Viêm ống tai ngoài: nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị hiện đại

Nguyễn Mai Phương

30-06-2022

goole news
16

Viêm ống tai ngoài có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, nếu không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị viêm ống tai ngoài trong bài viết dưới đây.

Ống tai ngoài nằm ở đâu?

Ống tai ngoài nằm ở vị trí ngoài, giữa vành tai và màng nhĩ. Ống tai ngoài thường không thẳng mà cong hình chữ S. Ở người lớn, ống tai ngoài hơi hướng lên, hơi nghiêng về phía trước và càng hướng xuống khi tới gần màng nhĩ. Phần ngoài của ống tai có tuyến nhờn tạo ráy tai. Tại đây có một lớp da dày bao quanh sụn, bên trong có lớp da mỏng bao xương thái dương. 

Vị trí của ống tai ngoài

Vị trí của ống tai ngoài

Kích thước và hướng ống tai ngoài ở mỗi người là khác nhau. Ở người lớn, chiều dài ống tai trung bình khoảng 2,3 - 2,9cm, đường kính khoảng 0,7cm. Khoảng cách từ cửa tai đến màng nhĩ, ống tai rất hẹp được gọi là eo tai. Càng cách xa eo tai, đường kính ống tai dần lớn như kích thước ban đầu.

Ống tai có cơ chế tự động làm sạch nhờ vào cấu trúc tai chếch từ trên xuống, tiếp giáp với khớp cắn, chuyển động của xương hàm khi ăn uống, nói chuyện… giúp đẩy ráy tai khô và da chết bong ra cửa tai.

Nguyên nhân gây viêm ống tai ngoài

Viêm ống tai ngoài là tình trạng viêm tai cấp hay mạn tính lớp da bao phủ ống tai ngoài, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Viêm ống tai ngoài ở Việt Nam thường do khí hậu nóng ẩm, môi trường ô nhiễm và thói quen ngoáy tai bằng dụng cụ không vệ sinh, lau tai quá nhiều làm trầy xước lớp da bảo vệ ống tai khiến vi khuẩn xâm nhập gây viêm.

Viêm ống tai ngoài cấp tính thường do tác nhân vi khuẩn như Pseudomonas aeruginosa, Proteus vulgaris, Staphylococcus aureus, Escherichia coli; do nấm (otomycosis) gây ra bởi Aspergillus niger, Candida albicans ít phổ biến hơn. Mụn nhọt ở ống tai ngoài thường do S. aureus.

Trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 2 năm dễ bị viêm tai

Trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 2 năm dễ bị viêm tai

Yếu tố nguy cơ gây ra viêm ống tai ngoài bao gồm:

  • Độ tuổi: Trẻ em từ 6 tháng - 2 năm dễ bị nhiễm trùng tai do kích thước và hình dạng của ống Eustachian, đồng thời hệ miễn dịch còn non yếu;
  • Tổn thương ống tai do ngoáy tai quá nhiều hoặc gặp các chấn thương khác;
  • Dùng máy trợ thính, tai nghe hoặc nút bịt tai, đây có thể là ổ chứa vi khuẩn, nếu không được vệ sinh thường xuyên có thể gây nhiễm trùng tai;
  • Dị ứng;
  • Vảy nến;
  • Chàm;
  • Viêm da tiết bã;
  • Giảm độ acid ở ống tai (có thể do nước vào ống tai thường xuyên khi bơi lội);
  • Một số loại keo xịt tóc, thuốc nhuộm tóc gây kích ứng ống tai;
  • Tắm, bơi lội ở nơi có nguồn nước ô nhiễm;
  • Ngoáy tai thường xuyên có thể vô tình đẩy ráy tai vào sâu trong tai;
  • Ống tai hẹp khiến giữ nước, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Ngoáy tai có thể vô tình đẩy chất bẩn vào sâu trong tai gây viêm nhiễm

Ngoáy tai có thể vô tình đẩy chất bẩn vào sâu trong tai gây viêm nhiễm

Ngoài ra, những người mắc bệnh tiểu đường, hệ miễn dịch suy yếu cũng là đối tượng dễ gặp các vấn đề về viêm ống tai.

