Viêm phế quản: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh tái phát

Trần Hồng Nụ

04-09-2022

goole news
16

Tỷ lệ người mắc viêm phế quản hiện nay ngày càng gia tăng do những tác động từ môi trường và đời sống sinh hoạt. Ngoài các triệu chứng đặc trưng là ho, ho có đờm, bệnh lý này còn có biểu hiện nào? Nguyên nhân khởi phát do đâu? Cách điều trị như thế nào là đúng hướng? Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

Viêm phế quản là gì?

Phế quản thuật ngữ y học chỉ một ống dẫn khí nằm trong hệ hô hấp dưới của cơ thể con người. Đây là cơ quan nối tiếp bên dưới khí quản, sau đó nó phân thành các nhánh nhỏ sâu bên trong phổi và hình thành nên cây phế quản. Nhiệm vụ quan trọng của phế quản chính là dẫn khí vào phổi.

Vậy bệnh viêm phế quản là gì? Đây là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản. Các tổn thương này gây ra hàng loạt các triệu chứng bên ngoài, trong đó điển hình nhất các cơn ho và ho có đờm.

Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản
Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản

Để thuận tiện trong công tác điều trị, bệnh viêm phế quản được chia thành 2 thể cấp tính và mãn tính. Cụ thể:

  • Viêm phế quản cấp tính: Tình trạng viêm nhiễm chỉ xảy ra ở niêm mạc phế quản. Thông thường, nguyên nhân gây bệnh là do vi rút.
  • Viêm phế quản mãn tính: Là giai đoạn phát triển xấu đi của viêm phế quản cấp tính.Lúc này ống phế quản sẽ liên tục bị kích thích, từ đó dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, nhất là phổi tắc nghẽn mãn tính. Viêm phế quản mãn tính thường xuất hiện trong thời gian dài (từ vài tháng đến vài năm). Mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe ở giai đoạn mãn tính nghiêm trọng hơn cấp tính nhiều lần.

Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản

Hơn 90% các trường hợp viêm phế quản hiện nay khởi phát do sự tấn công của vi rút. Ngoài ra, bệnh cũng có thể hình thành do hiện tượng nhiễm trùng vi khuẩn.

Một số nguyên nhân gây bệnh phổ biến khác là:

  • Tác động của môi trường: Ô nhiễm không khí, bụi bẩn, khói thuốc… là những tác nhân phổ biến gây tổn thương đường hô hấp và viêm phế quản.
  • Sức đề kháng kém: Hệ thống miễn dịch của con người tổn thương là điều kiện thuận lợi để vi rút tấn công gây bệnh. Đặc biệt, nếu đang mắc phải bệnh lý khác như cảm lạnh… bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh lý này. Thông thường, đối tượng mắc viêm phế quản do nguyên nhân này chủ yếu là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người cao tuổi.
  • Ảnh hưởng của công việc: Những người làm việc trong môi trường chứa chất kích thích đến phổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cao hơn những người khác. Họ thường là thợ cơ khí, thợ may hoặc công nhân của các nhà máy sản xuất hóa chất, thải nhiều khói bụi trong quá trình sản xuất.
  • Bệnh lý trào ngược dạ dày: Theo các bác sĩ, bệnh trào ngược dạ dày hoàn toàn có thể gây ra viêm phế quản nếu như người bệnh không can thiệp kịp thời. Nguyên nhân là do sự lặp lại của các cơn ợ nóng, ợ chua gây kích thích vùng cổ họng.

Môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói bụi là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phế quản ở trẻ em và người lớn
Môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói bụi là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ở trẻ em và người lớn

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết

Khi mắc viêm phế quản, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng đặc trưng như sau:

Ho:

Ho là triệu chứng của bệnh viêm phế quản nổi bật nhất. Tuy nhiên lại không phải là dấu hiệu đặc trưng của bệnh do nó cũng là triệu chứng của nhiều loại bệnh về đường hô hấp khác.

Dựa trên tiếng ho, bác sĩ hoàn toàn có thể phán đoán được người bệnh đang viêm phần nào của đường hô hấp. Khi mắc, người bệnh có thể ho khan, ho có đờm hoặc là ho thành từng tiếng rời rạc.

Sốt:

Người bệnh viêm phế quản thường có biểu hiện sốt nhẹ, sốt cao. Cơn sốt này có thể diễn ra thành từng cơn hoặc liên tục kéo dài. Tuy nhiên, cũng có số trường hợp bệnh nhân không xảy ra triệu chứng này.

