính

Bạn nên cảnh giác nếu cơ thể có các biểu hiện bất thường như sau.

Trước tiên, đối với người lớn, bệnh thường phát sinh do dị tật vách mũi hay dị ứng, suy giảm hệ miễn dịch, ảnh hưởng từ môi trường và có các biểu hiện bất thường như:

  • Nghẹt mũi kéo dài, tắc mũi: Người lớn thường bị nghẹt mũi nhiều hơn vào ban đêm, khó ngủ.
  • Chảy dịch mũi nhầy: Dịch nhầy đặc, có màu vàng, xanh hoặc nâu gây khó chịu và kích thích niêm mạc họng.
  • Ngứa mũi, hắt hơi liên tục: Ngứa mũi thường đi kèm với các cơn hắt hơi kéo dài, đặc biệt khi tiếp xúc với không khí lạnh, thời tiét thay đổi hoặc bụi bẩn.
  • Đau nhức vùng mũi, trán: Cảm giác đau nặng đầu hoặc căng tức vùng trán, đặc biệt khi thời tiết thay đổi.
  • Giảm khứu giác: Người bệnh có thể khó nhận biết mùi hoặc thường xuyên không ngửi thấy gì.
  • Khàn tiếng, ho khan: Xảy ra do dịch nhầy chảy xuống họng, kích thích vùng hầu họng.

Không chỉ ngứa mũi, hắt hơi liên tục, người bệnh còn bị đau nhức vùng mũi, trán

Không chỉ ngứa mũi, hắt hơi liên tục, người bệnh còn bị đau nhức vùng mũi, trán

Đối với trẻ em, các triệu chứng có thể lặp đi lặp lại nhiều lần như sau:

  • Nghẹt mũi khi nằm: Trẻ nhỏ thường khó diễn đạt cảm giác nghẹt mũi và có các biểu hiện như quấy khóc hoặc khó thở khi ngủ.
  • Chảy nước mũi: Dịch nhầy chảy ra từ mũi có màu xanh hoặc vàng, kèm theo ho hoặc khó thở.
  • Hắt hơi nhiều, gãi mũi liên tục: Trẻ hay dùng tay dụi mũi do cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
  • Đau nhức vùng đầu: Trẻ có thể kêu đau đầu hoặc tỏ ra mệt mỏi, uể oải.
  • Biếng ăn, quấy khóc: Trẻ thường bỏ ăn hoặc chán ăn do cảm giác khó chịu trong khoang mũi.
  • Ho khan, trớ đồ uống: Trẻ có thể ho nhiều hơn khi dịch mũi chảy xuống họng, thậm chí gây trớ khi uống sữa hoặc nước.

Trẻ em bi viêm mũi không thở được khi nằm

Trẻ em bi viêm mũi không thở được khi nằm

Chẩn đoán bệnh viêm mũi mạn tính

Để hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý chính xác, bạn có thể được chỉ định thực hiện các bước thăm khám sau:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tìm hiểu về thời gian xuất hiện triệu chứng, mức độ nghẹt mũi, chảy dịch mũi, đau nhức và các yếu tố nguy cơ như dị ứng, môi trường sống. Đồng thời, bác sĩ sẽ dùng đèn soi để kiểm tra các dấu hiệu viêm nhiễm trong khoang mũi.
  • Nội soi mũi xoang để quan sát chi tiết niêm mạc mũi, sự phì đại cuốn mũi, polyp hoặc dị vật gây cản trở đường thở.
  • Chụp CT xoang mũi hoặc X Quang mũi xoang nếu nghi ngờ có tổn thương sâu trong xoang hoặc bất thường về cấu trúc
  • Xét nghiệm dịch mũi để xác định vi khuẩn, virus hoặc nấm gây bệnh.

Điều trị viêm mũi mãn tính như thế nào?

Sau khi xác nhận được nguyên nhân gây bệnh, người bệnh sẽ được kết hợp nhiều phướng pháp điều trị để giảm triệu chứng và ngăn bệnh tái phát. Dưới đây là một số cách điều trị phổ biến:

  • Dùng thuốc:
    • Thuốc kháng sinh (nếu có nhiễm khuẩn), dùng dưới dạng xịt hoặc viên uống
    • Thuốc chứa corticoid để giảm viêm, sưng táy, xoa dịu các triệu chứng dị ứng
    • Thuốc xịt mũi ipratropium điều trị mãn tính do rối loạn đường thở, viêm mũi không dị ứng 
  • Rửa mũi:
    • Dùng dung dịch nước muối sinh lý hoặc dung dịch rửa mũi chuyên dụng giúp làm sạch dịch nhầy, loại bỏ tác nhân gây bệnh.
    • Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như hoá chất, mạt bụi, phấn hoa, lông động vật
  • Phẫu thuật: Trong trường hợp viêm mũi do polyp mũi, vẹo vách ngăn mũi hoặc cuốn mũi phì đại hay điều trị bằng thuốc không đáp ứng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để khắc phục triệu chứng.

Người bệnh cần rửa mũi thường xuyên để làm sạch lớp niêm mạc

Người bệnh cần rửa mũi thường xuyên để làm sạch lớp niêm mạc

Phòng tránh bệnh viêm mũi mãn tính như thế nào?

Để phòng tránh viêm mũi mạn tính, bạn nên thực hiện các biện pháp như sau:

  • Giữ gìn không gian sinh hoạt, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, giữ phòng thông thoáng, hạn chế nấm mốc và bụi bẩn.
  • Dùng khẩu trang khi ra ngoài, tránh tiếp xúc với khói bụi, hóa chất.
  • Rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý hàng ngày.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tập luyện thể dục đều đặn và uống đủ nước, hạn chế dùng thuốc lá, bia và rượu
  • Giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh, đặc biệt với những người có nguy cơ viêm mũi dị ứng 
  • Khám sức khỏe và duy trì điều trị nếu mắc các bệnh hô hắp để có hướng điều trị kịp thời.

Có thể nói, viêm mũi mãn tính là bệnh lý dai dẳng, dễ tái phát và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Đặc biệt, để điều trị hiệu quả và giảm thiểu các rủi ro sức khoẻ nếu có, hãy chủ động duy trì lối sống lành mạnh và thăm khám sức khoẻ định kỳ tại chuyên khoa tai mũi họng tại cơ sở y tế uy tín!

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

45

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

BS.CKI

MAI VĂN NGHĨA

Bác sĩ Tai mũi họng
19001806 Đặt lịch khám