Dấu hiệu sớm của bệnh viêm ống tai ngoài

Viêm ống tai ngoài có thể kéo dài trong thời gian ngắn (cấp tính) hoặc trong thời gian dài từ vài tháng trở lên (mãn tính) dẫn đến mất thính lực vĩnh viễn. Dấu hiệu sớm của bệnh viêm ống tai ngoài bao gồm:

  • Ngứa tai, đau tai nhẹ, chảy dịch mủ ở tai
  • Da khô, chàm trong hoặc quanh ống tai 
  • Thính lực còn có thể giảm tạm thời do ống tai bị hẹp do phù nề hoặc ứ đọng nhầy mủ
  • Sốt cao, nổi hạch (ở mức nặng)
  • Ống tai bị sưng nề, đỏ, đau nhiều, đau nặng hơn khi kéo tai

Chảy dịch, mủ ở tai là một trong những dấu hiệu sớm của bệnh viêm ống tai ngoài

Chảy dịch, mủ ở tai là một trong những dấu hiệu sớm của bệnh viêm ống tai ngoài

Viêm tai ngoài có thể biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau, cụ thể là:

Viêm tai ngoài khu trú (nhọt ống tai): là tình trạng nhiễm trùng nang lông trong ống tai do vi khuẩn Staphylococcus. Bệnh nhân có cảm giác đau dữ dội trong ống tai, đau tăng khi ấn vùng trước tai hoặc khi kéo vành tai. Viêm tai ngoài khu trú điều trị bằng kháng sinh, thuốc giảm đau, chích rạch nhọt.

Viêm tai ngoài lan tỏa: nguyên nhân là do vi trùng, nấm, vi rút, tuy nhiên thường gặp nhất là viêm tai ngoài do vi trùng Pseudomonas, vi trùng trú ở ống tai.

Viêm tai ngoài ác tính: là tình trạng viêm hoại tử nặng lan rộng và có thể gây tử vong, hay gặp ở người tiểu đường, người bị suy giảm miễn dịch. Nguyên nhân do Pseudomonas aeruginosa gây viêm ống tai ngoài diễn tiến rộng phá hủy các cấu trúc mô mềm xung quanh, lan đến nền sọ. Biến chứng nặng liệt dây thần kinh do viêm màng não, áp xe não, bệnh nhân cần phải nhập viện điều trị tích cực.

Viêm ống tai ngoài có nguy hiểm không?

Viêm ống tai ngoài là bệnh tương đối lành tính, có thể điều trị hiệu quả bằng kháng sinh. Tuy nhiên, một số trường hợp viêm nặng, lan rộng đến mô mềm, sụn, xương xung quanh như xương hàm, xương mặt và trở thành thể viêm ống tai ngoài ác tính.

Viêm ống tai ngoài ác tính (còn gọi là viêm ống tai ngoài hoại tử, viêm xương nền sọ) là thể bệnh nguy hiểm, do Pseudomonas aeruginosa gây nên. Bệnh xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân tiểu đường, người cao tuổi, người mắc HIV/AIDS hay các bệnh lý suy giảm miễn dịch. Viêm xương có thể lan rộng dọc theo nền sọ và có thể gây liệt dây thần kinh sọ não. Dây thần kinh mặt (dây số VII) là vị trí bị ảnh hưởng đầu tiên, sau đó lần lượt là các dây số IX, X, và XI. Viêm ống tai ngoài ác tính có thể chỉ nằm ở một bên hoặc vượt qua đường giữa, lan sang hai bên đối diện.

Biểu hiện của viêm ống tai ngoài ác tính gồm có: đau tai trầm trọng, dai dẳng, đau sâu bên trong tai và thường tăng dần về đêm, chảy dịch/mủ xanh hoặc vàng, tai có mùi hôi, sốt, nuốt khó, yếu cơ mặt, mất giọng/viêm thanh quản, mất thính lực, sưng đỏ da vùng quanh tai.

Đau tai dữ dội, dai dẳng là biểu hiện của viêm ống tai ngoài ác tính 

Viêm ống tai ngoài ác tính nếu không được xử trí kịp thời, đúng cách có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh. Do đó cần nắm rõ các dấu hiệu, triệu chứng của nhiễm trùng tai và đi khám ngay để điều trị dứt điểm.

Biến chứng của bệnh viêm ống tai ngoài

Viêm ống tai ngoài không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Áp xe phát triển xung quanh tai. Trường hợp này cần rạch dẫn lưu ổ áp xe.
  • Viêm nhiễm kéo dài có thể khiến ống tai ngoài bị hẹp đi, ảnh hưởng đến khả năng nghe.
  • Rách/thủng màng nhĩ, thường do bệnh nhân tự đưa vật gì vào ngoáy tai. Dấu hiệu thủng màng nhĩ gồm: ù tai, nghe kém, tai chảy dịch hoặc máu.
  • Viêm tai ngoài hoại tử (ác tính) hiếm khi xảy ra nhưng là biến chứng rất nghiêm trọng, thường gặp ở bệnh nhân bị đái tháo đường hay suy giảm miễn dịch.