Tiết đờm:

Đờm tiết ra ở đường hô hấp chính là sản phẩm của phản ứng viêm. Màu sắc đờm của người bệnh viêm phế quản có thể là màu xanh, vàng hoặc trắng.

Thở khò khè:

Do lòng phế quản bị thu hẹp đáng kể nên thành phế quản bị phù nề, co thắt cơ trơn phế quản… Điều này khiến không khí qua khe hẹp ở phế quản sẽ phát ra tiếng khò khè. Tiếng thở khò khè của bệnh nhân viêm phế quản khác với người bệnh hen phế quản. Cụ thể, khi chúng ta thử với thuốc khí dung thì bệnh sẽ không đáp ứng hoặc là đáp ứng kém hơn hẳn so với hen phế quản.

Một số triệu chứng viêm phế quản khác kể đến như là:

  • Thở nhanh, khó thở.
  • Xuất hiện Rale ẩm.
  • Đờm di chuyển trong lòng ống phế quản từ đó tạo thành tiếng khi không khi lưu thông.
  • Có sự thay đổi về tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính.

Viêm phế quản ở trẻ em khiến bé ho liên tục
Trẻ ho liên tục khi mắc viêm phế quản

Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản

Theo các chuyên gia, bác sĩ một số yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản chính là:

  • Người hút hoặc thường xuyên phải ngửi khói thuốc lá: Đây được coi là yếu tố hàng đầu làm khởi phát bệnh.
  • Người có sức đề kháng kém: Khi cơ thể bị mắc phải một bệnh lý cấp tính hoặc mãn tính nào đó làm tổn thương đến hệ miễn dịch cũng rất dễ bị viêm phế quản. Ngoài ra người lớn tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng là đối tượng có sức đề kháng kém nên rất dễ mắc bệnh này.
  • Người thường xuyên phải tiếp xúc với chất kích thích: Nếu phải thường xuyên làm việc trong một môi trường chứa các chất kích thích tới phổi, bạn có khả năng cao mắc viêm nhiễm đường hô hấp. Chẳng hạn như ngành dệt may, cơ khí hoặc sản xuất hóa chất độc hại.
  • Bệnh nhân trào ngược dạ dày: Theo các bác sĩ, sự lặp đi lặp lại các cơn ợ nóng, ợ chua hoàn toàn có thể gây kích thích cổ họng từ đó làm tăng nguy cơ bị viêm phế quản.

Viêm phế quản có biến chứng nguy hiểm không?

Viêm phế quản là bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp rất nguy hiểm, nó có khả năng cao biến chứng dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và suy hô hấp nếu không được điều trị tốt. Nghiêm trọng hơn, bệnh lý này còn có thể tiến triển thành bệnh ung thư phế quản, ung thư phổi hoặc lao phổi.

Đây đều là những căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tính mạng của người bệnh. Bên cạnh đó, việc điều trị dứt điểm viêm phế quản mạn tính cũng rất khó khăn, vì lúc này khả năng hô hấp của người bệnh lúc đó đã bị suy giảm đáng kể.

Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh cũng rất nguy hiểm. Bởi đây là đối tượng có sức đề kháng kém, hệ hô hấp chưa được hoàn thiện. Do đó khi bị tác nhân gây bệnh tấn công, nếu không can thiệp điều trị kịp thời, bé có nguy cơ cao phải đối mặt với biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Hình ảnh bác sĩ đang kiểm tra film sau khi chụp
Hình ảnh bác sĩ đang kiểm tra film sau khi chụp

Chính vì vậy, người mắc bệnh viêm phế quản cấp tính hay mãn tính đều không nên chủ quan. Hãy thường xuyên đi khám và tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ để có thể hạn chế tối đa nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm.

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm phế quản

Bác sĩ có thể chẩn đoán được viêm phế quản cấp tính thông qua việc kiểm tra, xem xét mức độ phát triển của các triệu chứng và khám sức khỏe. Một ống nghe để nghe âm thanh thở của người bệnh sẽ được sử dụng để phát hiện ra các âm thanh bất thường khác ở trong phổi.

Ngoài ra, các xét nghiệm khác cũng có thể được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán bệnh bao gồm:

  • Chụp X-quang phổi.
  • Đo phế dung: Là bài kiểm tra đánh giá chức năng phổi. Nó đo lượng không khí mà phổi có thể giữ được đồng thời kiểm tra tốc độ đẩy không khí ra khỏi phổi. Ngoài ra, xét nghiệm này cũng giúp bác sĩ xác định bệnh chính xác bệnh hen suyễn hoặc một số vấn đề về hô hấp khác.
  • Xét nghiệm đờm: Giúp bác sĩ xác định xem có sự xuất hiện của vi khuẩn hoặc virus trong đờm hay không, từ đó xác định tác nhân gây bệnh.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp gợi ý nhiễm trùng nếu bạch cầu tăng, đồng thời gợi ý virus nếu bạch cầu không tăng. Bên cạnh đó, phương pháp chẩn đoán này cũng giúp xem xét các yếu tố viêm và các chỉ điểm quan trọng khác.