Nếu người bệnh, trẻ bị viêm ống tai ngoài xuất hiện các biểu hiện dưới đây, cần đến bệnh viện ngay:

  • Đau đầu, đau tai nặng, nhất là về đêm;
  • Chảy dịch tai kéo dài;
  • Liệt mặt, méo miệng ở phía tai bị viêm;
  • Lộ xương trong ống tai.

Phương pháp điều trị viêm ống tai ngoài

Khá nhiều người bệnh băn khoăn viêm ống tai ngoài nhỏ thuốc gì. Thực tế viêm tai ngoài có thể tự khỏi mà không cần điều trị, nếu không tự khỏi, người bệnh sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng, nhiễm trùng ngắn hạn hay kéo dài. Dựa vào kết quả xét nghiệm, khám lâm sàng, bác sĩ sẽ có chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị viêm ống tai ngoài phù hợp với từng bệnh nhân.

  • Thuốc giảm đau không kê đơn: paracetamol hoặc ibuprofen là các thuốc giảm đau không kê đơn có thể dùng để giảm triệu chứng đau. Nếu bị đau nhiều, bác sĩ có thể khuyên dùng một loại thuốc giảm đau có tên là codeine.
  • Thuốc nhỏ tai hoặc thuốc xịt có tính axit: giúp ngăn chặn một số vi khuẩn và nấm phát triển trong tai, khuyến cáo cho viêm ống tai ngoài nhẹ. có thể kết hợp sử dụng phương pháp này với phương pháp điều trị khác trong trường hợp viêm ống tai ngoài mạn tính.
  • Thuốc nhỏ tai (hoặc thuốc xịt) kháng sinh: Thuốc kháng sinh có thể chứa corticosteroid giúp giảm sưng nề ống tai, thời gian sử dụng thường trong vòng 7-10 ngày. Nhưng nếu các triệu chứng chưa hết hẳn, bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng lâu hơn hoặc chuyển từ thuốc nhỏ sang thuốc dạng xịt.

Điều trị viêm tai ngoài bằng thuốc nhỏ tai

Điều trị viêm tai ngoài bằng thuốc nhỏ tai

  • Thuốc chống nấm hoặc thuốc xịt tai: sử dụng nếu có dấu hiệu nhiễm nấm trong ống tai của bệnh nhân.
  • Thuốc kháng sinh viên nang: Kháng sinh đường uống ít được sử dụng cho viêm ống tai ngoài nhẹ. Bác sĩ có thể kê đơn trong trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, nhiễm trùng lan ra ngoài ống tai.
  • Thuốc nhỏ tai chứa corticosteroid: giúp giảm đỏ và sưng. Tuy nhiên hiện không đủ bằng chứng cho thấy thuốc hoạt động tốt với viêm ống tai ngoài, vì vậy bác sĩ chỉ kê đơn khi kết hợp với các phương pháp điều trị khác.
  • Nếu người bệnh da khô, có chàm trong hoặc quanh tai ngoài, bác sĩ có thể kê thuốc mỡ corticosteroid tại chỗ.

Viêm ống tai ngoài kiêng ăn gì? 

Viêm tai ngoài kiêng ăn gì là câu hỏi của nhiều người bệnh. Dưới đây là một số loại thực phẩm người viêm ống tai ngoài nên tránh ăn để không làm ảnh hưởng tới quá trình hồi phục.

Thực phẩm chứa nhiều đường

Người bị viêm ống tai ngoài nên hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều đường, đồ ngọt như bánh kẹo, nước ngọt... Tiêu thụ quá nhiều đường sẽ khiến cơ thể giải phóng insulin vượt quá mức bình thường, làm tăng triệu chứng ù tai, đau tai và áp lực trong tai cao hơn bình thường.

Thực phẩm khô cứng

Đồ khô cứng hoặc những thực phẩm kích thích hàm nhai hoạt động nhiều và liên tục như hoa quả sấy, bánh kẹo cứng... sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi ống tai ngoài, bệnh lâu hồi phục hơn, thậm chí thêm nghiêm trọng.