Điều trị bệnh viêm phế quản

Đối với các trường hợp mắc viêm phế quản cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc nhằm làm giảm các triệu chứng, bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh là nhóm thuốc tác dụng mạnh để điều trị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân viêm phế quản cấp tính do vi rút, vì vậy loại thuốc này không có khả năng điều trị trong trường hợp này. Nếu xác định được nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn, bác sĩ vẫn có thể chỉ định thuốc kháng sinh tùy tình trạng của từng bệnh nhân.
  • Thuốc ho: Nếu người bệnh bị ho quá nhiều sẽ khiến cho cổ họng và phế quản bị tổn thương nghiêm trọng và không thể ngủ được bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng tới thuốc giảm ho.
  • Một số loại thuốc khác: Nếu người bệnh viêm phế quản bị dị ứng, hen suyễn hoặc mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bác sĩ thường chỉ định thêm một ống thuốc hít hoặc một số loại thuốc khác để giảm tình trạng viêm và làm giãn các phế quản.

Thuốc long đờm acetylcystein hỗ trợ điều trị viêm phế quản
Thuốc long đờm acetylcystein hỗ trợ điều trị viêm phế quản

Trường hợp bị viêm phế quản mãn tính, người bệnh nên tiến hành phục hồi chức năng. Liệu pháp này sẽ thiết kế một chương trình tập thể dục khoa học để giúp bạn điều hòa hơi thở đồng thời giảm các triệu chứng do viêm phế quản gây ra và nâng cao sức khỏe.

Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả

Để giúp giảm nguy cơ biến chứng cũng như phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm phế quản, bạn có thể thực hiện theo các cách sau:

  • Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá
  • Uống nhiều nước mỗi ngày.
  • Tiêm đủ các loại vắc xin cần thiết để bảo vệ sức khỏe cũng như tránh bị cảm cúm và một số tác nhân gây viêm phổi
  • Rửa tay với nước sát khuẩn thường xuyên để giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Hạn chế tiếp xúc với những người đang bị cảm lạnh hoặc cúm nếu như bạn đang gặp phải vấn đề về sức khỏe.
  • Đeo khẩu trang y tế mỗi khi ra ngoài. Nếu bị COPD, bạn nên đeo khẩu trang tại cả nơi làm việc nếu môi trường đó có nhiều khói bụi hoặc cả khi ở nơi đông người.

Viêm phế quản có lây không?

Khả năng lây lan cực cao của virus hợp bào là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh viêm phế quản trở nên nguy hiểm và phổ biến hơn. Virus hợp bào có thể lây lan nhanh chóng qua không khí, thậm chí có thể trở thành một bệnh dịch nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Bệnh viêm phế quản có thể lây lan theo 2 đường chính:

  • Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh:

    • Virus hợp bào lây lan từ người sang người thông qua các giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói chuyện.
    • Khi người bình thường hít phải các giọt bắn này, virus sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
  • Lây lan qua các vật dụng cá nhân:

    • Virus hợp bào có thể sống sót trên các vật dụng cá nhân như khăn mặt, bát, chén, bàn chải... trong vài tiếng đồng hồ.
    • Nếu người bình thường dùng chung các vật dụng này với người bệnh, virus có thể xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

.

Virus hợp bào gây bệnh viêm phế quản lây lan từ người sang người thông qua con đường dịch tiết đường hô hấp
Virus hợp bào gây bệnh viêm phế quản lây lan từ người sang người thông qua con đường dịch tiết đường hô hấp

Viêm phế quản là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp có thể lây lan nhanh chóng. Do đó, người bệnh cần phát hiện và điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Chế độ chăm sóc cho người bệnh viêm phế quản nhanh bình phục

Ngoài nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị, bạn cũng nên nắm được chế độ chăm sóc cho người bệnh viêm phế quản.

Viêm phế quản kiêng ăn gì?

Theo các bác sĩ, những người mắc bệnh này cần cố gắng hạn chế dung nạp những thực phẩm sau:

  • Đồ chiên rán: Các loại thực phẩm chiên rán, chẳng hạn như khoai tây, thịt,… là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân viêm phế quản xuất hiện tình trạng khó thở khi ho, nhất là những người có triệu chứng ho kèm đờm đặc. Do đó chúng làm người bệnh cảm thấy đau đớn nhiều hơn ở vòm họng khi ho.
  • Thực phẩm giàu chất béo: Chất béo không chỉ gây ra sự mất cân đối về cân nặng mà còn là nguyên nhân làm tăng chất dịch nhầy ho ra đờm, từ đó gây ra triệu khó thở của người bệnh viêm phế quản.
  • Thực phẩm quá mặn: Trong quá trình điều trị viêm phế quản, bác sĩ cũng khuyên bạn không nên ăn mặn. Bởi việc ăn mặn sẽ khiến lượng dịch nhầy trong cổ họng tiết ra nhiều hơn. Từ đó các cơn ho triệu chứng diễn ra với tần suất dày đặc hơn, đau và ngứa hơn.
  • Đường tinh chế: Đường tinh chế có hầu hết trong bánh kẹo, chocolate, trái cây đóng hộp và cả sữa có đường. Chúng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị viêm phế quản. Bởi người bệnh ăn nhiều đường tinh chế thường dư thừa lượng đường cần thiết, từ đó làm tăng cảm giác khó thở khi ho. 
  • Thực phẩm cay nóng: Thực phẩm cay nóng chắc chắn sẽ khiến niêm mạc họng bị kích thích và gây ho nhiều hơn. Nguy hiểm hơn, tình trạng kích ứng ở niêm mạc họng nếu kéo dài lâu ngày sẽ dẫn đến viêm loét, nhiễm trùng và các biến chứng viêm phế quản cực kỳ nguy hiểm.
  • Thực phẩm có vị chua chát: Những loại thực phẩm chua chát như dưa muối, sung,...sẽ làm đờm đặc quánh, kết dính, khó khạc nhổ ra ngoài gây khó chịu ở cổ họng.

Người bệnh viêm phế quản cấp tính và mạn tính nên kiêng đồ ăn cay nóng
Người bệnh viêm phế quản cấp tính và mạn tính nên kiêng đồ ăn cay nóng

Viêm phế quản nên ăn gì?

Để điều trị hiệu quả bệnh viêm phế quản, người bệnh cần kết hợp giữa thuốc và chế độ ăn uống hợp lý. Dưới đây là một số thực phẩm tốt nên ăn:

Trái cây và rau xanh: Trái cây và rau xanh là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ dồi dào. Chúng giúp tăng cường sức đề kháng, giảm viêm và hỗ trợ tiêu hóa. Người bệnh nên ăn nhiều trái cây và rau xanh, ưu tiên các loại trái cây đa màu sắc, các loại quả họ cam quýt và các loại rau củ quả giàu chất xơ như súp lơ xanh, nho, táo, cà chua, ớt chuông, bí đỏ,...
Nước: Nước giúp làm loãng chất nhầy, giúp dễ dàng tống ra ngoài. Người bệnh nên uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày, ưu tiên uống nước ấm.
Mật ong: Mật ong có tác dụng kháng viêm và long đờm. Người bệnh có thể pha mật ong với nước ấm, trà gừng hoặc trứng gà để uống mỗi ngày.
Súp gà: Súp gà là món ăn lỏng, dễ tiêu hóa, giúp giảm đau họng và long đờm. Người bệnh nên ăn súp gà nấu với rau củ quả để tăng cường dinh dưỡng.

Ngoài ra, người bệnh viêm phế quản nên tránh ăn các thực phẩm sau:

  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng: Những thực phẩm này có thể gây kích ứng đường hô hấp, làm tình trạng viêm nặng thêm.
  • Thực phẩm lạnh: Thực phẩm lạnh có thể khiến cổ họng bị đau rát hơn.
  • Rượu, bia, thuốc lá: Những chất này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm phế quản.

Người bệnh viêm phế quản nên ăn uống đầy đủ và cân bằng để giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi.

Viêm phế quản là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị khỏi nếu không may mắc phải. Điều quan trọng nhất là khi phát hiện những triệu chứng ban đầu của bệnh, bạn cần tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám và nhận phác đồ điều trị phù hợp. Trường hợp trì hoãn chữa trị, bệnh viêm phế quản hoàn toàn có thể tiến triển nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm như phổi tắc nghẽn mãn tính, suy hô hấp, ung thư phế quản.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
4,246

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

TTƯT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

TTƯT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
19001806 Đặt lịch khám