Người bị viêm ống tai không nên ăn thực phẩm khô cứng

Người bị viêm ống tai không nên ăn thực phẩm khô cứng

Thực phẩm cay nóng

Ăn quá nhiều thực phẩm cay nóng, nhiều gia vị cay như ớt, tiêu, sa tế, mù tạt... có thể làm ảnh hưởng đến chức năng nghe và gây ù tai.

Thực phẩm dầu mỡ

Các món rán, xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp đều ảnh hưởng không tốt đến tình trạng bệnh của người bị viêm ống tai ngoài, gây đau nhức tai nhiều hơn, thậm chí có thể dẫn đến biến chứng.

Đồ uống kích thích

Các chất kích thích trong đồ uống như: rượu, bia, cafe, thuốc lá... cũng đều gây hại đến sức khỏe của người bệnh viêm ống tai ngoài, cần hạn chế tiêu thụ.

Ngoài ra một số thực phẩm có thể gây sưng, mủ trong tai như: gạo nếp, xôi, tôm, cua, ghẹ, mực, thịt bò,.. người bệnh cũng cần tránh ăn.

Cách phòng tránh bệnh viêm ống tai ngoài

Để phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh về tai, đặc biệt là viêm ống tai ngoài hay viêm tai giữa, bạn có thể thực hiện biện pháp sau:

  • Giữ tai luôn khô ráo. Lau khô tai bằng khăn khô hoặc máy sấy tóc (chế độ nhiệt thấp nhất) sau khi rửa, bơi hoặc tắm.
  • Không bơi ở nơi nước bẩn, không bơi ở ao, hồ, sông suối vì nguy cơ nhiễm khuẩn và đuối nước rất cao.

Không bơi lội ở nơi nước bẩn, sau khi bơi phải vệ sinh tai sạch sẽ

Không bơi lội ở nơi nước bẩn, sau khi bơi phải vệ sinh tai sạch sẽ

  • Không đưa vật cứng vào tai như tăm bông, kẹp tóc, bút, ngón tay, khăn giấy… vào ống tai. Những vật này có thể gây rách lớp da mỏng trong tai, làm tăng khả năng nhiễm trùng, gây viêm ống tai ngoài.
  • Không nên lấy ráy tai thường xuyên. Ráy tai giúp bảo vệ tai khỏi nhiễm trùng. Lấy ráy tai không đúng cách có thể vô tình đẩy sâu chất bẩn vào trong tai hơn.
  • Hạn chế sử dụng tai nghe, đặc biệt là loại nhét vào lỗ tai vì đôi khi có thể làm trầy xước da, dẫn đến nhiễm trùng.

Hạn chế sử dụng tai nghe để tránh gây viêm tai

Hạn chế sử dụng tai nghe để tránh gây viêm tai

  • Vệ sinh máy trợ thính sạch sẽ, không nên đeo máy khi đi ngủ. Máy trợ thính, cũng giống như tai nghe, có thể cọ xát vào ống tai dẫn đến viêm tai ngoài. 
  • Đặt một miếng bông gòn vào tai trước khi dùng keo xịt tóc, thuốc nhuộm hoặc các sản phẩm khác để tránh các chất hóa học vào tai.
  • Mang nút bịt tai khi bơi để tránh nước vào tai. Ngoài ra, việc mang nón bơi che tai cũng có thể hạn chế nước vào tai. Nếu phải sử dụng nút bịt tai thường xuyên, hãy làm sạch thường xuyên bằng cồn y tế. 
  • Tránh rửa tai bằng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh vì có thể làm hỏng tính axit tự nhiên của ống tai bạn.
  • Rửa tay và đồ chơi của bé thường xuyên để giảm nguy cơ bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp khác cho trẻ.
  • Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
  • Chích ngừa vắc xin cúm mùa và vắc xin phế cầu khuẩn cho trẻ đúng lịch.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ thay vì bú bình để tăng sức đề kháng cho trẻ.
  • Luôn theo dõi tình trạng của tai để phát hiện bệnh và đến khám bác sĩ kịp thời. 

Nhìn chung, viêm ống tai ngoài ở người lớn và trẻ nhỏ có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc nếu được phát hiện kịp thời. Tuy nhiên phòng bệnh hơn chữa bệnh, các gia đình nên chú ý vệ sinh tai đúng cách cho trẻ, tránh ngoáy tai quá nhiều, chọc ngoáy sâu… Khi trẻ có bất cứ dấu hiệu bất thường nào về tai, nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên môn để điều trị triệt để, tránh tái phát. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
6,916

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám